Thứ Bảy, 31 tháng 12, 2016

5 Phút cho Lời Chúa ngày 31/12/2016

Filled under:

CHÚNG TÔI ĐÃ THẤY NGÀI
“Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng tôi.” (Ga 1,14)
Suy niệm: Tin Mừng của thánh Gio-an được gọi là Tin Mừng của mắt phượng hoàng. Người ta tin rằng phượng hoàng là sinh vật duy nhất có thể nhìn thẳng vào mặt trời mà không bị chói mắt. Gio-an cũng nhìn thẳng vào những mầu nhiệm và sự thật muôn đời của Thiên Chúa, được bày tỏ qua Đức Giê-su Ki-tô, Đấng là Ngôi Lời Thiên Chúa, đã mặc lấy xác phàm, cư ngụ giữa con người. Gio-an mạnh dạn làm chứng rằng mình đã ở với Ngài, đụng chạm đến Ngài, tận mắt nhìn thấy những dấu lạ Ngài làm cho thấy chân tướng Thiên Chúa của Ngài. Ông mở đầu Tin Mừng bằng cách giới thiệu Ngài là sự sống, ánh sáng, ân sủng và sự thật; rồi sẽ khéo léo triển khai những đặc tính ấy trong suốt sách Tin Mừng của mình.  
Mời Bạn: “Lời, dĩ nhiên, là thứ thuốc mạnh nhất được con người sử dụng” (nhà văn R. Kipling). Thánh Gio-an đã dùng lời trong Tin Mừng để làm chứng Đức Giê-su là Thiên Chúa làm người. Noi gương thánh nhân, bạn cũng có thể dùng lời của mình để giới thiệu Ngài cho người đương thời. Giới thiệu bằng lời nói xác tín về Ngài, đi kèm với lời được diễn đạt bằng đời sống tốt đẹp, yêu thương và chia sẻ của bạn.
Sống Lời Chúa: Tôi sẽ không ngại ngùng trình bày Đức Giê-su, Tin Mừng của Ngài, cho một người bạn, hay cho một người thân chưa biết Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Ngôi Lời Thiên Chúa rất đáng mến, xin dạy con biết sống quảng đại, biết phụng sự Chúa cho xứng với uy linh Ngài, biết cho đi mà không tính toán, biết chiến đấu không ngại thương tích, biết hiến thân mà không mong chờ phần thưởng nào ngoài việc chu toàn Thánh Ý Chúa. Amen.

THÁNH SILVÊTÊ I GIÁO HOÀNG
Thánh Silvêtê được liệt vào số các vị thánh Giáo Hoàng và quý danh ngài được ghi vào kinh cầu các thánh. Sở dĩ ngài được vinh dự như thế là nhờ có đời sống cá nhân thánh thiện và lại có công cải tổ phụng vụ Kitô giáo. Hơn nữa trong triều đại Giáo Hoàng của ngài có nhiều biến cố lớn đánh dấu một bước tiến vượt mức của Giáo hội Công giáo. Trong số đó có hai biến cố quan trọng nhất là việc tổ chức công đồng chung đầu tiên của Giáo hội Công giáo tại Nicêa và biến cố thứ hai không kém quan trọng là vua Constantinô trở lại và do đó Giáo hội được hòa bình.
Thánh Silvêtê sinh vào quãng năm 270 tại Rôma. Từ buổi thơ ấu ngài đã được một vị linh mục thánh thiện hướng dẫn, nên trong thời niên thiếu cũng như sau này trên ngai Giáo Hoàng, ngài chiếu giãi nhiều nhân đức cao đẹp. Năm 30 tuổi ngài thụ phong linh mục do chính tay vị Giáo Hoàng Mácxellinộ Được hồng ân đó cha Silvêtê cũng cố gắng sống thánh thiện xứng đáng tước vị cao cả. Ngài sống một đời sống linh mục gương mẫu, nhiệt thành và bác ái. Với tính tình hòa nhã, dễ thông cảm, cha Silvêtê gặt được nhiều kết quả trong công cuộc tông đồ, được mọi người quý mến.
Khi thánh Giáo Hoàng Menkiát băng hà, toàn thể giáo dân cũng như giáo sĩ đồng thanh chọn ngài kế vị. Với lòng khiêm nhường, ngài từ chối. Nhưng sau hiểu biết thánh ý Chúa ngài lĩnh nhận trách vụ nặng nề. Ngài lên ngôi giữa lúc Giáo hội bị nghiêng ngả vì những cuộc bách hại liên tiếp. Vì cơn khủng bố quá gắt gao, buộc lòng ngài phải trốn khỏi đền Giáo Hoàng đến ẩn tại núi Soractê cách Rôma độ bảy dậm để lánh nạn.
May thay cuộc bắt bớ tuy dữ dằn nhưng không kéo dài, và sau khi vua Constantinô trở lại, đạo Công giáo được tự do, Giáo hội sau bao năm sống trong thầm lặng lại trở ra hoạt động hăng hái hơn bao giờ dưới vị lãnh tụ anh minh là Đức Silvêtê. Các thánh đường mọc lên như nấm rải rác khắp thành Rôma. Trong số đó ta phải kể đại giáo đường Latêranô, đại giáo đường thánh Phêrô, đại giáo đường thánh Phaolô ngoại thành.
Thời gian này là thời gian thuận tiện để Đức Giáo Hoàng Silvêtê đem hết tài đức ra phụng sự Giáo hội. Ngài nỗ lực hoạt động mạnh mẽ để tổ chức Giáo hội cho có qui củ. Ngài tu sửa lại các luật lệ, cải tân phụng vụ và trang hoàng bàn thờ bằng những đồ thờ phượng quí báu. Ngài có công rất lớn trong việc đặt nền móng cho lâu đài phụng vụ Kitô giáo sau này bằng cách ban nhiều sắc lệnh và cách thức cử hành phụng vụ. Ngài cải tổ và hợp thức hóa các nghi thức cử hành phụng vụ trong các hầm mộ thời bắt đạo.
Một việc vĩ đại hơn hết mà Đức Giáo Hoàng Silvêtê đã làm là triệu tập công đồng chung đầu tiên cho toàn thể Giáo hội theo lời yêu cầu của vua Constantinô. Công đồng họp tại Nicêa năm 325, với sự hiện diện của 318 vị Giám mục. Vì tuổi cao, sức yếu ngài không chủ tọa công đồng được, ngài cử một phái đoàn thay mặt tới chủ tọa công đồng gồm Đức cha Ôsiô, Giám mục thành Cođuba và hai linh mục Vitê và Vinhsơn. Công đồng đề cập tới ba vấn đề trọng đại nhưng mức độ trọng đại không bằng nhau. Vấn đề thứ nhất là kết án bè rối Ariô, một lạc giáo chủ trương Chúa Giêsu không có Thần tính, không đồng bản tính với Chúa Cha. Trong công đồng này có thánh Athanasiô và Ariô, thánh Athanasiô đã chủ trương ngược lại với Ariô và đem ra đủ lý lẽ để bài bác lập luận sai lầm của Ariô. Thánh nhân đã lôi kéo được tất cả công đồng theo chủ trương của ngài. Công đồng đồng thanh chấp nhận tín điều Chúa Giêsu có cùng một bản tính với Thiên Chúa Cha. Công đồng Nicêa đã định nhiều tín điều khác lập thành một bản tuyên xưng đức tin duy nhất cho toàn thể Giáo hội. Bản tuyên xưng đó là bản kinh Tin kính (Credo) mà các linh mục đọc trong lễ trọng và trong lễ Chúa nhật trừ một đoạn về Chúa Thánh Thần mới thêm vào năm 381.
Vấn đề thứ hai được bàn định là vấn đề kết án lạc thuyết Mêlêxiô chủ trương.
Vấn đề thứ ba là vấn đề thống nhất ngày lễ Phục sinh cho toàn thể Giáo hội.
Chúng ta có thể nói Công đồng chung Nicêa là công đồng quan trọng nhất trong lịch sử Giáo hội Công giáo. Đó là một việc làm đặc sắc nhất và vinh dự nhất trong triều đại Giáo Hoàng Silvêtê và nhờ đó ngài đã làm cho Giáo hội vẻ vang tiến mạnh.
Sau 21 năm giữ ngôi Giáo hoàng, điều khiển Hội thánh ngày 21 tháng 12 năm 335, Đức Silvêtê ngã bệnh và băng hà, để lại cho toàn thể Giáo hội lúc đó một niềm mến thương vô biên. Xác ngài được an táng tại nhà thờ ở Rôma dâng kính ngài và thánh Máctinô.
Với ý nguyện của ngày lễ kính thánh Giáo Hoàng Silvêtê hôm nay, chúng ta hãy nguyện xin Chúa là mục tử đời đời, thương xem đoàn chiên Chúa, và nhờ sự cầu bầu của thánh Silvêtê, đấng Chúa đã đặt lên hướng dẫn Giáo hội, xin Chúa giữ gìn Giáo hội khỏi mọi lầm lẫn nghịch với đức tin.

Lẽ Sống

Ngày xưa có một ông vua, tuổi đã quá ngũ tuần mà vẫn chưa xem được một quyển sách nàọ Bộ sách mà ông thèm khát được đọc nhất là bộ "Lịch sử loài người". Nhưng khốn nỗi, cuộc đời của ông, từ mái đầu xanh cho đến tóc điểm bạc, không lúc nào được rảnh rang. Ðời ông luôn luôn sống trên lưng ngựa, nằm sương, gối tuyết trên bãi chiến trường. Nay chinh phục nước này, mai ngăn chặn nước kia xâm lăng. Mắt ông chỉ thấy có gươm giáo và máu lửạ Ông rất ân hận vì chưa đọc được một trang sách của thánh hiền... Nay nước nhà đã hòa bình, ông muốn dành thời giờ còn lại để đọc cho kỳ được bộ lịch sử loài người, để xem con người xưa nay sống để làm gì? Nhưng tuổi ông đã cao, mà bộ sách lại quá dày. Biết sức mình không thể đọc hết bộ sách, cho nên nhà vua mới ra lệnh cho viên sử thần làm hộ cho mình công việc ấy. Với sự giúp đỡ của một ban gồm 50 người, viên sử thần mới bắt tay ngày đêm miệt mài đọc sách.
Sau 10 năm cắm cúi đọc sách, viên sử thần đã có thể tóm tắt bộ lịch sử loài người thành 10 quyển sách, và cho mang vào trình lên nhà vuạ Nhưng vừa nhìn thấy 10 quyển sách và đo lường tuổi tác của mình, nhà vua lại cảm thấy không đủ sức để đọc hết bộ sách đã được rút ngắn. Nhà vua mới đề nghị cho ủy ban làm việc thêm một thời gian nữạ Sau 5 năm làm việc thêm, ủy ban đã có thể tóm lược lịch sử loài người thành 5 quyển. Nhưng khi ủy ban mang 5 quyển sách vào ra mắt nhà vua, thì cũng chính là lúc nhà vua đang hấp hối trên giường bệnh. Biết mình không thể đọc được dù một trang, nhà vua mới thều thào nói với viên trưởng ban tu sử hãy tóm tắt bộ lịch sử loài người thành một câu mà thôị Vị trưởng ban tu sử mới tâu với nhà vua như sau: "Hạ thần xin vâng mạng. Lịch sử loài người từ khai thiên lập địa đến giờ là: loài người sinh ra để khổ rồi chết". Nhà vua gật đầụ Ðôi môi khô héo của nhà vua bỗng nở nụ cười mãn nguyện... rồi tắt thở. Và giữa lúc ấy, vị trưởng ban tu sử cũng nấc lên mấy tiếng rồi trút hơi thở cuối cùng.
Hôm nay là ngày cuối năm. Nhìn lại một năm qua với không biết bao đói khổ, chiến tranh, chết chóc cho nhân loại cũng như cho chính bản thân, có lẽ cũng có nhiều người đi đến kết luận bi quan như viên trưởng ban tu sử trong câu chuyện trên đây: "Loài người sinh ra để khổ rồi chết".
Ði qua một đoạn đường trong cuộc lữ hành trần gian, Giáo Hội muốn chúng ta mặc lấy thái độ hân hoan và lạc quan. Bài ca trên môi miệng của chúng ta trong ngày hôm nay không phải là bài ca bi ai, tả oán, mà phải là bài ca "Te Deum", ngợi khen Chúa, cảm tạ Chúạ Ngợi khen Chúa, cảm tạ Chúa bởi vì vinh quang của Ngài là con người được sống. Ngài là Thiên Chúa của kẻ sống chứ không phải của người chết.
Không chối bỏ thực tại của khổ đau, chết chóc, nhưng chúng ta luôn được mời gọi để không nhìn vào đó như tiếng nói cuối cùng, như ngõ cụt. Bởi vì vinh quang của Thiên Chúa là con người được sống, cho nên hướng đi của lịch sử loài người không phải là ngõ cụt của sự chết, mà là Sự Sống. Bên kia khổ đau, chết chóc, cuộc sống vẫn còn tiếp tục có ý nghĩa và đáng sống.
Còn tâm tình nào xứng hợp trong ngày cuối năm cho bằng cảm tạ và phó thác. Cảm tạ và phó thác cho Chúa bởi vì Ngài vẫn luôn là Thiên Chúa của Tình Yêu, Thiên Chúa của Sự Sống. Cảm tạ và phó thác cho Chúa bởi vì Ngài là Ðường, là Sự Thật và là Lẽ Sống của chúng tạ Cảm tạ và phó thác cho Chúa vì cuộc sống này vẫn tiếp tục có ý nghĩa và đáng sống.