Thứ Tư, 9 tháng 12, 2015

5 Phút cho Lời Chúa 9/12/2015

Filled under:

HÃY ĐẾN CÙNG CHÚA GIÊ-SU
“Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi… vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường.” (Mt 11,28.29)
Suy niệm: Không có ai dám kêu gọi người ta đến với mình để được an ủi đỡ nâng khi người đó biết mình sắp lìa cõi thế, ngoại trừ một mình Chúa Giê-su; mà lý do để làm thế là vì Ngài “hiền lành và khiêm nhường.” Hiền lành và khiêm nhường, đó là căn tính của Vị Thiên Chúa Làm Người: Ngài chiếu tỏa dung nhan hiền hậu của Chúa Cha, Đấng đầy lòng thương xót. Tin Mừng hôm nay vừa tiên báo cái chết đau thương của Con Chiên hiền lành bị đem đi xén lông và làm thịt, vừa là lời mời gọi mỗi người tin tưởng vào tình yêu của Chúa giữa cảnh đời buồn nhiều hơn vui, vất vả nhiều hơn sung sướng và khổ đau nhiều hơn hạnh phúc này. 
Mời Bạn: Tông Huấn “Niềm Vui Của Tin Mừng” số 273 viết: “Sứ mệnh của tôi giữa lòng nhân loại không chỉ là một phần đời tôi hay một phù hiệu mà tôi có thể gỡ bỏ… Tôi là một sứ mệnh trên trái đất này; đó là lý do tại sao tôi có mặt trên trái đất này.” Những lời trên phản ánh trung thực nhất sứ mệnh của Chúa Giê-su nơi trần gian. 
Chia sẻ: Bạn nghĩ sao về thái độ và tâm tình của Chúa? Phải chăng Thiên Chúa liều lĩnh khi Ngài hiến thân cho nhân loại như thế?
Sống Lời Chúa: Xác tín rằng tiền bạc, danh vọng, quyền lực, tiến bộ của khoa học kỹ thuật không thể thay thế chỗ của Thiên Chúa; trái lại, chỉ có Chúa là lẽ sống vĩnh cửu cho tôi, cho chúng ta.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, trong cuộc sống đầy những vất vả và gồng gánh nặng nề này, xin cho con biết tìm đến nương tựa vào Chúa, “vì ách Chúa thì êm ái và gánh Chúa thì nhẹ nhàng.”

THÁNH PHÊRÔ PHURIÊ
CHÍNH XỨ VÀ LẬP DÒNG
Phêrô Phuriê (Fourrier) chào đời ngày 30 tháng giêng năm 1565 tại Mirơcua (Mirecourt). Dòng họ Phuriê vốn từ xưa thuộc thành phần thường dân rất đơn sơ đạo đức. Mãi về sau mới được đức ông miền Lôren (Loraine) là Carôlô III cất nhắc lên bậc quý phái. Vì thế Phêrô Phuriê mang trong người hai đặc tính căn bản: lòng đạo đức đơn sơ của người bình dân và chí hăm hở cải tạo của con người quân tử.
Ngay tử thuở còn nhỏ tuổi, Phêrô đã làm cho tất cả gia đình cũng như làng xóm phải chú mục đến lòng sùng đạo, tính nết nhu mì ngoan ngoãn và chăm chỉ học hành làm việc của cậu. Trong con trẻ mà đức tính bình hòa về mọi mặt ấy, thỉnh thoảng đã thấy xuất hiện một vài điểm xuất phàm, anh hùng, của một vị thánh tương lai. Theo tài liệu của cha Bêđen (Bédel) cha xứ của cậu để lại thì: một ngày kia Phêrô đang chơi với chúng bạn. Cuộc chơi đang tới độ hơn thua thì Phêrô vô tình chạm vào cánh tay của một anh bạn. Anh này đang lúc hăng, cho là cậu Phêrô chú ý chạm tay anh để anh mất phần thắng. Anh ta liền tát Phêrô một tát nảy đom đóm mắt. Các bạn khác thấy vậy, vội túm vào bênh Phêrô và định trị tội anh bạn chơi xấu kia. Anh cũng tưởng là Phêrô cũng hùa với chúng bạn để trả thù, hay ít nữa cũng lấy làm thoả chí thấy các bạn bênh mình. Nhưng trái lại Phêrô nhảy vào can chúng bạn và bảo vệ anh kia. Phêrô đã thực hiện lời: dĩ đức báo oán.
Chính trong thời kỳ thơ ấu này người ta cũng đã thấy ý muốn của cậu Phêrô sau này là làm linh mục của Chúa. Trò chơi giải trí thường nhật của cậu là dựng bàn thờ, trang hoàng hoa nến, rồi cậu nghiêm trang bắt chước linh mục làm lễ như thật vậy. Có nhiều lúc hứng khởi cậu quay ra giảng một bài, tuy đơn sơ vắn vỏi, nhưng không kém phần thành thực và hùng hồn, khiến chúng bạn cũng phải tấm tắc khen phục. Cậu Phêrô đã được tất cả các bà mẹ hàng xóm lấy làm gương mẫu để dạy dỗ con cái mình.
Năm 15 tuổi Phêrô được gửi tới đại học đường ở Pông Muxông (Pont à Mousson) do các cha dòng Tên điều khiển. Ở đây Phêrô chẳng những dùi mài kinh sử mà còn chăm chú đặc biệt đến việc cải tạo tinh thần các bạn sinh viên. Nhất cử nhất động của Phêrô đều là những tấm gương sáng ngời đập vào mắt các sinh viên. Hơn nữa Phêrô cũng âm thầm hãm mình bằng cách nhịn ăn và ngủ dưới sàn nhà cốt dâng chút hy sinh lên Chúa để cầu cho các anh em sinh viên được sống đúng tinh thần Kitô. Phêrô tốt nghiệp đại học với những lời khen ngợi danh dự của toàn ban giáo sư. Đến năm 20 tuổi, Phêrô vào tu viện chính Kinh sĩ (Chanoines Réguilier) của thánh Augustinô ở Sômugiê (Chumouzey). Lúc Phêrô vào tu viện này, tinh thần tu viện đã sa sút. Nhưng cũng chính là thánh ý Chúa muốn đưa Phêrô vào đây để sẽ chấn hưng tinh thần tu viện này. Phêrô được khấn dòng năm 1587, và chịu chức linh mục ngày 25 tháng 2 năm 1589.
Nhưng mãi đến ngày lễ sinh nhật thánh Gioan tẩy giả cha mới cử hành lễ mở tay cốt ý cho cuộc dọn mình thêm sốt sắng và thánh thiện. Sau đó cha Phêrô trở lại Pông Muxông để hoàn bị khoa thần học và nghiên cứu thêm Kinh thánh và Giáo phụ. Cha đặc biệt mê thích học hỏi thánh Augustinô, Kim khẩu, Baxiliô, Grêgôriô và Bênađô. Cha thuộc lòng từng tác phẩm của các vị Giáo phụ này. Thôi học, cha Phêrô được bổ làm nhiếp chính đền thờ thánh Máctinô ở Pông Muxông nhưng sau cha lại trở về Sômugiê.
Về đây trong ba xứ mà cha được phép chọn, cha đã chọn xứ nghèo nàn và khô đạo nhất, xứ Mattaincouri. Xứ đạo này nổi tiếng là lắm người theo bè rối và vô thần nhất vùng. Nhưng cha mạnh dạn về nhận xứ ngày lễ kính Thánh Thể, 5 tháng 6 năm 1597. Lúc ấy cha được 23 tuổi. Lấy ngay chính ý nghĩa của ngày lễ nhận chức này, cha giảng về lòng hy sinh của Chúa trong phép Thánh Thể để đoan chắc với giáo dân của cha là cha cũng sẽ theo chân Chúa hy sinh cho phần rỗi mọi người và mỗi người. Bài giảng đầu tiên này là một tuyên ngôn thực hành của cha mà đời sống của cha sau này minh chứng một cách rất cụ thể và đầy đủ, khiến giáo hữu Mattaincouri, sau hằng mấy chục năm vẫn như còn thấy vang dội một cách mới mẻ và sống động trong tâm trí, như mới được nghe giảng ngày nào đây.
Để lời nói đi đôi với việc làm, cha Phêrô bắt tay ngay vào việc một cách vô cùng hăm hở và nhiệt thành hy sinh. Cha chẳng những đặc biệt chú trọng đến phần hồn khiến toàn xứ đều cảm thấy một đời sống đạo đức đang lên men một cách rõ rệt và mãnh liệt, mà cha còn đem hết sức lực ra để nâng cao đời sống trí thức cũng như xã hội của toàn xứ.
Việc xã hội đầu tiên của cha là tổ chức một quỹ dự trữ lấy tên là quỹ thánh Êvơrê (Saint Epvre) và một hội bài trừ kiện tụng. Quỹ thánh Êvơrê nhằm mục đích đóng góp để dành tiền phòng tương tế và cứu trợ khi có ai gặp tai nạn hay nghèo túng sa cơ cần trợ cấp. Chính cha tự xuất ra một số tiền khá lớn để ủng hộ quỹ tương tế này; và nhiều khi cần kíp cha tự lấy tiền túi ra cho mượn tạm, cũng có khi cho hẳn để con chiên cha có đủ phương thế tối thiểu sinh sống mới dễ bề lo phần linh hồn. Có nhiều khi cha đích thân đi chợ hay đến tiệm thực phẩm mua thịt, cá đem đến tận nhà những người đau yếu hoặc nghèo khó để tặng họ và an ủi họ. Cha đi đến đâu là đem theo cả sự giúp đỡ phần hồn lẫn phần xác đến đấy, khiến ai nấy đều muốn níu cha ở lại với họ và cha ít khi nỡ dứt áo ra về được. Đã có nhiều lần cha đã phải lột cả nệm, khăn giường, áo lót và cuối cùng đến cả cái khung giường của cha cũng được vác đi tặng những người túng thiếu. Vì thế cha chuyên nằm dưới sàn nhà. Câu truyện cụ thể sau đây đã chứng tỏ phần nào lòng cha Phêrô thương yêu người túng thiếu cả hồn lẫn xác. Vào đúng ngày lễ Phục sinh, mọi người đều hớn hở mừng lễ. Trong nhà xứ cha cũng đang có đông người túng thiếu đến mừng lễ với cha. Trong số ấy có một quân nhân mới được giải ngũ trông thực là nghèo túng. Cha vội vã tiến đến gần quân nhân ấy và hỏi: Bạn muốn tôi giúp bạn những gì để mừng lễ? – Thưa cha, quân nhân ấy trả lời, xin cha mấy quả trứng. – Cha liền cho lấy hai quả tặng anh ta. Anh ta có vẻ không bằng lòng và nói: Tôi tưởng một người như cha mà lại không cho tôi được nửa tá trứng hay sao? – Cha xin lỗi anh ta và bảo lấy thêm cho bốn quả nữa. Cha hỏi anh đã bằng lòng chưa ?
- Thưa cha, phải có bánh để ăn với trứng chứ ?
- Bạn nói phải – Cha nhanh nhẹn trả lời.
Và cha bảo lấy bánh ngon và trắng nhất cho anh ta. Nhưng anh lại nghiêm chỉnh nói với cha: Hôm nay là ngày đại lễ thế này giá có một cốc rượu thì hay biết bao! Cha Phêrô nở một nụ cười, gật đầu khen phải rồi chính cha đi lấy cốc, lấy rượu, chính tay cha rót rượu mời anh ta uống với tất cả lòng ưu ái sẵn có của cha.
Tay đón lấy cốc rượu với một vẻ đắc chí hiện lên nét mặt vui tươi, anh ta nói với cha:
- Tôi bằng lòng lắm, tôi cầu Thiên Chúa lòng lành ban cho tất cả các cha xứ được nên giống như cha đây để làm vinh danh cho Hội thánh Chúa.
Trên đây chỉ là một câu truyện điển hình cho hằng trăm câu truyện thương người khác như thế. Do đó khắp vùng ấy đều tặng cha danh hiệu "Cha nhân từ xứ Mattaincouri".
Chính nhờ ở hành động vị tha đầy hy sinh vì danh Chúa ấy, hợp với lời cầu nguyện và sự hãm mình của cha mà xứ Mattaincouri đã hoàn toàn đổi mới cả về đạo đức lẫn tinh thần và vật chất. Riêng đối với những người vô thần và rối đạo, cha Phêrô lại chăm chú săn sóc cách riêng. Cha đến từng nhà, gặp từng người và sẵn sàng hy sinh cũng như giải đáp mọi thắc mắc với họ, vì thế phần đông đã trở về với Chúa. Cũng có một số ít cứng cỏi chưa chịu nhập đoàn chiên Chúa, nên cha phải dùng nhiều phương thế siêu nhiên rất đặc biệt do sáng kiến của cha để làm cho họ nhận biết Chúa. Có lần khuyên nhủ họ không được cha vội vã từ giã họ chạy tất tưởi về nhà ra trước nhà tạm Chúa bắt đền Chúa một cách rất là thành thực. "Lạy Chúa, hoặc là Chúa xoá tên con khỏi sổ hằng sống, hoặc là Chúa cho người này ăn năn trở lại. Con muốn chịu vạ thay cho người này. Việc thay đổi lòng người là chính việc của Chúa đấy, và chính Chúa là cha xứ của xứ này, còn con chỉ là thay mặt Chúa thôi đấy. Tất cả những gì con bất lực thì con mặc kệ Chúa đấy". Bắt đền Chúa như vậy, cha Phêrô cũng chưa lấy làm đủ, có lần cha táo bạo, nhưng vẫn run rẩy mở cửa nhà tạm lấy Mình Thánh rồi đem đến tận nhà người cứng tin nọ, với một giọng cảm động và nghiêm nghị, nhân danh Chúa ngự trong phép Mình Thánh truyền cho phải hối cải và tin Chúa. Lời cha nói như một tiếng sét của tình yêu thương đã làm mềm lòng người cứng cỏi nọ.
Vì công cuộc đem những người lạc đường về cùng Chúa của cha Phêrô ở trong xứ của cha đã vang dội khắp địa phận, nên Đức Giám mục thường xuyên mời cha đi giảng nhiều nơi trong khắp địa phận để thuyết phục bè rối và vô thần. Cha đi giảng ở đâu đều thành công ở đấy, người ta trở lại rất đông, mọi người đã nhận thấy rõ ràng sự thánh thiện của cha.
Hết mọi tầng lớp xã hội đều cảm thấy cha Phêrô là của riêng họ và sống giữa họ. Riêng các trẻ em trong xứ lại đặc biệt mến yêu và quấn quít cha. Hễ cha ở đâu cũng như đi đâu là cũng thấy chúng bâu lại đen nghịt chung quanh cha, dĩ chí lúc cha nguyện kinh ở nhà thờ, chúng cũng quì vây chung quanh cha, rồi cũng bập bẹ ê a cầu kinh với cha. Nhiều khi người lớn đã phải can thiệp, hãn ngữ chúng, để cha có chút thời giờ an tĩnh, thì cha lại dùng lời Chúa xưa để xin cho chúng: "Hãy để cho các trẻ em đến với cha và đừng cản trở chúng...". Cha Phêrô rất yêu chúng và luôn luôn cha dùng chúng để mở nước Chúa, nhất là xin chúng cầu nguyện cho công việc của cha. Có nhiều khi gặp việc khó khăn, cha chạy ra các ngõ xóm gọi tất cả các trẻ em tụ tập lại, rồi đưa chúng vào nhà thờ để cùng cha cầu nguyện, và cha luôn luôn thấy lời cầu xin của các trẻ nhỏ đơn sơ trong trắng ấy được Chúa chấp thuận.
Tuy công việc hàng xứ bề bộn suốt ngày, nhưng ý Chúa đã muốn cha Phêrô còn phải chu toàn một nhiệm vụ thứ ba cũng không kém phần quan trọng so sánh với nhiệm vụ một cha xứ. Đó là sứ mạng sáng lập và cải tổ dòng tu. Trong suốt hơn 40 năm trời, cha Phêrô đã rất bận tâm đến một lớp người có thiện chí muốn dâng toàn linh hồn và thể xác cho Chúa bằng con đường tu trì. Cha đã làm thoả mãn được lớp người này. Chúa Quan phòng đã dẫn đến cha mấy thiếu nữ tốt lành để xin cha lo liệu đời sống tu trì cho họ. Do ý Chúa soi sáng cha lập Hội dòng Đức Mẹ để đáp lại sự đòi hỏi tha thiết của lớp người trẻ tuổi này. Thoạt đầu Hội dòng gặp phải nhiều thử thách ghê gớm, nhưng về sau cũng được Đức Giám mục địa phận cho phép và Đức Thánh Cha công nhận. Hội dòng bành trướng khá mạnh mẽ khắp hạt Lôren, cả nước Pháp và tràn sang cả Đức. Đến cuối thế kỷ XVIII, Hội dòng bị tàn phá nặng nề nhưng rồi lại được tái lập.
Năm 1904, Dòng có 30 nhà cả thảy và dần dà phát triển mạnh thì gặp phải đạo luật trưng thu hồi đầu thế kỷ XX. Hội dòng lại một lần nữa bị bão táp, nhưng cũng nhân cơ hội này mà Hội dòng chuyển từ đất Pháp sang Hòa Lan, Anh, Bỉ và lan tràn khắp thế giới. Thời kỳ này là thời kỳ cha Phêrô Phuriê được mọi nơi xưng tụng là vị thánh của thế kỷ, và chị dòng Alíttơ Cơlê (Alix le Clere) là một trong mấy chị dòng đầu tiên, cũng là bề trên thứ nhất của dòng sau khi qua đời đã được tôn lên làm đấng đáng kính trong Giáo hội, và hồ sơ chân phước đang được Giáo hội nghiên cứu. Cũng chính trong thời kỳ này cha Phêrô đã làm một phép lạ cho một trẻ nhỏ đã chết được sống lại nên danh cha lại càng vang khắp chốn.
Đi song song với công việc lập dòng nữ, cha thánh cũng nghĩ ngay đến công việc cải tổ dòng chính Kinh sĩ thánh Augustinô. Là một con cái trong dòng này, cha Phêrô hằng lo âu trước một sự xuống dốc khá rõ rệt của tinh thần dòng hiện nay. Cha cẩn thận khôn ngoan tìm hiểu thánh ý Chúa để đem lại cho nhà dòng một luồng gió mới khả dĩ làm sống lại tinh thần cố hữu tinh tuyền của thánh Augustinô mà không chạm lòng tự ái của một ai. Sau ba tháng thử thách, cha đã lập được một nhà tập mới, để hướng dẫn tinh thần về chính nguồn và, nhờ nhà tập mới này, cha thực hiện được công cuộc cải tổ một cách rất êm đẹp và đầy kết quả. Dòng cải tổ của cha đã được Toà thánh chấp nhận và đặt tên cho là dòng các Chính Kinh Sĩ Chúa Cứu Thế. Toà thánh cũng đặt cha làm bề trên cả của dòng ngày 20 tháng 8 năm 1632. Như vậy là sứ mệnh Chúa trao cho cha hầu như đã hoàn tất và chỉ đợi ngày về chầu Chúa. Trước khi cho các con yêu dấu của Người được hưởng hạnh phúc bất diệt, Thiên Chúa thường gởi đến cho họ một món quà rất mực cay đắng. Với cha Phêrô Phuriê yêu dấu đây, Chúa gởi đến một cuộc bách hại, một đời sống lưu đầy khổ ải. Nhưng chính món quà này lại là ngành vạn tuế chiến thắng của người con yêu dấu của Chúa. Trong trận chiến ba mươi năm (1618 – 1648), cha Phêrô Phuriê được các bá tước xứ Lôren nhận làm cố vấn. Nhờ có cha mà xứ Lôren giữ được danh dự và quyền tự do của con người. Vì thế mà Risơliơ (Richelieu) căm thù cha và hạ lệnh truy nã cha. Cha phải cải trang trốn lủi trong nhà các giáo hữu trong xứ. Nhưng cha cảm thấy chỉ có hai đường sống: một bị bắt cầm tù, hai là phải trốn khỏi xứ Lôren. Thể theo ý muốn của giáo hữu, cha chọn con đường thứ hai. Vậy cha qua hạt Phơrăngsơ Côngtê (Franche Comté) và ở tỉnh Gơrê (Gray). Năm ấy là năm 1636.
Quân địch thấy không bắt được cha, họ liền triệt hạ, cướp bóc xứ Mattaincouri của cha. Nhà xứ, nhà dòng cũng như nhà thờ đều bị triệt hạ thiêu hủy tất cả. Nghe thấy tin dữ này, lòng cha đau như xé. Nhưng chưa hết, chính ở Gơrê cũng có tai nạn: bệnh dịch khủng khiếp đang hoành hành, thiên hạ càng thêm đau khổ. Nhờ có cha thánh suốt ngày cầu nguyện và luôn mấy ngày kiệu Thánh Thể đi khắp phố mà dân Gơrê chóng thoát khỏi tai ương.
Sau cuộc thử thách nặng nề này, Chúa thấy con yêu dấu mình đã đầy công nghiệp nên Chúa muốn đưa linh hồn cha về với Chúa. Sau 75 năm chỉ một lòng thực hiện khẩu hiệu "Omnibus prodesse, obesse nemini: giúp ích cho mọi người mà không làm hại một ai". Thánh nhân tuy có run sợ trước cái chết nhưng đầy tin tưởng vào lòng lành Chúa và Đức Mẹ. Sau khi chịu của ăn đàng và dịu dàng than thở: Habemus bonum Dominum et bonam Dominam: chúng ta có một Chúa nhân lành và một Mẹ nhân hậu. Thánh nhân trút linh hồn trong tay Chúa và Mẹ nhân lành ngày 9 tháng 12 năm 1649. Gia tài của cha khả ái để lại cho con cái dòng ngài là bản luật dòng Đức Mẹ mà cha vừa mới hoàn tất và những lời dẫn đàng nhân đức vô cùng quý báu của ngài.
Về sau xác thánh ngài được đem về Mattaincouri và táng gần ngôi nhà đầu tiên của Hội dòng Đức Mẹ.
Ngày 29 tháng giêng năm 1730, Đức Giáo Hoàng Biển Đức XIII phong chân phước cho cha và ngày 27 tháng 5 năm 1897, Đức Thánh Cha Lêô XIII phong cha lên bậc hiển thánh.
Chẳng những riêng một xứ Mattaincouri hay toàn xứ Lôren và khắp nước Pháp vui mừng và hãnh diện vì có được một cha thánh đang chầu Chúa trên nước trời, mà toàn thể giáo hữu thế giới mỗi khi tưởng niệm đến cuộc đời cha thánh Phêrô Phuriê cũng đều tung hô thánh danh Thiên Chúa với một lòng tràn ngập tin tưởng ở nước trời quê thật đời sau.