“Ngôi Lời đã làm người và ở giữa chúng ta” (Ga 1:14).
Việc sinh sản của Đức Mẹ bảo đảm thiên tính
của Chúa Con nhắc nhớ tôi các sự kiện mà các khoa học gia mô tả bằng thuật
ngữ “sự phi thường”. Vì “sự sinh sản đồng trinh” không thể giải thích bằng bất
kỳ cách tự nhiên, người Công giáo gọi đó là mầu nhiệm; nhưng các khoa học gia, theo
sát “nghề” của mình, gọi đó là “sự kỳ quặc”.
Đây là cách mà các nhà vật lỳ gọi là Big
Bang (vụ nổ lớn), vụ nổ nguyên thủy từ hư vô, như chúng ta biết ngày nay, đã
tạo nên vũ trụ kỳ diệu. Theo bản chất, Big Bang không thể xảy ra theo một quá
trình tự nhiên. Một số khoa học gia, không đi con đường trừu tượng đúng thời
gian của họ, cố che giấu sự lầm lẫn trong sự từ chối, tạo nên nhiều câu chuyện
ấu trĩ để giải thích hiện tượng Big Bang, như truyện ngụ ngôn về “vũ trụ sung
sức”. Nhưng đối với nhiều người khác, Big Bang là một trong các lý thuyết khoa
học rất sát với bằng chứng về sự hiện hữu của Thiên Chúa.
Dĩ nhiên bất cứ bằng chứng về sự hiện hữu của
Thiên Chúa dựa trên lý thuyết khoa học đều thất bại nếu lý thuyết đó bị biến
đổi theo cách quan trọng vì nghiên cứu thêm, cũng như bất cứ bằng chứng nào dựa
trên lịch sử cũng thất bại nếu các nhân chứng có thể bị chứng minh là sai lầm. Nhưng
tính phi thường vẫn có giá trị là phương tiện đánh dấu giới hạn của thiên nhiên
và cần cái gì đó vượt ngoài tầm tự nhiên.
Không thể chứng minh việc Đức Mẹ sinh sản mà
vẫn đồng trinh, ngay cả bằng chứng của những người có sự tin tưởng tuyệt đối về
Đức Maria, không ai có thể theo dõi chính khoảnh khắc đó. Nhưng đó là cách giải
thích lôgic đối với các sự kiện sau đó mà nhiều người trực tiếp là nhân chứng –
nghĩa là các phép lạ của Người Con của Đức Mẹ, cái chết chắc chắn và thảm khốc
của Chúa Giêsu, và sự phục sinh của Ngài ngay sau đó. Vô nhiễm Nguyên tội là một
phạm trù khó hiểu hơn, vì điều đó không thể được chứng minh bằng bất cứ số đông
nhân chứng nào đã từng ở bên thánh Anna và người con gái lừng lẫy của bà ngay
lúc họ hiện hữu. Nhưng điều đó dùng để giải thích – và được giải thích – công
việc khác thường của Con Một của Đức Mẹ.
Cách nói Con Thiên Chúa “hóa thành nhục thể” chính
xác hơn cách nói “sinh bởi Trinh nữ Maria”, không như nguyên ngữ Latin diễn tả.
Hóa thành nhục thể là khoảnh khắc thụ thai chứ không là sinh ra. Việc Đức Mẹ
sinh sản mà vẫn đồng trinh là hệ quả của việc “hóa thành nhục thể”, cũng như Vô
nhiễm Nguyên tội là sự chuẩn bị thích hợp cho điều đó. Chính sự kiện “hóa thành
nhục thể” giải thích về Người Con của Đức Mẹ. Hóa ra Ngài cũng là Con Thiên
Chúa.
Chúa Giêsu Kitô là Đấng phi thường không thể
được hiểu là kết quả của bất kỳ quá trình tự nhiên nào trước đó. Hằng hà sa số
những sự phi thường nhỏ hơn – các lời tiên tri, các lời giáo huấn, các phép lạ,
Giáo hội, các bí tích, các vị tử đạo, các thánh – chỉ là để đưa sự phi thường
chủ yếu vào chính sự nổi bật sắc nét hơn. Ở đây chúng ta có trời và đất trong
Con Một Yêu Dấu của Thiên Chúa, Chúa của các chúa và Nguyên Nhân Không Được Tạo
Ra – và cũng là cách giải thích về Big Bang.
Điều này thật khó hiểu, nhưng chúng ta được có
cơ hội khác. Ngài lại đến, Ngài là Đứa Trẻ mà chúng ta không bao giờ có thể dạy
cản trở tình yêu của Đứa Trẻ đó.
Tiến sĩ JEFFREY MIRUS
TRẦM THIÊN THU (Chuyển ngữ từ CatholicCulture.org)
Cùng Đi Belem
Lễ Giáng Sinh là dịp rất đặc biệt, không chỉ đối với Tây phương, vì
ngay sau lễ Giáng Sinh là Năm Mới – Tết Dương Lịch, mà còn với mọi người và mọi
tôn giáo, kể cả người vô thần, vì ngày nay người ta hầu hết đều chấp nhận Dương
Lịch là Công Lịch. Giáng Sinh là Mùa Vui Mừng, người ngoại cũng vui mừng. Điều
đó cho thấy Thiên Chúa chúng ta tôn thờ là Thiên Chúa đích thực.
Tại sao lại như vậy? Cứ đơn giản xem xét thì chúng ta cũng nhận thấy:
Không một vị thần linh nào, hoặc một “đạo trưởng” nào của bất kỳ tôn giáo nào,
được người ta “chú ý” và bày tỏ niềm hân hoan đón mừng ngày sinh hoặc ngày kỵ, thế
mà lễ Chúa Giáng Sinh luôn được mọi người chào đón, mặc dù họ chỉ “ăn theo” hoặc
vui mừng theo phần trần tục.
Là Kitô hữu – nói chung, và là tín hữu Công giáo – nói riêng, chúng ta
thực sự hãnh diện và hoan hỷ, bởi vì chắc chắn niềm tin của chúng ta là niềm
tin chính đáng, không hề mơ hồ, không hề lệch lạc. Xin tạ ơn Đức Chúa – Deo
gratias! Xin tôn vinh Thiên Chúa – Gloria in excelsis
Deo!
Giáng Sinh luôn có Thánh Ca. Đúng vậy, Thánh Ca Giáng Sinh là một trong
các yếu tố không thể thiếu trong Mùa Giáng Sinh. Thật vậy, Thánh Ca Giáng Sinh
có sức sống kỳ lạ, người không phải là Kitô hữu cũng có cảm giác “lạ” khi nghe
Thánh Ca, đặc biệt là Thánh Ca Giáng Sinh. Nhiều bài nhạc đời (trước 1975) cũng
vẫn thấy đậm chất Công giáo, loại nhạc này ngày nay vẫn được người ta ưa
chuộng. Không ai dám phủ nhận. Mặc dù đó là nhạc đời, nhưng khi nghe hát hoặc
tấu, người ta có ngay cảm giác khác lạ của lễ Giáng Sinh. Thật kỳ lạ!
Trong số các bài Thánh Ca Giáng Sinh “lâu đời” có bài “Cùng Đi Belem” – nhạc: Trần Vĩnh Phước, lời: Hoài Đức (Lm Lê Đức Triệu). Đại ý nói
lên hành trình đi tìm Con Thiên Chúa để thờ lạy. Ngay tựa đề cũng đủ nói lên
điều đó: Cùng Đi Belem.
Belem là nơi nào? Là vùng sâu vùng xa, bé nhỏ, nhưng đặc biệt. Kinh
Thánh xác định: “Phần ngươi, hỡi Bê-lem,
miền đất Giu-đa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giu-đa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Ít-ra-en dân Ta sẽ ra đời” (Mt 2:6). Vị Lãnh Tụ đó
chính là Ngôi Hai Thiên Chúa, Đức Giêsu Kitô, Đấng Thiên Sai, Đấng Cứu Thế.
Bài “Cùng Đi Belem” được viết ở âm thể La Trưởng (A),
lồng trong nhịp 6/8. Loại nhịp này ít được các nhạc sĩ sử dụng, có lẽ loại nhịp
này khó, vì đó là nhịp kép chứ không là nhịp đơn như các loại nhịp chúng ta
thường thấy. Tuy nhiên, loại nhịp này lại có thể diễn tả sự nhịp nhàng, “nhún
nhảy” như những nhịp chân đều bước, và càng thú vị hơn khi bài “Cùng Đi Belem” được
Ns Trần Vĩnh Phước sử dụng loại nhịp này.
Phiên khúc 1 là lời
của Sứ thần động viên các mục đồng: “Kìa
trông huy hoàng vì sao, Chiếu soi gần xa khắp miền. Nào hỡi mục đồng dậy mau,
Chớ lo chi hãy bằng yên! Này nghe ta báo tin vui mừng, vừa đây trong chốn hang
lừa, đã sinh ra chính Vua muôn trùng, mau đến Bê-lem kính thờ!”.
Các mục đồng là con
nhà nghèo, chắc hẳn ít học và thật thà. Được Sứ thần báo tin, họ không đắn đo,
không chần chừ, và họ bảo nhau: “Bê-lem
kìa sương tuyết ta ngại chi, Mau lên nào, mau bước ta cùng đi, Cùng đi xem rõ
Vua nhân trần, Người sinh trong cảnh cơ hàn. Nào anh em hãy nghe thiên thần, Đi
viếng Chúa ta xuống trần”.
Phiên khúc 2 là phần
nhắn nhủ “mở rộng”, Sứ thần nói với hậu thế, trong đó có chúng ta. Sứ thần vừa
động viên vừa thúc giục: “Nào hỡi muôn
loài hoà vang, Tiếng ca nhịp theo tiếng đàn. Mừng Chúa bỏ trời cao sang, giáng
sinh chuộc lấy phàm nhân. Phàm nhân tội lỗi hãy suy cùng, Tình yêu vô bến vô
bờ. Vào đây ca hát lên vang lừng, Mong cám ơn cho hết lòng”.
Và rồi các mục đồng
liền bảo nhau: “Dân mục đồng ta đến thờ
Hài Nhi, Thay nhân loại ta cất vang lời ca, Nửa đêm thanh vắng cùng ca đàn, Làm
cho bao xiết ngậm ngùi. Ngày nay Chúa đoái thương nhân trần, Xin hãy thứ tha
nhân loại!”. Lời cầu thay nguyện giúp của các mục đồng thật đẹp và cao
thượng, họ đại diện cho cả nhân loại mọi thời và mọi nơi, chắc chắn Chúa Hài
Đồng mỉm cười thật tươi dù vẫn cam chịu gió lạnh, sương giá.
Phần điệp khúc mô tả
cảnh đêm Belem kỳ lạ, và có đề cập vinh tụng ca mà các Thiên thần đồng ca trong
đêm Con Chúa giáng trần: “Giữa muôn ngàn
hào quang, với muôn ngàn hương ngát lừng. Bao thiên thần hòa vang, cất bao lời
cung chúc mừng: Sáng danh Thiên Chúa trên trời, bằng yên khắp cho nhân loài,
sáng danh Thiên Chúa trên trời, bằng yên khắp cho nhân loài”. Đó là vinh
tụng ca được ghi lại trong Phúc Âm theo Thánh sử Luca – Lc 2:14.
Rất ít người có điều
kiện để đến Belem cụ thể theo địa lý, nhưng chắc chắn ai cũng có thể đến Belem
để gặp Con Thiên Chúa ngay trong lòng mình, vì linh hồn của mỗi người là Hang
Đá mà Chúa Giêsu muốn ngự trị, là Đền Thờ mà Thiên Chúa ưa thích.
Hợp với Sứ thần, với
muôn vàn thiên binh, với các thánh, và với mọi người trên thế giới, chúng ta
cùng nhau cất tiếng chúc tụng tôn vinh: “Vinh
danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương”.
Nào, chúng ta cùng
đi Belem tham dự Sinh Nhật Bé Giêsu, địa điểm là Hang Đá Tâm Hồn của chúng ta.
Đức Mẹ Maria và Đức Thánh Giuse tha thiết mời tất cả chúng ta tham dự Dạ Tiệc
Sinh Nhật đặc biệt này. Nào, chúng ta mau khởi hành cùng các mục đồng và các
đạo sĩ tiến về Belem, rồi đồng thanh: Chúc Mừng Sinh Nhật Hài Nhi Giêsu – Happy
Birthday to Holy Baby Jesus.
TRẦM THIÊN THU
Vọng Giáng Sinh – 2015