Thứ Tư, 17 tháng 10, 2018

Đức Gioan-Phaolô II qua lời kể của nhiếp ảnh gia riêng của ngài

Filled under:



Đức Gioan-Phaolô II ở Lorenzago di Cadore (Ý) năm 1993.
fr.aleteia.org, Fabio Marchese Ragona, 2018-10-16
Từ Đức Piô XII đến Đức Bênêđictô XVI, ông Arturo Mari là nhiếp ảnh gia của sáu đời giáo hoàng. Trong vòng 27 năm, ông theo Đức Gioan-Phaolô II trong các chuyến đi và đôi khi còn ở sát bên cạnh ngài. Từ sáng tinh mơ vào giờ thánh lễ buổi sáng ở nhà nguyện giáo hoàng, nhiếp ảnh gia đã ở đó. Từng bước, ông đi theo ngài trong các buổi tiếp kiến, các bữa ăn, các buổi lễ, các cuộc đi dạo. Qua các câu chuyện của ông, thì đây không còn là một nghề, mà là một sứ mạng.
Aleteia: Xin ông kể lại kỷ niệm đầu tiên của ông với Đức Gioan-Phaolô II.
Arturo Mari: Đó là lúc Công đồng Vatican II. Khi đó ngài là Tổng Giám mục giáo phận Krakow. Hồng y Ba Lan Wyszynski giới thiệu tôi với ngài. Sau đó, mỗi lần hồng y Karol Wojtyla đến Rôma, khi nào tôi cũng có dịp để gặp ngài. 
Và ngày 16 tháng 10 – 1978 ngài là giáo hoàng…
Vào cuối mật nghị, khi cánh cửa Nhà Nguyện Sixtine mở ra, tôi là nhiếp ảnh gia đầu tiên bước vào. Ngài đã ở đó, đã mặc áo trắng. Ngài nhìn tôi với cặp mắt đầy tình thương, và ngài đụng vào cánh tay tôi. Suy nghĩ đầu tiên của tôi là chụp tấm hình: thế giới muốn có tấm hình của tân giáo hoàng! Sau đó tôi nghiêng mình trước ngài và lui ra.
Arturo Mari, fot. Krzysztof Tadej/FOTONOVA
Đâu là tấm hình ông chụp đẹp nhất của ngài?
Tôi ở với ngài 365 ngày một năm. Máy ảnh đi theo tôi, mỗi buổi sáng tôi đã ở trong phòng ngài từ 6h20 sáng. Theo tôi, tấm hình đẹp nhất của ngài là tấm hình Ngày thứ sáu Tuần Thánh năm 2005(Ngày thứ sáu Tuần Thánh cuối cùng của ngài), khi ngài ngồi cầm cây thánh giá trong nhà nguyện riêng. Tôi chụp được cử chỉ mà tôi là người duy nhất thấy: ngài tựa đầu trên thánh giá, hôn Chúa Kitô, sau đó ngài để thánh giá vào quả tim và cầu nguyện trong thinh lặng. Bức hình này được phát khắp thế giới. Tôi nghĩ riêng bức hình này là đã tóm tắt hết cả ý nghĩa triều giáo hoàng của ngài.
Rất nhiều người nói bức hình chụp đàng sau lưng để che máy trợ thở của ngài. Có đúng không?
Thật là khéo tưởng tượng! Tuyệt đối ngài không có gì. Phải biết là nhà nguyện của ngài rất nhỏ, không thể chụp cách nào khác ngoài chụp từ sau lưng. Và luôn có nhiều người ở trong nhà nguyện. Không có cách nào khác để chụp hình.
Nhiếp ảnh riêng của giáo hoàng có nghĩa là gì?
Phải rất khiêm tốn, thêm nữa là phải rất kín đáo. Lúc nào mình cũng nghĩ người đang ở bên cạnh mình là người không phải bất cứ ai! Nhất là những lúc ngài tiếp các nguyên thủ Quốc gia, họ cũng là những người rất đặc biệt. Đôi khi tôi tham dự các buổi nói chuyện, nghe các lời nói rất riêng tư. Phải rất kín đáo! Thậm chí cũng không nên nghe tất cả!


Đức Gioan-Phaolô II ở núi Lorenzago di Cadore (Ý) năm 1993. Arturo Mari
Ngày 13 tháng 5 năm 1981, ngày ngài bị ám sát ở quảng trường Thánh Phêrô, ông ở bên cạnh xe giáo hoàng. Chính ông là người chụp các bức hình khi ngài bị bắn. Ông còn giữ kỷ niệm nào ngày hôm đó?
Tôi hoàn toàn không nhớ làm sao tôi lại có thể chụp được những tấm hình đó. Ngay lập tức tôi nhận ra có một cái gì rất nặng đang xảy ra: tôi thấy ngài té trước mặt tôi. Tôi chụp các tấm hình này và các tấm hình này đã trở thành những tấm hình lịch sử. Nhưng có phải vì tôi bình tĩnh hay nhờ lời cầu nguyện với Mẹ Maria? Tôi không biết. Khi chúng tôi rời quảng trường Thánh Phêrô và đã vào nên trong Vatican, chúng tôi chờ một lúc để xe cứu thương đến chở ngài vào bệnh viện Gemelli. Ngài nằm tạm trên băng-ca đặt dưới đất. Ngài đau nhưng ngài không rên. Câu duy nhất mà chúng tôi nghe hai lần là nghe ngài cầu nguyện với Mẹ Maria: “Mẹ Maria, xin giúp con, Mẹ Maria xin ở bên cạnh con!”
Có khi nào ngài sợ chuyện gì không?
Không bao giờ! Tôi xin kể một chuyện mà ít người biết: chúng tôi ở trên máy bay đi Senegal. Sau khi rời không phận Ý, chúng tôi bay trên vùng biển Địa Trung Hải, chúng tôi vào trong vùng mây dày đặc. Máy bay khi đó chưa trang bị dụng cụ để rã băng. Và bất thình lình máy bay mất cao độ, chỉ trong vòng vài giây từ cao độ 12.000 mét xuống còn 1.500 mét. Tất cả chúng tôi đều lo lắng và giao động, chúng tôi nghĩ chắc chắn  máy bay sắp rớt. Nhưng Đức Gioan-Phaolô II thì rất bình tĩnh. Ngài tiếp tục đọc sách nhật tụng và ngồi yên ở ghế của ngài. May thay, máy bay ổn định lại và lấy lại cao độ. Ngài nhìn qua khung kiếng máy bay như không có gì xảy ra, ngài cười hỏi chúng tôi: “Có vấn đề à?”
Trên các hình ông chụp, lúc nào cũng thấy ngài cười, có khi nào ông thấy ngài khóc không? Ông kể chuyện ngày mà áo chùng của ngài thành đen thui…
Ngài hay xúc động. Đúng, tôi nhớ chuyến đi Angola ở Phi châu. Đức Gioan-Phaolô II ngồi nói chuyện với một gia đình rất nghèo. Lúc đó có người trong đoàn của ngài mang chai nước cam và bánh ngọt đến. Ngài mời trẻ em ăn. Chỉ không đầy hai giây, tất cả trẻ con bám vào ngài, một vài đứa leo lên đầu gối ngài, có đứa còn bám vai ngài. Trẻ con khắp nơi! Ngài rất cảm động. Với bụi bặm, áo của ngài thành đen thui. Chúng tôi phải về qua nhà sứ thần để ngài thay áo.
Còn tấm hình cuối cùng ông chụp ngài?
Đó là tấm hình chưa bao giờ được công bố. Hình Đức Gioan-Phaolô II ở trong quan tài. Lúc đó Đức ông Stanislas Dziwisz thư ký riêng của ngài và Đức ông Piero Marini trưởng ban nghi lễ để một tấm voan trắng trên mặt ngài như nghi thức phải có. Tôi không bao giờ quên hình ảnh này!
Một vài người cho rằng Đức Gioan-Phaolô II đã bất tỉnh vài giờ trước khi qua đời. Một vài người nói ngài quá yếu nên buộc phải cột ngài vào chiếc xe nhỏ để di chuyển…
Người ta nói bất cứ gì… Tôi còn nghe họ nói ngài chết ba ngày trước khi loan báo chính thức. Tôi may mắn được gặp ngài tám giờ trước khi ngài qua đời. Tôi vào phòng ngài và quỳ gối bên đầu giường ngài. Đức ông Stanislas Dziwisz nói với ngài: “Arturo đang ở đây”. Ngài quay về phía tôi, cười và nói với tôi: “Cám ơn Arturo, cám ơn !”. Rồi ngài quay mặt vào. Ngài không móc dính với một máy nào, ngài chỉ có máy dưỡng khí để một bên tai ngài. Ngài yên lành, sẵn sàng đi về nhà Cha.
Marta An Nguyễn dịch