Chủ Nhật, 18 tháng 12, 2016

5 Phút cho Lời Chúa 18/12/2016

Filled under:

TRUYỀN TIN CHO GIU-SE
“Này ông Giu-se là con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì Người Con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần.” (Mt 1,20)
Suy niệm: Theo thánh sử Mát-thêu, Thiên Chúa thông truyền ý muốn của Ngài cho thánh cả Giu-se qua những giấc mộng: báo tin Ma-ri-a thụ thai cách huyền nhiệm, lệnh lên đường ngay trong đêm sang Ai cập, và cả chuyến hồi hương về Na-gia-rét. Trong mọi trường hợp, thánh Giu-se vâng lời cách mau mắn, vô điều kiện trong đức tin, không cần những phép lạ ngoạn mục, những cuộc hiện ra phi thường. Cũng như Đức Ma-ri-a nhận ra được ý định của Thiên Chúa trong lúc cầu nguyện, thánh Giu-se Giu-se nhận thức rõ ràng sự can thiệp của Thiên Chúa ngay cả trong giấc ngủ. Phải có một cuộc sống hết sức thân mật với Thiên Chúa mới có thể sẵn sàng nhận ra chấp nhận để Thiên Chúa hướng dẫn, sắp đặt cuộc đời mình theo thánh ý Người.
Mời Bạn: Thiên Chúa vẫn tiếp tục mời gọi bạn qua những biến cố bất ngờ xảy đến trong đời bạn. Bạn thắc mắc, chất vấn, kêu trách, chống đối Chúa, hay là bạn khiêm tốn vâng phục thánh ý Người?
Chia sẻ: Bạn hãy chia sẻ một kinh nghiệm về một cuộc viếng thăm của Thiên Chúa trong đời bạn qua một lời nói, một dấu chỉ, và ngay cả một giấc mơ.
Sống Lời Chúa: Thinh lặng, cầu nguyện, sống thân mật với Chúa để có thể nhận ra thánh ý Ngài qua mọi biến cố to nhỏ của đời sống.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dạy con biết sống thinh lặng, khiêm tốn, phó thác vào Chúa như thánh cả Giu-se để chúng con cũng có thể nhận ra và mau mắn thực hành thánh ý Chúa.

THÁNH GAXIANÔ
GIÁM MỤC TIÊN KHỞI THÀNH TUA
Rôma xưa có thể nói được là quê hương xứ sở của các ngẫu thần. Khắp nơi từ thành thị đến thôn quê, đâu đâu người ta cũng thấy mọc lên như nấm những chùa miếu, đền đài thờ kính chư thần này, vị thần kia. Bầu không khí sùng mộ ngẫu thần ấy không riêng gì ở đế đô mà còn tràn lan khắp cả trong đế quốc Rôma. Tại thành Tua (Tours), một đô thị của đế quốc Rôma thời ấy, người ta thấy ngổn ngang những tượng thần dựng lên ở khắp các nẻo đường, đồng thời trong dân chúng không thiếu những tập quán mê tín dị đoan và những phong tục ngoại giáo dữ tợn hầu như man rợ.
Trước cảnh tượng đó, ai là người có hồn tông đồ mà không khỏi đau lòng. Gaxianô, một người công giáo, hơn nữa còn là một vị chúa chiên thì ngài phải đau lòng xót dạ đến mực nào, trước cảnh tượng mê tín và lầm lạc đó. Chính vì thế khi vừa được sắc ủy làm Giám mục thành này, mối bận tâm thứ nhất của vị tân Giám mục là lo hoán cải dân thành quay về với chính lộ. Ngài khởi sự công cuộc truyền giáo ấy bằng cách mở những cuộc tiếp xúc thân mật với dân chúng. Trong những lúc đàm đạo thân mật với mọi người, Đức Giám mục Gaxianô đã có thể chỉ dẫn cho họ biết những điểm lầm lạc trong tín ngưỡng và cách tôn thờ của họ.
Sau khi đã giảng dạy cho dân chúng hiểu cái vô giá trị của những hình tượng mà họ tôn thờ, ngài bắt đầu hé cho họ biết những chân lý nền tảng trong đạo Công giáo. Đó là niềm tin có một Thiên Chúa độc nhất, toàn năng, hằng hữu là Đấng sáng tạo vạn vật. Sau đó các chân lý khác như mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, mầu nhiệm Nhập thể, mầu nhiệm một Ngôi Thiên Chúa hóa thân làm người để đem nguồn ơn cứu rỗi cho nhân loại, cũng được ngài bàn giải đến một cách rõ ràng hấp dẫn.
Tất cả những điều ngài giảng dạy trên đây đã gây một biến động sôi nổi trong dân chúng. Đa số đã phục thiện quay về với chân lý, còn thiểu số thuộc giai cấp trung lưu và quý phái để tâm hằn thù và đả kích ngài sôi nổi.
Giữa cơn sóng gió bão táp và nguy hiểm do bọn người ác cảm chủ mưu, Giám mục Gaxianô vẫn vững dạ cậy trông Chúa.
Phe đối phương chỉ tìm dịp hạ sát hoặc trục xuất ngài ra khỏi miền đó. Nhưng họ không làm gì được, vì sau ngài có cả một hậu thuẫn mạnh mẽ là các giáo hữu và giáo dân tân tòng mà ngài đã đem ánh sáng đức tin đến cho họ. Nhờ sự bênh vực che chở đó, ngài càng hăng hái hoạt động truyền giáo hơn. Đời sống liêm chính và trong sạch như thiên thần của ngài đã chinh phục được nhiều người quay trở về đạo Công giáo hoặc đổi cách ăn nết ở để sống lương thiện đạo đức hơn.
Nhưng tình trạng đó kéo dài không được bao lâu, vì bọn đối phương vẫn căm hờn ngài và thù ghét tất cả những ai theo ngài. Họ đã nhiều phen gây cuộc đổ máu, và quyết tâm triệt hạ thứ tôn giáo mà họ coi là thù địch đó. Trong lúc cuộc truy nã quá gắt gao, Đức Giám mục Gaxianô đành phải ẩn trốn vào rừng cùng với một số tín hữu.
Sau một thời gian, cơn bách hại dịu dần ngài lại có thể trở về toà và tiếp tục truyền giáo. Chính lúc này gương nhân đức của Giám mục Gaxianô càng rạng ngời rực rỡ nên càng thu phục được rất nhiều người. Giáo đoàn thành Tua lúc này phát triển mạnh mẽ hơn lúc nào hết. Các đền đài chùa miếu thờ tà thần, nay đã biến thành những thánh đường luôn luôn vang lên những câu kinh, tiếng hát ngợi khen và thờ phượng Thiên Chúa.
Để công việc truyền giáo được thêm nhiều kết quả, Đức Giám mục Gaxianô còn hãm mình phạt xác một cách rất gắt gao.
Ngài ăn chay hằng ngày và tối đến thường thức rất khuya để cầu nguyện và dọn bài giảng. Tuy nghiêm khắc với mình nhưng đối với người nghèo, ngài lại là một người cha đầy lòng nhân từ thương xót. Ngài giúp tiền của hoặc kiếm việc làm cho họ, ngài còn xây nhiều nhà thương, viện dưỡng lão cho những người già nua, tàn tật không nơi nương tựa. Có thể nói được rằng việc cứu trợ và thương yêu những người nghèo khổ, đau yếu là một khía cạnh trổi vượt và thành công nhất trong chương trình truyền giáo của Đức Giám mục Gaxianô, và cũng chính ở phương diện đó mà ngài đã phải hy sinh tính mệnh của mình.
Thực vậy, vì quá mải miết với công việc từ thiện ấy, một ngày kia ngài đã kiệt sức và phải nằm liệt giường. Trong lúc ngài đã thiếp đi vì đuối sức, Chúa Giêsu đã hiện ra yên ủi ngài và tỏ cho ngài biết hạnh phúc thiên đàng đang chờ đón ngài. Sau bảy ngày mê mệt trên giường bệnh, ngài trút hơi thở cuối cùng để về nơi vĩnh phúc, để lại cho đoàn con một niềm mến thương nhớ tiếc.
Sau khi ngài từ trần, Giáo hội thành Tua, phải trống ngôi một thời gian lâu, vì không tìm được vị kế nghiệp. Hoàn cảnh đó khiến việc đạo bị sa sút một phần nào. Những tay sai của tà thần lại bắt đầu xuất hiện rất nhanh chóng để phá hủy Giáo hội. Nhưng trải qua bao cuộc gian nan, Giáo hội thành Tua vẫn đứng vững nhờ có sự phù hộ che chở của thánh Giám mục Gaxianô.
Xác ngài được táng trong một nghĩa địa công cộng, chung với những người nghèo khó. Về sau người ta đã xây trên mộ ngài một ngôi thánh đường nguy nga lộng lẫy; và cũng từ đấy đã xảy ra nhiều phép lạ khiến giáo dân càng tăng thêm lòng mộ mến sùng kính thánh Giám mục Gaxianô.
Với lòng tin tưởng cậy trông, chúng ta cũng hãy chạy đến xin thánh nhân hun đúc cho chúng ta được một tinh thần truyền giáo và một lòng bác ái nồng nhiệt như ngài; tinh thần đó sẽ khiến chúng ta luôn mang trong tâm tư một niềm âu lo chính đáng của một con cái Chúa đích thực: đó là niềm khát mong cho muôn người nhận biết và tôn thờ một Thiên Chúa là Chúa chân thật. Trước hiểm họa vô thần đang lan tràn khắp thế giới, thì niềm âu lo kia càng phải được cụ thể hóa bằng việc hy sinh, cầu nguyện đi đôi với công việc truyền giáo bên ngoài một cách thiết thực và cấp bách đến mực nào!

Cái Nhìn Của Một Tướng Lãnh

Đại tướng Marbot, trong tập ký sự, có kể lại một hôm, khi còn là thiếu úy, vua Nã Phá Luân sai ông làm một việc cực kỳ nguy hiểm. Đó là giữa đêm khuya, luồn qua bọn lính tuần tiễu đối phương, bắt một người lính Áo đứng canh bên kia bờ sông Danube, tra khảo để xem tình thế của địch quân. Sau bao nhiêu cố gắng không thể tưởng tượng được, toán quân của thiếu úy vượt qua được khúc sông và bắt được ba người lính Áo. Sau khi đã hoàn thành công tác, họ đẩy thuyền ra xa, chèo về. Bỗng dòng nước cuốn mạnh đẩy một gốc cây lớn xô mạnh vào thuyền. Tiếng động đó đã báo động bọn lính tuần tiễu Áo. Họ vùng lên bắn xối xả.
Trong cơn nguy biến cùng cực ấy, viên thiếu úy bỗng nhìn thấy một ánh lửa tỏa ra từ sườn núi chỗ đóng quân bên kia bờ. Viên thiếu úy đã hiểu rằng, Nã Phá Luân đã theo dõi cuộc xô xát và đang chăm chú nhìn từ cửa sổ của ông.
Đôi mắt phượng hoàng của Nã Phá Luân đã xé tan bóng tối để gửi đến cho những người lính trẻ sự cổ vũ khuyến khích. Viên thiếu úy có cảm tưởng như nhà vua đã quên hết cả một đạo binh để chỉ nhìn về phía anh. Sự chăm chú theo dõi của nhà vua đã đem lại cho những người lính trẻ sự phấn khởi để giúp họ vượt qua được khó khăn và trở về an toàn.
Một cái nhìn của một vị tướng lãnh đã có sức nâng đỡ người lính chiến giữa trận địa như thế, cũng vậy, Chúa cũng đã chăm chú theo dõi và nhìn mỗi người chúng ta như thể chỉ có mỗi người chúng ta là đáng được chú ý. Thiên Chúa không chăm sóc chúng ta như chăm sóc một đàn cừu trong đó mỗi con vật chỉ là một con số. Thiên Chúa yêu thương chúng ta bằng một tình yêu biệt loại. Người gọi tên từng người trong chúng ta. Người đối xử với chúng ta như thể chỉ có ta là người duy nhất hiện hữu trên trần gian này.