Thứ Sáu, 16 tháng 12, 2016

Tin Công Giáo Thế Giới ngày 15.12.2016

Filled under:


Đức Thánh Cha Phanxicô Giáo Lý Về Đức Cậy Buổi Triều Kiến Chung Thứ Tư 14-12-20016


Paul VI General Audience 11.30.16

ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
GIÁO LÝ VỀ ĐỨC CẬY
BUỔI TRIỀU KIẾN CHUNG THỨ TƯ 14-12-20016
Bài 2

Paul VI Hall General Audience 11.30.16

"Sứ điệp của Tin Mừng cứu độ được trao phó cho chúng ta là những gì khẩn trương. Chúng ta cũng cần phải chạy như vị sứ giả vượt qua núi, vì thế giới này không thể đợi chờ được nữa; nhân loại đang đói khát công bình, chân lý và hòa bình"

Xin chào Anh Chị Em thân mến! Chúng ta đang tiến đến Giáng Sinh, và tiên tri Isaia lại giúp chúng ta một lần nữa hướng bản thân chúng ta về niềm hy vọng cậy trông, bằng cách lãnh nhận Tin Mừng về ơn cứu độ sẽ đến. Đoạn 52 của Tiên Tri Isaia được bắt đầu bằng một lời mời gọi Giêrusalem hãy bừng tỉnh dậy, hãy phủi bụi và tháo gỡ những thứ ràng buộc, rồi mặc lấy các y phục đẹp đẽ của mình, vì Chúa đã đến để giải thoát dân của Ngài (các câu 1-3). Sau đó Ngài đã phán thêm rằng: "Dân của Ta sẽ biết tên của Ta, điều chính Ta đã nói; này Ta đây" (câu 6).
Bài ca hân hoan về Giêsurusalem đáp ứng lời mời gọi của vị tiên tri với lời Thiên Chúa phán "Này Ta đây", một lời gồm tóm tất cả ý Ngài muốn cứu độ và gần gũi chúng ta. Đó là giây phút lịch sử rất quan trọng. Đó là việc chấm dứt cuộc lưu đầy ở Babylon; đối với dân Israel thì đó là trách nhiệm của họ trong việc tìm gặp Thiên Chúa một lần nữa, bằng đức tin, nhờ đó họ lại thấy được bản thân họ. Chúa làm cho Mình trở thành kề cận, và "thành phần còn sót lại nhỏ bé", tức là một ít dân chúng còn ở lại sau cuộc lưu đầy và trong cuộc lưu đầy đã lấy đức tin mà chịu đựng, thành phần đã trải qua cuộc khủng hoảng nhưng vẫn tiếp tục tin tưởng và hy vọng ngay cả giữa bóng tối, thì "thành phần còn sót lại nhỏ bé" ấy mới có thể thấy được những kỳ diệu Thiên Chúa đã làm.
Đến đây vị tiên tri này thêm vào một bài ca hoan lạc như sau: "Ðẹp thay trên đồi núi bước chân người loan báo tin mừng, công bố bình an, người loan tin hạnh phúc, công bố ơn cứu độ và nói với Xi-on rằng ...  Hỡi Giê-ru-sa-lem điêu tàn hoang phế, hãy đồng thanh bật tiếng reo mừng, vì Ðức Chúa an ủi dân Người, và cứu chuộc Giê-ru-sa-lem. Trước mặt muôn dân, Ðức Chúa đã vung cánh tay thần thánh của Người: ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta, người bốn bể rồi ra nhìn thấy" (Isaia 52:7,9-10 - theo bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Phụng Vụ Giờ Kinh).
Những lời này của Tiên Tri Isaia là những lời chúng ta muốn dừng lại một chút, có liên quan đến phép lạ về hòa bình một cách đặc biệt, ở chỗ chú ý tới không phải là vị sứ giả mà là chân của vị này thoăn thoắt chạy: "Ðẹp thay trên đồi núi bước chân người loan báo tin mừng.. ."
Như thể vị Hôn Thê trong Diễm Tình Ca, nàng chạy đến với Người Tình Yêu Dấu của mình: "Kìa! Người đến, vượt qua núi, băng qua đồi" (2:8). Vị sứ giả hòa bình cũng chạy như thế, loan báo tin mừng giải phóng, tin mừng cứu độ, và loan báo rằng Thiên Chúa đang ngự trị.
Thiên Chúa không bỏ rơi dân của Ngài và Ngài không để Ngài bị sự dữ đánh bại, vì Ngài tín trung, và ân sủng của Ngài lớn lao hơn tội lỗi. Chúng ta cần phải biết điều này, bởi chúng ta là thành phần cứng đầu và không học biết nó. Thế nhưng tôi xin hỏi một câu: Cái gì lớn hơn, Thiên Chúa hay tội lỗi? Thiên Chúa! Và ai là chiến thắng cuối cùng, Thiên Chúa hay tội lỗi? Thiên Chúa. Ngài có thể khống chế tội cả thể nhất, Ngài có thể thắng vượt những tội lỗi hổ thẹn nhất, kinh hoàng khủng khiếp nhất, xấu xa gian ác nhất. Thiên Chúa đã khống chế tội lỗi bằng thứ khí giới nào? Yêu thương! Điều ấy nghĩa là "Thiên Chúa đang hiển trị"; đó là những lời lẽ bày tỏ niềm tin vào một Vị Chúa có quyền năng uốn mình trên nhân loại, tự hạ Bản Thân Mình, để cống hiến lòng thương xót và giải phóng con người khỏi những gì làm méo mó nơi họ hình ảnh mỹ miều của Thiên Chúa, vì khi chúng ta ở trong tội lỗi thì hình ảnh của Thiên Chúa bị méo mó. Việc hoàn trọn tình yêu quá nhiều này thực sự ở nơi việc Chúa Giêsu thiết lập một Vương Quốc tha thứ và bình an mà chúng ta cử hành vào dịp Giáng Sinh và được vĩnh viễn hiện thực ở Lễ Phục Sinh. Niềm vui tuyệt đẹp của Giáng Sinh là niềm vui bình an nội tại, ở chỗ Chúa đã xóa bỏ tội lỗi của tôi, Chúa đã tha thứ cho tôi, Chúa đã thương xót tôi, Người đến để cứu độ tôi. Đó là niềm vui Giáng Sinh!
Thưa anh chị em đó là những lý do cho niềm hy vọng cậy trông của chúng ta. Khi mà mọi sự dường như đã rồi, khi mà đức tin trước quá nhiều những thực tại tiêu cực trở nên khó khăn và có khuynh hướng cho rằng chẳng còn ý nghĩa gì nữa, thì lại thấy Tin Mừng được loan báo bởi những bước chân thoăn thoắt: Thiên Chúa đang đến để hiện thực một cái gì mới mẻ, để thiết lập một vương quốc bình an. Thiên Chúa đã "tung cánh tay của Ngài ra" và đang đến để mang lại tự do và niềm an ủi. Sự dữ sẽ không thắng thế đến muôn đời, mà là kết liễu một cách đớn đau. Niềm thất vọng bị đánh bại vì Thiên Chúa ở giữa chúng ta.
Chúng ta cũng được yêu cầu, như Giêrusalem, hãy bừng tỉnh một cách nào đó, trong việc theo đuổi lời mời gọi được vị tiên tri này ngỏ cùng nó. Chúng ta được kêu gọi để trở nên những con người nam nữ của niềm hy vọng cậy trông, hợp tác vào việc làm cho Vương quốc này tỏ hiện và nhắm đến tất cả mọi con người nam nữ của niềm hy vọng cậy trông. Đáng sợ biết bao khi chúng ta gặp một Kitô hữu đã đánh mất đi niềm hy vọng cậy trông! "Tôi không hy vọng bất cứ điều gì, đối với tôi tất cả mọi sự đều đã chấm dứt": Kitô hữu nào nói như thế là người không thể nhìn đến những chân trời của niềm hy vọng cậy trông, và trước con mắt của họ chỉ còn lại duy nhất một bức tường. Thế nhưng Thiên Chúa hủy hoại những bức tường này bằng việc tha thứ! Chúng ta cần phải cầu xin điều ấy, đó là xin Thiên Chúa ban cho chúng ta niềm hy vọng cậy trông hằng ngày, và xin Ngài ban nó cho hết mọi người; niềm hy vọng được xuất phát khi chúng ta thấy Thiên Chúa ở trong máng cỏ ở Bêlem. Sứ điệp của Tin Mừng này được trao phó cho chúng ta là những gì khẩn trương. Chúng ta cũng cần phải chạy như vị sứ giả vượt qua núi, vì thế giới này không thể đợi chờ được nữa; nhân loại đang đói khát công bình, chân lý và hòa bình.
Khi nhìn Thơ Nhi Bêlem nhỏ bé, những con người bé nhỏ trên thế giới này sẽ biết được rằng lời hứa đã được nên trọn, sứ điệp đã thành hiện thực. Ở nơi một con trẻ mới sinh, cần đến hết mọi sự, được bọc trong khăn và được đặt nằm trong máng cỏ, là tất cả quyền lực của Vị Thiên Chúa cứu độ. Giáng Sinh là một ngày để mở lòng ra: cần phải mở lòng mình ra trước cái quá bé nhỏ ấy, cái bé nhỏ nơi Thơ Nhi ấy, cũng như trước quá ư là kỳ diệu. Đó là cái diệu kỳ của Giáng Sinh là những gì chúng ta đang sửa soạn bằng niềm hy vọng cậy trông trong Mùa Vọng này. Thật lạ lùng về một Vị Thiên Chúa Con Trẻ, một Vị Thiên Chúa nghèo hèn, một Vị Thiên Chúa yếu kém, một Vị Thiên Chúa từ bỏ cái uy nghi cao cả của mình để Ngài được gần gũi với từng người chúng ta.

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và những chi tiết nhấn mạnh tự ý bằng mầu sắc