Tin Mừng Chúa Giê-su Kitô theo Thánh Luca (Lc 7: 24-30)
24 Khi những người ông Gio-an sai đến đã ra về, Đức Giê-su bắt đầu nói với đám đông về ông Gio-an rằng: "Anh em đi xem gì trong hoang địa? Một cây sậy phất phơ trước gió chăng?25 Hẳn là không! Thế thì anh em đi xem gì? Một người mặc gấm vóc lụa là chăng? Nhưng kẻ áo quần lộng lẫy, đời sống xa hoa thì ở trong cung trong điện.26 Thế thì anh em đi xem gì? Một vị ngôn sứ chăng? Đúng thế đó; mà tôi nói cho anh em biết: đây còn hơn cả ngôn sứ nữa!27 Chính ông là người Thiên Chúa đã nói tới trong Kinh Thánh rằng: Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con đến!28 "Tôi nói cho anh em biết: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, không có ai cao trọng hơn ông Gio-an; tuy nhiên kẻ nhỏ nhất trong Nước Thiên Chúa còn cao trọng hơn ông.29 Nghe ông giảng, toàn dân, kể cả những người thu thuế, đều nhìn nhận Thiên Chúa là Đấng Công Chính và đã chịu phép rửa của ông.30 Còn những người Pha-ri-sêu và các nhà thông luật thì khước từ ý định của Thiên Chúa về họ, và không chịu phép rửa của ông.
SUY NIỆM 1
Sống chứng ta cho niềm tin không phải là chuyện dễ. Muốn được thế con người phải tự xóa mình ra như không mà thực thi sứ mạng loan báo ơn cứu độ của Chúa như một ân huệ Thiên Chúa ban và hạnh phúc khi Danh Chúa được loan truyền. Ông Gioan đã thi hành một cách sốt sắng sứ mạng của mình. Ông không những được mọi người công nhận mà chính Đức Giêsu đã khen ngợi và làm chứng cho sứ vụ tiền hô của ông.
Chúa khen kết quả do công việc của Gioan. Nhờ ông giảng, dân chúng, kể cả những người tội lỗi đã tin nhận vào Thiên Chúa và gia nhập Giáo Hội do Chúa Giêsu thiết lập. vậy ông Gioan đã làm tròn sứ mạng của mình : Kết thúc thờ Cựu Ước vì ông là vị tiên tri cuối cùng; khai mở thời Tân Ước vì ông là Êlia đã đến thế gian dọn đường cho Đấng Cứu Thế theo lời tiên tri Malakhi loan báo. Và như thế, qua những lời khen ngợi Gioan, Chúa Giêsu cũng gián tiếp giới thiệu Ngài là Đấng Cứu Thế đã đến.
Chúng ta đang sống trong những ngày của Mùa Vọng. Chúng ta đang mong chờ Chúa đến. Vậy chúng ta hãy noi theo Gioan tiền hô sống khắc khổ để sám hối tội lỗi và sống làm chứng nhân cho Chúa bằng việc tông đồ, bằng việc thực thi bác ái để thánh hóa bản thân mình.
Lạy Chúa, xin hướng dẫn chúng con trong chân lý của Ngài. Amen
GKGĐ Giáo Phận Phú Cường
SUY NIỆM 2
1. “Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con”
Trong Mùa Vọng, Chúa Nhật II, Chúa Nhật III và trong suốt tuần III, từ thứ hai đến thứ sáu trước Tuần Bát Nhật chuẩn bị mừng lễ Giáng Sinh, Giáo Hội mời gọi chúng ta lắng nghe sứ điệp, chiêm ngắm chân dung và cuộc đời của thánh Gioan Tẩy Giả, cũng như lắng nghe lời của Đức Giê-su về thánh nhân.
Hình ảnh của thánh Gioan xuất hiện trong Tin Mừng của hai Chúa Nhật Mùa Vọng liên tiếp, trong suốt tuần Tuần III và đặc đặc biệt trong Tuần Bát Nhật trước lễ Giáng Sinh, đủ để nói cho chúng ta biết rằng sứ điệp và cuộc đời của thánh Gioan có tầm quan trọng đặc biệt cho cách chúng ta đón nhận Đức Ki-tô, sống gắn bó với Đức Ki-tô và loan báo Đức Ki-tô.
Ngoài ra, tầm quan trọng của thánh Gioan còn được nhấn mạnh bởi sự kiện, chính ngài, vốn là một ngôn sứ cũng được loan báo bởi một ngôn sứ khác đi trước, đó là ngôn sứ Isaia ; như Thánh sử Mát-thêu nêu rõ: « Ông chính là người đã được ngôn sứ Isaia nói tới » (Mt 3, 3); và như chính Đức Giê-su xác nhận trong bài Tin Mừng hôm nay:
Chính ông là người Thiên Chúa đã nói tới trong Kinh Thánh rằng: Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con đến! (c. 27)
Có thế nói, cùng với Đức Ki-tô, thánh Gioan cũng được Kinh Thánh loan báo. Chính vì thế mà, sự sinh ra, sự sống và sự chết của thánh Gioan đều loan báo Đức Ki-tô, đều trở nên một với Đức Ki-tô. Chúng ta, với tư cách là Ki-tô hữu nhờ phép Thanh Tẩy, trong ơn gọi gia đình hay tu trì, cũng được mời gọi trở nên một Gioan khác, nghĩa là sự sinh ra, sự sống và sự chết của chúng ta cũng phải loan báo Đức Ki-tô và trở nên một với Đức Ki-tô. Nhưng thực ra, Đức Ki-tô đã trở nên một với chúng ta trước rồi, qua sự sinh ra, sự sống và sự chết của Ngài ; và mỗi ngày, Ngài tiếp tục trở nên một với chúng ta ngang qua Lời của Ngài, ngang qua Mình và Máu Thánh của Ngài. Chúng ta chỉ cần đáp lại thôi, là ở lại và trở nên một với Đức Ki-tô.
Như thế, trước khi lắng nghe sứ điệp của thánh Gioan, thì chính cuộc đời của ngài đã là một sứ điệp mạnh mẽ và cuốn hút chúng ta rồi.
2. “Thầy có thật là Đấng phải đến không?”
Khi nghe và nhất là cầu nguyện với các Tin Mừng nói về thánh Gioan trong những ngày vừa qua, chúng ta không thể không nhớ đến những điều lạ lùng xẩy ra cho thánh Gioan Tẩy Giả lúc ông còn trong bụng mẹ: “ông đã nhảy mừng” khi Đức Maria đem Đức Giê-su đến, lúc ấy cũng còn đang được hoài thai, nhưng trẻ hơn. (x. Lc 1, 39-45) Và chúng ta cũng có thể nhớ đến những lời đầy hi vọng của bố Zacharia nói về con của mình trong bài ca “Chúc Tụng” (Benedictus) bất hủ:
Hài Nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu
là ngôn sứ của Đấng Tối Cao:
con sẽ đi trước Chúa, mở lối cho Người. (Lc 1, 76)
là ngôn sứ của Đấng Tối Cao:
con sẽ đi trước Chúa, mở lối cho Người. (Lc 1, 76)
Như thế, những điều kì diệu và những mặc khải lạ lùng thủa ban đầu đã không miễn trừ cho thánh Gioan Tiền Hô khỏi những tìm kiếm, thậm chí tìm kiếm trong tăm tối để khám phá và gặp được Đức Ki-tô. Và thử thách ông đang trải qua thật tận căn, cả về số phận lẫn hành trình nhận ra “Đấng Phải Đến”, như thánh sử Luca kể lại trong bài tin Mừng hôm qua:
Ông Gio-an liền gọi hai người trong nhóm môn đệ lại, sai họ đến hỏi Chúa rằng: “Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?” (Lc 7, 18-19)
Đó cũng là như thế đối với hành trình đức tin của chúng ta, cho dù mọi sự đều thật rõ ràng và minh bạch về kiến thức đến từ kinh Tin Kính và việc học giáo lí, nhưng mỗi người chúng ta vẫn được mời gọi có kinh nghiệm đích thân nhận ra Chúa là Đấng phải đến trong thế giới, cộng đoàn, gia đình và trong cuộc đời của chúng ta. Và ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm về những khó khăn đôi khi kéo dài và diễn ra trong tăm tối của hành trình tìm kiếm, gặp gỡ đích thân, hiểu biết và yêu mến Đức Ki-tô trong cuộc đời cụ thể của chúng ta, với những thăng trầm, buồn vui, vất vả và đầy thách đố. Vì thế, chúng ta cần kiên nhẫn tôn trọng hành trình này của nhau và của chính mình, chúng ta cần tập nhìn với cái nhìn của Chúa, thay vì xét đoán về người khác và về chính mình nữa. Mà cái nhìn của Chúa là cái nhìn cảm thông, kiên nhẫn và gợi mở.
3. Mầu Nhiệm Vượt Qua
Gioan đang ngồi trong tù chờ bị xử trảm, nhưng Đức Giê-su lại tôn vinh ông, bằng cách tuyên bố về địa vị của ông cách long trọng:
Tôi nói cho anh em biết: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, không có ai cao trọng hơn ông Gio-an. (c. 28a)
Chúng ta đã có thể nhận ra mầu nhiệm Vượt Qua ở đây rồi, vì chính vào lúc thử thách nhất, bế tắc nhất, vào lúc cận kề cái chết và mất hết tất cả, kể cả mạng sống của mình, Đức Giê-su bằng Lời Hằng Sống của mình, tôn vinh Gioan ở mức độ toàn nhân loại, bởi vì, loài người chúng ta, ai cũng phải sinh ra từ mẹ, và Gioan là người lớn nhất trước mặt Thiên Chúa!
Đó là tương phản thứ nhất thuộc mầu nhiệm Vượt Qua. Thực ra, là thứ hai mới đúng, vì giữa chân dung Đấng phải đến và chân dung thực sự của Đức Giê-su, đã là tương phản thứ nhất rồi. Nhưng vẫn còn một tương phản nữa, khi Chúa nói:
Tuy nhiên kẻ nhỏ nhất trong Nước Thiên Chúa
còn cao trọng hơn ông (c. 28b)
còn cao trọng hơn ông (c. 28b)
Người nhỏ nhất trong Nước Trời đã lớn hơn Gioan rồi, vậy những người còn lại sẽ còn lớn hơn biết bao! Đây là một cách nói của Đức Giê-su nhằm phá đổ thói quen thích xếp hạng, phân loại, phân cấp, phân bậc của con người và đồng thời mặc khải cho chúng ta một giá trị mới và một tương quan mới trong Nước Trời.
Để có mặt trên đời chúng ta phải sinh ra, và để có mặt trong Nước Trời, chúng ta cũng phải sinh ra, sinh ra một lần nữa, hay nói cách khác, chúng ta phải tái sinh cho giá trị mới và tương quan mới (x. Ga 3, 3). Cũng như việc cưu mang và sinh ra thể lí, việc cưu mang và tái sinh trong Nước Trời cũng dài lâu và khó khăn , nhưng niềm hi vọng và niềm vui bền vững cũng rất lớn.
* * *
Thánh Gioan Tiền Hô, tuy đến cuối đời vẫn chưa xác tín về “Đấng phải đến”, nhưng Đức Giê-su đã công bố long trọng phần phúc của ông rồi:
- Phúc thứ nhất: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gio-an Tẩy Giả.
- Phúc thứ hai: ông Gioan đã là “công dân Nước Trời” rồi, trong mức độ ông loan báo Đức Ki-tô không chỉ bằng lời rao giảng, nhưng nhất là bằng cuộc đởi của mình, từ lúc sinh ra cho đến lúc chết; như thế ông đã trở nên một với Đức Ki-tô.
Nếu mối phúc thứ nhất chỉ có Gioan mới có, vì ai trong chúng ta cũng lọt lòng mẹ, nhưng không cao trọng gì mấy, thì mối phúc thứ hai của thánh Gioan lại được ban cho tất cả chúng ta, đó là trở thành công dân Nước Trời, là trở nên một với Đức Ki-tô, qua việc làm chứng về Ngài bằng chính cuộc đời của chúng ta, từ lúc sinh ra cho đến lúc chết, trong trong hi vọng và trong niềm vui.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc