Chúng ta không thể phủ nhận các lợi ích mà smartphone đã mang lại, nhưng không thể cứ lúc nào cũng phụ thuộc vào nó như thế. Nó đã để lại rất nhiều hậu quả xấu…
Không thể phủ nhận rằng, smartphone giúp cho cuộc sống của chúng ta trôi chảy hơn. Rất nhiều công việc hiện tại phụ thuộc hoàn toàn vào sự thông suốt của mạng di động và tính ứng dụng cũng những phần mềm trên điện thoại thông minh. Đó có thể là khoản tiền được chuyển đi trong tích tắc hay một lệnh phê duyệt để bài báo được xuất bản.
Tuy nhiên, có một điều đáng nói là dường như con người từ việc sáng tạo ra smartphone, đưa nó vào ứng dụng rộng rãi lại đang dần bị nó chi phối ngược trở lại. Bằng chứng là việc nếu đi đâu đó mà không có chiếc điện thoại để chụp rồi đăng lên facebook thì rõ ràng là sẽ bứt rứt lắm, hay như việc gặp bạn bè mà trong lúc các bạn ấy tí toáy online mà mình lại ngồi không thì cũng không được.
Mới đây, bức ảnh về một “đám cưới bị ghét bỏ nhất thế giới” đã lại một lần nữa dấy lên hồi chuông cảnh tỉnh về tình trạng smartphone can thiệp quá đáng vào cảm xúc và cuộc sống của con người.
Trong tấm ảnh là chú rể của lễ cưới, đang đứng tựa vào cây cột bên cạnh để được nhìn thấy cô dâu đang bước ra lễ đường với ánh mắt bất lực. Cô dâu đang tiến về phía anh nhưng lại bị cả rừng “paparazzi” đứng chắn ngang giơ điện thoại lên “tác nghiệp”. Họ đã vô tình trở thành rào cản ngăn cách đôi bạn trẻ thay vì đứng lặng lẽ cảm nhận giây phút thiêng liêng của đám cưới.
Đây không phải là lần đầu tiên chúng ta bị choáng váng bởi cách sử dụng điện thoại smartphone trong những sự kiện đáng lẽ ra phải dành sự tôn trọng cho người khác bằng cách lắng nghe và ngắm nhìn. Hẳn các bạn còn nhớ một bức ảnh nổi tiếng ở Tòa thánh Vantican chụp năm 2013 cho thấy sự khác biệt trong cách người ta ngồi bên dưới để nghe Giáo hoàng thuyết giảng so với bức ảnh chụp trước đó 8 năm.
Nhiều người không khỏi sự kinh ngạc trước tốc độ thay đổi chóng mặt của thế giới trong thời đại công nghệ mới và bức ảnh đã nói lên tất cả. Thời đại này, ai ai cũng có những chiếc điện thoại thông minh hay máy tính bảng gọn nhẹ. Tuy nhiên, cũng phải công nhận rằng chúng ta đang dần trở thành nô lệ của công nghệ rồi.
Nếu đặt riêng 2 bức ảnh trên có lẽ chúng ta sẽ không thấy điều gì đặc biệt. Vậy nhưng, khi gắn kết và đem ra so sánh, chắc chắn nhiều người trong chúng ta sẽ giật mình hoảng hốt về hiện trạng mà chính chúng ta cũng đang nằm trong số đó.
Một bức ảnh nổi tiếng khác cũng từng gây xôn xao truyền thông cả thế giới khi cơn lốc smartphone thậm chí còn quét qua cả gia đình Tổng thống Obama. Sự khác biệt trong hai buổi lễ nhậm chức của ngài Tổng thống được thể hiện một cách rõ rệt. Nếu như năm 2009, tất cả các thành viên trong gia đình im lặng đợi chờ khoảnh khắc quan trọng thì đến năm 2013, mỗi người trong số họ đã có mối bận tâm cho riêng mình.
Nhiều nhà phân tích đã từng gọi hiện tượng này là hội chứng đám đông, rằng khi thấy một người rút điện thoại ra thì ngay lập tức hàng loạt người khác sẽ làm theo. Thật vậy, ngày nay không hề hiếm để chúng ta có thể nhìn thấy những rừng smartphone giơ lên không trung trong những liveshow ca nhạc của các ca sĩ nổi tiếng thế giới.
Smartphone được nhìn thấy ở bất kỳ đâu. Ngoài đường, trong nhà, trên tàu điện ngầm… Chẳng vậy mà đã có rất nhiều câu chuyện được truyền tai rằng vì smartphone mà con người trở nên vô cảm và lãnh đạm hơn rất nhiều. Gặp một sự việc trên đường cần hỗ trợ, đáng lẽ ra phải xắn tay áo vào giúp đỡ, hoặc nếu không thì cũng là gọi điện thoại cho cơ quan chức năng; nhưng tất cả những gì người ta làm chỉ đơn giản là chụp ảnh, quay phim rồi đưa lên mạng xã hội.
Ở Trung Quốc, người ta còn dành hẳn cả một tuyến đường dành riêng để phân biệt những người dùng smartphone khi đi đường hay không. Đây không phải là trò vui mà là lời cảnh tỉnh thực sự cho những ai đã và đang mắc phải chứng “nghiện” điện thoại thông minh như một số nhà khoa học từng nói.
Nomophobia hay còn gọi là chứng ám ảnh điện thoại di động – một hội chứng mà con người cảm thấy lo lắng, bực tức khi không được sử dụng điện thoại thông minh, đã được nhắc đến trong nhiều năm nay. Hội chứng này còn được cho là đã và đang phát triển với tốc độ không thể kiểm soát ở các nước châu Á.
Một nghiên cứu gần đây được thực hiện trên 1.000 học sinh Hàn Quốc cho thấy: 72% trẻ em Hàn Quốc trong độ tuổi 11 – 12 tuổi sở hữu điện thoại thông minh và dành trung bình khoảng 5,4 giờ mỗi ngày để dùng chúng. Thêm vào đó, khoảng 25% học sinh nhỏ tuổi được xem là đã “nghiện” smartphone. Không chỉ vậy, ở Nhật Bản, người ta thậm chí còn ưu ái đặt cho văn hóa điện thoại cái tên riêng là Keitai.
Điều đó cho thấy điện thoại thông minh smartphone đang có sức lan tỏa mạnh mẽ đến nhường nào. Chúng gần như được coi là trung tâm của xã hội. Smartphone rất hữu ích. Điều đó đúng nhưng chỉ trong trường hợp ta biết cách dùng đúng mục đích và không quá bị phụ thuộc vào nó mà thôi.