Thứ Sáu, 5 tháng 10, 2018

Thượng hội đồng, đường Emmau, và 4 bài học Ðức Mẹ dạy người trẻ.

Filled under:

Thượng hội đồng, đường Emmau, và 4 bài học Ðức Mẹ dạy người trẻ.
Vũ Văn An
Vatican (VietCatholic News 03-10-2018) - Ngày 3 tháng 10 năm 2018, tại Vatican, Thượng Hội Ðồng Giám Mục Thế Giới sẽ chính thức khai mạc bàn về "Người Trẻ, Ðức Tin và Biện Phân Ơn Gọi". Theo Tài Liệu Làm Việc đã được công bố hồi tháng Sáu năm 2018, Thượng Hội Ðồng sẽ bàn đến rất nhiều khía cạnh trong mục vụ tuổi trẻ thời nay, trong đó, có những vấn đề hết sức nhậy cảm và có thể châm ngòi cho một cuộc tranh luận còn lâu dài và gay gắt hơn cả cuộc tranh luận đối với Tông Huấn Amoris Laetitia (Niềm Vui Yêu Thương). Nhưng trên hết vẫn là vấn đề làm sao giúp tuổi trẻ gặp gỡ Thiên Chúa trong môi trường vô cùng đa diện và phức tạp của thế kỷ 21.
Leonard DeLorenzo, giám đốc ngành học cử nhân tại Viện McGrath chuyên nghiên cứu về Ðời Sống Giáo Hội, và hiện dạy thần học tại Ðại Học Notre Dame, nhân dịp Thượng Hội Ðồng này đã cho xuất bản cuốn "What Matters Most: Empowering Young Catholics for Life's Big Decisions" (Ðiều Ðáng Kể Nhất: Tạo Năng Lực Ðể Người Trẻ Có Ðược Các Quyết Ðịnh Lớn Trong Ðời). Trong một bài đăng trên tạp chí America ngày 2 tháng 10, DeLorenzo dựa vào Tài Liệu Làm Việc của Thượng Hội Ðồng trong đó có nhắc đến hành trình Emmau, để trình bầy 4 bài học Ðức Mẹ dạy người trẻ, giúp họ gặp gỡ Thiên Chúa, hay đúng hơn, đón Người vào nội thẳm lòng mình, như Ðức Mẹ đã và còn làm mãi mãi.
Theo tác giả, Tài Liệu Làm Việc của Thượng Hội Ðồng bắt đầu với hình ảnh đồng hành: Chúa Giêsu sánh bước với các môn đệ trên đường Emmau. Trong phần đầu của trình thuật, Chúa Giêsu hỏi gần như cùng một câu hỏi đến 2 lần: "chuyện gì xẩy ra với các anh vậy ?" Các môn đệ bày tỏ 4 điều về chính họ. Họ hoàn toàn mất hướng (đúng là họ đang đi sai hướng thật), hàm hồ bối rối (họ biết nhiều chuyện nhưng không biết tìm ra ý nghĩa của chúng), huyên thuyên (nói thì nhiều nghe chẳng bao nhiêu) và buồn bã (họ không biết tìm đâu ra hy vọng). Ðể họ nói hết, bấy giờ Chúa Giêsu mới lên tiếng và lên tiếng để đào tạo họ, đúng hơn, để tái tạo họ, thậm chí biến tạo họ (form, reform & transform).
Theo DeLorenzo, mẫu hình đào tạo trên không hề ngẫu nhiên mà có. Chúa Giêsu chỉ lặp lại khuôn mẫu đã được thiết dựng nơi người mẹ thân yêu của Người, Ðức Maria thành Nadarét. Ðức Mẹ hiện thân cho cốt lõi việc làm môn đệ Chúa Giêsu, sống thực và sống thánh thiện.
Toàn bộ diễn trình Thượng Hội Ðồng đã được dâng cho Ðức Mẹ và thành quả của Thượng Hội Ðồng không phải chỉ để vinh danh ngài mà còn trở thành chìa khóa mở toang những điều ngài hiện thân cho trong tư cách người môn đệ đầu hết và hoàn hảo hơn hết. Nếu muốn đồng hành với người trẻ như Chúa Giêsu đồng hành với các môn đệ xưa, Giáo Hội phải đào tạo họ theo khuôn mẫu Maria.
Nhưng trước nhất, ta cần hiểu khuôn mẫu này, một khuôn mẫu bắt đầu với trình thuật Truyền Tin trong Tin Mừng Luca. Ở đấy, ta thấy 4 đặc điểm của việc Ðức Maria làm môn đệ và 4 đặc điểm này đề xuất các ưu tiên mục vụ cho diễn trình Thượng Hội Ðồng dưới ánh sáng các điều kiện văn hóa trong đó người trẻ của chúng ta đang được dưỡng dục.
Im lặng
Trên đường đến gặp Ðức Maria, thiên thần Gabriel trước nhất đến thăm tư tế Dacaria. Cuộc gặp gỡ này rất giống với cuộc gặp gỡ Ðức Maria, ngoại trừ việc Dacaria dường như đã bị trừng phạt, trong khi Ðức Maria được đề cao. Mới thoạt nhìn, nó có vẻ không công bằng. Nhưng các khác biệt tinh tế giữa hai câu chuyện là điều có tính quyết định.
Câu chuyện truyền tin cho Ðức Maria được chia thành ba phần, với thiên thần nói ba lần riêng biệt và Ðức Maria đáp lại ba lần. Dù chúng ta được nghe câu hỏi của Ðức Maria trong câu trả lời thứ hai của ngài và lời "xin vâng" của ngài ở câu trả lời thứ ba, chúng ta dám bỏ lỡ câu trả lời đầu tiên của ngài, vì đó là sự im lặng của ngài. Sự im lặng này chính là sự khác biệt đầu tiên giữa Ðức Maria và Ông Dacaria.
Cả hai đều "bối rối" khi thiên thần hiện ra với họ. Nhưng trong khi "sợ hãi trùm phủ" Ông Dacaria, thì Ðức Maria "suy nghĩ trong lòng ngài " lời chào của thiên thần. Sợ hãi, Ông Dacaria trở nên phòng ngự; còn Ðức Maria thì mở lòng ra đón nhận chuyến viếng thăm kỳ lạ này. Ðây là vấn đề điềm tĩnh. Một người không thoải mái trong im lặng, trong khi người kia điềm đạm và suy tư.
Sự khác biệt trên được tăng cường trong câu đáp ứng thứ hai của mỗi người. Ông Dacaria hỏi, "Làm thế nào tôi biết điều này ?" Trong khi Ðức Maria hỏi, "Làm thế nào điều này có thể được ?" Ông Dacaria là trung tâm chú ý trong câu hỏi của mình, khi ông muốn có bằng chứng để xoa dịu tâm trí tò mò và đa nghi của ông. Ông bị thiên thần làm cho câm không phải như một hình phạt mà là lòng thương xót. Người không thể nói trôi chẩy phải học cách lắng nghe thôi. Ngược lại, Ðức Maria đặt trọng tâm vào điều đang xảy ra: trong nghi ngại, ngài tin lời thiên sứ và cố gắng nắm bắt những gì đã được công bố cho ngài.
Trong Tài Liệu Làm Việc của Thượng hội đồng, chiều kích đầu tiên của việc biện phân ơn gọi của Thiên Chúa là "nhận ra". DeLorenzo đặt câu hỏi: các người trẻ của chúng ta thường được dạy làm điều gì? Thông thường, họ được dạy đọc lướt qua (scan), đọc bỏ quãng (browse), nhanh chóng tiêu thụ và tháo chạy (scurry). Ðó không phải là lắng nghe; đó là chuyển động điên cuồng.
Ðấy là cách thế giới kỹ thuật số chủ yếu không chú trọng về nội dung mà chú trọng về đào tạo. Hãy xem một cấp liệu (feed) của truyền thông xã hội, như Twitter. Nếu bạn cho cuộn xuống, cấp liệu sẽ tiếp tục và cứ thế tiếp tục mãi. Và khi bạn "xuống tới tận dưới", nhiều dữ liệu hơn lại xuất hiện ở trên đầu, bất tận. Cái luồng bất tận này tạo ra một loại đào tạo nào đó. Cách để sinh tồn hoặc thậm chí phát triển trong một môi trường như thế là phải nuốt lấy nuốt để các thông tin rồi chạy cho lẹ trước khi các thông tin kế tiếp xuất hiện. Ở yên một chỗ sẽ lâm vào nỗi lắng lo rằng mình không ở một nơi nào đó hoặc không ở khắp mọi nơi được.
Do đó, ưu tiên mục vụ đầu tiên để đào tạo các môn đệ trưởng thành là hướng về sự im lặng của Ðức Maria. Chúng ta khuyến khích việc lắng nghe bằng cách nào? Nhiệm vụ là tạo ra các điều kiện và môi trường trong đó, người trẻ có thể phát triển khả năng chú ý. Cảnh quan của thế giới kỹ thuật số là các lịch trình nhồi nhét quá nhiều tiết mục.
DeLorenzo cho rằng người trẻ hiện nay rất thành thạo trò chơi trên, trong đó, thành tích nuôi dưỡng tham vọng. Trong diễn trình này, họ không bao giờ học cách lắng nghe được.
Ký ức
Ðức Maria lắng nghe, nhưng ngài nghe thấy gì? Những gì ngài nghe có liên quan đến cách ngài nghe, và cách ngài nghe được nối kết với người ngài lắng nghe.
Ðiều cuối cùng thiên thần nói với Ðức Maria là người chị em họ Elizabeth của ngài đang mang thai. Ðây có vẻ như một thứ tin khẩn cấp từ ngôi làng bên kia đồi, nhưng với một người có trí nhớ được cấu hình theo Sách thánh, tức ký ức sống động của Israel, thì việc mang thai của Elizabeth là một dấu chỉ có sức thuyết phục mạnh mẽ.
Trong các câu mở đầu tiên của Tin Mừng, thánh sử Luca giới thiệu Dacaria và vợ Elizabeth, tiết lộ một số thông tin cá nhân: "Họ không có con, vì Elizabeth hiếm muộn, và cả hai đều đã trọng tuổi". Thói quen nhận định về tuổi tác của một người trước công chúng là chuyện thiếu khôn ngoan, nhất là việc kéo sự chú ý của người ta vào sự kiện "người phụ nữ này là người hiếm muộn ." Nhưng Thánh Luca đã làm thế - và vì lý do chính đáng. Cả tuổi tác của Bà Elizabeth lẫn việc hiếm muộn của bà khiến bà giống vợ của Ápraham, là Sara.
Nếu chúng ta nghĩ Thánh Luca thiếu lịch thiệp, thì tác giả Sách Sáng Thế còn thiếu lịch thiệp hơn nữa. Trong Sách Sáng Thế, chương 18, chúng ta được cho biết "Ápraham và Sara đã già, đã trọng tuổi; Sara đã ngừng có kinh". Rất khá sống sượng. Tuy nhiên, những ai biết Sách Sáng Thế, hẳn biết rằng điều đó rất có ý nghĩa. Tại sao? Vì lời hứa giao ước của Chúa đối với Ápraham là: các hậu duệ của ông sẽ đông vô số.
Khi Ápraham than vãn việc hai vợ chồng ông không có con và kêu lên Thiên Chúa, Người đã tăng gấp đôi lời hứa của Người. Ðến cuối cùng, dường như mọi hy vọng đều tiêu tan - ngoại trừ niềm hy vọng đáng kể này: niềm hy vọng vào Thiên Chúa, Ðấng ban sự sống. Ở đỉnh cao việc gia tăng lời hứa của Thiên Chúa và nỗi buồn sầu của Ápraham cũng như sự hiếm muộn của Sara là câu hỏi quan trọng: "Có gì tuyệt vời quá đến độ Chúa không làm nổi không ?" Câu trả lời là: Không, không có gì là tuyệt vời quá cả. Thiên Chúa luôn ban sự sống.
Vì vậy, khi Ðức Maria nghe Elizabeth - người cao tuổi và hiếm muộn - đã thụ thai một đứa con, ngài nghe như là "Sara". Làm thế nào ngài nghe thấy như thế? Nhờ ký ức sống động đối với Sách Thánh. Ngài nghe thấy tiếng ai? Ngài nghe thấy tiếng nói của Thiên Chúa - Ðấng làm việc lúc ấy thông báo rằng nay Người đang làm việc nơi ngài, và ơn gọi của ngài phát xuất từ Người. "Vì với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được". Ðiều ngài nghe là Thiên Chúa của Israel yêu cầu ngài tín thác. Và ngài thưa "xin vâng".
Ngược lại, Ông Dacaria để sợ hãi thắng vượt nên quên cả ý nghĩa của việc vợ mình mang thai. Ông không nghe thấy một trình thuật liên tục của việc Thiên Chúa hành động. Ông không tự do lắng nghe.
Ðiều gì ngăn cản người trẻ lắng nghe tiếng nói của Thiên Chúa? Các bất bình đẳng kinh tế tạo ra bạo lực, tội ác và buôn bán ma túy, gây ra nỗi sợ hãi và bất an. Các hệ thống chính trị bị thống trị bởi tham nhũng ăn mòn lòng tin của giới trẻ vào các định chế và thẩm quyền. Chiến tranh và các đe dọa đối với cuộc sống thúc đẩy cuộc khủng hoảng di cư và tị nạn. Mọi cách loại trừ xã hội và lo lắng về hiệu suất - không đạt mức, không thành đạt đủ - làm gia tăng chu kỳ nghiện ngập và cô lập và đề cao các an ủi giả tạo của ma tuý, trò chơi video và văn hóa khiêu dâm. Ðấy mới chỉ là một số vấn đề được đề cập tại Số 7 của Tài Liệu Làm Việc.
Ưu tiên mục vụ thứ hai nhắm đích vào trí nhớ của Ðức Maria. Nhiệm vụ là giáo dục người trẻ về lời Thiên Chúa, một điều không chỉ có nghĩa là "biết Sách Thánh", mà là phát triển trí tưởng tượng của Sách Thánh. Ðiều này là thành quả của một việc đào tạo dài hạn, chứ không phải là những bài học định kỳ. Nếu chúng ta biết các câu chuyện về bạo lực, kình địch, coi mọi người như hàng hóa và những điều tương tự như thế đang bao vây và định hình trí tưởng tượng của người trẻ như thế nào, thì chúng ta có thể thoáng nhìn thấy Giáo Hội phải bao bọc những người trẻ một cách thấu đáo trong trình thuật cứu rỗi của Thiên Chúa đến chừng nào. Cách của Người không phải là cách của chúng ta; phải học hỏi phương cách của Người chúng ta mới có thể nghe đúng được.
Thương Xót
Maria điềm đạm trong im lặng và tiếp nhận lời Thiên Chúa qua ký ức thánh kinh. Khi tiếp nhận lời, ngài cũng vẫn là một người học hỏi có kỷ luật về cách thức Thiên Chúa hành động.
Thiên thần Gabriel mô tả người con của Ðức Maria bằng ngôn từ quyền lực. Người là một vị vua, con Ðấng Tối Cao, Người sẽ có một vương quốc bất tận. Tuy nhiên, khi phát biểu trong Kinh Magnificat, Ðức Maria công bố quyền lực của con trai ngài không phải như thế giới quan niệm về quyền lực mà đúng hơn như việc triệt hạ quyền lực giả trá, trần thế. Khi tiếp nhận lời Thiên Chúa, ngài hành động theo hạn độ đích thực của quyền lực Thiên Chúa: tức lòng thương xót.
Quyền lực của lòng Chúa thương xót tự biểu lộ như việc sẵn lòng chịu các hậu quả của một thế giới đói khát quyền lực hơn là chơi trò chơi của nó. Kinh Magnificat của ngài công bố quyền lực của Thiên Chúa Israel như là Ðấng nghe tiếng kêu than của người nghèo và vội vàng đáp ứng, đích thân. Ở lại trong chuyển động thương xót là cách người ta diễn dịch và bắt đầu đáp ứng lời Thiên Chúa.
Tài Liệu Làm Việc của Thượng hội đồng mô tả chiều kích thứ hai của việc phân biệt là "giải thích". Không có một chủ trương nào mà lại không có giả định - mọi cách giải thích đều đòi hỏi một câu chuyện hướng dẫn. Câu hỏi chính ở đây là: câu chuyện hay tường thuật nào có ý nghĩa nhất. Chuyển động thương xót - theo cách của Thiên Chúa - là chìa khóa giải thích cho việc quyết định phải sáng tạo và táo bạo ra sao để đáp lại lời của Thiên Chúa.
Ngày nay, nói cho ngay, cách thay thế mạnh mẽ nhất đối với câu chuyện của Thiên Chúa là "bất cứ điều gì đang diễn ra trong đời". Ðối với những người trẻ được hưởng các đặc ân về cơ hội và giáo dục tốt, chúng ta có xu hướng khuyến khích, thậm chí yêu cầu họ nhồi nhét vào lịch biểu của họ đủ mọi hoạt động tạo sơ yếu lý lịch. Ðối với những người trẻ bị đè nặng bởi nghèo nàn kinh tế hoặc xã hội, chúng ta làm rất ít để cất đi sức nặng của các nhu cầu hàng ngày hoặc phản công các sứ điệp bất lực hoặc định mệnh thuyết. Ðể khám phá ra "niềm vui yêu thương", người trẻ cần được tự do để thực sự nhìn thấy nhau và nhận được năng lực - và được dạy dỗ cũng như thúc giục - để đích thân đáp ứng những con người khác bằng lòng cảm thương.
Ưu tiên mục vụ thứ ba nhắm đích vào lòng thương xót của Ðức Maria. Cách dạy phương cách thương xót là thực hành các việc thương người, không phải thỉnh thoảng mà là thường xuyên. Trong các giáo xứ, các chuyến đi truyền giáo có đóng được một vai trò nhưng sự đào tạo mạnh mẽ hơn phải là các cam kết hàng tuần. Trong trường học, nền văn hóa chuẩn bị đại học được cẩn thận vun tỉa, một mặt, và mặt kia, các môi trường giáo dục thiếu tài nguyên đang ngăn cản, không cho người trẻ thực sự hiện diện và tham gia không chỉ với vật tư mà cả với nhau nữa. Trong các gia đình, cách thức của cha mẹ là yếu tố đào tạo cao nhất đối với cách thức của người trẻ. Thực hành lòng thương xót thường xuyên, cả trong và ngoài gia đình, là chìa khóa để đào tạo người trẻ, để họ nhìn thế giới trong các khả thể của lòng thương xót.
Hy sinh
Khi nghe rõ, Ðức Maria đã hành động. Chúng ta thấy điều này trước nhất khi ngài vội vã lên đường đi gặp người chị em họ Elizabeth ngay sau khi thiên thần từ giã ngài. Chúng ta được cho biết ngài đã đi "một cách vội vàng ." Ngài sẵn sàng đáp lời Thiên Chúa. Ngài hoàn toàn tự do.
Nếu chúng ta vào Tin Mừng Gioan một lát, chúng ta sẽ có được một hình ảnh về việc Ðức Maria thực thi tự do như thế nào khi ngài có thể mất mọi thứ. Ở đây, những ai gần gũi nhất với Chúa Giêsu, trong đó có môn đệ yêu dấu và mẹ của Chúa Giêsu, là những người ở bên cạnh Người lúc Người đang ở trên thập giá. Trên thập giá đó là đứa con được hứa ban cho Ðức Maria, người mà ngài đã tiếp nhận khi tin cậy vào lời Thiên Chúa, người mà ngài đã hy sinh cuộc sống của mình cho. Người là Ðấng ngài đã được hứa ban- và giờ đây, Người bảo ngài tiếp nhận một người nữa làm con trai. Trong khoảnh khắc khẩn cấp nhất này, khi cơn cám dỗ muốn giữ chặt lấy người con trai lên cao nhất, ngài đã thực thi sức mạnh để cho người con này ra đi và tiếp nhận người con mà Người đã ban cho mình.
Khi nghe lời Thiên Chúa, Ðức Maria không hề tỏ ra sợ hãi, ngạo mạn và kiêu căng. Khi hành động theo lời, Ðức Maria biểu lộ sự tự do sẵn sàng hy sinh, nhận trách nhiệm và cái giá của yêu thương. Khi nói, "xin vâng theo lời ngài nói", ngài thực thi trọn vẹn lời "xin vâng" này cho đến cùng. Sức mạnh như vậy quả tiếp giáp với sức mạnh thần thiêng.
Chiều kích thứ ba của sự biện phân trong tài liệu làm việc là chọn lựa. Việc hình thức chọn lựa dứt khoát trong việc biện phân ơn gọi có liên quan đến việc thực hiện các cam kết căn bản bằng cuộc sống của người ta, là điều khó khăn hơn cả và là con đường hẹp dẫn tới "niềm vui yêu thương". Ðây là một sự chọn lựa để trở thành một người biết đáp ứng lời kêu gọi của Thiên Chúa và chấp nhận các hy sinh cần có để sống thực sự cam kết đó. Ngày nay, chúng ta sống trong một nền văn hóa do dự, trong đó, rất nhiều khả thể làm chúng ta tê liệt. Nhưng tâm điểm của biện phân ơn gọi là tuyên bố tiếng xin vâng dứt khoát, bằng cuộc sống của bạn, đối với một con đường đặc thù ...
Ưu tiên mục vụ thứ tư và cuối cùng là hướng về sự hy sinh của Ðức Maria. Sự kiên cường và can đảm thực hiện các cam kết lớn trong cuộc sống được xây đắp với thời gian bằng cách khôn ngoan thực hiện và hoàn tất các cam kết nhỏ hơn ... Ðào tạo những người trẻ của chúng ta để họ trung thành với những cam kết ít hơn nhưng mạnh mẽ hơn trong một thời gian lâu dài sẽ chuẩn bị họ tốt hơn cho những cam kết có ý nghĩa và nhiều hy sinh hơn, vốn là cái giá của "niềm vui yêu thương".
Cái giá của tình yêu
Khi Chúa Giêsu đến gần hai người đang lang thang trên đường đến Emmaus, Người thấy họ mất phương hướng, bối rối, nói huyên thuyên và buồn bã. Người không để họ như lúc Người thấy họ. Thay vào đó, Người biến họ thành các môn đệ theo khuôn mẫu đã được thiết lập nơi người mẹ diễm phúc của Người. Người làm họ im tiếng: "Ôi những con người ngu muội". Người tái cấu hình ký ức của họ bằng cách dạy họ Sách Thánh: "Bắt đầu với Môsê và mọi tiên tri ." Ngài dạy họ quyền lực thực sự - tức quyền lực Thiên Chúa - xuất hiện như lòng thương xót bằng cách dạy dỗ họ bằng chính sự đau khổ của Người. Cuối cùng, Người nuôi dưỡng họ bằng chính Người - Ngôi Lời đã thành xác phàm - và giải phóng để họ tiếp nhận một sứ mệnh mới mang lại niềm vui lớn lao, một cách mau mắn: "Và họ đứng lên ngay lập tức ".
Họ trở thành điều Ðức Maria vốn là: những người nghe lời Thiên Chúa và hành động theo đó.
Giáo Hội không có cuộc khủng hoảng tuổi trẻ; chỉ có cuộc khủng hoảng người lớn. Chúng ta thiếu rõ ràng khi nói đến những gì chúng ta muốn đào tạo để người ta trở thành. Ðức Maria cho ta thấy nhiệm vụ của Giáo Hội là đào tạo người trẻ để họ trở thành loại người lớn biết chấp nhận cái giá của yêu thương. Ðiều này có nghĩa: Không nên thiết lập chân trời các ưu tiên mục vụ của chúng ta trên ý niệm đào tạo những người trẻ đầy niềm tin, vui tươi, tự do và dũng cảm, mà là trên ý niệm đào tạo những người trưởng thành đầy đức tin, vui tươi, tự do và dũng cảm. Nhiệm vụ của Giáo Hội là đào tạo những người trẻ để họ trở thành những người sản sinh ra văn hóa - những nền văn hóa của sự thánh thiện và tình yêu vui tươi - sẽ nuôi dưỡng thế hệ đến sau họ. Giáo Hội phải chuẩn bị để họ sẵn sàng làm việc hy sinh này.