Thứ Bảy, 26 tháng 12, 2015

Bài giảng lễ Thánh Gia - Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy

Filled under:

Lễ Thánh Gia
Thánh Gia Thất là chuẩn mực chính xác nhất cho các người cha, người mẹ và con cái trong gia đình.
Giuse đích thực là một người cha: Sáng ngời trong đức tin mạnh mẽ, nêu cao niềm phó thác cậy trông và tận tình chăm lo cho trẻ Giêsu cùng mẹ thánh Người. Người làm chủ gia đình với tinh thần đầy trách nhiệm, và siêng năng cần cù lao động, trong làng quê nghèo Nadarét.
Maria chính là người mẹ: Gương mẫu trong đời sống nội tâm, và sâu lắng trong tâm tình cầu nguyện. Mẹ chính là người nội trợ đảm đang, chu toàn công việc gia đình, và chăm sóc dạy dỗ con trẻ Giêsu.
Chúa Giêsu là người con thảo hiếu: "Hằng vâng phục cha mẹ" Giuse và Maria, lớn lên mỗi ngày trong sự khôn ngoan và nhân đức, nhất là luôn lo việc "bổn phận ở nhà Cha".
Gia đình là nền tảng của xã hội. Gia đình có thuận hoà, thì xã hội mới an vui. Lễ Thánh Gia chính là lễ của mọi gia đình. Noi gương Thánh Gia Thất, các gia đình chúng ta luôn sống có trật tự trên dưới, liên đới trong tình hiệp thông, và chăm lo cho nhau trong tình yêu thương đầm ấm.
Con Thiên Chúa chỉ ra giảng đạo có ba năm, nhưng đã phải chuẩn bị ở mái trường Nadarét suốt ba mươi năm. Nadarét là trường dạy cầu nguyện dạy lao động, dạy yêu thương. Nadarét là một vùng quê hẻo lánh, nhưng lại mang một mái ấm tình thương. Mái ấm Nadarét rất đỗi bình thường, nhưng cũng lại rất khác thường.
Một mái ấm luôn chan hoà bầu khí yêu thương và đạo hạnh.
Một mái ấm luôn ngập tràn tiếng cười vui vì hạnh phúc.
Một mái ấm mà các thành viên luôn để ý quan tâm tới nhau
Muốn có hạnh phúc trong mái ấm gia đình, trước tiên phải có Chúa hiện diện.
Mái ấm Nadarét luôn hạnh phúc vì lúc nào cũng có Chúa ở giữa Giuse và Maria. Nếu mỗi gia đình chúng ta đều mời được Chúa đến ở trong gia đình thì chính Người sẽ là dây liên kết để chúng ta yêu thương nhau, là sức mạnh để chúng ta vượt thắng mọi sóng gió, là mẫu gương để chúng ta nhẫn nhịn và tha thứ cho nhau.
Muốn có hạnh phúc trong mái ấm gia đình, mỗi người chúng ta cũng hãy sống cho đúng cương vị của mình là cha, là mẹ, là chồng là vợ, là con cái. Thánh Phaolô khuyên: "Hỡi các bà vợ, hãy phục tùng chồng trong Chúa cho phải phép. Hỡi những người chồng hãy thương yêu vợ mình, đừng đay nghiến nó. Hỡi những người con, hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự. Vì đó là đẹp lòng Chúa " (Cl 3,21)[1]
Có câu chuyện kể rằng:
Hôm  ấy, một người  đàn ông trạc  độ  bốn mươi, lòng trĩu nặng ưu phiền, kéo lê những bước chân nặng nhọc lên ngọn đồi đan viện để tìm gặp Cha Viện Phụ.
Anh nhớ  lại thời gian mới thành hôn mười lăm năm về trước. Hồi  ấy, gia  đình anh lúc nào cũng vang rộn tiếng cười, ngập tràn hạnh phúc. Thế nhưng bầu trời hạnh phúc đó đã tan đi như sương sớm dưới sức nóng mặt trời.  Về chung sống với nhau chưa đầy bốn năm, hai vợ chồng đâm ra xích mích kình cãi nhau liên tục. Vợ anh không còn đối xử với anh ngọt ngào như trước, còn anh thì hay bẳn gắt với vợ con, hai cháu trong nhà trước đây ngoan ngoãn bao nhiêu thì giờ đây  đâm ra lười biếng, hỗn hào vô lễ  bấy nhiêu. Từ bấy lâu nay, trong gia đình chẳng mấy khi có tiếng cười, chẳng ai muốn nói với ai những lời thân ái, chẳng mấy khi cơm lành canh ngọt. Cuộc sống gia  đình  đầm  ấm và hạnh phúc như thiên  đàng trong những năm  đầu kết hôn bỗng nhiên biến thành địa ngục. 
Để cứu vãn tình thế, anh đã tìm đến những bậc thầy chuyên về phong thủy. Người ta khuyên anh dời cổng nhà sang vị trí khác vì cổng nhà người hàng xóm nhm thẳng vào cổng nhà anh. Có người đề nghị anh thay đổi hướng nhà, thay đổi vị trí bếp nấu ăn, thay đổi vị trí giường nằm sao cho hợp với phong thủy… Anh đã làm đúng theo những lời khuyên của họ mà tình hình cũng chẳng cải thiện được gì nếu không nói là còn tệ hơn. 
Anh cũng tìm đến những nhà chuyên môn về cảm xạ học. Họ khuyên anh đào sâu xuống nền nhà để di dời những bộ hài cốt mà họ cho rằng còn đang bị vùi lấp bên dưới. Anh tin và làm theo ý họ nhưng chẳng thấy gì và cũng chẳng có gì đổi thay. 
Anh chạy đến với các Pháp Sư và họ khuyên anh phải cải táng mồ mả ông bà vì vị trí hiện thời không tốt cho con cháu. Anh nhẹ dạ làm theo mà chẳng được tích sự gì.  Cuối cùng, anh tìm  đến với Cha Tu Viện Trưởng nổi tiếng thánh thiện đạo đức và được những người dân quanh vùng xem như  một vị thánh sống,  được ơn thông biết nhiều sự việc nhiệm mầu. 
Sau khi nghe anh kể lể sự tình và nêu lên câu hỏi: Thưa cha, kẻ nào trong gia  đình con  đã mắc phải tội ác tầy trời  đến nỗi gia đình phải chịu cảnh bất hòa triền miên như thế, Cha Viện Phụ thong thả trả lời:
“Mỗi người trong gia đình anh đều mang một tội lớn. Đó là tội vô tình. Từ bao lâu nay, Chúa Cứu Thế đã cải trang làm một người trong gia đình anh mà chẳng ai trong gia đình nhận ra Người nên mới sinh ra những sự cố đau buồn như thế.”
Nghe vậy, anh bàng hoàng sửng sốt: “Thật thế ư? Quả là điều quá bất ngờ! Ta phải thông báo nguồn tin quan trọng nầy cho cho vợ con biết ngay mới  được.” Anh cấp tốc trở  về nhà, vồn vã tươi vui chưa từng thấy. Anh gọi vợ con lại và thông báo cho họ biết một bí mật tuyệt vời đã xảy đến với gia  đình,  đó là Chúa Cứu Thế đang cải trang thành một người trong gia đình anh.” Bấy giờ mọi người trố mắt nhìn nhau kinh ngạc. Đấng Cứu Thế cải trang khéo thật! Khéo đến nỗi dù được chung sống với Người bấy lâu nay nhưng không ai nhận ra Người và vì thế đã xúc phạm đến Người nhiều lần không kể xiết. Thế là từ hôm nó, người chồng tránh bất cứ lời nói hay cử chỉ nào làm phiền lòng vợ con vì sợ phạm đến Đấng Cứu Thế; trái lại còn tỏ ra hết sức tử tế và hi sinh tất cả vì vợ vì con, với hy vọng là mình đang phục vụ và làm vui lòng Người. Cũng từ hôm  đó, người vợ không còn chanh chua  đanh  đá với chồng, không còn mắng chửi thậm tệ mấy đứa con; trái lại, luôn tận tụy phục vụ và hết lòng yêu thương chồng con vì rất có thể là Chúa Cứu Thế đang cải trang thành người chồng, người con của chị. Còn con cái thì không còn dám hỗn hào với cha mẹ như trước, nhưng luôn tỏ ra ngoan ngoản vâng lời và tôn trọng cha mẹ vì có thể người cha hay người mẹ của mình chính là Đấng Cứu Thế cải trang. Thế là từ đây, bầu khí yêu thương đầm ấm trở lại với gia đình và còn đậm đà hơn bao giờ hết.[2]  
Lạy Chúa, là nguồn mọi tình yêu, chúng con cảm tạ Chúa đã cho chúng con tấm gương Thánh Gia Thất, làm khuôn mẫu cho mọi quan hệ giữa vợ với chồng, giữa cha mẹ và con cái, giữa anh chị em trong gia đình. Xin cho chúng con biết kính trọng và yêu thương Nhau, không xét đoán khi hồ nghi, không kết án khi chưa tường, không phụ rẫy khi còn cứu vãn được, nhưng thông cảm và tìm hiểu, nâng đỡ và tha thứ, và trên hết luôn tìm sống theo thánh ý Chúa



[1] Lm. Hồ bạc Xái, Lễ Thánh Gia
[2] Lm.Ign.Trần Ngà, Lễ Thánh Gia


Xem thêm:
GIA ĐÌNH
Có cha, có mẹ thì hơn
Không cha, không mẹ như đờn đứt dây
Ca dao giản dị mà hay
Cách nói chất đầy ý nghĩa sâu xa
Chiếc nôi hạnh phúc đơn sơ
Thế nhưng thâm thúy, đậm đà yêu thương
Gia đình là chính thiên đường
Ngay trên trần thế vô thường, người ơi!
Chúa Giêsu đã làm người
Trong gia đình nhỏ sống đời phàm nhân
Tháng ngày vất vả, gian nan
Lao động chuyên cần tạo dựng Thánh Gia
Sớm khuya có Mẹ, có Cha
Làm Con nên Chúa vẫn lo vâng lời
Trần gian là cõi con người
Ba chìm, bảy nổi,… cuộc đời lênh đênh
Nhưng còn có một gia đình
Đó là Hồng Phúc mông mênh cõi trần
Cảm tạ Thiên Chúa từ nhân
Ai cũng có phần là Tổ Ấm riêng
Gia đình là chốn thiêng liêng
Công ơn cha mẹ vô biên, tuyệt vời!

VIỄN ĐÔNG