Thứ Bảy, 5 tháng 11, 2016

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - NGÀY 5-11-2016

Filled under:

Tin Mừng Chúa Giê-su Kitô theo Thánh Lu-ca (Lc 16,b9-15)


9 "Phần Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: hãy dùng tiền của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu.10 Ai trung tín trong việc rất nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn; ai bất lương trong việc rất nhỏ, thì cũng bất lương trong việc lớn.11 Vậy nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng Tiền Của bất chính, thì ai sẽ tín nhiệm mà giao phó của cải chân thật cho anh em?12 Và nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng của cải của người khác, thì ai sẽ ban cho anh em của cải dành riêng cho anh em? 13 "Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được."14 Người Pha-ri-sêu vốn ham hố tiền bạc, nên nghe các điều ấy, thì cười nhạo Đức Giê-su.15 Người bảo họ: "Các ông là những kẻ làm ra bộ công chính trước mặt người đời, nhưng Thiên Chúa thấu biết lòng các ông, bởi vì điều cao trọng đối với người đời lại là điều ghê tởm trước mặt Thiên Chúa.


SUY NIỆM 1


Thư Chung của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam ban hành ngày 7-10-2016 đã  nhận định: “Nhìn vào tình hình đất nước hiện nay, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, chúng ta không thể không có những băn khoăn, lo lắng. Làm sao không âu lo trước tình hình đạo đức xuống cấp nghiêm trọng, tội ác gia tăng không những về số lượng mà cả về mức độ dã man, phá thai và nghiện ngập tràn lan, nhất là nơi giới trẻ! Làm sao vui được trước sự hoành hành của tệ nạn tham nhũng, vốn từ lâu đã được coi là quốc nạn nhưng đến nay vẫn không hề suy giảm! Làm sao không lo lắng trước tình trạng ngập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long, hạn hán tại các tỉnh Tây nguyên, thảm hoạ môi trường biển tại miền Trung! Đó là chưa kể đến mối đe doạ hằng ngày từ các thực phẩm bẩn và độc hại, có thể ngay trong các quầy hàng và trên bàn ăn của mỗi gia đình!”

Điểm tối của bức tranh xã hội đó bắt nguồn từ chủ trương hưởng thụ ích kỷ. Từ chủ trương đó ngừoi ta tìm mọi cách để có được tiền, bởi “”có tiền mua tiên cũng được”, từ đó vô hình chung người ta đã đặt mình làm nô lệ cho tiền bạc, và tiền của trở thành một ông chủ độc ác. Không đọc ác sao được, vì lợi nhuận người ta phá huỷ cả môi trường sống, vì tiền bạc người ta bán rẻ nhân phẩm, vì hám lợi người ta rao bán cả lương tâm. Bao nhiêu chuyện thương tâm đã xảy ra trong xã hội hôm nay: vì tiên chồng sãn sàng bán vợ, vợ sẵn sàng giết chồng, conc ái sẵn sàng cứa cổ cha mẹ….Tiền bạc quả thật là là một ông chủ đáng kinh tởm.

Thế nhưng hôm nay Lời Chúa lại đề nghị chúng ta nên “dùng tiền của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu”. Như vậy tiền bạc không hẳn đã là xấu, bởi nó còn cho thể giúp chúng ta mua lấy Nước Trời. Để tiền bạc có thể mua được điều đó, chúng ta hãy biến nó thành phương tiện. Người ta vẫn thường nói: “tiền bạc là ông chủ xấu, nhưng nó lại là phương tiện tốt”.

Vâng, của cải Chúa ban không phải để chúng ta làm cho nó trở thành một ông Chủ thay thế Chúa, nhưng là phương tiện để giúp chúng ta thực thi Thánh Ý Chúa, là phục vụ sao cho mọi người được hưởng một cuộc sống mang đầy phẩm tính của Thiên Chúa:  công bình và yêu thương. Thật vậy, Chúa tạo thành con người giống hình ảnh Chúa, trao cho con người quyền quản cai trái đất, và mời gọi con người cùng chung tay để tô điểm cho công trình tạo dựng của Chúa ngày càng thêm xinh thêm đẹp. Tuy nhiên, việc cộng tác của mỗi người không giống nhau, khả năng cộng tác của mỗi người đều khác nhau, điều đó nói lên con người tương tác với nhau, và không ai là người đứng ngoài cuộc trong công việc điểm tô công trình tạo thành của Chúa.

Vì thế, tiền của chúng ta có được không được hiểu là sản nghiệp do tự chúng ta tạo ra, nhưng đó là ân ban, để rồi chúng ta xử dụng đúng nghĩa nó là ân ban. Tức là Thiên Chúa trao vào tay chúng ta những đồng tiền để chúng ta xử dụng nó hầu phục vụ cho thiện ích của chúng ta và của người khác. Ân ban của Thiên Chúa không bao giờ là một chiếm hữu để phục vụ cho sự hưởng thụ ích kỷ cá nhân, nhưng là một phương thế để phục vụ, để tiếp tục trao ban cho tha nhân. Có phục vụ, có trao ban  cho người khác, tiền của trở thành phương thế thể hiện sự công bằng và tình yêu thương theo như ý Chúa muốn khi Ngài tạo thành vũ trụ này.

Lạy Chúa, mọi điều chúng con có là ân ban của Chúa, ngay cả tiền của chúng con đang sở hữu cũng là ân ban. Xin cho chúng con biết xử dụng ân ban theo Thánh Ý, đừng để chúng con lợi dụng ân ban để phục vụ cho sự hưởng thụ ích kỷ của chúng con. Amen

GKGĐ Giáo Phận Phú Cường


SUY NIỆM 2
1. Thiên Chúa và Tiền Của
Câu chuyện về người quản gia mà Đức Giê-su kể trong bài Tin Mừng của Thánh Lễ hôm nay sẽ dẫn đến lời mời gọi, mà chúng ta sẽ nghe trong bài Tin Mừng của ngày mai:
Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa,
vừa làm tôi Tiền Của được.
(c. 13)
Lời cảnh báo này của Đức Giê-su chất vấn cách đặc biệt chúng ta trong thời đại ngày nay. Thực vậy, trong những thập niên vừa qua, đời sống của chúng ta có rất nhiều thay đổi, theo hướng càng ngày càng có nhiều phương tiện, và những phương tiện này càng ngày càng cao cấp hay còn gọi là chất lượng cao, điều này có nghĩa là càng đắt tiền. Đó là những phương tiện liên quan đến nhu cầu ăn, mặc, nhà ở, tiện nghi trong nhà, nhu cầu giải trí, nhu cầu truyền thông bằng điện thoại, internet, nhu cầu đi lại, đi lại trong nước và ngoài nước, nhu cầu học tập. Vì thế, ai trong chúng ta cũng cảm thấy có áp lực rất lớn, là phải có việc làm, và phải làm ra tiền, càng nhiều càng tốt.
Và đời sống tu trì cũng bị ảnh hưởng rất lớn bởi bối cảnh hiện nay của xã hội, khi phải đối diện với những vấn đề chưa từng có, đó là vấn đề sử dụng các phương tiện truyền thông, và cùng với các phương tiện, là những tương quan và nội dung lệch lạc đi thẳng vào nội vi của đời tu, từ đó hình thành nên những nhân cách không còn hướng về những điều cao quí, thiếu chiều sâu thiêng liêng, không có tương quan thực sự và thiết thân với Chúa.
*  *  *
Làm việc để có tiền có của, qua đó mua sắp những phương tiện là điều cần thiết trong cuộc sống. Nhưng ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm về sự tai hại của một cuộc sống “làm tôi tiền của”, nghĩa là chỉ chạy theo tiền của, chỉ chạy theo việc mua sắm các phương tiện, chỉ lo thỏa mãn những nhu cầu vật chất của mình. Lúc đó, người ta không còn làm chủ tiền của nữa, nhưng bị tiền của làm chủ, và hậu quả là gây đỗ vỡ những tương quan làm cho chúng ta sống hạnh phúc, đó là tình thương và sự liên đới. Bởi lẽ, chúng ta không chỉ sống bằng tiền của, bằng phương tiện, bằng việc thỏa mãn nhu cầu, nhưng còn sống bằng tương quan đón nhận, tin tưởng, bao dung, tha thứ, và nhất là hiệp thông, tình bạn và tình thương mà Lời Chúa đem lại cho chúng ta.
Thiếu tình thương, thì dù có tiền của, đời sống của chúng ta cũng trở thành chết chóc, thậm chí trở thành địa ngục. Chính vì thế, Đức Giê-su nói với chúng ta: “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của được”. Điều này không có nghĩa là tiền của tự nó là xấu, và chúng ta phải từ bỏ, hay phải càng có ít càng tốt. Nếu hiểu như thế, chúng ta sẽ “tự lên án” mình, vì chúng ta không thể sống mà không có tiền của, nhất là trong cuộc sống và cách thức làm việc hiện đại hôm nay, càng ngày càng đòi hỏi những chi phí rất lớn và những phương tiện đắt tiền. Tiền Của (trong bản văn Hi lạp, đó là chữ “Mamon” viết hoa) trở nên xấu trong mức độ, chúng ta coi nó như thần linh, thay thế hay đối lập với Thiên Chúa. Trong khi nó chỉ là phương tiện.
2. Người quản gia
Đức Giê-su mời gọi từ bỏ thái độ và lối sống tôn thờ Của Cải. Người không đòi hỏi chúng ta phải từ bỏ tiền bạc của cải, vì làm sao sống mà không có tiền bạc và của cải, nhưng là sử dụng tiền của, như là phương tiện để phụng sự Chúa, và để làm điều đẹp lòng Chúa, là dùng tiền của để diễn tả sự hiệp thông, liên đới, diễn tả lòng biết ơn, lòng mến, như Đức Giê-su nói trong bài Tin Mừng ngày mai:
Hãy dùng của cải mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu.
(c. 9)
Và để giúp chúng ta hiểu điều này, Người kể dùng một dụ ngôn về người quản gia. Người quản gia bất lương, bất lương nhưng mà lại được ông chủ khen là khôn khéo. Người quản gia, như chúng ta biết, là người giữ tiền và có một quyền hạn nào đó trong việc tiêu tiền. Vì vậy, ông này đã phung phí của cải của chủ nhà, và vì thể, bị đuổi việc. Người quản gia phải tính sổ, nhưng anh lợi dụng việc tính sổ để chuẩn bị cho tương lại đầy khó khăn của mình. Và để chuẩn bị, ông này tiếp tục phung phí của cải, nhưng lần này, ông gian lận với những người mắc nợ.
Khi kể dụ ngôn này, dường như Đức Giê-su muốn lấy người quản lí bất lương làm gương cho các môn đệ và cho chúng ta. Đúng như thế, nhưng Đức Giê-su không muốn chúng ta bắt chước sự bất trung và gian dối, nhưng muốn chúng ta học sự khôn khéo của ông này.
  • Ông là người biết mình. Thực vậy, ông biết mình « cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi »
  • Ngoài ra, ông còn biết người nữa. Thực vậy, ông biết tính tình và quyết định của chủ nhà, và ông còn biết những người mắc nợ nữa.
  • Hơn nữa, ông còn biết nắm lấy thời cơ nữa. Thực vậy, ông đã dùng thời cơ sau cùng, trước khi bị cách chức, để chuẩn bị cho tương lai, bằng cách dùng quyền quản lí để phân phát và cho đi một cách quảng đại.
3. “Nơi Ở Vĩnh Cửu”
Chính từ sự khôn khéo này của người quản gia, mà Đức Giê-su rút ra một bài học có tầm quan trọng tối hậu cho chúng ta:
Hãy dùng của cải mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu.
(c. 9)
Quan trọng tối hậu là vì, không chỉ chúng ta được mời gọi sử dụng tiền của như là phương tiện để tạo ra tình thương, lòng mến và tình bạn ở đời này, nhưng còn tạo ra tình thương, lòng mến và tình bạn, giúp chúng ta được rước vào « Nơi Ở Vĩnh Cửu », nghĩa là sự sống viên mãn và vĩnh cửu ở trong Nhà của Chúa, cùng với những người thân yêu của chúng ta.
Trong bài Tin Mừng, Đức Giê-su còn mời gọi chúng ta « trung tín » trong việc sử dụng tiền của. Dưới ánh sáng của dụ ngôn Người Quản Gia, chúng ta có thể hiểu, trung tín trong việc sử dụng tiền của, là, thay vì coi tiền của là chủ nhân và tự biến mình tôi tớ, thành nô lệ, chúng ta được mời gọi sử dụng tiền của, và chúng ta hiểu rộng ra mọi sự khác, như thời giờ, sự sống, khả năng, cuộc đời nhỏ bé và giới hạn của chúng ta, như là phương tiện để tạo ra tình thương, lòng mến và tình bạn không những ở đời này, nhưng còn tạo ra tình thương, lòng mến và tình bạn, giúp chúng ta được rước vào « Nơi Ở Vĩnh Cửu ».
*  *  *
Đức Giê-su đã sống đến cùng điều giảng dạy, bởi vì Lời và Ngôi Vị của Người là một. Chúng ta được gọi chiêm ngắm Đức Giê-su chịu đóng đinh trên Thập Giá : Ngài vốn giàu có, nhưng đã chia sẻ và cho đi đến cùng, để làm cho chúng ta giàu có trong ơn tha thứ, ơn chữa lành và ơn hòa giải với Thiên Chúa và với nhau muôn đời. Đức Giê-su đã quảng đại đối với chúng ta, chính là để chúng ta có thể quảng đại đối với nhau.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc