Thứ Sáu, 30 tháng 12, 2016

Sức Mạnh Của Sự Tha Thứ

Filled under:

Một trong các khía cạnh tuyệt vời nhất của sự tha thứ là hệ quả tẩy rửa và cao quý, tạo nên tính cách của người tha thứ. Rõ ràng, người ta không chịu tha thứ vì chưa hiểu giá trị cao quý của lòng tha thứ. Người ta ít khi đạt tới đỉnh cao của sức mạnh và sự cao thượng nên khó loại bỏ cơn oán giận, khó tha thứ sai lầm của người khác.
 
Chắc chắn sự trả thù không thể chấp nhận khi giải quyết xung khắc. Trong Bài Giảng Trên Núi, Chúa Giêsu đưa ra phương pháp tốt nhất mà không cần phải trả thù: “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương” (Mt 5:7).
 
Thánh Phaolô cũng khuyên: “Hãy chúc lành cho những người bắt bớ anh em, chúc lành chứ đừng nguyền rủa: vui với người vui, khóc với người khóc. Hãy đồng tâm nhất trí với nhau, đừng tự cao tự đại, nhưng ham thích những gì hèn mọn. Anh em đừng cho mình là khôn ngoan, đừng lấy ác báo ác, hãy chú tâm vào những điều mọi người cho là tốt. Hãy làm tất cả những gì anh em có thể làm được, để sống hoà thuận với mọi người. Anh em thân mến, đừng tự mình báo oán, nhưng hãy để cho cơn thịnh nộ của Thiên Chúa làm việc đó, vì có lời chép: Đức Chúa phán: Chính Ta sẽ báo oán, chính Ta sẽ đáp trả. Trái lại, kẻ thù ngươi có đói, hãy cho nó ăn; có khát, hãy cho nó uống; làm như vậy, ngươi sẽ chất than hồng lên đầu nó. Đừng để cho sự ác thắng được mình, nhưng hãy lấy thiện mà thắng ác” (Rm 12:14-21). Thế nhưng nhiều người lại cho rằng đời sống thực tế phức tạp hơn nhiều, khó có thể yêu thương và tha thứ cho mọi người.
 
Tuy nhiên, hãy cân nhắc các vụ khủng bố thường xuyên xảy ra và giết người bừa bãi ngày nay, đó là hậu quả của các cuộ xung đột giữa các quốc gia, sự tha thứ là khí cụ rất cần thiết để chữa lành các vết thương của thế giới đầy những thứ rắc rối này. Tha thứ là thách đố lớn vì hòa bình thế giới, tha thứ là điều cấp bách và không thể coi thường. Xã hội luôn cần có hòa bình và tha thứ. Các gia đình, các giáo xứ, các cộng đoàn tu trì, các hội đoàn, các nhóm, các tổ chức, các quốc gia, và cả cộng đồng quốc tế luôn rất cần sự tha thứ để phục hồi các hệ lụy đã bị rạn nứt hoặc bị tách rời
 
Cựu Ước giới thiệu Thiên Chúa là Đấng “có lòng thương xót và hay tha thứ” (Đn 9:9). Đức Chúa là Thiên Chúa của ân sủng, thương xót không ngừng, và sẵn sàng tha thứ, mặc dù chúng ta “cứng đầu cứng cổ không vâng lệnh Chúa truyền, giả điếc làm ngơ, cũng chẳng thèm ghi nhớ những kỳ công Chúa làm” (Nkm 9:16). Trong Tân Ước, lòng tha thứ được thể hiện bởi Thánh Stêphanô và Thánh Phaolô, nhưng đỉnh cao và kiểu mẫu của sự tha thứ được diễn tả nơi Đức Giêsu Kitô. Trái tim tha thứ là biểu tượng của sự vĩ đại. Chúng ta có mẫu gương về sự chịu đựng, sự tử tế, lòng bác ái và lòng tha thứ mà Thiên Chúa đã tạo ra hoàn hảo nơi Chúa Giêsu, và chúng ta phải nỗ lực noi gương.
 
Chúa Giêsu bị hành hạ, bị sỉ nhục, bị đội vòng gai, bị mỉa mai, … Nhưng Ngài vẫn chịu đựng mọi nhục hình mà con người áp đặt. Khi bị treo trên Thập Giá, Ngài đã nhìn những người lính Rôma bằng ánh mắt nhân từ và bênh vực họ trước mặt Chúa Cha: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23:34).
 
Chúa Giêsu đã tha thứ cho chúng ta đến giọt máu cuối cùng, vô điều kiện, thế thì chúng ta không thể không thương xót và không tha thứ cho nhau!
 
TRẦM THIÊN THU (Viết theo DivineMercy.org)


MIỆNG LƯỠI


“Giữ mồm giữ miệng là bảo toàn mạng sống, khua môi múa mép ắt sẽ phải thiệt thân” (Cn 13:3).

“Miệng kẻ dại có mầm kiêu ngạo, môi người khôn bảo vệ người khôn” (Cn 14:3).

“Hãy giữ mình, chớ kêu ca vô ích, giữ miệng lưỡi, đừng nói xấu gièm pha. Nói chùng nói lén luôn gây hậu quả, ăn gian nói dối giết hại linh hồn” (Kn 1:11).