Thứ Năm, 1 tháng 12, 2016

Khiêm nhượng thực sự

Filled under:


“Khiêm nhượng thực sự, chứ không phải khiêm nhượng kiểu phường chèo”
Bài Giảng của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô ngày 29.11.2016
126
Thiên Chúa không “mạc khải mầu nhiệm ơn cứu độ và mầu nhiệm của Ngài cho những kẻ ranh mãnh cũng như cho các Luật Sĩ, nhưng mạc khải cho những con người bé mọn”. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã giảng như thế trong Thánh Lễ vào sáng sớm thứ Ba vừa qua tại nguyện đường Thánh Mác-ta của Tòa Thánh Vatican. Bài Ca Ngợi Khen mà Chúa Giê-su dâng lên Thiên Chúa Cha của Ngài được thuật lại trong chương 10 của Tin Mừng theo Thánh Lu-ca –, theo quan điểm của Đức Thánh Cha -, qua một cách thức nào đó, đã được phác họa sẵn trong sách Ngôn Sứ Isaia rồi. Vị Ngôn Sứ Cựu Ước cũng đã nói về một “chồi non từ gốc tổ Jésè”, chứ không phải từ một quân đội mà nó sẽ mang đến sự giải phóng.
Nhân dịp Lễ Giáng Sinh, chúng ta sẽ nhìn thấy sự nhỏ bé này: một Hài Nhi, một Máng Cỏ, một Người Mẹ và một Người Cha. Đó là những điều nhỏ bé. Con tim của các Ngài thật vĩ đại, nhưng thái độ của các Ngài thì giống những trẻ thơ. Và Thần Khí Đức Chúa, tức Chúa Thánh Thần, sẽ ngự xuống trên chồi non ấy, và chồi non này sẽ có những đức tính giống như đức tính của trẻ thơ, cũng như có lòng kính sợ Thiên Chúa… Kính sợ Thiên Chúa chứ không phải là sợ hãi – không! Lòng kính sợ Thiên Chúa hệ tại ở chỗ đem Lề Luật mà xưa kia Thiên Chúa đã trao cho Áp-ra-ham, vào trong cuộc sống: Ngươi hãy bước đi trong sự hiện diện của Ta… Đó là sự khiêm nhượng. Kính sợ Thiên Chúa có nghĩa là khiêm nhượng.”
Và chỉ những trẻ thơ và những người bé mọn mới thực sự hiểu được để đánh giá khiêm nhượng là gì – Đức Thánh Cha quả quyết. Những người ấy bước đi, và cụ thể là bước đi “trước mặt Thiên Chúa”, và cảm thấy rằng, Ngài ban cho họ “sức mạnh để tiến về phía trước”. Và đó chính là sự khiêm nhượng đích thực:
Khiêm nhượng, sống đức khiêm nhường Ki-tô giáo có nghĩa là, có sự kính sợ Thiên Chúa, mà sự kính sợ ấy không phải là sự sợ hãi, nhưng cho phép nói lên rằng: lạy Chúa, Chúa là Thiên Chúa còn con chỉ là con người, con tiến về phía trước với những điều bé nhỏ trong cuộc sống, nhưng trong sự hiện diện của Chúa, và ngay thẳng bao nhiêu có thể. Khiêm nhượng là đức hạnh của những trẻ thơ, đó là sự khiêm nhượng thực sự chứ không phải là sự khiêm nhượng nơi phường chèo, không, đó không phải là khiêm nhượng. Không phải là sự khiêm nhượng của kẻ nói rằng: tôi khiêm nhượng, và tôi tự hào về sự khiêm nhượng của mình! Không, đó không phải là sự khiêm nhượng đích thực. Sự khiêm nhượng của những trẻ thơ chính là sự khiêm nhượng của kẻ bước đi trong sự hiện diện của Thiên Chúa, không nói xấu người khác, chỉ nghĩ tới sự phục vụ, cảm thấy mình hoàn toàn bé nhỏ… Và đó là sức mạnh!
Đức Maria cũng là người rất khiêm nhượng – Mẹ là cô Trinh Nữ mà Thiên Chúa đã tuyển chọn để gửi Con của Ngài vào thế giới. Ngay sau khi Sứ Thần công bố việc hạ sinh của Chúa Giê-su, Đức Maria đã vội vã đi thăm bà Elisabeth, nhưng tại đó, Mẹ đã không hề kể lại bất cứ một lời nào về những điều đã xảy ra. “Đó là sự khiêm nhượng” – Đức Thánh Cha giải thích: “Vui mừng về cái nhìn của Thiên Chúa”, “tràn đầy niềm vui”.
Nếu chúng ta ngắm nhìn Chúa Giê-su, chúng ta sẽ thấy Ngài hoàn toàn vui mừng như thế nào trước việc Thiên Chúa đã mạc khải mầu nhiệm của Ngài cho những kẻ khiêm nhượng, thì rồi chúng ta cũng sẽ có thể cầu xin cho tất cả chúng ta có được ơn khiêm nhượng đó, cầu xin cho được ơn kính sợ Chúa, ơn tiến về phía trước trước tôn nhan Ngài… Và với sự khiêm nhượng này chúng ta sẽ có thể tỉnh thức trong cầu nguyện, sẽ có thể hoạt động trong Tình Yêu huynh muội, và tràn đầy niềm vui trong sự ca tụng Chúa.”
Theo de.rv 29.11.2016 sk
Lm. Đa-minh Thiệu

Một vài cách thức giúp Mùa Vọng có ý nghĩa hơn

1Mùa Vọng đến. Đó là khoảng thời gian đón chờ Chúa Giáng Sinh. Sau đây là một vài cách thức giúp mọi người làm cho khoảng thời gian chờ Chúa đến thêm phần ý nghĩa. 10. Bố thí Bạn hãy lên kế hoạch để làm cho Mùa Vọng của mình thêm đáng nhớ qua việc đóng góp tiền bạc, nhu yếu phẩm cho những người nghèo. 9. Đọc sách Cuộc sống bận rộn hôm nay, khiến người ta quên đi việc đọc sách. Vì vậy, Mùa Vọng này là thời điểm để tìm đọc những quyển sách liên quan đến chủ đề Giáng Sinh hay bất cứ thể loại sách nào bạn thấy thích thú. 8. Lắng nghe Hãy tìm những bản nhạc Giáng sinh. Điều này giúp cho nơi ở của bạn thêm tươi vui và gợi hứng tâm hồn của bạn hướng về ngày Chúa đến. 7. Liệt kê những công việc cần thiết Có quá nhiều việc phải làm. Lập một danh sách thứ tự ưu tiên các công việc sẽ giúp cho bạn thấy cuộc sống của bản thân thêm trật tự hơn. 6. Gọi điện thoại đến những người bạn cũ Ai chẳng có bạn bè. Có khi bạn đã mải bận rộn trong cuộc sống mà quên đi những người đã có một thời đi qua đời của mình. Hãy làm cho họ sống lại trong tâm hồn bằng những lời hỏi thăm thân tình. 5. Viết một lá thư Ngày nay, một lá thư có vẻ khan hiếm. Vì vậy, lá thư trở thành một thứ thật đáng giá. Hãy cho người khác cảm nhận rằng, họ quan trọng với bạn thế nào qua lá thư diễn tả tâm tình của bạn về họ. 4. Cố gắng nghỉ ngơi và thư giãn Cuộc sống quá căng thẳng và bận rộn với biết bao bổn phận và trách nhiệm phải chu toàn. Trong mức có thể, bạn hãy tìm cho mình những giây phút ta-với-ta. 3. Tập thể dục Nhiều người biết rằng sức khỏe thật quan trọng, nhưng lại không cảm thấy thoải mái khi tập thể dục. Hãy dành khoảng 30 phút mỗi ngày chạy bộ, bạn sẽ thấy cuộc sống trở nên khác biệt trong những ngày chờ Chúa đến. 2. Nhờ ai đó làm một công việc bạn cần Có lẽ, chẳng ai muốn làm phiền người khác. Nhưng, hãy để thể hiện sự quan trọng của người khác đối với bạn, bằng cách xin giúp đỡ từ những người xung quanh. Điều này giúp họ nhận ra rằng họ thực sự hữu ích cho mọi người. 1. Đến nhà thờ để cầu nguyện Điều này có vẻ thừa thãi, nhưng lại là cách thức đích thực để bạn làm mọi thứ xung quanh đổi mới và giúp bạn biến đổi giống như Mẹ Maria và thánh nữ Martha. Bạn sẽ như những mục đồng, những vị vua và các Thiên Thần đến để triều bái hài nhi Giêsu. Mùa Vọng rồi sẽ qua mau, nhưng những công việc này sẽ làm cho tình yêu của bạn đối với Đấng Cứu Chuộc sẽ luôn còn mãi.
Đức Thiện SJ. (Theo Aleteia)