1. Bối cảnh:
Chúng ta bước vào tuần thứ nhất Mùa Vọng, đáng lý ra phải được nghe những bài Tin Mừng báo tin Đấng Cứu Thế sẽ sinh ra. Nhưng bài Tin Mừng hôm nay lại báo tin Chúa sẽ đến trong ngày phán xét. Tại sao? Hằng năm vào mùa Vọng, Giáo hội mời gọi chúng ta chuẩn bị tâm hồn để đón Chúa đến. Thực ra Chúa đã đến rồi khi sinh ra tại hang đá Bêlem cách đây hơn 2000 năm. Tuy nhiên chúng ta vẫn luôn chờ mong vì Chúa đến hằng ngày với chúng ta, và nhất là Chúa sẽ đến trong ngày phán xét. Việc Chúa đến lần thứ hai đưa ra những hướng dẫn quan trọng cho cuộc đời chúng ta.
2. Loại văn:
Trong bài Tin Mừng này, Thánh sử Luca mượn ngôn ngữ khải huyền của Cựu Ước để nói về lần thứ hai Chúa đến, đó là ngày quang lâm. Loại văn chương này xuất hiện tại Israel, hai thế kỷ trước Chúa Giêsu, và kéo dài sau đó một thế kỷ. Lối văn Kinh Thánh này tiếp theo thời kỳ ngôn sứ. Mọi hy vọng của các ngôn sứ đều đã đổ vỡ: dân Israel, thay vì được độc lập lại bị tháp nhập và chịu lệ thuộc các đế quốc ngoại giáo liên tiếp, khiến người ta có cảm tưởng là lịch sử đã thoát khỏi bàn tay điều khiển của Thiên Chúa. Đó là một thử thách cho đức tin. Do đó, trào lưu khải huyền muốn phục hồi niềm hy vọng, bằng cách dù gặp thất bại, vẫn lớn tiếng hô lên sứ điệp của các ngôn sứ: Thiên Chúa là chủ tể lịch sử. Ngài sẽ chiến thắng sự dữ. Vì không ai biết chiến thắng sẽ được thực hiện như thế nào, nên người ta diễn tả bằng một thứ ngôn ngữ ước lệ, với những hình ảnh vũ trụ vĩ đại và lộng lẫy.
Loại văn Khải huyền khác với loại văn Ngôn sứ như thế nào? Có thể tóm tắt sự khác biệt vào 3 điểm sau:
Điểm thứ nhất: Loại văn Khải huyền có tính cách thuần túy và chuyên môn. Ngôn sứ chỉ rao giảng, và sách của ngôn sứ là tuyển tập những diễn văn của ông, còn Khải huyền là một tác phẩm được sáng tác theo những quy luật văn chương chặt chẽ.
Điểm thứ hai: Khải huyền là loại văn mượn danh và được gán cho một nhà thấu thị nào đó có thế giá trong quá khứ. Còn Ngôn sứ rao giảng cách công khai cho dân chúng mà ông có trách nhiệm.
Điểm thứ ba: loại văn Khải huyền có mục đích loan báo thế mạt. Các sách Khải huyền bao giờ cũng được viết ra trong thời kỳ khủng hoảng, quy hướng về tương lai trông đợi ngày phán xét kẻ lành người dữ và ơn cứu rỗi. Các Ngôn sứ cũng có loan báo về ngày Thiên Chúa phán xét, nhưng không mô tả ngày đó, trọng tâm của họ là thời hiện tại lúc họ tìm cách làm cho thính giả tin và hoán cải.
3. Tìm hiểu bản văn:
a) Ngày cánh chung và Con Người đến (25-28)
Ngày cánh chung được miêu tả như thế nào? “Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các vì sao. Dưới đất, muôn dân sẽ lo lắng hoang mang trước cảnh biển gào sóng thét….”.Trước tiên, bài Tin Mừng hôm nay nhắc tới mặt trời, mặt trăng, các ngôi sao và biển, nhưng cho thấy sẽ có một tình trạng đảo lộn so với “lúc khởi đầu” như đã nói trong Sách Sáng Thế (x. St 1,1-2). Các sức mạnh đang giữ cho vũ trụ có trật tự sẽ bị đảo lộn và vũ trụ lại trở về với tình trạng trước tạo dựng. Bài Tin Mừng cho thấy những điều kinh khủng những xáo trộn sâu xa trong vũ trụ vào ngày Chúa đến. Ở đây, chúng ta không nên hiểu mọi hình ảnh ấy theo nghĩa đen.
Điều quan trọng hơn là những xáo trộn nơi lòng người: lo lắng hoang mang sợ hãi đến hồn xiêu phách lạc. Thánh Luca nhấn mạnh đến phản ứng của con người trước những biến cố, nghĩa là nhắm đến thảm kịch của con người hơn là một xáo trộn của vũ trụ. Con người và vũ trụ liên kết mật thiết với nhau. Trước kia là hỗn độn, hoang vu. Thiên Chúa can thiệp khi tạo dựng đất trời, sắp xếp đâu vào đấy: Thiên Chúa làm cho cảnh hỗn mang nguyên thuỷ biến thành vũ trụ diệu kỳ, và giao cho con người làm chủ vũ trụ. Nhưng con người làm đảo lộn vũ trụ bằng sự gian ác của mình. Vì vậy, vũ trụ dường như chìm trở lại trong cảnh hỗn mang nguyên thuỷ. Ngày cánh chung, Thiên Chúa quyết liệt can thiệp, để tái tạo trật tự, để làm cho xuất hiện một trật tự mới với “Trời mới, Đất mới”. Vì thế, “các tầng trời rung chuyển” là để trở lại trong trật tự tự do Thiên Chúa sắp xếp. Vậy, ngày cánh chung có hai mặt: mặt tối là sự phán xét, huỷ diệt một trật tự đã bị đảo lộn; còn mặt sáng là sự xuất hiện một trật tự mới, trong đó Dân Chúa được hạnh phúc.
Con Người đến được Luca mô tả thế nào ?
Sự xuất hiện của Con Người được mô tả ở đây lấy trong truyền thống Đaniel 7, 13-14, trong đó Con Người đại diện cho “dân các thánh của Đấng Tối Cao”, được ban cho quyền hành tối cao sau khi đã trải qua các thử thách (x. Đn 7,18.22.27).
Đức Giêsu nhận lấy danh hiệu “Con Người” như danh hiệu riêng, diễn tả vai trò của Người là Đấng Cứu Độ, Đấng gánh vác định mệnh của loài người. Con Người đến trên mây trời. Mây thường được truyền thống xem là xa giá của Thiên Chúa. Như Thiên Chúa, Đấng xuất hiện trong quyền năng và trong ánh sáng rực rỡ, Con Người cũng tham dự vào uy linh tối thượng của Thiên Chúa. Những hình ảnh lấy trong truyền thống nhằm cho thấy sự uy nghiêm quyền linh của Chúa Kitô.
Để kết thúc bản văn này, Lc ghi lại một lời khuyên của Đức Giêsu: “Khi những biến cố ấy bắt đầu xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc” (c. 28). Người mời gọi sống niềm hy vọng. Các dấu hiệu và các biến cố Đức Giêsu vừa loan báo thì thật đáng sợ. Nhưng các tín hữu của Đức Giêsu không có gì phải sợ các biến cố này, vì chúng tỏ bày chiến thắng và quyền chúa tể của Thầy họ. Khi sống trong những đảo lộn của thế giới này, họ phải nhận biết rằng Nước Thiên Chúa đang đến gần và đã tới lúc họ được cứu chuộc.
- Đứng thẳng: đây là tư thế của người biết mình sắp được giải phóng, đứng thẳng, đứng vững, đầu ngẩng cao, lòng tràn ngập hy vọng và hân hoan vui sướng trước chiến thắng dứt khoát và trọn vẹn của Vua Giêsu.
- Ngẩng đầu lên: đây là động thái hướng thượng, vươn mình lên tới những giá trị cao cả.
b) Hãy tỉnh thức và cầu nguyện (34-36)
Chúng ta thấy có hai điều Chúa dạy chúng ta phải thực hiện.
- Điều thứ nhất là chúng ta phải giữ mình để khỏi bị say mê cuốn hút vào các vui thú và các sinh hoạt trần thế; nghĩa là chúng ta phải biết đề phòng hai kẻ thù của linh hồn chúng ta là những đam mê xác thịt và những quyến rũ của thế gian.
- Điều thứ hai là chúng ta phải tỉnh thức và cầu nguyện để luôn được yêu mến kết hợp với Chúa và chiến thắng ma quỷ là kẻ hằng ghen ghét và tìm cách hãm hại chúng ta.
Tại sao phải tỉnh thức? Việc Chúa đến không còn được loan báo bằng những dấu hiệu, như ở cc.11.25.28 nữa; nhưng được báo là sẽ xảy ra bất thình lình và không thể tiên liệu. Con Người đến bất ngờ như kẻ trộm. Vì thế, các môn đệ hãy chuẩn bị đón biến cố đó bằng cách sống trung thành.
Trong thực tế, đối với Lc, sẵn sàng chính là luôn luôn lo công việc mà Thầy đã giao phó cho các tôi tớ Người (12,35-48); đó cũng là “cầu nguyện luôn luôn không bao giờ nản chí”, như Ngài đã nhắc nhở (18,1). Nhờ sự trung thành và cầu nguyện, người môn đệ chẳng sợ gì các thử thách vào lúc Cùng Tận, nhưng ngược lại sẽ có thể đứng vững khi bị Con Người xét xử.
Tại sao phải cầu nguyện luôn luôn?
Việc cầu nguyện chứng tỏ chúng ta cậy dựa vào Chúa, chứ không dựa vào sức riêng của mình. Muốn có được tâm tình cầu nguyện liên lỉ, chúng ta phải đi vào trong tương quan tình yêu. Vì yêu ai thì tự nhiên muốn nói chuyện với người đó, muốn ở với người ấy trong mọi nơi, mọi lúc.
Đức Giêsu muốn nhắc nhở chúng ta rằng, mỗi ngày đều có thể là ngày Chúa đến. Và cầu nguyện, trong viễn tượng đó, là một thứ “canh phòng”, chứ không phải là một chạy trốn.
4. Gợi ý suy thêm:
- Tôi đã quan niệm thế nào về ngày Chúa đến và có thái độ nào đối với ngày ấy ?
- Kinh Thánh dạy phải quan niệm thế nào và phải có thái độ nào ?
- Đối với tôi, tỉnh thức là gì ? Cái gì thường làm tôi mê ngủ ?
- Làm thế nào để cầu nguyện luôn luôn ?
- Tại sao Phụng vụ lấy lại đoạn Tin Mừng này để bắt đầu năm Phụng vụ và chuẩn bị cho chúng ta đón Chúa sinh ra ? Vậy chúng ta phải sống Mùa Vọng như thế nào ?
Sr. Anna Hoàng Thị Kim Oanh, OP