Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người…. Những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa. (Ga 1,9-12)
Suy niệm: Lễ Giáng Sinh vốn là lễ Thần Mặt Trời của người ngoại giáo, được Ki-tô giáo “rửa tội” để giới thiệu Đức Ki-tô, Ngôi Hai Thiên Chúa, là “Ánh sáng bởi Ánh sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật,” đã “vì loài người chúng ta, và để cứu rỗi chúng ta, Người đã từ trời xuống thế” (Kinh Tin Kính). Thiên Chúa, Ngài đã biểu lộ tình yêu và lòng thương xót cho một nhân loại tội lỗi và bất an, bất hạnh. Chỉ có một Ánh sáng thật, cũng là Nguồn sáng thật. Ngoài ra chỉ là bóng đèn hay bóng mờ, bóng tối. Về phía con người, bằng thái độ đức tin đón nhận Ánh sáng thật này, sẽ được trở nên con cái Thiên Chúa, được giải thoát khỏi mọi tội lỗi, sự dữ và bất an bất hạnh.
Mời Bạn: ‘Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận’ (c.11). Thiên Chúa cao cả tuyệt đối muốn hạ mình đón nhận Bạn như người nhà, để thứ tha và thương xót như ‘người Cha đối với con cái, chứ không như quan tòa đối với phạm nhân’ (ĐGH Phanxicô). Bạn có sẵn sàng phó thác đời mình, kể cả tội lỗi, cho lòng từ bi đó của Chúa không? Để được như vậy, bạn có nỗ lực cầu nguyện “xin Chúa ban thêm Đức Tin” cho mình không?
Sống Lời Chúa: Trong cuộc họp mặt gia đình lễ Giáng Sinh hôm nay, mọi người cùng có một quyết tâm chung cho Năm Thánh Lòng Chúa Thương Xót để loại trừ những gì là nguy hại cho Đức Tin của gia đình mình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Hài Đồng Giê-su, xin ban thêm Đức Tin cho chúng con
THÁNH NẾ ANASTASIA
TỬ ĐẠO
Thánh nữ Anastasia sinh tại Rôma vào hậu bán thế kỷ thứ ba trong một gia đình quý tộc. Tên Anastasia bằng tiếng Hy-lạp có nghĩa là sống lại. Mồ côi mẹ từ lúc còn non dại, Anastasia được ông cậu mang về nuôi nấng giáo dục, vì thân phụ Anastasia là một người ngoại giáo theo khoái lạc chủ nghĩa. Anastasia rất buồn vì có một người cha như thế. Đêm ngày cô luôn cầu nguyện cho cha được biết đến số phận đời đời. Kết quả là một ngày kia ông đã hơi có cảm tình với tôn giáo và nghĩ đến đời sau. Cũng lúc ấy Anastasia đã tới tuổi dậy thì, và không hiểu tại sao cha Anastasia lại hứa gả cô cho một thanh niên ngoại giáo hết sức cục súc vũ phu. Nhưng Anastasia đã nghĩ đến việc khấn giữ mình đồng trinh bắt chước Mẹ Chúa Giêsu, nên cô cứ một mực từ chối. Bị người cha cưỡng bách trăm chiều, cuối cùng Anastasia đành phải nhận kết hôn. Tuy nhiên cô vẫn không muốn ăn ở với chàng thanh niên trụy lạc kia, vì ý chí cương quyết ở đồng trinh vẫn luôn luôn ám ảnh tâm hồn cộTỬ ĐẠO
Vì thế Anastasia đã tìm cách làm cho chồng mà cha mẹ đã bắt buộc kết bạn trái ý mình phải chán mà bỏ mình. Cứ mỗi lần Publiô muốn gần gũi thì Anastasia lại giả đò ốm nặng. Nhiều lần như thế chàng Publiô nhận thấy Anastasia không có tình với mình, nên bắt đầu chán và xa cách Anastasia. Chàng còn đi đến chỗ ăn chơi đàng điếm và phung phí của cải. Từ đó Anastasia được thảnh thơi; người rất sung sướng vì được dịp để tập tành nhân đức và thi hành những việc bác ái. Anastasia bắt đầu sống một cuộc đời khổ hạnh: không đếm xỉa chi đến thân mình, người mặc áo nhặm, ăn chay và cầu nguyện ngày đêm hàng mấy giờ đồng hồ.
Lòng sốt sắng còn thúc đẩy người đến những hành động mạo hiểm là len lỏi vào những nơi tù tội để thăm viếng giúp đỡ những giáo dân bị xiềng xích cùm trói vì Chúa Kitô. Làm những công việc ấy, Anastasia phải hết sức âm thầm, không để cho chồng biết. Thánh nữ cứ kéo dài đời sống khổ hạnh và thi hành bác ái như thế được khá lâu, nhưng cuối cùng chồng cũng biết mánh lới ấy. Phần vì ghét những người Kitô giáo, phần vì tức giận vợ đã dùng mánh lới để lừa dối mình, Publiô hết sức phẫn nộ.
Từ đó chàng nhất định không cho Anastasia ra khỏi nhà. Chung quanh nhà, chàng cho kẻ ăn người làm canh giữ cẩn thận, hễ Anastasia bước chân ra khỏi ngõ là bị bao vây liền. Làm như thế Publiô hy vọng Anastasia sẽ hết cách liên lạc với những người Kitô giáo, sẽ chán ghét đạo rồi thuận theo ý chàng. Bị giam chặt trong nhà như thế, Anastasia hết sức đau khổ, phần vì phải chịu nhiều sự ngược đãi do chồng gây nên, phần vì không được giúp đỡ những anh em Kitô hữu đang đau khổ trong ngục thất. Buồn quá, nhiều lần Anastasia gần như mất trí, nhưng may được ông cậu viết thư an ủi khuyến khích, Anastasia lại trở về với đời sống đạo hạnh. Có lần Anastasia viết thư cho cậu kể lể những nỗi đau buồn và xin cậu cầu nguyện thì được cậu trả lời rằng: "Cháu cứ can đảm, cháu sẽ được tự do đi thăm viếng các linh mục đang bị gông cùm, cháu sẽ được triều thiên tử đạo nữa". Nghe lời cậu khuyên, Anastasia lại càng thêm phấn khởi chịu đựng và chờ ngày Chúa thưởng công.
Lời tiên tri của ông cậu ít lâu sau quả đã được thực hiện. Hoàng đế Rôma muốn phái một sứ giả đến với vua Ba Tư; Publiô được chỉ định lãnh nhiệm vụ đó. Trước khi bỏ Rôma, con người độc dữ ấy muốn làm cho người vợ "đau ốm" của mình chết dần đi, để khi về chàng được hưởng trọn vẹn gia tài của Anastasia. Chàng đã ra lệnh cho một tên nô lệ rất dữ tợn, giam Anastasia vào trong một cái hầm hôi hám bẩn thỉu, thiếu không khí để thở, và thỉnh thoảng mới được một mẩu bánh hay một ly nước lã. Nhưng ý Chúa nhiệm mầu! Trên đường đi đến Ba Tư, Publiô ngã bệnh chết. Thế là Anastasia được ra khỏi nhà tù tanh hôi. Thánh nữ tiếp tục giúp đỡ những vị cao cấp trong Giáo hội đang bị tù ngục ở Rôma. Lúc ấy ông cậu của Anastasia cũng bị giam cầm, thánh nữ ngày đêm lo lắng cho cậu những sự cần thiết. Năm 303, Điôclêtianô ở Đông phương lại ban hành những sắc lệnh cấm đạo gắt gao. Sau đó Hoàng đế đến Rôma để dự lễ kỷ niệm 20 năm thành lập đế quốc. Trong cuộc hành trình, Hoàng đế đã nghỉ chân lại ở Aquilê, một thành phố nằm trên bờ biển Adriatica. Lúc đó vua nghe biết rằng ở trong ngục Rôma đang có những cuộc hành quyết những người Kitô giáo không muốn bỏ đức tin. Và nhất là nghe thấy rằng Chrysogonô là cậu của Anastasia, một công dân nổi tiếng, cũng đang bị giam tù, mà còn tuyên truyền cho những người Kitô giáo chống lại Hoàng đế. Với hy vọng thuyết phục được Chrysogonô bỏ đạo và như thế một số đông sẽ bỏ đạo theo, Hoàng đế ra lệnh cho thị trưởng Rôma sai áp Chrysogonô đến Aquilê. Lệnh của Hoàng đế vừa ban, cả một đoàn người Kitô giáo bị kết án lưu đày đã sẵn sàng lên đường; Chrysogonô cũng lập tức nhập bọn lên đường đi Aquilệ Được tin ấy, thánh nữ Anastasia vội vã lên đường theo sau những tù nhân và lẻn đến tận Aquilê.
Đến Aquilê, thánh nữ tiếp tục lo lắng săn sóc cho Chrysogonô và đợi ngày ông cậu được ra toà để lãnh phúc tử đạo. Thực thế, Hoàng đế Điôclêtianô đã dùng tất cả những sự sang trọng thế gian để thuyết phục Chrysogonô bỏ đức tin, nhưng uổng công. Cuối cùng Chrysogonô phải án chém đầu. Chrysogonô được xử ở một nơi xa thành phố, nhưng Anastasia vẫn có thể tới chứng kiến cái chết anh hùng của cậu. Thánh nữ đã thấm lấy những giọt máu châu báu cuối cùng của cậu và giữ làm như những kho tàng quí báu. Thánh nữ muốn xin với nhà cầm quyền để mang xác cậu về an táng, nhưng bị từ chối. Xác Chrysogonô bị quăng xuống biển. Nhưng mấy ngày sau, sóng biển đã đánh dạt xác thánh vào bờ, gần chỗ linh mục Zoilê ở. Cha Zoilê đã quen biết Anastasia từ những ngày cha còn ở trong ngục, lập tức cha vớt lên và tìm Anastasia đến để an táng trong khu vườn của ngài.
Làm hết phận sự với cậu rồi, Anastasia lại tiếp tục len lỏi vào các nhà tù để giúp đỡ an ủi anh em Kitô bị bách hại. Nhưng một hôm vào ngục không thấy một ai, trở ra thánh nữ hỏi anh em canh ngục xem họ đã điệu những người Kitô giáo đi đâu, lập tức Anastasia bị anh canh ngục nghi ngờ giữ lại đem nộp cho Florus là phó thị trưởng Illyria.
Florus đem Anastasia ra tra hỏi để lấy khẩu cung làm biên bản:
- Ngươi có phải là người theo đạo Kitô không?
- Ông nói phải, tôi là người Kitô giáo và tôi rất hãnh diện được mang danh hiệu ấy.
- Tại sao ngươi đã bỏ quê hương xứ sở?
- Để nghe tiếng gọi vác Thánh giá của Chúa tôi.
- Tại sao ngươi lại không tế thần? Cha ông ngươi có ai lấy làm nhục nhã làm việc ấy đâu? Vậy nghe ta đi, hãy dâng hương cho các thần.
- Những thần đó ở nhà tôi có vô số, tôi đã đập tan ra và lấy được bao nhiêu vàng để nuôi sống mấy ngàn người.
- Tội ngươi đáng chết, dám ngạo mạn với các thần như thế à?
Nhưng ông không dám trực tiếp đem xử Anastasia vì thánh nữ là người Rôma lại là người quý tộc. Ông sai giải đến cho Hoàng đế Điôclêtianô. Tuy vậy Điôclêtianô cũng chỉ chất vấn Anstasia mấy câu rồi lại trả về cho Florus. Florus giam thánh nữ vào ngục, cho lính hành hạ, hi vọng người sẽ hết can đảm mà bỏ đạo.
Sau một tháng trong ngục, mặc dầu phải hành hạ, ăn uống khổ sở, thánh nữ vẫn béo tốt đẹp đẽ như người sống trong lâu đài sang trọng vậy. Ông phó thị trưởng lại đem Anastasia ra tra hỏi một lần nữa và hứa sẽ tha cho về, nếu bằng lòng dâng hết tất cả gia sản cho ông. Nhưng thánh nữ đã mạnh bạo nói thẳng vào mặt ông ta rằng:
- Nếu ngài nghèo túng, tôi sẽ sẵn sàng biếu, nhưng nếu ngài đã giàu có thì không đời nào tôi biếu cho ngài những của Chúa đã ban cho tôi, tôi sẽ dùng những của đó để thương giúp những người cực đói khổ.
Thấy không ăn thua gì, ông phó thị trưởng dọa nạt.
- Ngươi phải tuân theo lệnh Hoàng đế, nếu không ta sẽ cho lính mang đi hành hình.
- Cái chết đối với tôi là một vinh dự và là sự giải thoát.
Thánh nữ lại bị giam trong ngục. Quân canh ngục thi nhau hành hạ người bằng trăm nghìn cách: có khi chúng buộc hai đầu ngón chân thánh nữ lại rồi treo ngược lên, lúc thì chúng trói thánh nữ lại và bắt quỳ gục mặt xuống đất hàng mấy giờ liền. Tuy vậy thánh nữ vẫn luôn luôn vui vẻ, cầu nguyện xin Chúa cho chóng được lĩnh triều thiên tử đạo. Lời kêu cầu của thánh nữ đã được Chúa lắng nghe. Ít lâu sau, Anastasia được điệu về Rôma rồi xuống tàu ra đảo Palmaria (ngày nay là đảo Palmarola ở trong biển Tyrrhénienne). Cùng bị điệu đi với thánh nữ có chừng 270 người Kitô giáo thuộc mọi giai cấp, đều được phúc tử đạo.
Tuân theo lệnh của Hoàng đế, nhà cầm quyền địa phương đem Anastasia ra hành hình. Thánh nữ bị trói vào cột, chân tay giang ra thành hình Thánh giá và chung quanh cột, họ chất đầy củi tẩm dầu. Sau mấy phút tuyên án, lửa bùng cháy, những tia lửa ghê rợn đã thiêu đốt toàn thân thánh nữ. Giữa đám lửa hồng, khói đen nghi ngút, thánh nữ đã thở hơi cuối cùng và linh hồn người bay thẳng về trời hưởng hạnh phúc bất diệt. Hôm ấy là ngày 22 tháng 12 năm 303. Thân thể thánh nữ bị thiêu ra tro, tro ấy đã được một bà đạo đức thu lại và sau này mang về Rôma.
Sau khi thánh nữ qua đời được mấy năm, Giáo hội đã xây trên mộ người một ngôi thánh đường mà trong những thế kỷ thời trung cổ, các Đức Giáo Hoàng vẫn tới dâng lễ trong ngày lễ Giáng sinh. Ngày nay, hàng ngày có hàng triệu linh mục trên thế giới đọc tên thánh nữ trong thánh lễ ở phần lễ qui.