Thứ Năm, 24 tháng 12, 2015

Bài chia sẻ thánh lễ đêm Giáng Sinh tại giáo xứ Sơn Lộc Mầu nhiệm Giáng Sinh và mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi với nhà thờ Giáo Xứ Sơn Lộc

Filled under:

Hôm nay Đấng Cứu Thế đã Giáng Sinh.
Tin Mừng thánh Luca nhắc lại cho chúng ta lời loan báo của thiên thần:
Hôm nay một Đấng Cứu Thế đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đavit,
Người là Đấng Kitô, Đức Chúa. Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người:
anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ”.
Kính thưa ông bà anh chị em.
Hôm nay Đấng Cứu Thế đã giáng sinh,
- Người đến để gặp gỡ chúng ta. Người đến để cứu chuộc chúng ta.
- Người đã mặc khải trước hết cho những mục đồng nghèo hèn
hơn là cho những vua chúa là những người có nhiều ảnh hưởng trên thế giới.
- Người đã mặc khải cho những người yếu đuối, những người nghèo khó và những người vô danh tiểu tốt là những người không có những kho tàng trên thế gian này.
- Người đã mặc khải cho những người bé nhỏ, khiêm nhường là những người đã dành sẵn một chỗ trong con tim cho Đấng Cứu Độ .
Kính thưa ông bà anh chị em.
Hôm nay một Hài Nhi đã sinh ra cho chúng ta
-          Một Hài Nhi nằm trong máng cỏ
-          Một Thiên Chúa đã trở thành một con người trong nhân lọai.
  1. Một Hài Nhi nằm trong máng cỏ hôm nay muốn nói với chúng ta rằng : Dấu chứng vĩ đại của Thiên Chúa chính là sự bé nhỏ của Ngài, dấu chứng quyền lực của Thiên Chúa lại chính là sự yếu đuối của Ngài.
  2. Một Hài Nhi nằm trong máng cỏ hôm nay muốn nói với chúng ta rằng : Một Thiên Chúa đã đi vào thế giới của con người, con người yếu đuối và tội lỗi.
  3. Một Hài Nhi nằm trong máng cỏ hôm nay muốn nói với chúng ta rằng: Sự sống con người là một cái gì thiêng thánh, đã được Thiên Chúa tạo dựng và cứu chuộc.
  4. Một Hài Nhi nằm trong máng cỏ hôm nay muốn nói với chúng ta rằng : Mỗi người chúng ta được sinh ra, dù nhỏ bé đến đâu, dù thấp hèn đến đâu, cũng đều là hình ảnh của Thiên Chúa, cũng đều là con cái Thiên Chúa và được Thiên Chúa yêu thương.
  5. Một Hài Nhi nằm trong máng cỏ hôm nay muốn nói với chúng ta rằng : Bất cứ cuộc sống nào, dù tầm thường đến đâu, dù vô danh tiểu tốt đến đâu thì cuộc sống ấy vẫn luôn có một ý nghĩa.
  6. Một Hài Nhi nằm trong máng cỏ hôm nay muốn nói lên rằng : Dù chúng ta thuộc bất cứ thành phần nào trong xã hội, chúng ta vẫn có thể sống trọn vẹn cuộc sống của Người. Một cuộc sống âm thầm, nơi hang Belem bé nhỏ.
  7. Một Hài Nhi nằm trong máng cỏ hôm nay muốn nói lên rằng: Những ai đang vất vả gồng gánh nng nề hãy đến với Người, Người sẽ bổ sức cho vì ách của Người thì êm ái và gánh của Người thì nhẹ nhàng.
  8. Một Hài Nhi nằm trong máng cỏ hôm nay muốn nói lên rằng: Những ai đang chán nản thất vọng, đang lầm lũi trong tăm tối, hãy đến với Người, Người sẽ nâng đỡ ủi an và tâm hồn sẽ được bình an như tiếng ca của thiên thần trong đêm Giáng Sinh: vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm.
Kính thưa quí ông bà anh chị em
Chúa Giêsu đã giáng sinh cho nhân loại cách đây hơn hai ngàn năm,
nhưng điều quan trọng là Chúa Giêsu đã giáng sinh cho chúng ta chưa?
      Một ít phút để chúng ta nhìn lại Ơn Cứu Độ đã đến với chúng ta như thế nào?
Thiên Chúa yêu thương con người và đã dựng nên con người giống hình ảnh Thiên Chúa. Mặc dù con người đã phạm tội phản nghịch cùng Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa vẫn không bỏ rơi con người. Ngài đã quyết định ban Con Một yêu dấu của Ngài để cứu chuộc nhân loại. Và vì yêu thương con người, Chúa Giêsu đã vâng lời Chúa Cha đến trần gian thực hiện sứ mệnh yêu thương đó. Và khi hoàn tất, Người về trời, Người sai Thánh Thần đến với chúng ta.
Đây chính là con đường Thiên Chúa đến với con người.
1.Chuyển động từ trên cao  xuống:
Động tác yêu thương đi từ Thiên Chúa tới con người  là một tác động phát xuất từ Chúa Cha [Ga 17,26; Ep 1,3-4] được mặc khải nhờ Chúa Con [Ga 3,16] và được hoàn tất trong Chúa Thánh Thần [Gl 4,6; Rm 5,5].
2. Chuyển động từ dưới lên: Con người đi lên Thiên Chúa
Đây chính là thái độ của con người khi tiếp xúc với tác động của Chúa Thánh Thần. Các giáo phụ Hy Lạp thường quan niệm sự đáp trả của con người như một cuộc hành trình: lộ trình phát xuất từ Chúa Thánh Thần, qua Chúa Giêsu và tới cùng Chúa Cha, theo chiều ngược lại với tác động tình yêu từ Thiên Chúa đến với con người.[1]
Như vậy, để đến với Thiên Chúa Cha, con người phải qua Chúa Thánh Thần.
Đây chính là lệnh truyền của Chúa Giêsu.
Sau khi Chúa Giêsu hoàn tất công cuộc cứu chuộc trên trần gian, Chúa Giêsu đã về trời và Người nói với các môn đệ cũng là nói với mỗi người chúng ta:
“Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng ấy sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em”(Ga 14,26).
Chính Thánh Thần sẽ nhắc lại những gì Chúa Giêsu đã nói với chúng ta và nhất là giúp chúng ta hiểu những lời Chúa Giêsu đã nói với chúng ta.
Chính vì vậy, để đến với Chúa Giêsu, chúng ta phải qua Chúa Thánh Thần. Chính Chúa Thánh Thần là “Cửa” dẫn chúng ta đến với Chúa Giêsu, và Chúa Giêsu sẽ dẫn chúng ta tới Thiên Chúa Cha, Cha của Người và cũng là Cha của chúng ta.

Ngày hôm nay chúng ta thấy các dịch vụ mọc lên như nấm. Các dịch vụ chính là những “cửa” giúp chúng ta đạt được những điều chúng ta mong ước nhanh nhất, đỡ tốn tiền nhất.
Con đường thiêng liêng cũng vậy, sở dĩ chúng ta chưa đạt được điều chúng ta mong ước, đó chính là vì chúng ta chưa đi đúng “cửa”.
“Cửa” để gặp gỡ Chúa Giêsu, chính là Chúa Thánh Thần.
“Cửa” để tiến vào cuộc sống của gia đình Thiên Chúa Ba Ngôi,
cũng chính là Chúa Thánh Thần.
Khi chúng ta lãnh nhận bí tích Rửa Tội là chúng ta được Thiên Chúa trả lại cho chúng ta quyền làm con Thiên Chúa. Chúng ta được gia nhập vào hộ khẩu của gia đình Thiên Chúa Ba Ngôi.
Một hình ảnh thật sống động cho chúng ta thấy, ngày hôm nay trong xã hội chúng ta đang sống: biết bao nhiêu lần chúng ta đã phải khốn đốn vì mất hộ khẩu, chưa có hộ khẩu hoặc không có hộ khẩu.
Điều này nói lên rằng sự kiện được nhập vào hộ gia đình Thiên Chúa Ba Ngôi cũng thật là quan trọng cho đời sống thiêng liêng của chúng ta.
Tuy nhiên điều quan trọng là khi chúng ta được nhập vào hộ khẩu của Thiên Chúa Ba Ngôi, chúng ta phải rập theo nếp sống của gia đình Thiên Chúa Ba Ngôi.
Chúng ta hãy nhìn vào cách sống của Chúa Giêsu, Đấng đã giáng trần để nhập thể và nhập thế mà chúng ta mừng kỷ niệm hôm nay.

Hôm nay Chúa Giêsu đã giáng trần. Ngài mặc khải cho chúng ta một điều vô cùng quan trọng: đó là chúng ta có một Thiên Chúa là Cha.
Để nói lên điều này Chúa Giêsu đã phải trả giá bằng chính cái chết của Người.
Người Do Thái đã vin vào lý do này để kết án tử hình Chúa Giêsu.
Chúng ta còn nhớ rất rõ, khi Chúa Giêsu nói với người bất toại: Anh hãy vác chõng mà về nhà. Thánh Gioan đã ghi lại: “Hôm đó lại là ngày Sabat, nên người Do Thái  lại tìm cách giết Chúa Giêsu, vì không những Người phá luật ngày Sabat, lại còn nói Thiên Chúa là Cha của mình, và như thế là tự coi mình ngang hàng với Thiên Chúa (Ga 5,18). Và trước tòa án Philaotô, người Do Thái còn nói: “Chúng tôi có luật, mà theo luật, thì Nó phải chết, vì Nó tự xưng mình là Con Thiên Chúa”(Ga 19,7). Thế là Chúa Giêsu đã bị kết án tử hình để nói với chúng ta rằng: Chúng ta có một Thiên Chúa là Cha luôn yêu thương chúng ta.

Kính thưa quí ông bà anh chị em,
Hôm nay Thiên Chúa đã giáng trần và ở với chúng ta.
Không có một tôn giáo nào lại có một đấng thần minh đến ở với chúng ta, chia sẻ cuộc sống với chúng ta và nhất là nói cho chúng ta biết chúng ta có một Người Cha, một Người Cha Quyền Năng, một Người Cha Giầu Có và Người Cha ấy luôn yêu thương chúng ta.
Đây chính là điều cha Simon đã long trọng giới thiệu với chúng ta trong ngày lễ thánh hiến thánh đường giáo xứ Sơn lộc ngày 05/12/2015 vừa qua.
Một nhà thờ được xây dựng để diễn tả mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi và cha Simon ước mong tất cả những ai đến ngôi thánh đường này sẽ đón nhận được tình yêu thương của Thiên Chúa Ba Ngôi. Amen

LM. Giuse Đỗ Văn Thụy






[1] xem kinh “Lạy Thiên Chúa toàn năng  vĩnh cửu” của thánh Phanxicô Assisi, Di cảo trg.158