SUY NIỆM TIN MỪNG CN 30 B LM. GIUSE ĐỖ VĂN THỤY
Mù
mà Sáng (Mc 10,46-52)
Giêricô là một trong những thành phố
nổi tiếng nhưng cũng là một thành phố “thấp nhất” thế giới, vì thấp hơn mặt
biển 250 mét. Nó nằm gần Biển Chết, nên cảnh vật hoang vắng, lúc nào cũng thấy
thấp thoáng bóng dáng thần chết. Bất cứ ai đi từ bên kia sông Giođan vào Israen
đều phải đi ngang qua Giêricô.
Chúa Giêsu
trên đường đi Giêrusalem, nơi sẽ diễn ra cuộc khổ nạn cũng đi qua thành này.
Thật là trùng
hợp một cách vô cùng ý nghĩa, vì chữ Giêricô trong tiếng Do Thái có nghĩa là
“thành phố mặt trăng”. Đây là một thành phố được dâng kính cho vị thần của ban
đêm. Nó lại càng mang một ý nghĩa hơn nữa khi Chúa Giêsu làm một “dấu lạ” cuối
cùng: Người đã tháo cởi tăm tối cho một người mù thành Giêricô và Người cũng
mang lại ánh sáng cho cuộc đời tăm tối của mỗi người chúng ta.
Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy, thánh Marcô
đã kể lại một cách chi tiết: “Khi Chúa Giêsu cùng với các môn đệ ra khỏi thành
Giêricô, thì có một người hành khất mù, tên là Bactimê, con ông Timê, đang ngồi
bên vệ đường”.
Trong những xứ nghèo ở Đông Phương, thường có
nhiều người mù. Họ chẳng biết làm gì để kiếm sống ngoại trừ việc ngồi ăn xin
trên các vệ đường. Nhưng thật ngược đời, ở giữa đám đông những người sáng mắt
rầm rộ theo Chúa Giêsu, anh mù lại là người sáng mắt nhất.
Tại sao vậy?
Bartimê không thấy Chúa Giêsu bằng con mắt, nhưng anh đã thấy Chúa
bằng con tim như anh lính mù trong Đệ Nhị Thế Chiến:
Vào một buổi chiều năm 1945, tại nhà ga Verona nước Italia, một
đám đông dân chúng đang tập trung tại sân ga và náo nức chờ đón một số binh
lính là người thân của họ trở về từ các trại tập trung của Đức Quốc Xã, thì một
người lính trẻ bị mù hai mắt cũng đang lần mò từng bước trên sân ga. Khi tiến
gần đến chỗ một phụ nữ lớn tuổi đang đứng chung với mấy người thân trong gia
đình, đột nhiên anh lính mù dừng lại rồi kêu lên: “Mẹ!”, và rồi hai mẹ con đã
ôm chầm lấy nhau khóc nức nở. Một lúc sau, khi phát hiện ra cặp mắt của con
trai đã bị mù, bà mẹ liền hỏi: “con ơi, mắt con bị mù làm sao con thấy mẹ giữa
bao nhiêu người tấp nập như thế này?
Anh lính trẻ liền đáp: “thưa mẹ, tuy mắt con không thể nhìn thấy
mẹ như trước đây, nhưng chính trái tim đã mách bảo cho con là mẹ cũng đang có
mặt tại đây và đang chờ đón con. Khi từ trên xe lửa bước xuống sân ga, con cứ đi
theo sự mách bảo của trái tim và đến lúc con linh cảm chắc chắn mẹ đang ở rất
gần bên con, thì tự nhiên con buột miệng la lên “Mẹ!” và quả thật con đã gặp
được mẹ như mẹ thấy đó”.
Quả thật như Helen Keler, một người mù, câm và điếc, đã phát biểu nhân
ngày ra trường tốt nghiệp đại học: “thà bị mù và nhìn bằng con tim còn hơn là
có hai con mắt và chẳng nhìn thấy gì cả.”
Giữa một đám đông sáng mắt mà chỉ có anh mù
nhận ra Đấng đang đi qua là “con vua Đavit”, là Đấng Messia mọi người trông
đợi. Anh đã kêu lên:”lạy con vua Đavit, xin dủ lòng thương tôi” (Mc 10,47).
Người ta nạt nộ bảo anh im đi, nhưng anh càng kêu lớn hơn: “lạy con vua Đavít,
xin dủ lòng thương tôi”, cho đến khi Đức Giêsu dừng lại bảo người ta: “gọi anh
ta lại đây”. Thật lạ lùng, tiếng gọi của Chúa có kết quả ngay tức khắc: “người
mù liền vứt bỏ áo choàng, đứng phắt dậy mà đến với Đức Giêsu”.
Trong ngôn ngữ Thánh Kinh, “áo ngoài” là biểu
tượng cho quyền lực con người (1Sm 18,4; 24,6; 2V 2,14; R 3,9). Việc người mù
vứt bỏ áo choàng của mình muốn nói một sự đoạn tuyệt với quá khứ. Anh được khỏi
mù và đã đi theo Người trên đường Người đi, con đường lên Giêrusalem, con đường
dẫn đến Thập Giá.