Thứ Hai, 15 tháng 10, 2018

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - NGÀY 15/10/2018

Filled under:

Dấu lạ Đức Giê-su Ki-tô(Lc 11, 29-32)

29 Khi dân chúng tụ họp đông đảo, Đức Giê-su bắt đầu nói: “Thế hệ này là một thế hệ gian ác; chúng xin dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được thấy dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ông Giô-na.30 Quả thật, ông Giô-na đã là một dấu lạ cho dân thành Ni-ni-vê thế nào, thì Con Người cũng sẽ là một dấu lạ cho thế hệ này như vậy.
31 Trong cuộc Phán Xét, nữ hoàng Phương Nam sẽ đứng lên cùng với những người của thế hệ này và bà sẽ kết án họ, vì xưa bà đã từ tận cùng trái đất đến nghe lời khôn ngoan của vua Sa-lô-môn; mà đây thì còn hơn vua Sa-lô-môn nữa.
32 Trong cuộc Phán Xét, dân thành Ni-ni-vê sẽ chỗi dậy cùng với thế hệ này và sẽ kết án họ, vì xưa dân ấy đã sám hối khi nghe ông Giô-na rao giảng; mà đây thì còn hơn ông Giô-na nữa.
(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch CGKPV)
1 – Dấu lạ và lòng tin
Người ta, có khi cả chính chúng ta nữa, thường nghĩ rằng, khi thấy điều lạ lùng thì sẽ tin. Nhưng kinh nghiệm thực tế cho chúng ta biết, nhìn thấy không tất yếu dẫn đến lòng tin: Con cái Israel chứng kiến 10 dấu lạ, nhưng vừa ra khỏi Ai Cập gặp thách đố đã kêu: “Bên Ai Cập không có đủ mồ chôn hay sao, mà ông lại đưa chúng tôi vào chết trong sa mạc?” Thiên Chúa sẽ làm dấu lạ lớn hơn nữa cho họ, đó là mở đường đi ngay trong lòng biển cả (x. Tv 77, 20-21). Nhưng khi vừa đi qua Biển Đỏ khô chân, vào sa mạc thiếu nước, họ tiếp tục kêu; và sẽ còn kêu hoài, mỗi khi gặp khó khăn thử thách.
Các vị kinh sư và Pharisiêu chứng kiến Đức Giê-su làm dấu lạ, nhưng họ lại nói: đó là nhờ tướng quỉ Bêendêbun; họ chứng kiến Ngài chữa lành, thì họ dựa vào lề luật để lên án Chúa. Dưới chân Thập Giá, họ vẫn cứ dòi dấu lạ: “Xuống khỏi Thập Giá đi, để chúng ta thấy, chúng ta tin”.
Dấu lạ không tất yếu dẫn đến lòng tin, vì dấu lạ tự nó rất khó xác minh; hơn nữa, nếu có dấu lạ thực sự, thì dấu lạ chỉ xẩy ra một lần hay vài lần, tại một nơi và trong một thời điểm nhất định. Bởi vì, chẳng lẽ, ngày nào Chúa cũng phải làm dấu lạ cho chúng ta tin? Trong khi tin, là tin ở mọi nơi và mọi lúc, tin suốt đời; tin là một quà tặng, là đặt đời mình vào tay người khác, vào tay người bạn đời, vào tay Hội Dòng, vào bàn tay của Chúa; tin những khi có dấu lạ, và tin cả khi không có dấu lạ, khi đầy khó khăn thử thách, như lời Thánh Vịnh nói: “tôi đã tin cả khi mình đã nói: ôi nhục nhã ê chề”.
Và như chúng ta có kinh nghiệm, những ngày không có dấu lạ, những ngày bình thường, những ngày thử thách và đau khổ mới là nhiều trong cuộc sống của chúng ta. Nhưng kinh nghiệm đức tin cũng cho chúng ta thấy rằng, khi tin rồi, chúng ta sẽ có một tâm hồn biết chiêm ngắm, nhận thấy cái gì cũng lạ[1].
 2 – Dấu lạ đời mình
Tương quan giữa “thấy” và “tin” hiểu như trên giúp chúng ta hiểu được phần nào câu trả lời gay gắt đến bất ngờ của Đức Giê-su: “Thế hệ này là một thế hệ gian ác; chúng xin dấu lạ”. Đức Giê-su đã không làm theo yêu cầu của họ, vì nếu có làm dấu lạ cho họ xem, cũng vô ích, bởi lẽ đó là lòng ham muốn những điều lạ; thế mà, lòng ham muốn thì không có giới hạn, như dân Do Thái ở trong sa mạc: đã thấy một, thì đòi hai, thấy hai, thì đòi ba; thấy dấu lạ từ đất, thì đòi dấu lạ từ trời, thấy dấu lạ nhỏ, thì đòi dấu lạ to, thấy dấu lạ to, thì đòi dấu lạ to hơn… cứ như thế, không bao giờ cùng. Thay vì làm dấu lạ cho họ xem, Đức Giêsu mời gọi họ:
  1. Trở về với chính mình, khi gọi họ là “một thế hệ gian ác”. Nghĩa là họ phải xét lại mình đã sống với tha nhân như thế nào? Với anh em, chị em của mình như thế nào, với những người trong gia đình thế nào?
  2. Ngoài ra, Ngài còn mời gọi họ hãy nhớ lại lịch sử cứu độ:
  • Nhớ lại lời mời gọi hoán cải của ngôn sứ Giona, như một dấu lạ. Nhớ lại sự khôn ngoan của vua Salomôn, như một dấu lạ. Và đó là những dấu lạ rất đời thường.
  • Nhớ lại hình ảnh lạ lùng: ngôn sứ Giona trong bụng kình ngư, dưới lòng biển cả, được Thiên Chúa cứu thoát.
 3 – Dấu lạ Đức Giê-su Ki-tô
Và chính Đức Giê-su mà họ đang nghe, mà chính chúng ta vẫn lắng nghe và rước vào lòng mỗi ngày trong Thánh Lễ, là một Dấu Lạ; Ngài là dấu lạ, lớn hơn mọi dấu lạ, khi Ngài để cho mình bị đóng đinh ở trên Thánh Giá. Đức Ki-tô chịu đóng đinh chính là dấu lạ hoàn tất mọi dấu lạ:
  • dấu lạ trong lời mời gọi hoán cải,
  • dấu lạ trong sự khôn ngoan và sức mạnh của Thiên Chúa,
  • dấu lạ mạc khải tình yêu thương xót,
  • dấu lạ mặc khải khuôn mặt đích thật của Thiên Chúa,
  • dấu lạ chiến thắng ý muốn chết chóc của con người, chiến thắng Tội và Sự Dữ,
  • và dấu lạ chiến thắng Sự Chết.

*  *  *
Dưới ánh sáng của mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô, xin Chúa cho mỗi người chúng ta nhận ra bản thân và cuộc đời của chúng ta cũng là một dấu lạ, qua đó, chúng ta nhận ra tình thương và lòng thương xót của Chúa, chúng ta nghe được tiếng gọi và tín thác đi theo Chúa trong ơn gọi gia đình, hay ơn gọi dâng hiến, để ca tụng, tạ ơn và tôn vinh Chúa suốt đời.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

SUY NIỆM 2

Ngay từ thời Chúa Giêsu, người ta đã sống thực dụng, sa sút về luân lý. Chúa Giêsu chào thua những người cứng lòng tin, luôn đòi những dấu lạ để thoả mãn tính hiếu kỳ; đồng thời, còn để thoả mãn chính cái tôi vị kỷ của mình. Chúa Giêsu đối diện với những con người như thế, Ngài đành chấp nhận nói sự thật, dù họ không muốn nghe. Chúa Giêsu luôn quảng đại với họ, dù họ thờ ơ với sự sống đời đời Chúa thông ban.

Chính vì không bỏ qua được tính tự cao, tự đại nên dân Do Thái bị tụt hậu về niềm tin. Chúa Giêsu cố trích dẫn những sứ điệp niềm tin, sự sám hối và canh tân do các ngôn sứ tuyên báo cho họ, theo một chương trình cứu độ được thực hiện bởi Chúa Cha. Chúa Giêsu sẽ hoàn tất hành trình này bằng cái chết trên thập giá, sau đó, Ngài sống lại và lên trời. Dân Chúa được mời gọi học lấy sự khiêm nhường và hiền lành, để vượt qua chính những rào cản truyền thống niềm tin, đạo đức và lề luật để đón nhận hồng ân cứu độ Chúa Giêsu Kitô mang đến.

Sự thông thái của người Do Thái chẳng giúp họ thoát khỏi cảnh luôn bị áp bức và thống trị của các đế quốc. Thay vì, dùng sự khôn ngoan đó để tìm kiếm chân lý đức tin, chân lý cứu độ họ lại chỉ biết tập chú vào phép lạ, dấu lạ và lấy kinh nghiệm của cha ông ứng dụng cho việc hiểu biết Thiên Chúa. Chính vì thế, họ luôn giới hạn và không thể vượt qua chính mình, để hướng đến một trời mới, đất mới do Chúa Giêsu thiết lập.

Ước chi, mỗi Kitô hữu luôn khôn ngoan, sáng suốt lắng nghe và thực hành lời Chúa, để có khả năng đón nhận hồng ân cứu độ Chúa ban. Cũng ước chi, từng Kitô hữu khôn ngoan hơn trong việc nhìn ngắm các dấu lạ, để không bị cuốn hút vào mê tín dị đoan và ảo tưởng về niềm tin của mình.


GKGĐ Giáo Phận Phú Cường