Chủ Nhật, 27 tháng 12, 2015

Đừng Phá Hủy Lâu Đài Bằng Cát Của Kẻ Khác

Filled under:

Sáng nay vào ngày Lễ Giáng Sinh, chúng tôi được nghe một bài giảng khôi hài và  dí dỏm nhưng đầy ý nghĩa của LM Damian Giáp.
Mở đầu, cha Damian chào mừng các Kitô hữu được gọi là CEO (Christmas and Easter Only) tức là những giáo dân một năm chỉ dự hai ngày lễ Giáng Sinh và Phục Sinh mà thôi. Ngoài đời, chữ CEO là chữ tắt của Chief Executive Officer, tức là những vị giám đốc của các công ty.
Sau đó, cha đề nghị hôm nay mọi người thay vì đi xinê, coi những show giải trí, thể thao thì hãy dành thì giờ quý báu cho gia đình trong ngày lễ Giáng Sinh, ngày của tình yêu, niềm vui và bình an.
Cha lấy câu chuyện những trẻ nhỏ chơi với các hộp đựng cát. Thường thi các trẻ nhỏ nghịch ngợm được chơi với những hộp đựng cát, hay đất sét, hay nước. Cũng có một số trẻ lợi dụng trò chơi này để ném cát vào người khác,  làm cho cát rơi vào mắt của đồng bạn.
Cha nói trong mùa Giáng Sinh, chúng ta hãy thực hành những hành động của tình yêu, đừng ném cát vào người khác. Đây là ba điều cần tránh:
1. Tuyệt đối không nói hành, nói xấu (gossip), cũng không nói một sự kiện xấu (dù là sự thật) của một người nào đó cho những người khác biết vì không phải ai cũng cần phải nghe và biết những điều xấu của một người nào đó.
2. Đừng phá hoại lâu đài xây trên bãi cát của người khác (sand castle). Tức là đừng ganh tị trước những thành công, nỗ lực và cố gắng của người khác.
3. Để có một niềm vui thật sự trong mùa Giáng Sinh, hãy quên hết những điều tiêu cực, xấu xa mà người khác đã làm cho mình. Hãy tha thứ như Chúa Giêsu tha thứ cho chúng ta. Tập đừng nhớ đến tội lỗi mà người khác đã gây cho ta.
Chúa Giêsu đã theo Thánh Ý Chúa Cha để xuống thế, chịu chết mà chuộc tội cho nhân loại. Chúa Giêsu đã làm gương cho chúng ta. Vậy hãy bỏ cám tưởng đắng cay vì bị người khác ghét bỏ.
Có như thế chúng ta mới có thể sống vui và mang bình an cho những người khác. Miếng gỗ ở nơi máng cỏ của Chúa Giêsu Hài Đồng cũng giống như miếng gỗ trên cây thánh giá mà Chúa Giêsu chịu chết. Tất cả những gì Chúa Giêsu làm đều vì tình yêu: xuống thế gian để chịu chết, giáng sinh trong cảnh khó nghèo, rao giảng Phúc Âm với cảnh không có nơi gối đầu, chịu chết nhục nhã trên thập giá cũng chỉ vì Chúa yêu thương nhân loại chúng ta.
Lạy Chúa chúng con cảm tạ tình yêu thương xót của Chúa. Xin Chúa ban cho chúng con ơn yêu thương, bình an và niềm vui của Chúa. Amen.


Xem thêm:
Có một lý do.
Erma Bombeck là một nhà viết nhật ký. Bài viết của cô đã được đăng tải trên 900 tờ báo khắp nước Mỹ. Cũng giống như những nhà bình luận, cô nhận được rất nhiều lá thư của các độc giả.

Đây là đoạn trích thư của một người mẹ: "Cho dù là tòa đã phán quyết đứa con trai của tôi, nhưng tôi thì vẫn không. Nó là đứa con của tôi, làm sao mà tôi có thể phán quyết nó chứ? Tôi cầu nguyện cho nó; tôi khóc thương nó; tôi khuyến khích nó. Và trên hết, tôi yêu thương nó. "

Đây là một ví dụ khác, dựa trên lá thư của một em bé 12 tuổi. Em viết: "Tôi là một bà mẹ thay thế. Khi người mẹ của tôi làm việc tại nhà hàng, thì tôi phải trông coi ba người em của tôi. Tôi phải lo vệ sinh cho chúng nó. Tôi lau nước mũi cho chúng. Tôi cho chúng ăn. Tôi đưa chúng vô giường ngủ. Tôi làm tất cả mọi việc mà người mẹ thật của tôi làm. Tuy nhiên, thay vì cám ơn tôi, các em của tôi đã ghét tôi. Một đôi lúc, tôi mong được chết đi. Tôi đã có ý định bỏ nhà ra đi, nhưng tôi không biết đi đâu và sẽ làm gì. Khi tôi lớn lên, tôi không muốn làm một người mẹ, bởi vì đó là một cái nghề tệ nhất trên trái đất này. " (Based on Erma Bombeck, Motherhood: The Second Oldest Profession).

Hai ví dụ ở trên đều đưa đến một điểm giống nhau, đó là cho dù làm bậc cha mẹ hoặc làm bậc con cái trong gia đình đều không phải là dễ. Một đôi lúc, nó thật là nhức nhối.

Bài Phúc Âm hôm nay cho chúng ta thấy rằng, cho dù là Gia Đình Thánh Gia cũng chẳng ngừa được cái đau khổ tương tự.

Thí dụ, Mẹ Maria và Thánh Giuse đã phải đau khổ khi lạc mất con. Sự đau khổ cũng không giảm bớt khi họ tìm thấy Chúa Giêsu. Mẹ Maria đã nói với Chúa Giêsu: "Con ơi, sao con lại làm cho chúng ta như thế? Kìa cha con và mẹ đây, đã đau khổ tìm con. "

Chúa Giêsu trả lời: "Mà tại sao tìm con? Cha mẹ không biết rằng con phải lo công việc của Cha con ư ?"

Đó là một câu trả lời đau khổ cho câu hỏi của Mẹ Maria. Mẹ Maria đã phản ứng thế nào?

Mẹ đã không chạm trán với Chúa Giêsu, hoặc bắt Ngài phải giải thích. Mẹ chỉ đơn giản để những lời đó vào trong lòng và suy ngẫm. Phúc Âm viết: "Nhưng hai ông bà không hiểu lời Người nói. . . Maria, Mẹ Người ghi nhớ những việc đó trong lòng" (Lc 2:48-51)

Một đôi lúc, giữ thinh lặng là cách duy nhất để giải quyết những cơn giận dữ. Erma Bombeck viết trong cuốn "Tình Mẹ": "Tôi cho rằng mỗi một người con đều nhớ một đức tính đặc biệt nào đó về người mẹ của mình. Đức tính đó có thể là một sự khôn ngoan cứu giúp người con khỏi cảnh nguy hiểm, hoặc là một lời nói chỉ đường để giúp người con đạt tới mục đích cách dễ dàng. Riêng tôi, tôi yêu mẹ của tôi, bởi vì trong mọi lúc bà ấy chẳng nói điều gì hết. "

Để có thể giữ thinh lặng trong khi bên trong nội tâm của mình sôi sùng sục đòi hỏi rất nhiều sự tự chủ. Tuy nhiên, cũng có lúc những thinh lặng nói lớn hơn là những lời nói phát xuất từ miệng lưỡi.

Nếu vai trò của Mẹ Maria trong gia đình Thánh Gia không phải là một chuyện dễ dàng, thì vai trò của Thánh Giuse cũng chẳng thua kém gì.

Một người giảng phòng đã kết thúc bài giảng của ngài với các ông bố như sau: "Thánh Giuse là mẫu gương cho tất cả mọi người chúng ta. "

Sau cuộc nói chuyện, một ông bố đã tiến lên vị giảng phòng và nói: "Với tất cả lòng tôn kính, thưa cha, trường hợp của Thánh Giuse thì khác hẳn với chúng tôi, những người bố bình thường. Thứ nhất, Ngài là một vị thánh. Thứ hai, vợ của Ngài vô nhiễm tội lỗi. Thứ ba, người Con của Ngài là Con Thiên Chúa. Tôi không phải là thánh, vợ của tôi thì tội lỗi, và con của tôi không phải là Con Thiên Chúa ."

Vị giảng phòng trả lời: "Điều ông nói đúng, nhưng tôi xin thành thật hỏi ông thế này. Vợ của ông có phải là có thai trước khi đám cưới, mà ông không biết tại sao không? Hoặc là con của ông có khi nào bỏ nhà ra đi ba ngày mà ông không biết nó đi đâu không? Cả hai điều này đã xảy ra với Thánh Giuse. "

Chúng ta thấy rõ, cho dù là một gia đình thánh thiện cũng không tránh khỏi sự khó khăn.

Chúng ta xin Chúa Giêsu, Đức Mẹ và Thánh Giuse phù hộ chúng ta sống thánh thiện yêu thương, noi gương Thánh Gia Nazarét.