KAMPALA. Giã từ tổng thống và chính quyền Uganda, vào lúc 6 giờ 30 chiều ngày 27.11, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến đền thánh Anrê Kaggwa tử đạo ở Munyonyo, cách thành phố Entebe 40 cây số để gặp gỡ hàng ngàn giáo lý viên và giáo chức Công Giáo Uganda.
Munyonyo là nơi nhà vua Mwanga đã quyết định tiêu diệt các tín hữu Kitô và tại nơi đây, 4 Kitô hữu Uganda đầu tiên đã chịu tử đạo trong hai ngày 25 và 26.05.1886. Trong đó, thánh Anrê Kaggwa được tôn làm bổn mạng các giáo lý viên và các giáo chức. Trong bài huấn dụ, Đức Thánh Cha đề cao vai trò của các giáo lý viên. Ngài nói: “Giáo lý viên không những là thầy dạy nhưng còn là những nhân chứng đức tin.”
Hôm nay, thứ bảy 28.11.2015, ĐTC sẽ kính viếng 2 đền thánh tử đạo, một của Anh giáo và một của Công giáo tại Namugongo. Tại đây, ngài cũng sẽ cử hành thánh lễ cho các tín hữu. Ban chiều, Đức Thánh Cha sẽ gặp gỡ các bạn trẻ ở sân bay Kololo gần Kampala và thăm nhà bác ái, trước khi gặp các giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ và chủng sinh tại Nhà thờ Chính Tòa Kampala.
Chuyển ngữ: Vũ Đức Anh Phương, SJ
Đức Thánh Cha vinh danh đại kết bằng máu tại Uganda
KAMPALA. Đức Thánh Cha mời gọi tín hữu Uganda noi gương đại kết bằng máu của các vị tử đạo Uganda trong đời sống hằng ngày của mình. Đây là thông điệp của ĐTC trong bài giảng thánh lễ được cử hành tại Đền các Thánh tử đạo Công giáo của Uganda tại Namugongo trước sự hiện diện hàng trăm ngàn tín hữu vào lúc 7h30 sáng ngày 28.11.2015. Trong dấu chỉ của sự tử đạo và sự đại kết, ngày thứ hai của ĐTC tại Uganda đã khởi đầu như thế.
Trước Thánh lễ là cuộc viếng thăm Đền thánh tử đạo Anh giáo cũng tại Namugongo là nơi ĐTC, để bày tỏ lòng tôn kính đối với sự đại kết bằng máu, đã khánh thành một tấm bia tưởng niệm 23 vị thánh tử đạo bị hành hình và xử tử những năm cuối thế kỷ XIX. Sau khi ôm hôm Đức Tổng Giám mục Anh giáo và cầu nguyện trong thinh lặng, ĐTC đã lên xe papamobile để di chuyển đến Đền thánh Tử đạo Công giáo, cách đó khoảng 3km, là nơi Thánh Carlo Lwanga bị thiêu sống cùng với 21 bạn trẻ vào ngày 03.06.1886 sau khi đã giữ mình khỏi những dụ dỗ bệnh hoạn của vua Mwanda và đã khởi sự đức tin của mình trong thời buổi bách hại chống lại Kitô giáo khốc liệt nhất. Đối với quốc vương của mình những vị tử đạo đã không che giấu niềm tin của mình vào vua đích thực là Đức Giêsu Kitô.
Lễ đài nơi diễn ra thánh lễ được chống đỡ bởi 22 cột trụ, qua đó gợi nhờ về túp lều truyền thống của sắc tộc Bagada, cũng như gợi nhắc về hiến tế của 22 vị thánh tử đạo Công giáo này. Đền thánh này được thánh hiến bởi ĐTC Phaolo VI năm 1969 và đây cũng là địa điểm trung tâm của lịch sử của Giáo Hội và đất nước này.
ĐTC đã giảng lễ bằng tiếng Ý và từng đoạn bài giảng của ngài đã được dịch ra tiếng Anh.
Nhắc đến sứ mạng truyền giáo trong bài giảng của mình, ĐTC nói:
“Từ thời các thánh tông đồ cho đến thời đại chúng ta ngày nay, đã nảy sinh hàng loạt những chứng nhân để loan báo về Đức Giêsu và để bày tỏ uy lực của Chúa Thánh Thần. Hôm nay, chúng ta hồi niệm với lòng biết ơn sự hy sinh của các thánh tử đạo Uganda, chứng ta của họ về tình yêu dành cho Đức Ki tô và Giáo Hội của Ngài đã thực sự vươn đến “tận cùng trái đất”. Chúng ta cũng nhớ đến các thánh tử đạo Anh giáo, cái chết của các vị vì Đức Ki tô đã làm chứng cho sự đại kết bằng máu. Tất cả những chứng nhân này đã nuôi dưỡng ân sủng của Thánh Thần trong đời sống của chính mình và đã làm chứng một cách tự nguyện về niềm tin của mình vào Đức Giêsu Ki tô, thậm chí phải trả giá bằng mạng sống, và nhiều người trong số đó vẫn còn rất trẻ”.
Đề cập đến vai trò của Chúa Thánh Thần, ĐTC nói:
“Hôm nay, chúng ta cũng được kêu gọi để đào sâu sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong đời sống của mình, để “làm sống lại” ân ban của tình yêu Thiên Chúa của Người bằng cách đến lượt mình chúng ta phải là nguồn của sự khôn ngoan và sức mạnh cho tha nhân.”
Nhắc đến các thánh tử đạo Uganda, ĐTC nói:
“Các thánh Joseph Mkasa và Charles Lwanga, sau khi đã được hướng dẫn đức tin bởi người khác, đã muốn chuyển trao ân ban mà chính họ đã lãnh nhận. Các vị đã làm điều này trong những thời khắc gian nguy. Không chỉ mạng sống của các vị bị đe doạ mà còn đe doạ đến mạng sống của những người trẻ đã được uỷ thác cho họ chăm sóc. Vì thế các vị đã nuôi dưỡng đức tin của chính mình và đã làm cho tình yêu dành cho Thiên Chúa được tăng trưởng, các vị đã chẳng sợ hãi khi mang Chúa đến cho người khác, thậm chí phải trả giá bằng mạng sống. Đức tin của các vị trở nên chứng từ; hôm nay, các vị được tôn phong là các vị tử đạo, nhưng gương sáng của các vị vẫn còn tiếp tục để gợi hứng cho biết bao con người trên dương gian. Các vị tiếp tục công bố về Đức Giêsu Ki tô và uy lực của Thánh Giá”.
Qua đó, ĐTC mời gọi:
“Như các vị tử đạo, nếu chúng ta làm mới lại hằng ngày ân ban của Chúa Thánh Thần vốn hiện diện nơi cõi lòng của chúng ta, thì chắc chắn rằng chúng ta sẽ trở nên những môn đệ thừa sai mà Đức Kitô kêu gọi chúng ta. Chúng ta cần phải làm chứng cho gia đình của chúng ta cho những bạn bè của chúng ta, mà ngay cả cho những ai mà chúng ta không quen biết, đặc biệt là cho những ai có thể thiếu lòng nhân từ và thậm chí thù địch đối với cách sống của chúng ta. Sự mở ra với tha nhân này phải khởi sự từ trong gia đình, trong các mái ấm của chúng ta, là nơi người ta học biết về bác ái và tha thứ, và cũng là nơi ngang tình yêu của cha mẹ người ta học biết lòng thương xót và tình yêu của Thiên Chúa. Cũng chính sự cởi mở này người ta có thể diễn tả trong sự quan tâm đối với tha nhân và người nghèo khổ, các bà goá và các trẻ mồ côi.
Chứng tá của các vị tử đạo trình bày cho tất cả những ai lắng nghe họ thấy rằng những vui thích trần thế và quyền lực trần gian không huỷ hoại được niềm vui và bình an kéo dài. Đúng hơn, đức tin vào Thiên Chúa, sự trung thực và sự thống nhất trong đời sống cùng với sự lo lắng đích thực cho thiện ích của tha nhân sẽ mang lại cho chúng ta bình an mà thế gian chẳng thể nào mang lại. Điều này không làm suy giảm quan tâm của chúng ta dành cho thế gian này, chỉ bởi vì chúng ta chỉ hướng về đời sống mai hậu. Ngược lại, nó mang lại một mục tiêu cho cuộc sống trên thế gian này và giúp đỡ chúng ta đến với những ai nghèo khó, để hợp tác với tha nhân vì thiện ích chung và để kiến tạo một xã hội công bình hơn, vốn đề cao phẩm giá con người, không loại trừ một ai, phò sự sống, tặng phẩm của Thiên Chúa, và bảo vệ những điều tuyệt diệu của thiên nhiên, tạo thành, ngôi nhà chung của chúng ta.
Kết thúc bài giảng, ĐTC nói:
“Anh chị em thân mến, đây là di sản mà chúng ta nhận lãnh từ các thánh tử đạo Uganda: đời sống được ghi dấu bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần, đời sống làm chứng cho quyền năng có thể biến đổi của Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô. Người ta không chiếm giữ làm của riêng mình di sản này cùng với ký ức của hoàn cảnh và bảo toàn nó trong một bảo tàng như thể một món nữ trang quý giá. Chúng ta phải tôn vinh nó một cách đích thực, và tôn vinh tất cả các thánh, đúng hơn khi chúng ta làm chứng về Đức Ki tô trong mái ấm của chúng ta và những ai gần gũi chúng ta, nơi chỗ làm và nơi xã hội dân sự, ngay cả lúc chúng ta ở nhà và cả lúc chúng ta đi đến tận cùng mọi ngõ ngách của trần gian này.
Nguyện xin các thánh tử đạo Uganda, cùng với Mẹ Maria, Mẹ Giáo Hội, chuyển cầu cho chúng ta, và xin Chúa Thánh Thần thắp lên trong chúng ta ngọn lửa của tình yêu Thiên Chúa.
Omukama Abawe Omukisa! Thiên Chúa chúc lành cho anh chị em.”
Chuyển dịch: Jos. Nguyễn Huy Mai