CUỘC HỘI NGỘ HỒNG PHÚC
“Bởi đâu tôi được thân mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này ?… Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em.” (Lc 1,43.45)
Suy niệm: Người ta thường nói “Phúc bất trùng lai”! Nhưng ở đây là phá lệ! Có thể thấy ngay, ít nhất bà Ê-li-sa-bét cũng được phúc tới hai lần. Chẳng những được Chúa cất đi nỗi buồn son sẻ và cho mang thai trong lúc tuổi già, bà lại còn được Đức Ma-ri-a, Mẹ Đấng Cứu Thế, đến viếng thăm. Hai người mẹ chia sẻ niềm vui quá sức mong đợi và ca tụng kỳ công Chúa đang thực hiện cho mình và nơi mình. Niềm vui của hai người mẹ càng thêm sâu đậm vì niềm vui diễn ra trong cuộc hội ngộ giữa hai người con trong lòng họ. Cuộc hội ngộ của hai thai nhi qua hai người mẹ làm sứ giả chứng tỏ rằng kỷ nguyên cứu độ đã thực sự mở màn. Ê-li-sa-bét ca ngợi Đức Ma-ri-a có phúc vì đã tin bởi vì chính bà cũng nhờ tin mà biết được điều đó. Và nếu kể cả niềm vui của Gio-an nhảy mừng trong lòng mẹ vì được lãnh nhận ơn cứu độ thì Ê-li-sa-bét thực sự diễm phúc tới ba lần!
Mời Bạn: Có những cuộc vui thô thiển dung tục, vui trong sự thoả mãn những dục vọng thấp hèn, vui trên sự đau khổ của người khác. Bạn đã cảm nhận được niềm vui và hạnh phúc do đức tin mang lại hay chưa (chẳng hạn việc chừa bỏ thành công một nết xấu, luyện tập một nhân đức có kết quả, gặp gỡ kết hợp với Chúa trong giờ cầu nguyện, v.v…)?
Chia sẻ: Trao đổi những kinh nghiệm sống đó của bạn trong giờ hội thảo nhóm hoặc giờ kinh trong gia đình bạn.
Sống Lời Chúa: Bạn dâng một lời nguyện tạ ơn Chúa mỗi khi cảm nhận được hạnh phúc Chúa ban tặng bạn.
Cầu nguyện: Đọc hoặc hát “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa…”.
THÁNH ĐÔMINICÔ TU VIỆN TRƯỞNG
Tu viện Silos được xây tại miền Castilla cổ từ thế kỷ thứ VI. Vì ở vào miền trung nước Tây Ban Nha, tu viện này lúc đầu rất sầm uất và nổi tiếng về mọi phương diện. Nhưng năm 919, vì bị quân Ả-rập phá hủy và các tu sĩ phải trốn tránh, nên tu viện trở thành một nơi hoang tàn làm sào huyệt cho nhiều bọn cướp đường ẩn náu. Tình trạng ấy kéo dài cho tới năm 1041, tu viện Silos mới lấy lại được cảnh sống thịnh đạt khi xưa nhờ tài ba và nhân đức của thánh Đôminicô.
Thánh nhân ra đời quãng năm 1000, tại Canas, một thị trấn nhỏ bé trong miền Navarre. Lúc còn trẻ, ngài vừa đi học vừa phải chăn chiên giúp đỡ cha mẹ. Gần 30 tuổi, ngài được chịu chức linh mục, sau đó cha còn sống tại gia đình một năm, rồi mới vào rừng tìm nơi cô tịch. Sau 18 tháng sống tịch liêu, cha Đôminicô xin vào tu viện các cha dòng Bênêđitô tại San Millan. Sau ít lâu cha được cử làm bề trên nhà tập và lĩnh trách nhiệm trùng tu nhà dòng Thánh Mẫu tại Canas. Tại đây đã xẩy ra một việc chứng tỏ cha rất thẳng nhặt trong vấn đề giao tiếp với phụ nữ. Người ta kể, một hôm đến thăm tu viện Thánh Mẫu mới trùng tu, cha bắt gặp hai người đàn bà trong tu viện. Cha khó chịu, quay trở về ngay không kể chi lời biện bạch của vị tu viện trưởng.
Hai năm sau, cha Đôminicô được bầu làm bề trên tu viện San Millan, một tu viện quan trọng nhất của dòng Bênêđitô. Cha làm việc rất thẳng nhặt và cương quyết, nhất định không lùi bước trước một việc có ích cho Giáo hội hay cho các linh hồn và tu viện. Một ngày kia, lãnh chúa miền Navarre tên là Garcia de Nazera tổ chức quyên tiền để lo việc chiến tranh với các lãnh chúa khác. Biết vậy, cha nhất định không ủng hộ mà còn nghiệm nhặt phản đối. Lãnh chúa Garcia tức giận, cho quân đến vây tu viện, tuyên án móc mắt và xử giảo cha Đôminicô. Muốn cho dịu công việc, hội đồng tu viện xin cha trốn đi Burgos đầu năm 1040. Từ lâu tiếng nhân đức của cha Đôminicô đã lan vang khắp các miền nước Tây Ban Nha. Vì thế, khi nghe tin cha đến, tiểu vương miền Castilla và Aragong là Ferdinanđô Cả thân hành ra đón và tiếp đãi cha nồng hậu. Tiểu vương muốn rước cha về tư dinh của ông, nhưng cha từ chối, đến sống ẩn dật trong một túp lều nhỏ bé ở vùng ngoại ô. Mấy hôm sau tiểu vương lại thân hành đến thăm cha và xin cha tái lập tu viện Silos đã bỏ hoang từ hơn một thế kỷ này.
Ngày 14 tháng giêng năm 1041, cha Đôminicô bắt đầu công việc. Nhờ ơn Chúa và sự giúp đỡ của tiểu vương, cha đã hoàn thành công việc mau chóng với đủ nhà ở cho 100 thầy. Chính cha vẽ mẫu và quản đốc việc xây cất ngôi nhà nguyện của tu viện. Nhà nguyện này tuy nhỏ bé nhưng có nhiều giá trị về nghệ thuật kiến trúc. Điều đáng tiếc là năm 1750, vì chiến tranh ngôi nhà nguyện đã bị phá hủy đến nỗi không thể trùng tu lại được. Theo tu sĩ Grimmalđô kể lại, thì tu viện trở nên thịnh đạt không phải vì lối kiến trúc tài khéo hay vì nhà cửa đồ sộ đầy đủ tiện nghi, nhưng vì đời sống đạo đức của các thầy, nhất là tiếng vang thánh thiện của cha Đôminicô. Thầy kể tiếp: "Một đêm trong lúc cả nhà hát kinh, một thiên thần đã hiện ra ban cho cha thánh ba vòng hoa rất tươi đẹp và thơm tho: một vòng để tán thưởng cha đã bỏ thế gian tội lỗi, bước cao trên đường trọn lành; vòng khác để ân thưởng công trình trùng tu nhà dòng Thánh Mẫu tại Canas và đức khiết tịnh tuyệt vời của cha; vòng thứ ba để thưởng công cha vì đã làm tròn sứ mạng tái lập tu viện Silos".
Sự thánh thiện của cha không chỉ làm ích cho các tu sĩ, nhưng, như "ngọn đèn sáng Chúa đặt trên cao", nó đã toả sáng soi dẫn cho nhiều người. Quả thế, lòng bác ái đã thúc đẩy cha vượt ra ngoài phạm vi nhà dòng để đem sự rỗi phần hồn và ân huệ phần xác đến cho một số rất đông những người bị quân Hồi hồi bắt làm nô lệ. Không ai kể hết được những việc bác ái cha đã làm: nào là chuộc lại nô lệ, chăm sóc bệnh nhân, nào là dàn hòa những gia đình bất thuận và lo dạy giáo lý cho các trẻ em. Người ta phải nghiêng mình kính phục đức khiêm tốn và hãm mình của cha đến mực nào, khi thấy cha lấy miệng hút mủ ở các vết thương của người bệnh. Cha càng tỏ ra khiêm nhường và sống tận tụy với lớp người xấu số nhất trong xã hội. Phải chăng vì thế mà người thời bấy giờ đã khen tặng ngài là "vị thánh bình dân".
Một điểm đặc biệt khác sáng chiếu trong đời sống cha thánh là lòng sùng mộ các thánh. Cha thường gọi các ngài là "những bông hoa muôn sắc của Chúa Kitô". Dù bận nhiều công việc, mỗi ngày cha cũng dành giờ đọc hạnh các thánh. Vì cha đã cổ động phong trào sùng kính thánh Vinhsơn và hai chị của thánh nhân đã được phúc tử đạo tại Avila. Năm 1063, cha Đôminicô lại cổ võ việc chuyển di hài thánh Isiđôrê về tỉnh Lyon. Mấy năm sau, chính cha đã đến thăm và đàm đạo với thánh Đôminicô thành Cangiađa đang bị giam tù.
Lòng mến Chúa và yêu các linh hồn đã khiến cha làm việc đến quên sức khỏe và chứng bệnh lao xương hằng rỉa rúc thân xác cha. Cha yên lặng chịu bệnh, và gắng sức làm việc cho đến ngày 20 tháng 12 năm 1073 thì hết sức, và qua đời giữa đàn con đông đảo khóc lóc và tiếc thương. Đức Giám mục Bugos chủ sự lễ an táng cha tại nhà nguyện của tu viện. Nơi đây, rất nhiều phép lạ đã xẩy ra vì lời bầu cử của cha thánh. Mỗi phép lạ là một bằng chứng cho lòng sùng mộ của giáo dân đối với cha ngay từ khi cha vừa về trời. Nhiều nhà thờ và nhiều tu viện mang tên thánh nhân, nhất là từ năm 1733, khi tên ngài được chính thức ghi vào sổ các vị thánh của Giáo hội.
Ngày nay, mỗi lần cùng với Giáo hội kính nhớ thánh Đôminicô, chúng ta hãy xin ngài giúp cho chúng ta được giữ trọn giới luật căn bản của Phúc âm: "Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và tha thiết yêu anh em như chính mình" (Lc 10, 27). Đó chính là điều căn bản thánh nhân bắt chước nơi Chúa Kitô, nơi các thánh và dĩ nhiên ngài cũng muốn để lại cho chúng ta nhìn ngắm và bắt chước vậy.