Trong tiếng Pháp, Chúa thường được gọi là Notre Seigneur, Đức Mẹ thường được gọi là Notre Dame, tiếng Việt Notre Dame được dịch là Nữ Vương.
“Notre Seigneur” là từ ngữ được dùng rất nhiều ở thời Trung Cổ để nói về Chúa Kitô. Như thế “Notre Dame” là giống cái của từ “Notre Seigneur”.
Theo bà Sylvie Barnay, sử gia và là tác giả sách Trinh Nữ, người phụ nữ có khuôn mặt thần thánh (Vierge, femme au visage divin, nxb. Gallimard) thì: “Ở phương Tây khi đế quốc tan rã, Đức Trinh Nữ dần dần chiếm chỗ trống của nữ hoàng. Ở phương Tây, Đức Trinh Nữ Maria trở thành ‘nữ vương các bầu trời’, ở đỉnh cao của thứ trật các thiên thần trong một hệ thống mà trời và đất giao thao với nhau. Vì thế Đức Mẹ được xem như người trung gian”.
Vào thế kỷ thứ 12, khi người ta tái khám phá lại Chúa nhập thể làm người, Đức Trinh Nữ Maria có một địa vị ngày càng quan trọng hơn, đó là Mẹ Chúa Kitô và Mẹ loài người. Vào thời Trung Cổ, người ta nghĩ Đức Mẹ mang hình ảnh Chúa Kitô trong chiếc áo bằng da bằng thịt, vì thế Đức Mẹ cũng phủ nhân loại với chiếc áo này. Từ đó, việc tôn kính Đức Mẹ lan rộng ra trong mọi tầng lớp dân chúng, kể cả những người khiêm hèn nhất, gọi Đức Mẹ là “Notre Dame”, nhận biết Đức Mẹ là nữ vương các bầu trời. Từ ngữ “Nữ Vương” nói lên Đức Mẹ là Mẹ Chúa Kitô, cùng chia sẻ sự “cao cả” thần thánh của Con mình. Và đó là uy nghi, quyền năng và vinh danh của Mẹ Maria như chúng ta được biết.
Marta An Nguyễn dịch