Thứ Năm, 12 tháng 11, 2015

5 Phút cho Lời Chúa 12/11/2015

Filled under:

NƯỚC THIÊN CHÚA ĐÃ TỚI
“Triều Đại của Thiên Chúa đang ở giữa các ông.” (Lc 17,21)
Suy niệm: Quan niệm của người đương thời về Nước Thiên Chúa đi ngược với lời Chúa Giê-su rao giảng. Đối với họ, Nước Thiên Chúa là một quốc gia trần thế, có vị minh quân cùng với binh hùng tướng mạnh, nhờ đó, họ đè bẹp quân thù, thống trị các dân, tạo nên một vương quốc hùng cường về kinh tế chính trị. Đó là giấc mơ về Đấng Thiên Sai mà họ mong chờ một ngày nào đó được sai đến cho dân tộc họ. Nhưng Chúa Giê-su cho biết, Nước Thiên Chúa đã đến trong con người của Ngài. Người ta có thể gặp thấy nước đó trong các việc Ngài làm, các lời Ngài nói, trong các diễn biến đời sống của Ngài, nhất là trong sự chết và sống lại của Ngài. Chính vì thế lúc khởi đầu cuộc sống công khai, Chúa Giê-su kêu gọi: “Nước Trời đã đến gần. Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.”
Mời Bạn: Mọi lời Chúa Giê-su nói, mọi việc Ngài làm đều là để trình bày cho người ta thấy, hiểu và tiếp nhận Nước Thiên Chúa đang tới trong Ngài và qua Ngài. Bởi vậy tách Ngài ra khỏi Nước Thiên Chúa thì không thể nào hiểu hay sẽ hiểu sai về Ngài. “Chúa Giê-su là đường vì con đường của Ngài là con đường của Nước Thiên Chúa. Chúa Giê-su là sự thật vì sự thật của Ngài là sự thật được tỏ bày nhờ Nước Thiên Chúa. Chúa Giê-su là sự sống vì là sự sống được củng cố nhờ Nước Thiên Chúa” (Song, C.S.).
Sống Lời Chúa: Luôn sống trong tình thân nghĩa với Đức Ki-tô để Nước Thiên Chúa lớn lên trong tôi và trong những người sống quanh tôi.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho chúng con biết kiên trì xây dựng vương quốc tình yêu của Chúa trong các tâm hồn.
THÁNH GIOSAPHÁT
GIÁM MỤC TỬ ĐẠO
"Người mục tử nhân lành hy sinh mạng sống mình vì đoàn chiên". Tất cả cuộc đời Giám mục của thánh Giosaphát có thể thu gọn trong câu nói bất hủ ấy của Chúa Giêsu. Thực vậy, thánh Giosaphát đã quên mình đến tột độ để tranh đấu cho Giáo hội, đưa những kẻ lầm đường trở về chính lộ, và gieo vào lòng tín hữu mầm đức tin sống động.
Thánh Giosaphát chào đời trong một căn nhà nhỏ bé ở một miền quê thuộc nước Balan, khoảng năm 1580. Cha mẹ Giosaphát làm nghề buôn bán, vì thế hai ông bà ít có thời giờ lo việc giáo dục cho cậu. Nhưng bù lại, Giosaphát được hưởng một nền giáo dục đầy đủ nhờ sự săn sóc chăm nom của cha xứ. Ngay từ thơ ấu, Giosaphát đã hấp thụ một tinh thần cầu nguyện sâu xa. Nhiều lần đi học về, Giosaphát mang ảnh thánh giá ra đứng giữa công chúng rao giảng sự thương khó Chúa Giêsu. Ban đầu nhiều người cho cậu bé là kỳ dị, nhưng dần dà, họ như bị thôi miên bởi vẻ mặt sáng láng và lời nói dịu dàng của Giosaphát, đến nỗi có người bỏ cả công việc đồng áng nhà cửa đến nghe cậu giảng.
Trong khi nghe giảng, có lần người ta nhìn thấy ánh sáng huy hoàng từ ảnh thánh giá phát ra và thấu qua trái tim cậu rồi lan tỏa đến những người xung quanh.
Năm lên 17 tuổi, Giosaphát ngỏ ý xin cha mẹ cho vào tu viện, nhưng ông bà thân sinh, vì tham việc làm ăn, lại muốn con kết hôn để nối nghiệp buôn bán, nên cương quyết cản ngăn. Trái lại, lòng Giosaphát lúc nào cũng hướng về đời sống tu trì, nên chàng buôn bán dần dần lỗ hết cả vốn, vì chàng hay bán chịu và gặp kẻ khó nghèo lại cho không. Thấy Giosaphát một mực từ chối đời sống đôi bạn, ông bà thân sinh đành lòng để chàng tự do vào dòng theo ý Chúa. Đang khi Giosaphát sửa soạn lên đường vào tu viện, thì trong nước có bè rối nổi dậy chống Giáo hội. Họ tìm hết cách quyến rũ chàng theo họ, nhưng chàng cương quyết trung thành với Giáo hội. Năm 20 tuổi, thánh nhân nhập dòng thánh Basiliô ở Vilna với ý định dâng trọn cuộc đời trong bốn bức tường để ngày đêm cầu nguyện cho kẻ theo bè rối được trở về ánh sáng đức tin. Nhưng như để thử thách thánh nhân, Chúa đã cho ngài gặp phải một trường hợp đau khổ ngay trong nhà dòng: Cha bề trên nhà dòng lúc ấy cũng theo bè rối, đã bắt thầy Giosaphát phải theo mình. Phân vân trước hai ngả đường, một đàng phải trung thành với Giáo hội, đàng khác lại phải vâng phục bề trên. Nhưng sau những ngày cầu nguyện và suy nghĩ, thánh nhân nhất định không theo bề trên, ngài bảo: "Trong trường hợp bề trên công khai đi trái luật Chúa và Giáo hội, không ai được phép vâng theo". Thế rồi, nhà dòng sinh ra ba bè bảy mối, kẻ theo bề trên, người theo thầy Giosaphát, khiến thánh nhân cũng đã mấy lần bị những anh em lạc đường làm khó dễ. Không lâu, câu chuyện tới tai Đức Giám mục địa phận, ngài đã thẳng tay cách chức vị bề trên lầm lạc kia, sai đi một nơi hẻo lánh để cảnh giác và đặt Giosaphát lên làm bề trên.
Sau hai năm làm bề trên, thầy Giosaphát được thụ phong linh mục. Từ đây ngài chuyên tâm khuyên dụ người lạc đường trở về với Giáo hội, và lo cho những người cùng khốn có nơi ăn chốn ở. Người thời bấy giờ quen gọi ngài là: "Cha của những kẻ khốn cùng". Sau đây là một trong nhiều bằng chứng cụ thể chứng tỏ lòng nhân ái và ơn làm phép lạ của cha: "Một người đàn bà góa bị vỡ nợ, chủ nợ đưa ra toà án, bà không chạy đâu ra tiền để trang trải, ngồi tù thì đoàn con thơ dại phải nheo nhóc đói khổ. Bà chạy vào nhà dòng khóc lóc, kêu xin thánh nhân giúp đỡ. Nhưng sờ túi không có một đồng, ngài chỉ yên ủi mấy câu rồi bảo bà cứ về, sau sẽ hay. Người đàn bà vừa ra khỏi nhà. Ngài liền sấp mặt xuống đất xin Chúa thương giúp đỡ mẹ con bà. Ngửng đầu lên, ngài gặp ngay một trang thanh niên khôi ngô tuấn tú, ăn vận lộng lẫy cúi đầu chào và trao cho ngài một túi và nói: "Chúa sai tôi mang túi vải này xuống cho ngài". Thánh nhân vừa đỡ dậy thì người thanh niên kia đã biến mất. Mở ra xem, thấy có năm mươi đồng vàng, ngài liền đem giúp đỡ mẹ con bà góa.
Năm 37 tuổi, thánh nhân được phong làm Tổng Giám mục thành Pôlôxiô. Lên quản trị giáo phận, ngài vẫn giữ tất cả những phong độ ngày xưa: Thương mến giúp đỡ mọi người, sống đời bình dân giản dị. Đây là lúc ngài phải tranh đấu nhiều với các bè rối. Thánh nhân phải đau khổ rất nhiều vì trong số linh mục giáo phận, nhiều người đã ngả theo phe nghịch đạo, đành tâm phản lại Đức Giám mục. Không nao núng, ngài luôn luôn trông cậy Chúa và đem hết tâm lực thuyết phục những con người bội phản. Nhưng đường lối nhân từ của Đức Giám mục kết quả bao nhiêu, thì bọn người nghịch đạo càng công phẫn bấy nhiêu. Họ tìm mọi cách làm hại vị mục tử hiền từ và tận lực ấy.
Biết dã tâm của họ, nhưng ngài vẫn can đảm bênh vực chân lý. Hai năm sau, ngài lên đường sang thành Vitek để chinh phục những sói rừng đội lốt chiên. Trước khi đi, ngài đã như tiên cảm thấy cái chết nhục nhã đang chờ đợi, nên ngài đã nguyện hy sinh trọn nghĩa cho danh Chúa: "Lạy Chúa, con biết những kẻ thù nghịch của Chúa sẽ giết con, nhưng con sẵn sàng, dâng sự sống con cho Chúa. Con chỉ xin Chúa một điều là cho họ ăn năn trở lại". Và quả thật, như ước đoán của thánh nhân. Một hôm ngài đang nhắc lại lời Chúa Giêsu đã nói với các tông đồ: "Người ta sẽ giết các con mà tưởng rằng làm như vậy là làm theo thánh ý Chúa", thì bên ngoài những thủ hạ của bọn nghịch đạo ầm ầm kéo tới, phá cửa xông vào định trói thánh nhân. Ngài ôn tồn bảo bọn chúng: "Ta đây, các người muốn giết thì giết, song đừng làm hại những người trong nhà này". Vừa dứt lời, ngài bị một mũi gươm đâm thủng từ ngực ra sau lưng. Ngài ngã gục và tắt thở. Bọn côn đồ mang xác ngài bỏ xuống sông. Giáo dân nghe tin, bí mật ra vớt lên, và đem về mai tang trong một nhà thờ. Hôm ấy là ngày 12 tháng 11 năm 1623.
Lạy Chúa, xin vì lời bầu cử của thánh Giosaphát Giám mục tử đạo, ban cho chúng con đức tin mạnh mẽ, luôn luôn trung thành với luật Chúa và luật Giáo hội, nhất là biết sống bác ái với mọi người. Amen.