Tin Mừng Chúa Giê-su Kitô theo Thánh Gioan (Ga 5, 33-36)
33 Chính các ông đã cử người đến gặp ông Gio-an, và ông ấy đã làm chứng cho sự thật.34Phần tôi, tôi không cần lời chứng của một phàm nhân, nhưng tôi nói ra những điều này để các ông được cứu độ.35 Ông Gio-an là ngọn đèn cháy sáng, và các ông đã muốn vui hưởng ánh sáng của ông trong một thời gian.36 Nhưng phần tôi, tôi có một lời chứng lớn hơn lời chứng của ông Gio-an: đó là những việc Chúa Cha đã giao cho tôi để tôi hoàn thành; chính những việc tôi làm đó làm chứng cho tôi rằng Chúa Cha đã sai tôi
SUY NIỆM 1
Trong suốt những ngày qua, chúng ta được biết nhiều về hình ảnh của một con người đến để dọn đường cho Chúa đến, đó chính là Gioan Tẩy Giả. Ngài đã nêu cho chúng ta nhiều gương sống, ngài đã sống một cuộc sống khiêm nhường khi cho mình không xứng đáng để cúi xuống cởi dây giày cho Chúa Giêsu, khi mà uy thế của ngài lên như “diều gặp gió”, thì ngài lại cho rằng:“Thiên Chúa cần phải lớn lên, còn tôi thì phải nhỏ đi”. Nhưng trong sự khiêm nhường đó, Gioan rất can đảm để dám nói lên những sai trái của vua quan khi họ phạm lỗi; dĩ nhiên, ngài biết được đoạn kết của cuộc đời như thế nào, nhưng ngài vẫn luôn can đảm để sống cho sự thật. Chính vì thế, Chúa Giêsu đã khen ngợi ngài như là ngọn đèn soi đường chỉ lối cho mọi người tới gặp Chúa; và mọi người rất phấn khởi khi lắng nghe Gioan giảng dạy. Và còn rất nhiều gương sáng nữa.
Với đoạn Tin Mừng này, chúng ta được học thêm nơi ngài bài học quý nữa là luôn luôn cầu tiến. Nhưng để có được tinh thần cầu tiến, đòi hỏi rất nhiều sự cố gắng.
Người ta vẫn thường nói rằng, theo điều thiện thì đi lên, còn theo điều ác thì đi xuống. Nhưng để đi lên trên con đường nhân đức, đi lên trên con đường hoàn thiện thì cũng vất vả như trèo lên một ngọn núi cao, hay như chèo ngược dòng nước. Hơn nữa, đời sống đạo đức không phải làm hay cố gắng một lần là xong, nhưng cần phải được thực hiện luôn mãi. Quả thật, để làm những điều tốt không phải là việc làm dễ, bởi như thánh Phaolô đã từng nói: “Điều tốt tôi muốn làm thì lại không làm, còn điều xấu tôi không muốn thì tôi lại cứ làm”.
Chúa Giêsu vẫn luôn nhắc nhở chúng ta: “các con phải nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hàng thiện”. Và đây phải là lý tưởng sống trong cuộc đời của chúng ta. Và đây cũng là điều chúng ta học hỏi nơi Gioan Tẩy Giả, đó là luôn tiến lên, tiến tới gần Chúa Giêsu. Do đó, chúng ta cần nhớ rằng, trong cuộc sống của mỗi người, chắc hẳn có rất nhiều việc để làm, nhưng nếu chúng ta không tập trung, không cố gắng, không nỗ lực các công việc của mình vào việc thánh hóa tâm hồn, không cố gắng để nên hoàn thiện bản thân, chúng ta đã đi lệch xa con đường lý tưởng của đời mình là “hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hàng thiện”.
Ước gì cuộc sống của chúng ta không ngừng học đòi bắt chước gương sáng của Gioan Tẩy Giả, để mình ngày càng được tiến gần đến Chúa hơn, được gắn bó mật thiết với Chúa hơn và nên hoàn thiện hơn. Hầu cho những ai tiếp xúc với chúng ta cũng nhận ra Chúa Giêsu đang hiện diện với họ, đang mời gọi họ đến gần với Chúa, đang mời gọi họ cũng cùng sống lý tưởng của đời Kitô hữu như chúng ta: cầu tiến và hoàn thiện chính mình. Amen.
GKGĐ Giáo Phận Phú Cường
SUY NIỆM 2
1. « Tôi, tôi không phải nhận lời chứng của một người »
Thánh Gioan Tẩy Giả có tương quan đặc biệt và có thể nói là duy nhất với Đức Kitô. Thực vậy, Đức Giêsu nói rằng, Gioan còn hơn cả một ngôn sứ, « Chính ông là người Thiên Chúa đã nói tới trong Kinh Thánh rằng : này ta sai sứ giả của ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho con đến » (Lc 7, 27) ; « trong số phàm nhân lọt lòng mẹ, không có ai cao trọng hơn Gioan ».
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu cũng nhìn nhận vai trò của thánh Gioan : « Ông Gioan làm chứng cho sự thật », sự thật ở đây không chỉ là sự kiện có thật, nhưng còn là một Ngôi Vị, vì Sự Thật là chính Đức Kitô ; và Đức Giêsu còn nói : « Ông Gioan là ngọn đèn cháy sáng ».
Tuy nhiên, câu nói sau đây của Đức Giêsu chắc chắn sẽ làm cho chúng ta ngặc nhiên : « Phần tôi, tôi không cần lời chứng của một phàm nhân » ! Hay dịch lại sát nghĩa theo bản văn Hy Lạp : « tôi, tôi không phải nhận lời chứng của một người ». Câu nói của Đức Giêsu có nhẹ đi một chút, nhưng vẫn gây bối rối. Phải chăng, Đức Giêsu không cần đến lời chứng của Gioan, không cần đến lời chứng của con người, không cần đến lời chứng của chính chúng ta ?
2. Lời chứng và Sự Thật
Lời của Đức Giêsu về thánh Gioan mời gọi chúng ta nhận ra khoảng cách tất yếu và không thể lấp đầy giữa lời chứng và Sự Thật, vốn là chính Ngôi Vị Đức Giêsu. Lời chứng dù cuốn hút, uyên bác hay có sức thuyết phục mấy đi nữa, cũng không thể nào thay thế cho chính Sự Thật ; và Sự Thật chỉ có thể được đón nhận bằng kinh nghiệm gặp gỡ trực tiếp mà thôi.
Chúng ta hãy nhớ lại cuộc đối thoại giữa Philiphê và Nathanael. Ông Philípphê đi tìm gặp ông Nathanael và nói : « Đấng mà sách Luật Mô-sê và các ngôn sứ nói tới, chúng tôi đã gặp : đó là ông Giê-su, con ông Giu-se, người Na-da-rét. ». Nhưng Nathanael không được đánh động và cũng chẳng bị thuyết phục , ông trả lời: « Từ Na-da-rét, làm sao có cái gì hay được ? » Qua hai lời đối đáp rất ngắn này, chúng ta có rút ra những kết luận rất thực tế và cũng rất « nghiêm trọng » liên quan đến giá trị thật của lời chứng:
– Chứng nhân thì chắc chắn về điều mình nói ; đó là điều kiện thiết yếu để trở thành chứng nhân.
– Chắc chắn về điều mình nói, nhưng chứng nhân lại không thể thuyết phục được nguời khác. Bởi lẽ, kinh nghiệm của chứng nhân luôn luôn mạnh hơn và tận căn hơn lời chứng và những giải thích!
Chính vì thế, Philipphê nói với Nathanael : « Hãy đến và xem ». Lời chứng chỉ hiệu quả khi nó thúc đẩy người nghe, không phải cúi mình trước lời chứng, nhưng là đến lượt mình, đích thân thực hiện một kinh nghiệm. Bởi vì, chân lí, nhất là chân lí nhân linh và thần linh (khác với chân lí vật lí) không có bằng chứng nào khác, ngoài chính mình (tương tự như lời giới thiệu về trái soài và kinh nghiệm thưởng thức trái soài). Chính vì thế, Đức Giê-su nói : « tôi có một lời chứng lớn hơn lời chứng của ông Gioan : đó là những việc Chúa Cha đã trao cho tôi để tôi hoàn thành ; chính những việc tôi làm đó làm chứng cho tôi rằng Chúa Cha đã sai tôi ».
Lời chứng của chúng ta về Đức Kitô, Đấng là Sự Thật, sẽ phải là như thế đó : tuyệt đối không thể thay thế cho Sự Thật, và chỉ có giá trị trong mức độ là lời mời gọi người khác đến gặp gỡ trực tiếp Sự Thật. Điều này làm cho chúng ta thật an ủi, nhất là khi mình không có khiếu ăn nói, không nhiều tài năng, không thông minh hơn người, không được học nhiều, và có được học cũng không học giỏi lắm ! Tài cao học rộng là một lợi thế, nhưng cũng là một nguy cơ, nguy cơ rất lớn và rất nghiêm trọng, khi tự biến mình thành Sự Thật !
Lời chứng của chúng ta về Đức Kitô, Đấng là Sự Thật, sẽ phải là như thế đó : tuyệt đối không thể thay thế cho Sự Thật, và chỉ có giá trị trong mức độ là lời mời gọi người khác đến gặp gỡ trực tiếp Sự Thật. Điều này làm cho chúng ta thật an ủi, nhất là khi mình không có khiếu ăn nói, không nhiều tài năng, không thông minh hơn người, không được học nhiều, và có được học cũng không học giỏi lắm ! Tài cao học rộng là một lợi thế, nhưng cũng là một nguy cơ, nguy cơ rất lớn và rất nghiêm trọng, khi tự biến mình thành Sự Thật !
Bởi vì Đức Ki-tô, từ Thiên Chúa mà đến, nên Ngài chỉ có thể được làm chứng bởi chính Thiên Chúa mà thôi : « Chúa Cha Đấng đã sai tôi cũng đã làm chứng cho tôi » (c. 37). Chỉ có Đấng hoàn hảo mới có thể làm chứng và mặc khải Đấng hoàn hảo mà thôi (x. Ga 1, 18). Vì thế, chính khi chúng ta ước ao Thiên Chúa, khi đọc Kinh Thánh và đọc đời mình, chúng ta sẽ được dẫn đến với Đức Kitô ; bời vì Kinh Thánh kể về lịch sử cứu độ, nghĩa là một lịch sử trong đó Thiên Chúa hiện diện và dẫn đưa tới sự sống mới trong Đức Ki-tô ; vì thế Đức Giê-su nói trong bài Tin Mừng : « chính Kinh Thánh làm chứng về tôi » (c. 39). Và dưới ánh sáng của Kinh Thánh, chúng ta được mời gọi nhận ra và xác tín rằng, cuộc đời của chúng ta cũng là « một lịch sử thánh ». Vậy, chính khi chúng ta say mê Tuyệt Đối và những gì cao quí, hướng về Tuyệt Đối, chúng ta sẽ nhận ra sự Tuyệt Đối nơi Đức Ki-tô. Điều này đúng cho tất cả mọi người thuộc mọi tín ngưỡng, chẳng hạn Ba Đạo Sĩ.
Đức Ki-tô dẫn chúng ta đến với Thiên Chúa và Thiên Chúa dẫn chúng ta đến với Đức Ki-tô ! Như có lần Đức Giê-su nói, chỉ có con cái sự khôn ngoan mới nhận ra Đấng Khôn Ngoan mà thôi. Điều này, có vẻ « luẩn quẩn », nhưng trong những gì liên quan đến Thiên Chúa, chúng ta không có cách nào khác. Như vị hiền sĩ xác tín trong sách Huấn Ca :
Người đặt con mắt mình vào tâm hồn chúng,
để chúng nhận ra các công trình vĩ đại của Người.
(Hc 17, 8)
để chúng nhận ra các công trình vĩ đại của Người.
(Hc 17, 8)
3. Ông Gioan là ngọn đèn cháy sáng
Như Gioan, chúng ta được mời gọi tự nhận mình chỉ là một « tiếng kêu » mà thôi ; giống như Đức Mẹ, người ta ban tặng đủ mọi tước hiệu cho Mẹ, nhưng Mẹ chỉ tự nhận cho mình một « tước » mà thôi : « Nữ Tì của Thiên Chúa ».
Hình ảnh mà Đức Giêsu dùng để nói về Gioan thật đẹp và thật đúng : Gioan là ngọn đèn cháy sáng. Ông không phải là sánh sáng, và ánh sáng có ở nơi ông là ánh sáng của chính Đức Kitô. Chúng ta hãy là cái đèn để đón nhận và tỏa sáng chính :
« Ánh Sáng Ngôi Lời, Con Thiên Chúa »,
« Ánh Sáng Đức Ki-tô chịu đóng đinh »,
« Ánh Sáng Đức Ki-tô, là Chân Lý
và là hiện thân sự Quan Phòng của Thiên Chúa ».
« Ánh Sáng Đức Ki-tô chịu đóng đinh »,
« Ánh Sáng Đức Ki-tô, là Chân Lý
và là hiện thân sự Quan Phòng của Thiên Chúa ».
Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc