“Anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy để làm chứng cho họ và dân ngoại được biết.” (Mt 10,18)
Suy niệm: Lễ Chúa Giáng Sinh vừa diễn ra trong bầu khí an hòa bình yêu thương, được tiếp nối bằng lễ thánh Tê-pha-nô vị tử đạo tiên khởi. Thoạt nhìn, có vẻ như không có gì liên quan giữa hai ngày lễ. Nhưng thực ra, lễ thánh Tê-pha-nô tiếp nối và diễn tả rõ ràng ý nghĩa quan trọng của lễ mừng Chúa Giáng Sinh. Bởi vì Chúa giáng sinh làm người không phải để ở lại một nơi nào đó trên trái đất này mà là để ở lại trong tim mỗi người chúng ta, nhờ đó trái tim mỗi người chúng ta sẽ được biến đổi thành một trái tim biết yêu thương, yêu tới mức hy sinh mạng sống vì người mình yêu. Sự biến đổi đó đã diễn ra trong con người thánh Tê-pha-nô. Vị thánh này không “lựa lời khéo nói” bẻ cong Lời Chúa cho vừa lòng người Do Thái; trái lại ngài trung thành rao giảng toàn vẹn chân lý cứu độ dù có phải trả giá bằng cái chết của mình. Trong tim ngài chỉ có Chúa Ki-tô, ngài thưa với Chúa trước khi lìa đời: “Lạy Chúa Giê-su, xin đón nhận hồn con.” Và giống như Chúa, ngài xin Chúa “đừng chấp họ” vì đã giết hại ngài.
Mời Bạn: Bạn đã giải thích lời Chúa thế nào cho bạn bè, người trong gia đình? Bạn trung thành với lời Chúa dù không được người nghe ưa thích hay uốn nắn lời Chúa cho vừa lòng người nghe?
Sống Lời Chúa: Đọc và suy niệm lời Chúa mỗi ngày và chia sẻ lời Chúa cho người khác cách trung thực như Giáo Hội từng loan báo.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho con dám biến đời mình thành cuộc tử đạo hằng ngày bằng cách can đảm sống và trung thành loan báo Tin Mừng.
THÁNH TÊPHANÔ
TỬ ĐẠO TIÊN KHỞI
Các Giáo phụ, nhất là thánh Augustinô, thánh Fulgenciô và thánh Đamianô đã hết sức ca ngợi thánh Têphanô, một phó tế mà lại là phó tế thứ nhất tử đạo. Chính tên thánh nhân bằng tiếng Hy Lạp đã có nghĩa là được "đội triều thiên" rồi, vì thế có người đã nói thánh nhân đã được gọi chịu tử đạo ngay từ lúc lọt lòng mẹ.
Sống vào thế kỷ thứ nhất, nên đời sống của thánh nhân không được mấy người ghi chép, nhất là về tuổi thơ ấu của thánh nhân lại càng hiếm tài liệu. Có lẽ thánh Têphanô đã được sinh ra trong một gia đình Do thái ở nước Hy lạp cổ. Lúc thiếu niên, Têphanô đã được thụ giáo với danh sư Gamaliên ở Giêrusalem. Dưới quyền chỉ huy dạy bảo của thầy, Têphanô đã vùi đầu vào Kinh thánh để học hỏi truy tầm và nghiên cứu. Khi họ ở Giêrusalem, có lẽ thánh Têphanô có quen biết thánh Phaolô lúc ấy còn gọi là Saulô, người sẽ tham dự vào cuộc ném đá Têphanô sau này, nhưng rồi lại trở thành vị tông đồ của dân ngoại. Sau ít lâu chính Têphanô cũng theo làm môn đệ Chúa Giêsu và khi Chúa Thánh Thần hiện xuống, Têphanô cũng có mặt trong phòng các tông đồ.
Hồi ấy số môn đệ ở Giêrusalem càng ngày càng tăng, những người Do thái ở ngoài đất Palestina và thường được gọi là những người Hy Lạp hóa, họ hoàn toàn thực hành luật Maisen, nói tiếng Hy lạp và đọc Kinh thánh bằng Hy lạp trong nhà nguyện. Những người này thường lẩm bẩm kêu trách những người Do thái chính thức vì những bà góa bụa bị khinh rẻ và không được săn sóc đến trong các cuộc phát bánh hằng ngày ở hội đường. Vì thế mười hai vị tông đồ liền triệu tập các môn đệ lại và nói: "Nếu chúng tôi phải bỏ việc giảng thuyết lời Thiên Chúa để lo việc ở bàn ăn thì không nên chút nào. Vậy anh em hãy tìm lấy bảy người trong số anh em đây có danh tiếng hẳn hoi, đầy Chúa Thánh Linh và nhiều khôn ngoan để chúng tôi đặt đứng đầu làm việc đó" (Cv 6, 2). Đề nghị ấy được hội đồng nhiệt liệt hưởng ứng, sau đó Têphanô, đã được chọn làm phó tế cùng với sáu người khác. Thế là từ đây Têphanô, sau khi được giới thiệu với các tông đồ, đã trở nên một chứng nhân anh hùng gan dạ cho Tin mừng của Chúa.
Sau khi được tấn phong, Têphanô dư đầy ơn Chúa Thánh Thần cùng với những đức tính cao quí tột bậc. Ngài bắt đầu tra tay vào nhiệm vụ rao giảng. Ngài cộng tác rất đắc lực với các tông đồ trong việc truyền giáo, khiến cho nhiều bậc vị vọng trong dân Do thái xin tòng giáo. Vì thế bọn Pharisiêu kiêu hãnh ghen tị, căm hờn Têphanô, họ quyết tâm dùng mọi thủ đoạn, mọi mánh lới để vu khống và tố cáo ông là người khinh thị lề luật Maisen và xâm phạm đền thánh. Chiếu luật Maisen ai phạm tội đó đều đáng xử tử. Căn cứ vào những lời vu khống gian ngoa đó, bọn họ ra lệnh bắt Têphanô điệu ra xử tại pháp đình Do thái. Trước pháp đình, Caipha con người gian ác, quỉ quyệt, đã lên án xử Chúa Kitô, nay lại dựa vào những lời điêu ngoa của bọn Pharisiêu để cho lệnh hành hạ Têphanô. Nhưng trước khi kết án, Caipha cho phép Têphanô bào chữa. Và đây là dịp để cho Têphanô vạch rõ sự vong ân bội nghĩa của pháp đình Do thái và đồng thời nhắc lại cho họ biết lòng nhân từ của Chúa đối với dân tộc kể từ tổ phụ Abraham qua các tổ phụ khác như Isaac, Giacóp. Sau đó Têphanô đã tự bào chữa trước những lời vu cáo bất công do bọn giả hình Pharisiêu gây ra.
Ngài đã vịn ra đủ lý chứng trong Kinh thánh để chứng minh rằng Thiên Chúa không thể nào chỉ ở trong đền thờ do tay loài người tạo dựng, cả vũ trụ là toà Ngài ngự, Ngài không thể tự giam mình trong bốn bức tường kín của đền thờ. Nghe Têphanô biện thuyết, toàn thể phẫn nộ lên đến cực điểm vì họ hiểu Têphanô có ý phản đối điều mà xưa nay họ vẫn tin tưởng mạnh mẽ. Đứng trước lũ người không biết phục thiện, Têphanô nhớ lời Chúa đã nói: "Điều gì Thầy dạy các con trong bóng tối, hãy rao giảng ra ánh sáng. Điều gì các con nghe rỉ qua lỗ tai, hãy rao giảng trên mái nhà". Ngài đã không ngần ngại tố cáo bọn họ:
"Hỡi loài cứng đầu cứng cổ, hỡi những lỗ tai và những trái tim bất nghĩa, các ngươi chỉ luôn luôn cưỡng lại với Thánh Thần. Các ngươi giống hệt như cha ông các ngươi! Có tiên tri nào mà cha ông các ngươi đã chẳng bách hại? Cha ông các ngươi đã giết hết những người đưa tin Đấng công chính đến, rồi chính Đấng ấy, bây giờ các ngươi cũng đã phản bội và mưu sát. Các ngươi đã lĩnh được luật pháp do Thiên thần chuyển đạt mà nào các ngươi có chịu tuân theo" (Cv 8, 51-54).
Nghe đến đây, họ không thể nén cơn giận được nữa, vì Têphanô đã dám vạch mặt bọn họ đã nhúng tay vào cuộc tử nạn vô tội của Chúa Cứu Thế. Họ nhao nhao, la lối xin điệu Têphanô ra pháp trường ném đá. Và như để nâng đỡ an ủi Têphanô, bầu trời tự nhiên rộng mở và Têphanô được thấy vinh quang của Chúa.
Sách Tông đồ Công vụ thuật lại: "Còn ngài vẫn đầy Thánh Thần và ngước mắt nhìn trời, ngài thấy vinh quang Thiên Chúa và Chúa Giêsu đứng bên hữu Thiên Chúa, Ngài nói: "Kìa tôi thấy trời mở rộng". Bọn họ liền la át đi, bịt tai lại rồi đổ xô vào ngài, đem ngài ra ngoài thành ném đá. Bọn cáo gian để áo ngài dưới chân một chàng thanh niên tên là Saulô coi. Chàng thanh niên đó chính là Phaolô, sau này sẽ trở lại và thành một tông đồ nhiệt tâm của Chúa Kitộ Đang khi họ ném đá, Têphanô cầu nguyện: "Lạy Chúa Giêsu, xin nhận lấy linh hồn con". Rồi quì xuống ngài kêu thực to: "Lạy Chúa xin tha cho họ tội ác này". Vừa kêu dứt lời, ngài tắt nghỉ. Hôm ấy có lẽ là ngày 26 tháng 12 năm 35.
Sau khi Têphanô tắt thở, mặc dầu cũng ngày hôm ấy có cuộc tàn sát ghê gớm bùng nổ ở giáo đoàn Giêrusalem, những người đạo đức vẫn can đảm đi chôn cất Têphanô và than khóc thảm thiết. Các giáo hữu những thế kỷ đầu rất tôn sùng thánh Têphanô. Cái chết thảm hại của ngài đã là giây phút mở màn cho biết bao nhiêu cuộc bách hại khác sẽ xẩy đến cho những người muốn theo chân Thầy Chí Thánh. Nhưng cái chết của ngài cũng là một hạt giống sinh ra bao nhiêu hoa trái cho Giáo hội trong những buổi sơ khai.
Có người ghi chép lại câu truyện kỳ lạ sau đây: Ngày thứ sáu mồng ba tháng chạp năm 415, dưới triều đại Honoriô và Thêôđôsiô Trẻ làm Hoàng đế, Đức Innôxentê I làm Giáo Hoàng, một linh mục tên là Luxianô đang ngủ gần giếng rửa tội trong nhà thờ Caphargamala để coi giữ đồ thánh. Vào khoảng ba giờ sáng, một ông lão đạo mạo tay cầm một cái roi bằng vàng quất nhẹ vào người linh mục và nói:
"Hãy chỗi dậy, đi đến Giêrusalem và xin với Đức Giám mục Gioan để tìm kiếm lấy những di hài các thánh không được ai tôn kính.
- Thưa ngài, ngài là ai, và các thánh ngài nói là những vị nào thế? Linh mục Luxianô hỏi vậy.
- Ta là tôn sư Gamaliel, thầy dạy của Phaolô. Ngày nay di hài của thánh Têphanô đã bị những người Do thái ném đá vẫn còn ở bên cạnh nấm mồ của ta. Vậy ngươi hãy đi kiếm cho được di hài ngài về mà tôn kính.
Vị linh mục hỏi tiếp:
- Nhưng làm thế nào mà chúng tôi tìm được mộ ngài?
- "Ở giữa cánh đồng Delagabria nghĩa là những người của Thiên Chúa, vì sau khi Têphanô bị ném đá, xác ngài bị bêu nhiều ngày mà không một con vật nào dám đả động tới. Lúc sinh thời ta có lòng mộ mến Têphanô nên đã cho người chôn cất thánh nhân ở gần mồ của ta". Nói bấy nhiêu ông lão biến mất. Linh mục Luxianô như bị giấc chiêm bao ám ảnh, ngài quì dậy cầu nguyện hồi lâu và xin Chúa nếu có phải việc của Chúa làm thì xin Chúa cho được thấy ông già đó lần nữa. Linh mục lại cầu nguyện và ăn chay nhiều hơn để được ơn ấy.
Ngày thứ sáu tuần sau, ông lão lại hiện ra như lần trước và trách Luxianô sao không chịu đi Giêrusalem để gặp Đức Giám mục. Đoạn ông lão lại chỉ cho Luxianô cách thức tìm di hài Têphanô như thế nào. Luxianô vẫn chưa tin và còn muốn trông thấy ông lão một lần thứ ba nữa mới đi. Nhưng thứ sáu sau nữa là ngày 17 tháng 12 ông lão hiện ra và tỏ vẻ tức giận vô cùng vì Luxianô đã không nghe lời. Lần này Luxianô bằng lòng đi Giêrusalem. Khi Đức Giám mục Gioan nghe biết như thế, ngài rất vui mừng truyền cho Luxianô phải tổ chức tìm kiếm di hài thánh Têphanô.
Ngày hôm sau, linh mục Luxianô tụ tập con chiên bổn đạo lại hát kinh cầu nguyện và rước ra cánh đồng đã được ông lão chỉ cho. May quá, đám rước lại gặp ngay một tu sĩ chỉ chỗ cho bổn đạo đào bới, quả thực họ đã tìm thấy ba quan tài: một cỗ đề Celiel (nghĩa là Têphanô).
Được tin ấy Đức Giám mục Giêrusalem lập tức đến Delagabria. Khi vừa mở quan tài thánh Têphanô, đất liền động và có một mùi thơm ngát toả ra làm cho mọi người đều sung sướng. Ngay lúc đó 73 bệnh nhân đủ các bệnh nan y đều được khỏi. Các Giám mục sau khi hôn kính xương thánh, liền cho vào một hòm rất quí và kiệu về Giêrusalem. Đang khi đi kiệu một trận mưa như lụt đổ xuống phá tan nạn hạn hán đang đe dọa dân gian. Sau này nhờ xương thánh của thánh nhân mà bao nhiêu người được ơn lành; bao nhiêu người được ơn trở lại, chịu phép rửa tội và Giáo hội cũng được thịnh vượng nhiều nhờ công ơn của thánh Têphanô, một vị tiên khởi tử đạo.