Thứ Hai, 16 tháng 11, 2015

5 Phút cho Lời Chúa 16/11/2015

Filled under:

SÁNG MẮT SÁNG LÒNG
Đức Giê-su hỏi: “Anh muốn tôi làm gì cho anh?” Anh ta đáp: “Lạy Ngài, xin cho tôi nhìn thấy được.” (Lc 18,41)
Suy niệm: Anh mù thành Giê-ri-cô anh đã dùng lợi thế mạnh nhất và gần như duy nhất là tiếng kêu để làm cho Chúa Giê-su chú ý đến mình. Tiếng kêu của anh là lòng khao khát của anh. Anh kêu to mặc cho đám đông ồn ào. Anh kêu hết sức dù không ít người quát nạt bảo im. Và anh đã được toại nguyện. Anh được Chúa chữa cho sáng mắt và anh nhận biết Ngài. Cuộc đời anh giờ đây đã đổi thay, anh không còn ngồi ở vệ đường nữa, mà nhập vào đoàn người tôn vinh ngợi khen Thiên Chúa. Nhưng để lời kêu gào của anh mở ra đoạn kết có hậu như thế lại cần có một tiếng nói khác, đó là lời Chúa Giê-su gọi anh đến và khẳng định như đinh đóng cột: “Lòng tin của anh đã cứu chữa anh.” Hơn thế, Ngài đã thấy anh từ trước, từ đời đời, như Ngài đã thấy Na-tha-na-en dưới gốc cây vả trước khi ông tới gặp Ngài. Ngài đã chạnh lòng thương ban cho anh một cơ hội được chữa lành không chỉ căn bệnh mù thể lý để anh được sáng mắt, mà còn cho anh được sáng cặp mắt đức tin để anh thấy Chúa và ca tụng Ngài.
Mời Bạn nhắm cặp mắt thể xác của mình lại để cảm nghiệm điều anh mù Giê-ri-cô cảm nghiệm và lắng nghe tiếng Chúa hỏi bạn: “Con muốn Ta làm gì cho con?” Tội lỗi nào? Nết xấu nào? Trăn trở nào bạn muốn được Chúa cứu thoát ra? Bạn hãy thưa với Ngài: “Lạy Chúa, xin cho con được thấy.”
Sống Lời Chúa: Để có thể “thấy” Chúa và “thấy” chính mình, bạn hãy dành thời gian thích đáng để suy niệm khi bắt đầu một ngày và để xét mình khi kết thúc một ngày sống.
Cầu nguyện: Đọc kinh Sáng Soi.
                                    THÁNH MAGARITA HOÀNG HẬU XỨ SCỐTLEN 
THÁNH GERTRUĐÊ ĐỒNG TRINH
THÁNH MAGARITA HOÀNG HẬU XỨ SCỐTLEN
(+1093)
"Duyên sắc nở trên miệng người. Vì Thiên Chúa đã chúc phúc cho người đời đời và trong huy hoàng mỹ lệ, người vui sướng tiến lên và thống trị".
Phải chăng Giáo hội còn lời nào đẹp hơn để ca khen các nữ tôi tớ của Thiên Chúa, và cách riêng thánh nữ Magarita mà chúng ta đọc truyện hôm nay!
Tuy ra đời giữa lúc gia đình gặp cảnh lưu vong, Magarita vẫn được may mắn sống những ngày thơ ấu êm đềm và hưởng thụ một nền giáo dục chu đáo về hai phương diện trí dục và đức dục.
Năm 1054, lúc đó Magarita lên 10 tuổi, vua Canút băng hà, gia đình Magarita trở về nước. Nhưng không được mấy năm thì ông cậu ngài là thánh Êđua qua đời và những vụ sát hại lại lan tràn. Nhiều cuộc tranh chấp giữa Harold và Guillaume Normandi xảy ra, bắt buộc gia đình thánh nữ lại phải di cư sang miền Scốtlen. Trên đường đi, cha ngài từ trần, phủ lên đầu thánh nữ tấm khăn tang đầy đau xót.
Sang tới Scốtlen, cả gia đình Magarita được vua Malcolm III đón tiếp nồng hậu. Sự giúp đỡ của nhà vua và nhân dân bản xứ đã băng bó vết thương của cả gia đình trong cảnh lưu lạc… Hơn thế, quãng năm 1070, nhà vua còn ngỏ ý xin cưới Magarita. Tâm đầu ý hợp, một lễ "cưới quốc gia" được cử hành rất trọng thể tại Dunfermline trong ba ngày. Dân chúng Scốtlen hân hoan đón tiếp tân Hoàng hậu vừa có nhan sắc lại vừa có đức hạnh.
Trong cuộc đời mới, Magarita hằng tâm niệm sẽ chu toàn bổn phận của một người vợ, người mẹ và Hoàng hậu hầu thánh hóa bản thân và làm gương sáng cho mọi người. Quả thế, nếu trước khi lập gia đình, thánh Magarita nổi tiếng là một thiếu nữ thánh thiện, duyên dáng trong đoan trang, dịu hiền trong bác ái, thì từ khi lãnh sứ mệnh mới, ngài càng tỏ ra xứng đáng với ơn Chúa và sự mong đợi của mọi người. Chép lịch sử triều vua Malcolm III, một sử gia đã viết: "Xứ Scốtlen cường thịnh nhờ có quân vương Malcolm III, tài khéo và chính trực, nhất là nhờ ở một bà Hoàng hậu, kể được là duy nhất trong lịch sử, với nhiều nhân đức cao cả. Chính ngài đã giúp đỡ nhà vua, làm gương cho các quan và lôi cuốn toàn dân tiến vào con đường ánh sáng". Thực vậy, nhờ sự khuyên bảo của Hoàng hậu, nhà vua không bao giờ dám chiều theo khuynh hướng xấu hay làm một điều gì tai ác. Cũng vì kính trọng văn hóa và sự khôn ngoan của Hoàng hậu, nhà vua còn để toàn quyền cho Hoàng hậu trong việc hoạch định chương trình giáo huấn dân chúng Scốtlen theo tinh thần Phúc âm. Hoàng hậu Magarita vì vậy đã nỗ lực gây tinh thần đạo đức cho thần dân. Nhờ ngài, số giáo dân rước lễ mùa Phục sinh đã tăng lên gấp bội, và nhiều gia đình rối được điều chỉnh lại cho hợp thức. Thánh nữ còn tập cho dân giữ mùa chay ngay từ ngày lễ tro, đúng như thói quen của Giáo hội. Sau cùng, được sự thoả thuận của nhà vua, Hoàng hậu đã cho xây cất một thánh đường trang hoàng rất lộng lẫy dâng kính Chúa Ba Ngôi.
Riêng trong hoàng cung thánh nữ đảm đương hết mọi việc. Chính tay ngài đan hoặc may cắt quần áo cho vua. Hiểu tính vua, ngài sắm sửa các đồ trang hoàng trong nhà khá lộng lẫy. Điểm chú ý là ở các cửa ra vào trong hoàng cung, ngài đều treo ảnh Thánh Giá bằng vàng hay bằng ngọc. Gắn liền ở dưới những lời than thở rất vắn tắt trích trong Thánh vịnh hay Thánh thư. Phụng dưỡng chồng và chăm sóc giáo dục các con, đó là hai việc thánh nữ lo hoàn tất và thánh hóa hơn cả. Ngài thường nói: "Chắc Chúa sẽ không bằng lòng khi thấy tôi làm những việc khác, đang khi sao nhãng bổn phận làm vợ và làm mẹ trong gia đình". Ngài sinh hạ được sáu hoàng tử và ba công chúa. Tất cả đều theo gương mẹ sống đời đạo đức tốt lành. Hoàng tử thứ sáu tên là Đavít, sau được dân tôn kính như một vị thánh. Riêng công chúa Edith, lớn lên đẹp duyên với Hoàng đế nước Anh và về sau được phong thánh mang danh hiệu thánh nữ Mathilđa.
Thực ra, để thu lượm những kết quả trên, Hoàng hậu Magarita phải có một đời sống nội tâm phong phú và bác ái dồi dào. Viết về đời sống của ngài, một vị quan trong triều đã ghi như sau: "Mỗi buổi sáng, sau khi đã rửa chân cho sáu người nghèo, dọn bữa cho chín trẻ mồ côi, ngài cùng với mấy nữ tỳ đi thăm viếng, an ủi và ban đồ ăn hay quần áo cho các bệnh nhân và người nghèo. Chính những người nghèo khó bệnh tật cần được nghe lời nói an ủi, họ được nhìn thấy thái độ và nét mặt thông cảm của ngài cũng đủ để tâm hồn hoan lạc. Suốt ngày làm những công việc bác ái như thế, đêm đến ngài lại thức cầu nguyện. Đêm đêm, sau mấy giờ nghỉ ngơi, thánh nữ chỗi dậy đọc các kinh ban mai về lễ Chúa Ba Ngôi, lễ kính Thánh giá, lễ kính Đức Mẹ và kinh cầu cho các linh hồn luyện ngục. Trong mùa vọng và mùa chay, thánh nữ dự mỗi ngày hai ba lễ và rước lễ hằng ngày. Đời sống bác ái và đạo đức ấy đã đáng Chúa thưởng ban cho Hoàng hậu nhiều ơn cao quý đặc biệt như: biết trước việc sắp xảy đến. Ngài báo cho dân chúng biết ngày đau thương xảy đến cho tổ quốc: Quân vương Malcolm III sẽ bị tử trận cùng với Hoàng tử Eđua trong một cuộc viễn chinh.
Chính ngài cũng biết trước ngày qua đời của mình, vì thế, thánh nữ lo dọn mình cách rất sốt sắng, chuẩn bị bước vào cửa trời.
Trong những ngày nằm trên giường bệnh, thánh Magarita chỉ nhận Mình Thánh Chúa làm của ăn và thuốc uống duy nhất.
Ngài luôn tay giữ cây Thánh giá, hôn kính rất âu yếm và thành tín. Khi được tin nhà vua và con trai đầu lòng tử trận, thánh nữ cũng không tỏ vẻ buồn phiền, chỉ coi đó là ý Chúa Quan phòng muốn cho gia đình ngài mau được đoàn tụ trên trời. Với vẻ mặt vui mừng, ngài gượng dậy cùng với gia nhân cất kinh cảm tạ Thiên Chúa. Nhưng vừa đọc hết câu "Lạy Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa hằng sống, xin giải thoát con", ngài êm ái lịm đi trong tình yêu vĩnh cửu! Hôm ấy là ngày 16 tháng 11 năm 1093. Nét mặt ngài vẫn tự nhiên xinh đẹp như khi còn sinh thời. Xác thánh nữ được mai táng tại nhà thờ Chúa Ba Ngôi thuộc tỉnh Dunfermline, bên cạnh mồ vua Malcolm III. Nối liền với hai phần mộ, người ta đặt một tấm bia bằng đá quí có khắc dòng chữ vắn tắt như sau: "Thánh Malcolm Vua và thánh Magarita Hoàng hậu, là cha mẹ dân Scốtlen, là con cái hiếu thảo của Giáo hội Chúa Kitô, và là tấm gương muôn đời cho những kẻ ở bậc đôi bạn".
Lòng tôn kính vua Malcolm III và cách riêng thánh nữ Magarita bắt đầu từ đó. Thánh Magarita được tuyên phong hiển thánh ngày 21.9 năm 1250. Sau nhiều lần thay đổi dưới các triều Giáo Hoàng, lễ kính ngài được Đức Giáo Hoàng Innôcentê XII, năm 1693 định vào ngày 10.6 hằng năm. Đến năm 1673, Đức Giáo Hoàng Clêmentê X đặt thánh nữ làm quan thầy xứ Scốtlen theo như đơn xin của hội đồng Giám mục bản xứ.
Vinh dự thay và cũng nặng nề thay chức phận làm mẹ và làm vợ trong gia đình của người phụ nữ. Chớ gì các bà mẹ, các người làm vợ hãy biết noi gương thánh Magarita để chu toàn và thánh hóa bổn phận cao quí của mình đối với chồng con trong gia đình. Đó chính là sứ mệnh của người phụ nữ, là con đường Chúa muốn các bà bước theo để nên thánh vậy.
* THÁNH GERTRUĐÊ ĐỒNG TRINH"
Cũng như thánh nữ Magarita Maria, thánh nữ Gertruđê là chiến sĩ rao giảng lòng tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu.
Thánh nữ là người thứ nhất được Chúa tỏ Trái Tim cho vì cũng là người thứ nhất cổ động phong trào đền tạ Thánh Tâm Chúa.
Thánh nữ Gertruđê sinh vào một đêm sáng năm 1264, làng Hêlêben thuộc xứ Saxa. Trong miền quê nhỏ bé này, nào có ai biết sẽ có sự gì mới lạ, nhưng mấy chục năm sau khi thánh nữ qua đời, người ta mới nhận ra rằng, đêm hôm ấy là một đêm lịch sử khởi đầu cho một kỷ nguyên truyền bá lòng tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu. Thánh nữ như đã được Chúa kén chọn để thi hành sứ mệnh đó ngay từ lúc còn thơ bé. Lúc mới lên năm tuổi, Gertruđê đã được cha mẹ gửi vào học tại dòng chị em thánh Biển Đức. Nơi đây, Gertruđê đã làm cho các chị nữ tu phải bỡ ngỡ về trí thông minh và đời sống đạo đức của mình. Gertruđê đã tuân giữ luật dòng một cách hết sức anh hùng, nhất là đức vâng phục. Người ta còn kể lại, một buổi tối kia, trời trở bão, nhà cửa bị gió thổi trốc hết nóc, cột kèo ngả nghiêng như muốn đổ. Để thử đức vâng lời, mẹ bề trên bảo Gertruđê ra ôm một cây cột để giữ cho nhà khỏi đổ. Mặc dầu biết sức mạnh không có ăn nhằm gì với sức gió, nhưng vì vâng lời, Gertruđê cũng ra ôm chặt cây cột. Mãi gần sáng Mẹ bề trên mới sực nhớ rằng mình đã sai Gertruđê đi giữ cột, cho người ra kêu thì thấy Gertruđê rét run cầm cập, hai tay vẫn ôm cây cột.
Sẵn có trí thông minh và nhân đức, bề trên cho phép Gertruđê được học tiếng La tinh và khoa học phần đời. Nhưng vì quá ham mê học hành, nên Gertruđê sút kém đường nhân đức, không còn năng tưởng nhớ tới Chúa như trước nữa.
Trước tình trạng đó, mẹ bề trên cũng không hay biết tâm hồn Gertruđê có gì thay đổi. Vì muốn chọn Gertruđê làm chiến sĩ tiền phong của tình yêu Thánh Tâm, nên Chúa Giêsu đã đích thân hiện đến cảnh cáo thánh nữ. Được Chúa quở trách, thánh nữ buồn phiền đau đớn vô cùng. Ngài xin Mẹ bề trên cho phép nghỉ các môn học khác, để chỉ chú tâm vào khoa học yêu mến Chúa mà thôi. Từ đây Gertruđê ngày đêm nghiền gẫm Kinh Thánh, học thần học và tìm hiểu đường lối tu đức.
Giai đoạn luyện lọc và tẩy rửa đã tạm xong. Khi Gertruđê 20 tuổi, Chúa Giêsu muốn dạy cho thánh nữ những bài học sống động mà không một cuốn sách nào ở trần gian có thể dạy được. Đó là bài học bao la của Trái Tim Chúa đối với loài người, mà loài người lại coi thường lòng thương yêu đó. Có lần thánh nữ đã chết ngất đi hồi lâu vì thấy Chúa cao cả quá, còn mình thì hèn hạ như phân bớn. Từ đấy thánh nữ luôn luôn sống dưới cái nhìn yêu thương của Chúa Giêsu. Từ việc ăn uống, ngủ nghỉ, đến những việc đạo đức hằng ngày, việc gì ngài cũng nhờ Chúa Giêsu đến cộng tác, y như thể Chúa Giêsu cùng ăn uống ngủ nghỉ với ngài vậy. Lúc ấy trong dòng có một nữ tu hết sức đạo đức tên là Mêtinđê đã được chứng kiến những cuộc xuất thần của thánh nữ Gertruđê. Một hôm khi Mêtinđê đang đọc kinh trong nhà thờ thì thấy Chúa Giêsu hiện ra sáng láng uy nghi, Gertruđê quỳ bên cạnh, đôi mắt dính lệ vào ánh hào quang, không động đậy, mắt cũng trở nên sáng láng. Rồi Gertruđê trở nên nhẹ nhàng cất mình lên khỏi mặt đất một lúc lâu. Trong khi đó, Mêtinđê nghe thấy Chúa Giêsu đàm thoại thân mật với Gertruđê: "Đó là cách yêu mến cha tốt nhất, dù ăn uống ngủ nghỉ, hay làm bất cứ một công việc gì, con cũng cứ nhớ đến Cha luôn, làm theo ý Cha và như thế, Cha sẽ làm thay cho con nhiều". Từ đấy, càng ngày, Gertruđê càng coi sự sống của mình thuộc hẳn về Chúa Giêsu, và việc nào làm mà không dâng cho Chúa thì ngài lấy làm đau khổ vô cùng, coi mình như kẻ phản nghịch, như kẻ trộm cướp của Chúa vậy.
Thánh nữ có lòng tôn sùng phép Thánh Thể một cách hết sức nồng nàn. Một nửa ngày ngài làm việc để dọn mình chịu lễ, và một nửa ngày để cám ơn. Người ta còn viết lại rằng: Một hôm, khi sắp lên rước lễ, ngài thấy lòng mình lạnh lẽo khô khan, chưa biết dọn lòng làm sao cho xứng đáng thì ngài buồn rầu phàn nàn quá sức. Nhưng thánh nữ đã khiêm nhường trông cậy vào Chúa và lên chịu lễ như thường. Bỗng nhiên thánh nữ ngất trí và say sưa nhìn Chúa Giêsu đang cho xem những vẻ đẹp đẽ lộng lẫy của một linh hồn chịu lễ sốt sắng. Thánh nữ đã có lần thốt lên: "Ai lên bàn thánh rước Mình Thánh Chúa, mà lại hay nói hành bỏ vạ, không có lòng thống hối, thì cũng chẳng khác chi người tiếp đón một thượng khách mà lại giơ chân đấm đá người khách đó trước khi họ bước chân vào nhà". Vì thế thánh nữ đã được Chúa Giêsu hiện ra nhiều lần và giúp ngài chịu lễ cách sốt sắng thật.
Thuở ấy, Chúa Giêsu chưa có ý định bày tỏ Thánh Tâm Ngài cho nhân loại, nhưng nhiều lần Ngài đã nhắn nhủ Gertruđê hãy năng chạy đến ẩn mình trong Trái Tim Ngài; nhất là khi phải đau phiền. Một hôm bị ma quỷ cám dỗ, thánh nữ đọc kinh chia trí nhiều quá, ngài buồn rầu thưa cùng Chúa: "Lạy Chúa, con làm việc như vậy nào được ích gì? Xin Chúa nâng đỡ con". Bỗng nhiên Chúa Giêsu tỏ Thánh Tâm cho thánh nữ và nhắn nhủ: "Đây là Thánh Tâm Cha, các việc con làm, con hãy làm vì Thánh Tâm Cha, như thế, những việc lành thánh sẽ được Máu Cực Thánh Trái Tim Cha rửa cho sạch". Thế là Gertruđê đã trở nên một chiến sĩ nhiệt thành cổ động cho lòng tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu mà mãi bốn thế kỷ sau thánh nữ Magarita Maria mới truyền bá cho cả loài người. Sách chép hạnh thánh nữ kể lại rằng: Có lần Chúa Giêsu đã đổi Thánh Tâm Ngài cho thánh nữ và nhận lấy trái tim của thánh nữ để ngài được yêu mến và nhận biết lòng Chúa hơn. Lần khác, Chúa lại hiện ra và nói với thánh nữ Mêtinđê: "Không có nơi nào Cha thích ngự xuống bằng lòng thánh nữ Gertruđê". Được nhìn thấy Thánh Tâm Chúa Giêsu, thánh Gertruđê thường run sợ vì loài người yêu Chúa quá ít. Vì thế, một hôm ngài nức nở than khóc: "Lạy Chúa, con biết làm gì để đáp lại lòng Chúa yêu con? Con bội bạc cùng Chúa quá nhiều, xin Chúa dạy con". Lập tức thánh nữ được Chúa dạy bảo: "Hãy bỏ ý riêng mình và theo ý bề trên, đó là yên ủi Cha, Đấng đã bị quân dữ bắt sỉ nhục, hãy cáo tội lỗi mình với những người đại diện Cha, như thế con sẽ xoa dịu được những vết thương Cha đã chịu. Hãy thống hối, ăn năn cầu nguyện cho kẻ có tội và yêu mến Thánh Tâm Cha nhiều hơn, như thế con sẽ làm nhẹ bớt được phần nào gian khổ Cha đã chịu trong giờ hấp hối". Những lời căn dặn ấy, Chúa đã truyền cho thánh nữ ghi chép lại để răn dạy cho loài người.
Người chiến sĩ của Thánh Tâm Chúa Giêsu đã đền đáp được phần nào tình thương hải hà của Chúa đối với nhân loại bằng cách yêu, yêu thật nhiều và làm cho nhiều người yêu mến phạt tạ Thánh Tâm. Ngày 15 tháng 11 năm 1307, thánh nữ đã vĩnh biệt cõi trần, về ẩn mình trong Thánh Tâm Chúa Giêsu muôn đời…