VATICAN. Giáo hội khiêm tốn, khó nghèo và luôn tín thác vào Thiên Chúa. Đây là điều mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã đề cập đến trong bài giảng thánh lễ sáng thứ ba, ngày 15.12, tại nhà nguyện thánh Marta. Đức Thánh Cha nói rằng sự nghèo khó là mối phúc đầu tiên trong Bát Phúc. Tài sản đích thực của Giáo hội chính là người nghèo, chứ không phải tiền bạc hay quyền lực thế gian.
“Bài đọc một trích sách Xô-phô-ni-a cho thấy hệ quả của một dân tộc đã trở thành phản loạn và ô uế vì không nghe lời Thiên Chúa. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu đã mạnh mẽ lên án các thượng tế và cảnh cáo rằng những người thu thuế và những cô gái điếm sẽ vào Nước Thiên Chúa trước họ. Từ đó, Đức Thánh Cha nói rằng ngay cả ngày hôm nay cám dỗ cũng có thể làm lũng đoạn những chứng nhân của Giáo hội.
Giáo hội thực sự trung tín với Thiên Chúa khi Giáo hội khiêm nhường, khó nghèo và tín thác. Một Giáo hội khiêm nhường không bao giờ phô trương quyền lực hay tỏ ra mình lớn mạnh. Khiêm nhường cũng không có nghĩa là một người yếu đuối, nhu nhược, uể oải với cặp mắt trắng dã thiếu sức sống. Khiêm nhường không phải là màn kịch diễn trên sân khấu, cũng không phải là giả vờ khiêm nhường hay xem có vẻ khiêm nhường. Người khiêm nhường thực sự là người nhận ra mình tội lỗi. Nếu tôi không có khả năng để nói với chính mình mình: tôi là kẻ có tội và người khác tài giỏi hơn tôi, thì tôi thật sự không khiêm nhường. Như vậy đặc nét đầu tiên của một Giáo hội khiêm nhường là tự nhận thấy mình là tội nhận, và đó cũng là đặc nét đầu tiên của mỗi người chúng ta. Nếu người nào trong chúng ta có thói quen hay săm soi lỗi lầm của người khác và bàn tán về điều đó, người ấy chẳng hề khiêm nhường. Trái lại, người ấy tin rằng mình là thẩm phán có quyền xét xử người khác. Chúng ta phải liên lỉ cầu nguyện để Giáo hội luôn khiêm nhường, bản thân tôi được khiêm nhường và mỗi người chúng ta được khiêm nhường.
Đặc nét thứ hai là khó nghèo. Khó nghèo là mối phúc tiên hết trong Bát Phúc. Tinh thần nghèo khó có nghĩa là chỉ gắn bó với sự giàu có của Thiên Chúa mà thôi. Như thế, không hề có một Giáo hội gắn bó với tiền bạc, suy nghĩ về tiền bạc hay tìm cách để kiếm tiền. Như tôi được biết trong một nhà thờ của giáo phận, để bước qua Cửa Thánh, người ta vô tư nói với giáo dân là phải bỏ tiền dâng cúng rồi mới bước qua. Đó không phải là Giáo hội của Đức Giêsu, nhưng là giáo hội của các linh mục, thượng tế đam mê tiền bạc, của cải.
Vị phó tế tử đạo Lorenzo là một chứng nhân anh hùng trong những thế kỷ đầu của Giáo hội. Khi nhà vua ra lệnh cho ngài phải trao nộp hết của cải và tài sản của Giáo hội, nếu không sẽ bị giết. Ngài đã vâng lời ra đi và quay trở lại cùng tất cả những người nghèo trong Giáo hội. Người nghèo chính là tài sản của Giáo hội. Anh chị em là chủ của một ngân hàng. Nếu anh chị em có một tâm hồn khó nghèo, không bám víu vào tiền của, việc điều hành ngân hàng của anh chị em sẽ trở thành một hành vi phục vụ người nghèo. Nghèo khó là có tâm hồn tách rời khỏi tiền của để phục vụ tha nhân, phục vụ những ai thiếu thốn. Giáo hội của chúng ta là Giáo hội của những người khiêm nhường và khó nghèo, nhưng chúng ta có thực sự sống khó nghèo và khiêm nhường chưa?
Đặc nét thứ ba, Giáo hội phải luôn tín thác vào Danh Thánh Thiên Chúa. Niềm tín thác của tôi đặt ở nơi đâu? Nơi quyền lực, hay nơi bạn bè, tiền của? Phải đặt nơi Thiên Chúa! Gia sản Thiên Chúa hứa cho chúng ta là ‘sẽ cho sót lại giữa ngươi một dân nghèo hèn và bé nhỏ; chúng sẽ tìm nương ẩn nơi Danh Đức Chúa.’ Bé nhỏ khiêm nhường vì họ nhận thấy mình tội lỗi; khó nghèo vì tâm hồn họ luôn gắn bó với sự giàu có của Thiên Chúa và nếu có của cải thì họ cũng chỉ là quản gia phân phối những của cải đó cho người khác; tín thác nơi Thiên Chúa vì họ biết rằng chỉ có Thiên Chúa mới là Đấng tốt lành thánh thiện. Những vị thượng tế mà Đức Giêsu lên án không hiểu được ba đặc nét này. Và như thế, Đức Giêsu phải cảnh tỉnh họ rằng những cô gái điếm sẽ vào Nước Thiên Chúa trước họ.
Trong mùa Giáng Sinh năm nay, chúng ta hãy nài xin Thiên Chúa ban cho chúng ta một con tim khiêm nhường, một tâm hồn nghèo khó và trên hết là luôn biết tín thác vào Thiên Chúa, Đấng không bao giờ thất hứa hoặc khiến chúng ta phải thất vọng.”
Chuyển ngữ: Vũ Đức Anh Phương, SJ