Thứ Sáu, 20 tháng 11, 2015

Suy Niệm Phúc Âm Chúa Nhật XXXIV TN B (Lễ Chúa Giêsu Kitô Vua Vũ Trụ)

Filled under:

Chính ngài nói tôi là vua.
          Kính chúc Quý Vị, Quý Bạn cùng Quý Quyến, luôn an mạnh; chúng ta đọc, tìm hiểu, học hỏi Phúc Âm để thêm vững tin:
          Ngay đương thời Chúa Giêsu, trong dân tộc Do Thái, nhiều người vẫn hiểu vua là một người tàn bạo, bán nước, chỉ biết theo thực dân để củng cố ngai vàng của mình, không kể gì nước mất dân khổ. Vua cầm quyền cho đến chết, rồi truyền ngôi lại cho con cháu của mình, dường như nước và dân đều là tài sản của dòng họ mình. Thiên Chúa không muốn cho người ta hiểu Ngài là vua theo những ý nghĩa này, và không muốn cho nhân loại sợ hãi tôn thờ Ngài như thế.
          Vua phải thương dân, lo cho dân có hạnh phúc, cả vật chất, cả tinh thần. Không ai thương yêu lo lắng cho người ta bằng Thiên Chúa. Với ý nghĩa đó, Chúa Cứu Thế thực là Vua của cả nhân loại, không phân biệt nước này với nước khác, dưới đất và trên trời. Mọi người đều là công dân của Thiên Chúa theo nghĩa kính mến và vâng phục, trung thành, hết lòng hết sức mình.
             Thiên Chúa có chân lý, hay nói đúng hơn, Thiên Chúa là chân lý. Thiên Chúa biết đúng hoàn toàn. Có biết chân lý và làm theo chân lý, là có biết đúng và làm đúng mới xây dựng hạnh phúc, ngày nay dưới đất và mai sau trên trời./-
 (Tháng Mười Một, gia tăng việc tế lễ, cầu nguyện, hy sinh, hãm mình, bố thí ….. chỉ cho các linh hồn nơi luyện ngục, họ đang trông chờ chúng ta)./-
          Thân mến, vh.
Sunday, 22.Nov.2015
 
CN  XXXIV  THƯỜNG NIÊN  B  (Ga 18,33-37)
                (CHÚA GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ)
 
1. Bài Đọc
            “Phi-la-tô trở vào trong tòa án. Ông gọi Chúa Giêsu và hỏi: ‘Ông có phải là vua người Do Thái chăng?’. Chúa Giêsu hỏi lại: ‘Tự ngài nói về tôi như thế hay là có người khác đã nói với ngài?’. Phi-la-tô mới nói: ‘Tôi đây cũng là người Do Thái hay sao? Dân tộc ông và các thượng tế đã nộp ông cho tôi. Vậy ông đã làm gì?’. Chúa Giêsu đáp lại: ‘Nước tôi không thuộc về thế gian này (1). Nếu nước tôi thuộc về thế gian này, thì người của tôi đã chiến đấu để tôi không bị nộp cho người Do Thái; nhưng nước tôi không thuộc về thế gian này’. Phi-la-tô hỏi lại: ‘Vậy ông là vua ư?’. Chúa Giêsu mới đáp: ‘Chính ngài nói tôi là vua (2). Tôi sinh ra và đến trong thế gian này (3) để làm chứng cho chân lý. Ai thuộc về chân lý (4) thì nghe tiếng tôi”.
 
2. Chú Thích
            (1) Không thuộc về thế gian này: Có bản dịch: Không ở thế gian này.
            (2) Chính ngài nói tôi là vua: Nhiều bản dịch tách ra hai phần: Chính ngài nói điều ấy, tôi là vua.
            (3) Đến trong thế gian này: Có bản dịch: Chỉ đến trong …
            (4) Ai thuộc về chân lý: Có bản dịch: Ai do chân lý mà ra.
 
3. Suy Niệm
            (1) Theo lời Chúa Giêsu phán, thì dường như Chúa Giêsu do dự không muốn nói rõ Người là Vua hay không. Trước là vì người ta đã hiểu rất sai lầm về vua. Ngay đương thời Chúa Giêsu, trong dân tộc Do Thái, nhiều người vẫn hiểu vua là một người tàn bạo, bán nước, chỉ biết theo thực dân để củng cố ngai vàng của mình, không kể gì nước mất dân khổ. Xưa nay, nhiều người tưởng vua là một người độc tài độc đoán, có toàn quyền sinh sát muốn làm gì cũng được, nước và dân là của mình, rồi tha hồ thu đoạt tài sản của dân, sống một cuộc đời giàu sang phóng đãng. Theo chế độ quân chủ, vua cầm quyền cho đến chết, rồi truyền ngôi lại cho con cháu của mình, dường như nước và dân đều là tài sản của dòng họ mình. Vì đó, có nơi, vua bất cứ là nam hay nữ, lớn hay nhỏ, trẻ hay già, thông minh hay ngu dốt, khôn ngoan hay dại dột, người dân chỉ phải cúi đầu vâng phục. Theo chủ nghĩa lập hiến, tuy có cơ quan đặt hiến pháp và lo việc hành pháp cùng tư pháp, nhưng vua cũng còn giữ quyền chung thẩm, và có đủ giàu sang lộng lẫy, không những riêng mình, lại còn cả gia đình (hoàng gia), có khi cả dòng họ xa gần (hoàng tộc). Vì những ý tưởng đó, ngoài một số người mê muội hay là dị đoan, tin vua còn hơn thần thánh, người ta chỉ sợ và ghét vua. Thiên Chúa không muốn cho người ta hiểu Ngài là vua theo những ý nghĩa này, và không muốn cho nhân loại sợ hãi tôn thờ Ngài như thế.
 
            (2) Sau là vì chữ ‘Vua’ có ý nghĩa chân chính, có thể hiểu về Thiên Chúa. Như theo văn hóa Á Đông, đã hiểu vua là thiên tử, con Trời. Chính Chúa Cứu Thế là Con Thiên Chúa đã xuống thế làm người. Vua có sứ mạng mở nước và giữ nước. Ngôi Hai đã hợp với Ngôi Nhất và Ngôi Ba mà sáng tạo vũ trụ và nhân loại, tiêu diệt ma quỷ, không cho chúng xâm lược phá hoại con người. Thiên Chúa vẫn ban ơn cho nhân loại tránh khỏi ngoại xâm và nội loạn, chỉ vì con người không đón nhận và sử dụng các ơn đó, chỉ theo tính kiêu căng của mình. Vua phải thương dân, lo cho dân có hạnh phúc, cả vật chất, cả tinh thần. Không ai thương yêu lo lắng cho người ta bằng Thiên Chúa. Nào là kho tàng ơn Thiên Chúa vô tận, nào là vạn vật thiên nhiên, từ những khoáng chất lên đến thảo mộc, rồi động vật cầm thú; lại có mặt trời, mặt trăng và các tinh tú, cho đến khí trời, nước sông nước biển, đều có mục đích giúp cho con người sinh sống và phát triển, trực tiếp về vật chất và gián tiếp về tinh thần. Chính tự trong tấm thân con người, bao nhiêu bộ phận cơ quan, nói được từ những tế bào, sợi tóc, đến huyết mạch tuần hoàn, thần kinh hệ, những thứ đó hợp với linh hồn, khiến cho con người có trí tuệ, tâm tình, ý chí tự do, biết nói năng cử động để giúp riêng cho mình và chung cho nhiều người khác xây dựng hạnh phúc hằng ngày. Vua có quyền đặt luật để giúp cho người dân trong nước. Luật của Thiên Chúa vẫn giúp cho người ta được sinh tồn và phát triển, vạn vật đều theo luật Thiên Chúa; chỉ có con người dùng lý trí và tự do sai lầm mới sinh điều phản nghịch. Thiên Chúa lại tự mình hay dùng người này kẻ khác nhắc cho con người hiểu biết là Thiên Chúa thương yêu đến thế nào. Như có lần Chúa Giêsu đã phán rõ, Chúa Giêsu nhận người ta là anh em của Người, ai làm gì cho kẻ khác là làm cho Thiên Chúa. Với những ý nghĩa này, Chúa Cứu Thế thực là Vua của cả nhân loại, không phân biệt nước này với nước khác, dưới đất và trên trời. Mọi người đều là công dân của Thiên Chúa theo nghĩa kính mến và vâng phục, trung thành, hết lòng hết sức mình.
 
            (3) Vì muốn cho người ta đừng hiểu lầm, Chúa Giêsu đã nói Người đến trong thế gian để làm chứng cho chân lý. Nghĩa là chứng minh Thiên Chúa không sai lầm và thương yêu người ta. Chân lý là đúng, nghĩa là đối tượng thế nào thì ý tưởng thế ấy, hai bên tương đương với nhau. Vạn vật vạn sự đều do ý tưởng của Thiên Chúa, nên Thiên Chúa biết đúng hoàn toàn. Vì thế, Thiên Chúa có chân lý, hay nói đúng hơn, Thiên Chúa là chân lý. Nhờ có biết đúng mới thành công, xây dựng được hạnh phúc. Vì biết sai lầm nên thất bại, hư hỏng, gây đau khổ cho mình và người khác. Vì đó, ai cũng cần phải có chân lý, nghĩa là cần có Thiên Chúa và biết như Thiên Chúa. Người ta có thể sai lầm, cần có nghe thấy cho xác đáng. Thiên Chúa đã tự đem mình xuống thế để làm chứng cho chân lý. Ai nghe và thấy Thiên Chúa thì biết Thiên Chúa thương yêu, là biết đúng. Cũng phải thương yêu để ăn ở cho đúng. Có biết chân lý và làm theo chân lý, là có biết đúng và làm đúng mới xây dựng hạnh phúc. Nhưng con người phải dùng lý trí mà suy nghĩ, tìm hiểu về chứng cớ. Phải giữ cho khỏi hiểu biết và giải thích sai lầm gây nên tai hại đau khổ cho mình và nhiều người./-
                                           @Thiên Phong – Trần Minh Đức Bảy

                       * BÀI ĐỌC THÊM:
 
(1) GIA TRƯỞNG 
(Thiên Lãnh Học, trang 13-16)
            Trong Cựu Ước, người Do Thái ở thời quân chủ, có tinh thần bảo hoàng, đã kể Thiên Chúa như quốc vương. Trong Tân Ước, có người muốn tôn Chúa Cứu Thế lên ngai vàng; cao ủy Pilate nghe lời người Do Thái cáo giác và biết dân tộc này có khuynh hướng tôn quân, mới hỏi Chúa Cứu Thế có phải là vua người Do Thái chăng? Ba Phúc Âm của Thánh Mattheu, Thánh Marcô, và Thánh Luca đều kể lời Chúa Giêsu đáp vắn tắt: ‘Chính ngài đã nói’ (Mt 27,41; Mc 15,2; Lc 23,3). Còn Thánh Gioan lại kể thêm lời Chúa Giêsu quả quyết: ‘Nước tôi không ở dưới đất này..… như ngài đã nói, tôi là vua’ (Ga 18,36-37). Giáo Hoàng Pio XI đã đặt lễ kính Chúa Cứu Thế là Vua, và đã ban thông điệp Quas Primas, ngày 11.12.1925 nói nhiều về ý nghĩa này. Giáo Hội Rôma có nhiều nhà thờ và ảnh tượng tôn kính Chúa Cứu Thế là Vua. Từ sau Công Đồng Vatican II, năng có các bản văn nói nhiều về ‘Dân Chúa’, người Công Giáo ngày nay không thể phủ nhận hay nghi ngờ quan niệm này.
            Tuy nhiên, với lòng tôn kính truyền thống Do Thái và Rôma, người Công Giáo Việt Nam có thể có ý tưởng văn hóa Tây Phương đổi Thiên Chúa thành Quốc Vương; còn văn hóa Á Đông, mặc dù Nho Giáo đặt vua trên cha, vẫn nhận vua là Con Trời (Thiên Tử), và Trời là Cha, như Chúa Cứu Thế vẫn nhắc đi nhắc lại nhiều lần đặc biệt. Người lấy tình phụ tử làm thân ái và quý trọng hơn nghĩa quân thần, thấm nhuần Phúc Âm, với kinh nghiệm lịch sử, muốn sánh Thiên Chúa với Gia Trưởng, hơn Quốc Trưởng hay Quốc Vương.
            Cha và con theo luật thiên nhiên của Tạo Hóa, có thể là hình ảnh Thiên Chúa và con người; còn vua và tôi, hoàn toàn nhân tạo theo tính người ta, không thể hiểu Thiên Chúa và người ta theo hình ảnh đó.
 
 
 
---------------------------------------------------------------------------------
GIA TRƯỞNG                THIÊN CHÚA             QUỐC TRƯỞNG
------------------------------.-----------------------------.--------------------
-Sinh con.                         -Sáng tạo vạn vật.         -Không sinh dân,
                                                                     chiếm đoạt dân, do
                                                                     một số người dua
                                                                              nịnh tôn lên.
-Chủ thiên nhiên                -Chủ thiên nhiên và      -Chủ do nhân tạo.
 một gia đình.                     siêu nhiên toàn thể
                                         đại gia đình vũ trụ.
-Đồng một khí                  -Liên hệ mật thiết         -Có khi không đồng
 huyết chủng tộc                 sâu xa giữa Tạo            chủng tộc văn hóa  
 với con.                            Hóa và thụ tạo.               với dân.
-Gần gũi.                          -Rất gần gũi.     -Xa lạ và xa cách.
-Con là hình ảnh               -Người là hình ảnh            -Không dân nào
  của cha, hưởng                của Thiên Chúa                 được hưởng gia
  gia tài.                             hưởng gia tài.                    tài của vua.
-Tính thiên nhiên               -Tự mình thương       -Theo nguyên tắc vua
 thương yêu, có người     yêu, lo cho thụ        phải thương và lo cho
 vị kỷ với ý tưởng: trẻ      tạo.                              dân như con, nhưng
 cậy cha, già cậy con.                                          trong thực tế rất họa
                                                                                 hiếm.
-Nuôi con, dạy con,         -Điều lãnh trọn đời     -Cai trị có khi chuyên
 lo cho con nên công         mỗi thụ tạo, cung    chế, độc tài, độc đoán.
 danh sự nghiệp.             cấp đầy đủ, giữ gìn 
                                  giúp đỡ từng chi tiết.      
-Không tôn trọng lý trí  -Tôn trọng đặc tính   -Đem toàn dân phụng
 và tự chủ của người        của mỗi thụ tạo, lý   sự một dòng họ mình,
 con chưa trưởng thành.  trí và tự chủ của     như thuộc riêng về
                                         con người.                       của mình.  
-Có khi gương xấu. -Bao giờ cũng gương  -Phần nhiều gương xấu,
                                         tốt.                          lạm dụng địa vị, chức
                                                                                    quyền.
-Biết và thương từng -Biết rõ ràng và thương -Không biết chung về
 người con.                    yêu từng thụ tạo, đặc    dân, không chắc có
                                         biệt mỗi người.             thương yêu người
                                                                                  dân.
-Cung cấp cho con mà  -Cung cấp đầy đủ trọn -Không cung cấp gì
 không lấy gì của con    đời mỗi thụ tạo mà           cho dân (trừ phi lấy
 (trừ phi người nghèo         không lấy gì của       của người này giúp
 nàn bệnh tật).                             thụ tạo.             đỡ người khác). Lấy
                                                                           cả tiền bạc sức lực
                                                                           của dân dưới muôn
                                                                         nghìn hình thức, sống
                                                                          giàu sang với của cải
                                                                                của dân nghèo.
-Có thể thiên vị.               -Tuyệt đối không           -Nhiều người tư vị.
                                         thiên vị.
-Có thưởng phạt, có         -Không thưởng phạt   -Có thưởng phạt,
 thể bất công.                     như người kém cỏi        nhiều khi bất công,
                                         dưới đất, chí công.
-Theo lý, không thể          -Theo lý, không thể     -Theo lý, có những
 phủ nhận, khinh bỉ.           phủ nhận, xúc phạm.  chính thể không cần
                                                                             có vua, có người
                                                                         công kích phản đối chế
                                                                           độ quân chủ. Do đó,
                                                                           gọi Thiên Chúa là
                                                                           vua có thể không
                                                                           hợp cảnh hợp thời./-
--------------------------------------------------------------------------------
 
 
 
(2) VÔ TƯ
(Thiên Lãnh Học, trang 16-17)
            Dựa vào nghĩa đen của Thánh Kinh, người Do Thái và Thiên Chúa Giáo, đều nhận mình là dân riêng của Thiên Chúa, vô tình đổi tôn giáo thành ra quốc gia hay đảng phái. Ngày nay, có người mượn danh từ đó trong Thánh Kinh, đem ra truyền bá và nhắc đi nhắc lại để nói về Giáo Hội. Hiểu về thiên hứng, có thể hiểu ý Thiên Chúa muốn nhắn nhủ với nhân loại, ai trung thành với luật Thiên Chúa thì được Thiên Chúa thương yêu bênh vực đặc biệt. Cũng như Nước Thiên Chúa, hay gia đình, hoặc huyền thể Chúa Cứu Thế có hai ý nghĩa:MỘT là nghĩa chung cả nhân loại; HAI là nghĩa riêng gồm những ai trung thành theo luật Thiên Chúa. Còn trong thực tế, mọi người đều là con của Thiên Chúa, vì do Thiên Chúa sáng tạo, và Thiên Chúa là Cha, chứ không có nghĩa chính trị là vua, hay tổng thống, chủ tịch nước, để gọi người ta là ‘Dân Chúa’. Ông vua nhân từ có thể nuôi một vài người dân làm con, chứ không ai đổi con thành dân. Chữ ‘Dân’ trong Thánh Kinh là của người Do Thái thời quân chủ, có óc bảo hoàng. Chứ không phải chữ ‘Dân’ trong Ngũ Kinh của Nho Giáo có nghĩa là ‘Người’. Thiên hứng không đọc từng chữ từng lời, vẫn tôn trọng dụng cụ, nên có dấu tích của người viết, như danh từ, văn điệu, sức hiểu biết và tâm tình. Cũng không có một dân tộc nào là ‘Dân Riêng’ của Thiên Chúa, trước là vì Thiên Chúa tuyệt đối không thiên tư, sau là vì trong dân tộc nào hay tôn giáo nào, cũng có một số phần tử, có khi rất nhiều không trung thành với Thiên Chúa, hay chỉ trung thành theo một số hình thức lễ nghi kinh kệ.
(........................................)
            Có ma quỷ hay người sai lầm độc ác phản nghịch, muốn làm hại con cái của Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa không can thiệp một cách khác thường để bảo vệ, vì Thiên Chúa tôn trọng ‘Luật’ của Thiên Chúa, đã sáng tạo một loài có tinh thần, cùng một loài vừa có tinh thần và cơ thể, hiểu biết và tự do, thì cứ để cho chúng theo khả năng thiên nhiên và sức học hành tập luyện mà tranh đấu, bên nào khôn hơn thì nhờ, bên nào dại thua thì chịu. Thiên Chúa vẫn ban ơn cho người cố gắng, nhưng ơn Thiên Chúa không ngăn chặn hay phá hại sức thiên nhiên. Như Chúa Giêsu đã phán với Thánh Phaolô: ‘Ơn Cha vẫn đủ cho con’ (2 Cr 12,9). Hình như Thiên Chúa đồng ý với những người cha vẫn giúp đỡ che chở con một cách kín đáo, âm thầm, không cho con biết, để cho con cố gắng làm theo sức hiểu biết và khôn ngoan. Không đồng ý với lối giáo dục khiến người ta lười biếng suy nhược, không lo học hỏi tập luyện, chỉ ỷ lại vào người này kẻ khác hay là tôn giáo mầu nhiệm. Đó là theo luật thường, thiên nhiên, chứ không nói đến ngoại lệ, siêu nhiên, là điều họa hiếm, sức người không thể biết được. Nhưng ngoại lệ, cũng không phải Thiên Chúa thay đổi cách điều lãnh của Thiên Chúa, chỉ theo những chi tiết và điều kiện khác thường đã được ấn định từ trước muôn đời./-
 
 
(3) QUAN PHÒNG
(Thiên Lãnh Học, trang 11-12)
            Quan phòng là Thiên Chúa chuẩn bị đầy đủ phương tiện, phương thế và điều kiện cho vạn vật đạt đến hạnh phúc. Điều lãnh là Thiên Chúa can thiệp để cho vạn vật có thể dùng các phương tiện, phương thế và điều kiện để giúp đỡ nhau đạt đến mục đích.
            Có thể nói, quan phòng là nguyên tắc trực tiếp với chí minh chí thiện, mà gián tiếp với toàn quyền toàn năng; còn điều lãnh là thực hành trực tiếp với toàn quyền toàn năng, mà gián tiếp với chí minh chí thiện. Quan phòng là Thiên Chúa ban cho mà người ta có thể không nhận, khác với điều lãnh là Thiên Chúa giúp đỡ mà người ta có thể không hợp tác, Thiên Chúa truyền bảo mà người ta có thể không tỉnh thức đáp ứng. Cả hai việc đều phát xuất từ lượng Thiên Chúa thương yêu đối với vạn vật, đặc biệt đối với con người, càng có lý trí và tự do lại càng cần được điều lãnh./-