Thứ Bảy, 5 tháng 11, 2016

Khi thức dậy, chúng ta xin gì với Chúa?

Filled under:

Là người con của Chúa, chúng ta may mắn và hạnh phúc vì mỗi ngày mới, mình được xin với Chúa những gì mình khát khao. Cũng như bao người, mỗi ngày chúng ta cũng muốn chọn cho mình một niềm vui. Hơn nữa, đó là niềm vui của Chúa và chắc chắn Ngài vẫn hằng ban ân phúc cho mỗi người. Là Thiên Chúa giàu lòng thương xót, Ngài muốn ban cho mỗi người thật nhiều bình an hạnh phúc. Dành chút giây phút đầu ngày để tâm sự với Chúa, để thấy Chúa muốn ta làm gì và ta có thể làm gì trong ngày mới này?
Khi thức giấc, thật đẹp biết bao khi ta dâng lên Thiên Chúa lời tạ ơn sau giấc ngủ an bình. Là người Công giáo, chúng ta thích để tâm đến sự hiện diện của Ngài và cùng Ngài bắt đầu một ngày mới. Giây phút nguyện cầu ấy tuy vắn vỏi nhưng linh thánh biết bao! Khoan suy tính những bận rộn của công việc làm ăn, khoan nặng lòng với khó khăn phía trước. Trong thanh vắng của buổi ban mai, hãy tạ ơn, phó thác và van xin với Chúa Giêsu những điều ta mong ước.
Chắc hẳn ai cũng mong cho mình và người thân luôn được sự bình an. Đó là sức mạnh, là năng lượng để ta đón chào ngày mới. Khi còn trên dương thế, Thầy Giêsu thích trao cho các môn đệ sự bình an của Ngài. Trong cơn sóng dữ, sự hiện diện của Thầy Giêsu giúp các ông an bình trên con thuyền giữa biển cả; trong ngày phục sinh, Thầy Giêsu trao ban bình an của Ngài để các ông dấn thân loan báo tin mừng phục sinh. Khi bình minh, ta ước xin Giêsu cứ thực hiện điều Ngài đã hứa: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy”. Để với bình an của Chúa, ta có thể sống ngày mới với nhiều niềm vui.
Ngày mới ta không quên xin với Chúa những hạnh phúc nho nhỏ. Hạnh phúc vì trong ta còn sức sống, hy vọng và niềm vui để tiếp tục lao tác trong cuộc đời. Dù trong hoàn cảnh nào, ta xin Chúa đừng lãng quên ta. Bởi khi Thiên Chúa ở cùng ta, cuộc sống ta sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. May mắn cho ta là chính Thiên Chúa muốn ta hạnh phúc. Từ trời cao Ngài đã xuống thế làm Người, chịu chết và phục sinh để cứu độ con người. Mong sao ta tìm đến Chúa trong buổi ban mai để xin Ngài trao cho mình hạnh phúc của Ngài!
Nếu thức dậy, ta nặng lòng với bao điều còn dang dở, thì ta đừng ngần ngại van xin Chúa giúp ta đón nhận trong bình an. Ngày mới chắc không vui khi ta chứng kiến người thân trong cơn đau quằn quại. Bình minh sẽ nặng nề nếu ta ốm đau bệnh tật. Ngày mới sẽ u tối khi tâm hồn ta còn thất vọng chán chường. Và hằng hà lý do khiến ta chẳng muốn bước vào ngày mới với nhiều niềm vui. Thật buồn biết bao khi ta sống không mục tiêu, không lý tưởng và chẳng phấn đấu! Chúa cũng không muốn ta mang tâm hồn tiều tụy như thế, Ngài muốn ta xin Ngài sức mạnh để đón nhận tất cả trong niềm vui. Ước gì trên thập giá của phận người, ta cũng dám xin với Chúa ơn phục sinh trong từng ngày.
Cầu chúc cho nhau luôn có được một ngày mới tuyệt vời. Chỉ tuyệt vời khi ta phó dâng ngày mới trong sự quan phòng của Chúa. Ta hy vọng mỗi ngày là hồng ân Chúa ban. Với Thầy Giêsu, người con của Chúa không ngần ngại tâm sự với Ngài ban cho mình một ngày mới với tất cả niềm tin yêu phó thác. Để cùng với Thầy Giêsu, trong sức mạnh của Chúa Thánh Thần, chúng ta đón chào ngày mới trong niềm vui của Chúa Phục sinh.
Ngày mới này, bạn đang cần xin với thầy Giêsu điều gì? Chúa đang chờ chúng ta vào mỗi bình minh để trao cho ta một ngày thật nhiều ân sủng! Nguyện chúc cho những ước mong của chúng ta được Thiên Chúa nhận lời!
Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

SUY TƯ NGÔN – HÀNH
1. CẢM HỨNG
“Cây cối trên đồng sẽ trổ sinh hoa trái, đất đai sản sinh hoa lợi. Chúng sẽ sống an toàn trên đất của chúng. Bấy giờ, chúng sẽ nhận biết chính Ta là Đức Chúa khi Ta bẻ gãy ách sắt đè lên chúng và khi Ta cứu thoát chúng khỏi tay những kẻ hà hiếp chúng” (Ed 34:27).
Austen Pearce đã biết cách làm cho miếng đất nhỏ ở sân sau nhà tại Maricopa, Arizona, thành khu vườn. Lúc 10 tuổi, cậu làm tình nguyện viên ở một cửa hàng thực phẩm địa phương và chú ý các sản phẩm bán ra thường không được tươi. Cậu không hiểu tại sao trái cây và rau không được trồng ở địa phương để có đồ tươi bán cho các gia đình.
Austen vận động thành phố làm khu vườn cộng đồng, và trong vài tháng, một nông dân đã hiến khu đất rộng 1 mẫu và có hệ thống bơm tưới. Một chuyên viên giúp Austen hoạch định dự án. Từ tháng Ba tới tháng Bảy, Austen và những người tình nguyện đã trồng cà chua, dưa leo, mướp, và các loại khác. Hơn 4.000 kg sản phẩm được thu hoạch trong vụ mùa đầu tiên. Austeen nói: “Tôi mong muốn có những khu vườn như vậy ở các thành phố khác. Tại sao lại chỉ có ở Arizona này?”.
Cậu thiếu niên Austen giải thích: “Tôi được gợi hứng áp dụng khái niệm và mở rộng để giúp đỡ những người nghèo. Tôi muốn người ta biết rằng họ được quan tâm và được giúp đỡ bởi những người trong thành phố này. Rất ngạc nhiên khi thấy người ta đánh giá khi họ nhận các sản phẩm. Một cảm giác rất tuyệt vời khi giúp đỡ người khác”.
Lúc 12 tuổi, Austen đã được biết đến là một trong những tình nguyện viên trẻ hàng đầu của Hoa Kỳ. Lúc 14 tuổi, Austen cung cấp thực phẩm tươi cho 200 gia đình nghèo.
Áp dụng ý tưởng và làm cho chúng thành hiện thực là thành phần trong việc phục vụ con người. Cảm hứng cũng giống như thả một viên sỏi vào trong hồ nước, hiệu ứng có thể lan xa, lan rộng đối với cả người tình nguyện, người trao tặng và người lãnh nhận.
Lạy Chúa Giêsu, Đấng là Cây Nho thật, chúng con thực sự là những cành nho, nhưng chúng con không thể làm được gì nếu không có Ngài. Xin Ngài duy trì cảm hứng trong chúng con, và xin giúp chúng con truyền cảm hứng cho người khác. Amen.
2. PHẢI HÀNH ĐỘNG
“Lạy Chúa, Ngài nghe thấy ước vọng của kẻ nghèo hèn; Ngài cho họ an lòng và lắng tai nghe họ, để bênh kẻ mồ côi và người bị áp bức, khiến cho kẻ mang thân cát bụi, chẳng còn khủng bố ai” (Tv 10:17-18).
Năm 1999, ngay khi cô con gái Alexa (18 tuổi) học đại học năm thứ nhất, Tom và Stacey Branchini nhận được cú điện thoại cho biết rằng con gái của họ đã bị hãm hiếp ngay tại ký túc xá trường ĐH Boston. Ngay đêm đó kẻ thủ ác đã bị bắt, vụ án được xét xử sau 18 tháng.
Trong những ngày tháng chờ tòa án xét xử, vợ chồng Tom rất đau khổ. Stacey nói: “Chúng tôi hoảng hốt vì người ta đối xử với con gái chúng tôi như vậy”. Alexa nói: “Tôi đã không đòi được công lý nếu gia đình không ở bên tôi”.
Chi phí đi lại tốn kém và thu nhập gia đình giảm sút. Tom nói: “Người ta làm được gì nếu không xử xong vụ này? Chúng tôi phải làm điều gì đó”.
Hai năm sau, gia đình họ bắt đầu thành lập tổ chức “It Happened to Alexa” (Điều Đã Xảy Ra Với Alexa) để giúp đỡ các gia đình chịu những cảnh tương tự. Tổ chức này đã gây quỹ được hơn 100.000 USD và đã giúp đỡ hơn 200 nạn nhân. Alexa hiện nay theo học chương trình tiến sĩ về công lý tội phạm và chuyên về bảo vệ các nạn nhân bị hiếp dâm.
Một trong các phương diện ngạc nhiên trong tinh thần con người là không chấp nhận sự thất bại và quyết tâm không trở thành nạn nhân, ngay cả khi bị đối xử tàn nhẫn. Những người can đảm như Alexa có thể biến bi kịch thành chiến thắng, biến nỗi đau khổ thành sự kiên nhẫn. Họ động viên chúng ta cũng hãy làm như họ.
Lạy Thiên Chúa toàn năng, khó có thể tưởng tượng một cơn ác mộng như vậy. Xin tạ ơn Ngài về sức mạnh siêu nhiên và ân sủng mà Ngài đã ban cho những người như Alexa và gia đình của cô, để họ có thể chịu đựng gian khổ. Khi khó khăn xảy ra, xin Ngài giúp con biết cách phản ứng nhu họ đã làm. Amen.
3. CẢM NHẬN CUỘC SỐNG
“Tôi muốn anh em được phấn khởi trong tâm hồn, và nhờ được liên kết chặt chẽ với nhau trong tình thương, họ đạt tới sự thông hiểu phong phú và đầy đủ, khiến họ nhận biết mầu nhiệm của Thiên Chúa, tức là Đức Kitô, trong Người có cất giấu mọi kho tàng của sự khôn ngoan và hiểu biết” (Cl 2:2-3).
Sylvia Jones chia sẻ một câu chuyện về kinh nghiệm làm tình nguyện viên cộng đồng. Cô cho biết:
Tôi làm việc trọn thời gian với một công việc bận rộn, và tôi mới kết hôn, nhưng tôi dành thời gian cho một viện tâm thần ở trong thành phố. Tôi có được niềm vui và mãn nguyện. Tôi ngạc nhiên thấy rằng một người bạn của cha mẹ là người ở đây. Khi tôi còn nhỏ, bà này đã muốn làm vú nuôi của tôi vì bà không có con.
Tôi nhớ lại với nhiều hình ảnh, và chúng tôi cũng thân thiết trong nhiều năm. Tôi được biết rằng bà có thể được ra khỏi nơi này, nhưng vì không có gia đình đến đón nên bà đành ở lại đây. Tôi có thể đưa bà về gia đình tôi vào hai dịp và thấy bà cảm thấy vui sống và yêu đời.
Tôi không thể quên được kinh nghiệm làm tình nguyện viên. Sau đó, bà này qua đời, tôi buồn nhưng tôi cũng đã hoàn tất những điều nhỏ là tử tế đối với bà. Những điều nhỏ này đã tạo sự khác biệt nơi bà. Tôi thấy mình hèn mọn, nhưng tôi tạ ơn Chúa đã hướng dẫn tôi và cho mẹ tôi kể cho tôi nghe câu chuyện về phụ nữ này đã từng ở đâu.
Nhiều tình nguyện viên tìm thấy mục đích đối với việc đóng góp của họ cao hơn những gì họ có thể làm. Có thể người ta tìm thấy mau chóng hoặc mất một thời gian, nhưng cho đi luôn có phúc lành tiềm ẩn bên trong.
Lạy Đấng Emmanuel, Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-con, con biết Ngài có những phúc lành dành cho con trong công việc của con. Xin giúp con sống hy vọng điều Ngài đã tiền định cho con và tìm kiếm phúc lành cho người khác. Amen.
4. NHÂN DANH NGÀI
“Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại” (Ga 15:16a).
Raymond Mitchell, thư ký 73 tuổi của một siêu thị, bị ngạc nhiên khi một thanh niên bước đến đưa cho ông bao thư 50 USD và nói: “Bao thư này của ông Hal Reichle, người đã cảm phục sự phục vụ của ông từ lâu”.
Đó là nghĩa cử của nhóm đóng gói tạp hóa SSSSH – Secret Society of Serendipitous Service to Hal. Nhóm này kính trọng ông Hal Reichle, một phi công trực thăng tử nạn khi mới 27 tuổi trong chiến dịch Desert Storm (Bão Sa Mạc). Lúc sinh thời, ông Hal Reichle đã từng đi sơn nhà cửa giúp người khác khi gia đình họ có kỳ nghỉ, đưa các túi tạp hóa để trên cổng, và có lần đã thuyết phục ngân hàng cho một người bạn nghèo được vay tiền mua xe hơi.
Nổi tiếng về lòng hào hiệp, phi công Hal Reichle đã gợi hứng các nghĩa cử ở nhiều người – mang tên ông Hal chứ không mang tên người thực hiện. Các nghĩa cử có thể là một suất ăn tối, một số tiền thanh toán hóa đơn, sơn một căn nhà, …
Roger Cram, người bạn thân của Hal Reichle, và nay là trưởng Nhóm SSSSH, nói: “Chúng tôi hy vọng cả thế giới này đều là những người như Hal Reichle”. Để trở nên thành viên của SSSSH, người ta phải thể hiện nghĩa cử của lòng tốt nặc danh và viết thư cho ông Cram. Không cần ký tên hoặc ghi địa chỉ.
Chàng thanh niên đưa tiền cho ông Raymond Mitchell đã nói: “Rất phấn khởi, tôi chưa bao giờ cảm thấy vui như khi đưa bao thư cho ông Raymond Mitchell”.
Là những người theo Đức Kitô Giêsu, chúng ta là những người tinh tế yêu thương nhân danh Ngài. Chúng ta sống, phục vụ và hành động nhân danh Ngài, không nhân danh chúng ta.
Lạy Chúa Giêsu, câu chuyện này đầy cảm hứng, nhưng con phải làm những điều tương tự và chỉ nhân danh Ngài, nhờ tác động của Chúa Thánh Thần. Đây là phần phong phú trong sự sống dồi dào mà Ngài đã hứa ban. Amen.

TRẦM THIÊN THU