Thứ Năm, 1 tháng 12, 2016

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - Ngay 1/12/2016

Filled under:


Tin Mừng Chúa Giê-su Kitô theo Thánh Mat-thêu (Mt 7: 21.24-27)

21 "Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: "Lạy Chúa! lạy Chúa! " là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi.24 "Vậy ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá.25 Dù mưa sa, nước cuốn, hay bão táp ập vào, nhà ấy cũng không sụp đổ, vì đã xây trên nền đá.26 Còn ai nghe những lời Thầy nói đây, mà chẳng đem ra thực hành, thì ví được như người ngu dại xây nhà trên cát.27 Gặp mưa sa, nước cuốn hay bão táp ập vào, nhà ấy sẽ sụp đổ, sụp đổ tan tành".

SUY NIỆM 1

Xây nhà trên đá hay trên cát trong dụ ngôn là hình ảnh Chúa Giêsu mượn để nói đến tình trạng thực tế trong cuộc đời nhiều người.

Khi một người nghe lời Chúa dạy, họ không xem đó là lý thuyết suông, nhưng xem như phương pháp thực hành để sống. Họ nhanh chóng áp dụng Lời Chúa dạy vào đời sống thường nhật của mình, họ là người khôn ngoan.

Tôi đã từng gặp gỡ và làm việc với bác sĩ Vũ Minh Duy, khoa ngoại của trại phong Bến Sắn. Là người con của một gia đình đạo đức, dòng họ có nhiều người sống ơn gọi tu trì, bác sĩ Duy cũng đã từng tìm hiểu ơn gọi tại nhiều hội dòng, nhưng không thành công.

Biết mình không có ơn gọi làm tu sĩ, linh mục, sau khi tốt nghiệp ngành y, lúc mới 24 tuổi, theo lời khuyên của người dì ruột, hiện cũng là nữ tu phục vụ tại trại phong Bến Sắn, Duy đã đến trại và đã phục vụ các bệnh nhân tại đây hơn hai mươi năm.
Giờ đây, trại phong cũng giống như ngôi nhà thứ hai của anh. Anh đã từng chia sẻ trên báo Công giáo và Dân tộc: “Ngày đầu mình cũng có chút lo lắng… Nhưng khi nhìn các biến chứng và sự mặc cảm của bệnh nhân thì tất cả tan biến hết. Họ thật đáng thương. Nhiều người do di chứng làm mắt không nhắm được, mù dần do khô giác mạc. Có người chỉ bị một vết loét nhỏ, lâu dần ăn sâu vào xương phải tháo chi. Rồi những người da mặt căng ra, mũi sụp xuống trông đau khổ vô cùng. Còn thân nhân của họ một năm chỉ thăm nom một hoặc hai lần, thậm chí nhiều năm trời không thăm viếng dù cách trại vài chục cây số. Ở bên những người bất hạnh này, mình tự nhủ phải làm một việc gì đó để họ được sống tốt hơn”.

Đến trại phong, người ta sẽ được nghe nhiều câu chuyện tốt về bác sĩ Duy. Một trong những câu chuyện khiến nhiều người cảm động, đó là, trong một lần tháo khớp cho bệnh nhân, garo cầm máu bất ngờ bị bung ra, máu từ chân bệnh nhân bắn tung tóe. Trong khi mọi người hoảng loạn né tránh, chính bác sĩ Duy dùng cả thân mình xiết chặt chân bệnh nhân để y tá bắt lại garo. Lúc đó ai cũng nói bác sĩ này “dại” vì có thể bị lây nhiễm. Nhưng anh chỉ cười và giải thích: Nếu không cầm máu kịp, bệnh nhân hẳn phải mất mạng.

Lời Chúa hôm nay giúp tôi nhớ lại kỷ niệm đã từng có với vị bác sĩ ngoài 40 tuổi này như một sự cảm phục. Anh không hề nói bằng lời, mình thực hành Lời Chúa, hay mình đang xây nhà trên đá. Nhưng cung cách phục vụ của anh cho thấy anh đang sống Lời Chúa dạy.

Cung cách phục vụ ấy là lời nói hùng hồn trên mọi lời nói về việc lắng nghe và sống Lời Chúa như Chúa Giêsu dạy: Ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá”.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết lắng nghe và sống Lời Chúa dạy. Xin cho chúng con biết làm chứng cho Chúa bằng đời sống yêu thương bác ái của chúng con. Xin cho bất cứ nơi nào chúng ocn hiện diện, nơi ấy sẽ sáng danh Chúa nhờ chính việc thực hành Lời Chúa của chúng ocn. Amen.

GKGĐ Giáo Phận Phú Cường

SUY NIỆM 2
Trong bài Tin Mừng theo thánh Mát-thêu của Thánh Lễ hôm nay, trích từ Bài Giảng Trên Núi, Đức Giê-su nói : « Người ngu dại xây nhà trên cát. Gặp mưa sa, nước cuốn hay bão táp ập vào, nhà ấy sẽ sụp đổ, sụp đổ tan tành ».
Xin cho chúng ta nhận ra sự ngu dại của chúng ta, bởi vì chúng ta thường hay xây dựng cuộc sống của chúng ta, cá nhân cũng như nhóm, cộng đoàn và gia đình, trên cát. Trên cát, có nghĩa là không phải trên Lời Chúa là đá tảng, nhưng trên những gì là chóng qua, là phù vân.
1. Ơn cứu độ và Lề Luật
Lời của Đức Giê-su trong bài Tin Mừng theo thánh Mat-thêu trình bày cho chúng ta một khuynh hướng lệch lạc trong việc giữ Luật. Việc giữ Luật của chúng ta đôi khi chỉ có ở bên ngoài mà thôi, chỉ có hình thức, chỉ cho theo luật buộc, để lương tâm và người khác không chê trách, chứ không phát xuất từ lòng biết ơn và tình yêu con thảo đối với Thiên Chúa, là Cha của chúng ta, Đấng đã ban cho chúng ta biết bao ơn lành, ngang qua từng ngày sống. Chính vì thế mà Đức Giê-su nói :
Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: « Lạy Chúa! lạy Chúa! » là được vào Nước Trời cả đâu! (c. 21)
Và Ngài cũng nói, có những người nhân danh Ngài mà nói tiên tri, nhân danh Ngài mà trừ quỉ, thậm chí nhân danh Ngài mà làm phép lạ ; nhưng đó chỉ là vẻ bề ngoài, còn trong lòng và trong cách sống với người khác, lại tăm tối và gian ác.
Với những cách sống theo vẻ bề ngoài như thế, Đức Giê-su nhấn mạnh, chỉ những ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào (Nước Trời) mà thôi ». Ở đây, Đức Giê-su không nói thi hành « Lề Luật », nhưng là thi hành « ý muốn của Cha Thầy », và cũng là Cha của chúng ta. Thế mà, ý muốn của Thiên Chúa lại sâu và rộng hơn Lề Luật, vì ý muốn của Chúa Cha còn liên quan đến con tim và lòng mến của chúng ta ; và ý muốn của Chúa Cha còn liên quan đến lựa chọn ơn gọi của chúng ta, đến mọi hành vi, lời nói và tâm tình của chúng ta, ở mọi nơi mọi lúc.
Gương mẫu tuyệt vời  nhất của chúng ta là chính Chúa Giê-su, bởi vì Ngài đã sống với Chúa Chúa bằng tình yêu con thảo cách trọn vẹn và cho đến cùng.
2. Ý muốn của Chúa Cha
Như thế, để được vào Nước Trời, Đức Giê-su mời gọi chúng ta thi hành « ý muốn của Chúa Cha ». Nhưng ai trong chúng ta cũng gặp khó khăn trong nỗ lực tìm kiếm ý Chúa. Lề Luật, thì chúng ta có thể đọc được trong sách hay trong kinh, nhưng ý muốn của Chúa Cha thì không thấy ghi ở đâu hết, nhất là khi chúng ta muốn biết ý Chúa trong hoàn cảnh riêng của mình, trong trường hợp riêng của mình, trong những vấn đề riêng tư và tế nhị của mình, trong những khó khăn phức tạp của mình.
Đi tìm ý Chúa cho chính mình, cho ơn gọi của mình hay trong một hoàn cảnh đặc biệt, luôn luôn là một hành trình khó khăn. Và dường như Chúa thích để như thế, Chúa thích chúng ta đoán ra ý Chúa, thay vì để cho Chúa phải nói thẳng ra. Giống như đối với cha mẹ : khi chúng ta còn bé, cha mẹ ra lệnh cho chúng ta ; nhưng khi chúng ta lớn rồi, cha mẹ sẽ rất vui, nếu chúng ta tự mình làm vui lòng cha mẹ, tự mình khám phá ra ý thích của cha mẹ. Và trong tình bạn và tình yêu cũng vậy, đoán ra ý nhau, mới thực sự là tình bạn, tình yêu và mang lại cho nhau niềm vui, thay vì cái gì cũng phài nói thẳng ra. Chúa cũng vậy, Chúa cũng sẽ vui thích khi chúng ta tìm kiếm và đoán ra ý Chúa với lòng mến.
3. Lời của Đức Giê-su và Lề Luật
Chính vì thế, trong nỗ lực tìm kiếm ý Chúa, lòng mến Chúa và lòng ước ao làm đẹp lòng Chúa là quan trọng nhất. Và lòng mến Chúa lại cần được diễn tả ra bên ngoài bằng đời sống cầu nguyện và việc siêng năng tham dự các bí tích. Và chính trong cầu nguyện và các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể, mà chúng ta nhận được nền tảng vững chắc cho nỗ lực tìm kiếm ý Chúa Cha : đó là Lời của Đức Giê-su. Như chính Chúa nói trong bài Tin Mừng :
Vậy ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành,
thì ví được như người khôn xây nhà trên đá »
(c. 24)
Đặc biệt trong những gì liên quan đến việc hiểu và sống Lề Luật (x. Mt 5, 17-48), Đức Giê-su mời gọi chúng ta không chỉ dừng lại ở chữ viết của Lề Luật, nhưng “hoàn tất” Lề Luật, “vượt qua” Lề Luật, bằng cách hiểu và sống theo Lời của Ngài:
Anh em đã nghe Luật dạy rằng…
Nhưng Thầy, Thầy nói với anh em…
(Mt 5, 21.27.33.38 và 43)
Đức Giêsu mời gọi chúng ta giữ Lề Luật, không chỉ ở bề ngoài, nghĩa là ở mức độ hành vi có thể quan sát được, nhưng giữ Luật Lề khởi đi từ chốn vô hình không ai thấy được: đó là con tim của chúng ta, là cõi lòng chúng ta, là chốn thâm sâu nhất của chúng ta. Và như thế mới là giữ Lề Luật một cách đích thật, mới là sống Lề Luật trong sự thật, mới là “hoàn tất Lề Luật”. Do đó, hoàn tất lề luật theo Đức Kitô, không phải là giữ luật thật chặt chẽ hết mức, nhưng là sống tối đa theo năng động của tình yêu Thiên Chúa, có ở nơi sâu thẳm của chúng ta, vì chúng ta được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa.
Như thế, sự công chính đích thực mà Đức Giêsu mời gọi chúng ta sống, không hệ ở việc giữ luật thật chi li, bởi vì nơi của sự công chính đúng hơn nằm ở trung tâm vô hình sâu thẳm của con người. Chính con người cũng chẳng đạt tới đó được nếu chỉ với nỗ lực riêng của mình. Chỉ có một mình Thiên Chúa mới “thanh tẩy” được chốn thâm sâu đó của con người mà thôi.
Nhưng nào ai nhận định được các lầm lỗi của mình ?Xin thanh tẩy con khỏi những lầm lỗi vuột khỏi con. (Tv 19, 13)
Một cách tận cùng, lời của Đức Giêsu mời gọi chúng ta đi đến tâm tình khiêm tốn, khiêm tốn với Thiên Chúa, khiêm tốn với người khác và khiêm tốn với chính mình. Như thế, hoàn tất không phải là bổ túc thêm, làm cho hoàn chỉnh luật đã có, cũng không phải đưa ra một bộ luật mới đòi hỏi tận căn hơn, nhưng là đẩy luật đi đến cùng đích của nó và để đi đến cùng, phải khởi đi từ đầu.
Hoàn tất lề luật theo Đức Kitô
không phải là giữ luật thật chặt chẽ hết mức, 
nhưng là một chuyển động của Thần Khí
vượt qua Lề Luật, từ khởi đầu đến cùng đích.
        *  *  *
Xây dựng cuộc sống của chúng ta, cá nhân cũng như nhóm, cộng đoàn và gia đình, trên Lời Chúa, sẽ bảo vệ, duy trì và phát triển sự sống, không chỉ sự sống mai sau, nhưng ngay sự sống này. Bởi vì, nếu không, sự sống của chúng ta sẽ trở nên chết chóc và sụp đổ tan tành, chết chóc và sụp đổ tan tành ngay ở đời này.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc