Thứ Tư, 14 tháng 12, 2016

Ca khúc “Emmanuel” với sự thể hiện của 500 em thiếu nhi dành tặng Đức Thánh Cha nhân ngày sinh nhật của ngài

Filled under:



Một nhóm 500 em thiếu nhi và cha mẹ của các em đã hợp tiếng trong ngôi thánh đường nguy nga tại Pamplona, Tây Ban Nha, để hát mừng sinh nhật lần thứ 80 sắp tới của Đức Thánh Cha.
Họ hát bài  “Emmanuel” của Michael Card, và “Iglesia Universal” của Carlos Andrés Sánchez. Sự thể hiện của họ, với tất cả trái tim yêu mến, đã tác động mạnh mẽ hơn so với những gì họ dự định.
Họ sẽ gửi video này cho Đức Thánh Cha Phanxicô vào ngày sinh nhật của ngài, ngày 17 tháng 12. Đó sẽ là một ngày đặc biệt dành cho Đức Thánh Cha, nhờ những dấu hiệu của lòng mến như thế này.
Chuyển ngữ: Quang Khanh, S.J.
Nguồn: Rome Reports 12-12-2016


Bởi “sĩ” nên “khổ”

Khi đau khổ, dường như than van là nhu cầu tự nhiên. Than van để cảm thấy bớt đau. Than van để người khác quan tâm. Than van để mong đau khổ sớm kết thúc. Than van để giãi bày tình cảnh. Cũng có khi than van vì chẳng biết làm gì hơn. Nhưng cũng thường xảy ra, khi nỗi khổ đau của mình không còn, mình quên luôn điều ấy, mình để cho kinh nghiệm khổ đau trôi vào dĩ vãng. Khi làm như thế, mình quên đi một phần quan trọng của đời mình, mình quên đi lòng biết ơn cần có, mình quên đi rằng hiện tại đang còn nhiều người khổ đau giống như mình đã từng nếm trải.
Khi khổ, mình muốn than, và nhiều khi mình nhận được những thái độ khó chịu từ người khác. Thế nhưng, khi sướng, mình cũng làm điều tương tự, mình thấy khó chịu khi người khác cứ than vãn hoài. Bởi thế mà lời vàng ngọc xưa nay vẫn văng vẳng mà chẳng bao giờ lỗi thời. Đó là một ước mơ thực tiễn mà khó làm. Người Việt mình nói: Thương người như thể thương thân. Kinh Thánh nói: Yêu người thân cận như chính mình. Thử điểm tên vài nỗi đau mà ai cũng từng nếm trải.
Đau đầu
Đau đầu rất dễ nhận thấy khi bị cảm sốt, hoặc khi phải suy nghĩ quá sức, có khi do những chứng bệnh. Có thể là đau khắp đầu. Đau râm ran. Vừa đau vừa nóng bừng bừng. Đau nửa đầu. Đau đỉnh đầu. Đau gáy, mỏi cổ. Đau như búa bổ. Đau đầu nhức óc… Có những cơn đau có thể được làm dịu hoặc được chữa lành nhờ thuốc, nhưng cũng có những loại đau kinh niên. Có những loại nặng hơn, và khó lòng có thuốc chữa. Ví như đau đến mức rối loạn trong chứng trầm cảm, tự kỷ, hoặc hoang tưởng v.v. Đó là mới chỉ kể một chút về những gì có thể thấy tỏ tường và trải nghiệm rất cụ thể trên phương diện thể lý.
Nói đến cái đầu, thường nghĩ ngay đến trí khôn, đến khả năng suy nghĩ. Sâu xa hơn khả năng suy nghĩ, có lẽ là nếp nghĩ. Sâu hơn nếp nghĩ có lẽ là những cách nhìn. Sâu hơn nữa, có lẽ là một cái nền ở đằng sau những suy nghĩ. Thế nhưng, nhiều người dễ quên một năng lực rất đáng quý của con người, đó là khả năng suy đi nghĩ lại, khả năng phản tỉnh, khả năng tự soi gương và nhận ra bản thân, khả năng sáng tạo, khả năng tự đổi mới. Theo truyền thống, chúng ta gọi đó là lương tâm. Ở nơi thâm cung này, tôi không thể tự lừa dối mình và người khác cũng không thể lừa dối tôi.
Nếu cứu chữa ở mọi phương diện mà quên đi lương tâm, thì hoặc là người ấy trở thành tàn phế, hoặc là trở thành một cỗ máy vô cùng nguy hiểm cho những kẻ vô lương tâm lợi dụng.
Đau răng
Khi đau đầu đã thấy khổ. Khi đau răng, có lúc còn cảm thấy khổ hơn nữa. Vì răng đau liên hệ trực tiếp đến dây thần kinh ở chân răng, và nối với dây thần kinh ở não bộ. Mỗi lần cơn đau đến là nhức răng và buốt óc. Từng cơn đau cứ kéo đến và giật mạnh. Cảm giác không chỉ là như búa đập bên ngoài đầu, mà dường như có cái kim châm vào tận bên trong. Cơn đau có thể làm mất ngủ mất ăn.
Tôi có thể cảm thấy đau khủng khiếp như vừa diễn tả, là do sự kết nối hiệu quả của dây thần kinh từ nhiều hệ thống khác nhau, giữa răng với não bộ với cảm giác. Cảm thấy đau như thế, sẽ thúc giục tôi tìm cách chữa trị và khi chữa răng khỏe thì toàn thân sẽ khỏe. Nhưng nếu răng đau mà tôi không biết, tức là dây thần kinh kết nối không hoạt động, thì răng sẽ hư và việc ăn uống và nhiều điều khác sẽ bị ảnh hưởng.
Bác sĩ có thể cho uống thuốc hoặc tiêm thuốc giảm đau, để tạm ngắt kết nối. Nhưng đây chỉ là cách giải quyết tình thế mà thôi. Cội nguồn là phải chữa răng. Tiếc rằng, ngày nay trong cuộc sống, người ta lại quá chuộng những loại giảm đau, những loại kích thích. Những loại này hoặc cắt đứt các kết nối, hoặc gây ra cảm giác không thực cho các kết nối. Và hậu quả là ai cũng thấy, vấn đề ngọn nguồn không được chữa trị. Người có răng đau mà sống như thể răng không đau. Đến lúc răng hư và hư người, người ta cũng không biết là tại sao nữa. Bởi lẽ người ta đã quá lạm dụng đủ loại hóa chất và thủ thuật tâm lý để cắt bỏ hoặc làm tê liệt hệ thống kết nối: kết nối giữa các hệ thần kinh trong chính bản thân, kết nối với người khác, và kết nối với Trời cao.
Đau mắt và đau tim
Có hai loại đau cũng thường gặp là đau mắt và đau tim. Người viết không bàn nhiều ở đây, mời bạn tự viết tiếp cho chính mình và cho người thân. Chỉ biết rằng, mắt người ta hình như càng ngày càng phụ thuộc vào nhiều thứ kính đeo và máy móc. Ngày càng có nhiều người dán mắt vào đủ loại phức tạp. Làm cho tầm nhìn không biết là tầm nào nữa. Tim người ta hình như càng ngày càng yếu trong cảm nhận cũng như khả năng chịu đựng và đón nhận.
Bệnh sĩ chết trước bệnh tim
Còn nhiều thật nhiều nỗi đau khác chưa kể tới. Đó là những nỗi đau nơi chính mình, nơi người khác, nơi tình người. Nhưng một căn bệnh mà xưa nay vẫn thế, vẫn có vẫn tệ và hầu như ai cũng thích mắc. Đó là bệnh sĩ, sĩ diện, hư hanh, háo danh, ham danh, đeo mặt nạ. Dù vẫn biết là bệnh sĩ chết trước bệnh tim, nhưng mỗi người thường muốn một chút gì đó là mang danh.
Thầy Giêsu có cách điều trị căn bệnh này. Đó là con đường từ bỏ chính mình, là coi người khác trọng hơn mình, là vác thập giá mình, vác chính những sai lỗi và bất toàn của bản thân, đón nhận tất cả những điều ấy hằng ngày mà bước theo Thầy. Chẳng có mấy ai theo! Nhưng nếu ai theo thì thật là có phúc! Vì khi chữa được bệnh sĩ, người ta bắt đầu sống thật và vươn lên như diều gặp gió. Đó là sự chuyển mình vĩ đại của bậc thánh nhân.
Tứ Quyết SJ


Con muỗi

Chiều nay, khi đang cầu nguyện, tôi nhìn ngắm một chú muỗi đậu trên cánh tay của tôi. Tôi nhìn ngắm những chuyển động của thân xác nó, tôi cũng nhìn ngắm những chuyển động của lòng mình.
Con muỗi. Nó từ từ hạ cánh êm lắm. Nó định hút máu tôi đấy! Tôi để im cho nó tìm một chỗ mà nó thích nhất, nhiều máu nhất. Nó cắm mũi kim xuyên qua da thịt tôi. Oái! Cũng đau chứ nhỉ! Tôi thấy nó say sưa lắm. Nó chả biết là tôi chỉ cần dùng tay kia và chát một cái là nó bẹp dí trên tay tôi. Nó vẫn thản nhiên. Nhìn nó, tôi thấy nó thật an bình. Nó an bình hay cái đồng ý của tôi cho nó một giọt máu làm nó an bình dưới cái nhìn của tôi. Thực ra, tôi an bình hay nó an bình. Nó hút và tôi cho kia mà! Kệ, ai an bình cũng tốt mà, miễn sao có kẻ bình an là được. Tôi bình an thật ư, vì tôi đang bị đau mà. Chả biết nữa, nhưng trong cái cho và cái nhận có bình an, thế thôi. Một giọt máu nhằm nhò gì nhưng lại làm cho kẻ khác được no thỏa. Nhìn lại, có những lần vì cái sinh tồn của một con muỗi, nó chích tôi, làm tôi đau và chát, thế là đời nó kết thúc. Sao tôi ác vậy nhỉ, một giọt máu nhỏ bé của tôi đánh đổi một mạng sống đó sao? Tôi giết nó, thân xác nó và máu văng vãi trên bàn tay của tôi, tôi lấy làm thích thú và bôi chét chúng sang người bên cạnh để chọc họ. Hả, sự ác có sức lan tỏa sao! Ai đã gieo vào lòng tôi cái thù ghét con muỗi thế, cứ gặp nó là phải đập sao, khi giết nó rồi thì tôi lấy làm hả hê lắm, cái chết của nó đổi lấy sự hả hê của tôi đó. Tôi đập nó là đập chính mình vì ngay khi tôi đập nó chết là tôi cũng tự làm mình đau mà. Con muỗi, nó mong manh lắm. Nó được sinh ra có ích gì nhỉ, Chúa nói mọi thứ Ngài tạo ra đều tốt đẹp mà, sao tôi chả thấy nó ích gì. Có chứ. Nó thành thức ăn cho kẻ khác mà. Chà chà. Tôi thua con muỗi rồi. Đấng Tạo Hóa dựng lên nó để nó thành thức ăn cho kẻ khác cơ đấy! Nó nhỏ mà được cưu mang giá trị lớn thế sao? Thế mà, tôi cứ lo an toàn, tôi lo vun vén. Con muỗi cho đi chính bản thân nó đấy! Ôi! Thật bất công với nó mà, nó có tội gì mà luôn bị chê ghét, bị tấn công. Nó tốt hay xấu còn tùy vào cách người ta có tình yêu với nó và với nhau mà. Cái con muỗi này, tôi đang cầu nguyện mà, vậy mà nó dám phá suy nghĩ của tôi, những suy tư triết học và thần học của tôi hả. Tôi phải giết nó mới được, dám cả gan sao. Nhưng tôi không làm được, giết nó là giết chính tôi vì trong tình yêu, trong sự cho đi, nó dạy tôi cầu nguyện đấy.
Một giọt máu nhỏ chả đáng gì nhưng lại làm cho nó được no thỏa. Một chút tình yêu làm cho kẻ khác được chữa lành và giúp họ có thêm sức mạnh. Tôi nhìn ngắm nó hút máu tôi đó, tôi mỉm cười với nó. Chắc ai cũng bảo tôi điên, tôi thì chỉ quan tâm nó đang dạy tôi bao điều. Bụng nó dần to ra và chuyển sang màu hồng. Chà! Máu của tôi đó! Nó dám cả gan ư! Nhìn cái mong manh của nó, tôi thấy thương nó hơn, một kiếp đi nương nhờ kẻ khác mà sống, luôn bị lập trình trong cái suy nghĩ bị ghét, thế nhưng nó là thức ăn cho kẻ khác cơ đấy.
Nó dễ thương lắm. Nó no rồi. Nó tha cho tôi đó. Nó để lại cho tôi một chút đau, một chút ngứa khó chịu nhưng tôi vui. Nó tham quá, đầy cả bụng, bụng nó căng máu, máu không là máu, nó hết bay được rồi. Nó nhảy cẫng như những chú chim chích. Tôi nhìn nó mà thương. Sao nó tham thế? Tôi lại đưa tay cho nó bò lên. Mới đầu nó ngại. Nó biết ngại sao. Nó liều quá, bò luôn lên tay tôi. Nó không biết là nó đang rất nguy hiểm. Tôi chỉ cần đổi ý là nó đi gặp tổ tiên nơi suối vàng rồi. Tôi chỉ cần nhớ lại nỗi đau riêng tư mà mất bình tĩnh là máu của tôi trong bụng nó văng vãi khắp nơi rồi. Giật mình, giọt máu đó trước kia là của tôi, nhưng sau khi tôi đồng ý cho nó, vậy máu ấy bây giờ là của tôi hay của nó vậy. Giọt máu ấy trước kia là một phần cơ thể tôi mà nay lại trở nên một phần cơ thể của nó sao. Ôi cái cho đi và cái nhận lại trở nên một phần của nhau đấy. May cho nó, tuy tôi có nỗi đau riêng tư, nhưng tôi vẫn không mất khả năng cho đi, không mất khả năng chịu đau tiếp tục vì niềm vui của kẻ khác. Trong nỗi đau, tôi có quyền chống cự lại tất cả những gì có thể làm tôi đau nữa mà, nhưng con muỗi này thì không. Nó dạy tôi rằng hãy lấy sức mạnh từ nỗi đau đáp lại nỗi đau bằng tình thương mến.
Cái con muỗi này, nhỏ mà có sức ảnh hưởng nhỉ! Nhỏ mà đòi làm thầy dạy tôi, nhỏ mà đòi làm thức ăn cho kẻ khác, thức ăn nhỏ xíu, có thấm vào đâu. Nó đâu biết rằng nó cho đi chính nó thì cao quý hơn những gì tôi cho nó một chút. Máu của tôi làm cho nó no mà, sao dường như nó đang dạy tôi thế này. Tôi cho hay nó cho vậy? Một giọt máu nhỏ của tôi chả thấm vào đâu nhưng lại là tất cả đối với những gì con muỗi cần lúc này. Một chút tình yêu có thể chữa lành cho cả một đời người đó sao?
Con muỗi, nó không hiện diện nữa, nhưng nó cứ kêu o o trong đầu thôi thế này. Nó hát đấy, hát nhạc khúc tình yêu đấy: “Một giọt máu nhằm nhò gì nhưng lại làm cho kẻ khác được no thỏa; một chút tình yêu có thể chữa lành cho cả một đời người”.
Nó cứ hát, cứ hát… Nó là tôi, tôi là nó, nó là bạn, bạn là tôi… trộn lẫn vào nhau.
Phaolô Trần Trường Thọ, SJ.