Thứ Tư, 23 tháng 12, 2015

Tỏ Tường (lễ Rạng Đông Giáng Sinh)

Filled under:

Con Chúa làm người vì thương xót
Phàm nhân hạnh phúc đón Thánh Ân
Ngôn sứ Isaia cho biết: “Một hài nhi đã sinh ra cho chúng ta, một người con đã được ban cho chúng ta, hài nhi sẽ tiếp nhận quyền bính trên vai và thiên hạ sẽ gọi tên Người là Cố Vấn kỳ diệu” (Is 9:6). Một sự thật minh nhiên, một chân lý tỏ tường. Đã là sự thật thì không thể chối cãi, vì sự thật mãi mãi là sự thật, và chính sự thật sẽ giải thoát chúng ta (x. Ga 8:32).
Ngôn sứ Isaia vừa thông báo vừa mời gọi: “Đây là lời Đức Chúa loan truyền cho khắp cùng cõi đất: Hãy nói với thiếu nữ Sion: Kìa ơn cứu độ ngươi đang tới. Kìa phần thưởng của Người theo sát một bên, và thành tích đi ngay trước mặt” (Is 62:11). Tại sao chỉ nói với thiếu nữ Sion mà không nói với nam giới Sion? Thiết tưởng, nữ giới là phái yếu, thường bị áp bức, bị khinh miệt, … Và họ có thể đại diện cho những người hèn mọn, thấp cổ bé miệng, bị chà đạp nhân phẩm, bị tước đoạt nhân quyền, bị miệt thị nhân vị, … Họ cũng chính là chúng ta, những người bị tội lỗi đè đầu, bị thói hư tật xấu kiểm soát, bị xã hội ruồng bỏ.
Thực sự Đức Chúa đã đến hơn hai ngàn năm qua rồi. Lễ Giáng Sinh chỉ là kỷ niệm đại sự kiện Con Chúa làm người mà thôi. Vấn đề là chúng ta có để Chúa đến trong linh hồn chúng ta hằng ngày, mọi nơi và mọi lúc hay không. Nếu chúng ta “cho phép” Chúa vĩnh cư nơi hang-đá-tâm-hồn thì chúng ta sẽ được gọi là “dân thánh”, là “những người được Đức Chúa cứu chuộc”, được gọi là “cô gái đắt chồng”, là “thành không bị bỏ” (Is 62:12). Như vậy thì thật là đại phúc!
Và nếu được đại phúc đó thì vô cùng vui mừng. Tác giả Thánh Vịnh nói: “Chúa là Vua hiển trị, hỡi địa cầu, hãy nhảy mừng lên, vui đi nào, ngàn muôn hải đảo! Mây u ám bao phủ quanh Người, bệ ngai rồng là công minh chính trực. Ngọn lửa hồng mở lối tiên phong, đốt tiêu tan địch thù tứ phía. Ánh chớp của Người soi sáng thế gian, địa cầu trông thấy mà run sợ; núi tan chảy như sáp, khi diện kiến Thánh Nhan vị Chúa Tể hoàn cầu. Trời xanh tuyên bố Người là Đấng chính trực, hết mọi dân được thấy vinh quang Người” (Tv 97:1-6). Thiên Chúa có phong cách không hề giống phàm nhân, tất nhiên chúng ta không thể nào hiểu nổi, chỉ còn biết cúi đầu kính phục, thờ lạy và chúc tụng. Nói theo kiểu thời @ ngày nay thì đó là “trên cả tuyệt vời”!
Thiên Chúa công chính nên Ngài muốn mọi thứ cũng phải tỏ tường, nghiêm chỉnh, chính xác, trước sau như một. Và vì thế mà Ngài “bị động” theo kiểu “bất lực”. Thiên Chúa mà “bất lực” ư? Vâng, đúng vậy. Nhưng Ngài “bất lực” cái gì và tại sao? Ngài “bất lực” về sự dối trá, nhẫn tâm, thù hận, nản lòng, thất hứa, … Ngài “bất lực” trong những động thái ác độc vì Ngài là Đấng chí thiện, là sự thật và là sự sống (x. Ga 14:6). Ngài là Đấng Thánh nên Ngài cũng buộc chúng ta phải nên thánh: “Hãy nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5:48). KHÔNG NÊN THÁNH là PHẢN BỘI CHÚA.
Lý do để chúng ta vui mừng rất tỏ tường: “Ánh sáng bừng lên chiếu rọi người công chính, niềm vui làm rạng rỡ kẻ lòng ngay. Trước nhan thánh Chúa, người công chính hãy vui mừng tưởng nhớ Thánh Danh mà dâng lời cảm tạ” (Tv 97:11-12).
Lý do vui mừng càng tỏ tường hơn theo “tầm nhìn” của Thánh Phaolô: “Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta, đã biểu lộ lòng nhân hậu và lòng yêu thương của Người đối với nhân loại. Không phải vì tự sức mình chúng ta đã làm nên những việc công chính, nhưng vì Người thương xót, nên Người đã cứu chúng ta nhờ phép rửa ban ơn Thánh Thần, để chúng ta được tái sinh và đổi mới” (Tt 3:4-5).
Niềm vui càng tăng lên theo cấp số nhân: “Thiên Chúa đã tuôn đổ đầy tràn ơn Thánh Thần xuống trên chúng ta, nhờ Đức Giêsu Kitô, Đấng cứu độ chúng ta. Như vậy, một khi nên công chính nhờ ân sủng của Đức Kitô, chúng ta được thừa hưởng sự sống đời đời, như chúng ta vẫn hy vọng” (Tt 3:6-7). Không còn biết nói gì hơn nữa vì niềm vui đó quá lớn, ngỡ như chỉ có trong mơ, nhưng đó lại là sự thật hiển nhiên. Đúng là đại phúc cho chúng ta!
Các mục đồng nghèo khổ và dốt nát nhưng lại hạnh phúc nhất: Những người đầu tiên được báo Tin Mừng và được trực tiếp diện kiến Chúa Hài Đồng. Họ là những nhân chứng sống động mà chúng ta phải noi gương.
Khi các thiên sứ từ biệt mấy người chăn chiên để về trời, những người này bảo nhau: “Nào chúng ta sang Belem, để xem sự việc đã xảy ra, như Chúa đã tỏ cho ta biết” (Lc 2:15). Thánh Luca cho biết là “họ liền hối hả ra đi”. Mau mắn hành động mà không chút đắn đo, suy tính. Lại một tấm gương sáng về việc “sống đạo” khiến chúng ta phải “giật mình” lắm!
Khi đế nơi phải đến, họ gặp Cô Maria và Chú Giuse, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ. Thấy thế, họ không ngạc nhiên, và rồi họ không thể im lặng, gặp ai họ cũng liền tíu tít kể lại điều đã được nói với họ về Hài Nhi này. Khi nghe các người chăn chiên thuật chuyện, ai cũng ngạc nhiên vô cùng.
Riêng Cô Maria thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng (Lc 2:19). Phong cách Cô Maria thật “khác người”, đúng là một thục nữ nhu mì và ngoan hiền. Thánh sử Luca cho biết thêm: “Các người chăn chiên ra về, vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa, vì mọi điều họ đã được mắt thấy tai nghe, đúng như đã được nói với họ” (Lc 2:20). Quả thật, mọi điều đã tỏ tường. Kế hoạch của Thiên Chúa thật là mầu nhiệm!
Lạy Thiên Chúa, xin giúp chúng con biết mau mắn hành động vì Danh Chúa và chứng tỏ lòng thương xót của Ngài, để bất kỳ ai gặp chúng con thì cũng gặp được chính Ngài, qua các động thái yêu thương chân thành nhất. Xin giúp chúng con biết noi gương Đức Maria và Đức Giuse là NÓI ÍT mà LÀM NHIỀU. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ chúng con. Amen.
TRẦM THIÊN THU


Lễ Chúa Giáng Sinh -  Lm Giuse Trần Việt Hùng
(Ga 1:1-18), GIÁNG SINH

Đêm đông giá lạnh trăng mờ,
Gui-se lặng lẽ, nương nhờ trú chân.
Người thành từ chối đôi lần,
Nhà tôi hết chỗ, nếu cần xuống hang.
Ma-ry dạ chửa bụng mang,
Lữ hành vất vả, dở dang tới ngày.
Hạ sinh con trẻ đêm nay,
Chuồng bò hôi hám, khổ thay Vua Trời.
Cỏ rơm lót đệm tạm thời,
Phà hơi sưởi ấm, đầy vơi khổ sầu.
Chiên cừu quanh quẩn bái chầu,
Phụng thờ kính mến, khấu đầu lặng thinh.
Mục đồng chiêm ngắm uy linh,
Thiên Thần ca hát, tôn vinh Chúa Trời.
Linh thiêng cao cả diệu vời,
Ngôi Lời giáng thế, phận người xót xa.
Yêu thương chịu khổ vì ta,
Hạ thân trút bỏ, bao la hải hà.
Vâng lời thánh ý Chúa Cha,
Cứu nhân độ thế, thứ tha tội đời.

Thiên Chúa giáng trần để giao hòa giữa trời và đất. Đây là một câu truyện tình yêu dài ngàn năm. Tình yêu kiên trung của Thiên Chúa đối với loài người. Từ thời xa xưa ấy, nguyên tổ loài người được Thiên Chúa yêu thương nhưng lại bất tuân lệnh. Thiên Chúa đã phạt vì yêu. Ngài không bỏ rơi con người trong cùng khổ mà đã hứa ban chính Con của Ngài để hòa giải và cứu độ.

Chúa đến đem bình an cho những ai thiện tâm. Nhiều mục đồng đơn sơ và chất phát đã tìm gặp được Chúa nơi hang lừa máng cỏ. Bình an trong tâm hồn chính là sự khiêm tốn, không tự phụ; đơn sơ, không giả dối và ngay thẳng, không điêu ngoa. Chỉ có sự bình an khi chúng ta biết chấp nhận ý Chúa. Đừng đòi hỏi mọi điều mình mong muốn. Thí dụ: Tôi muốn mưa, bạn muốn nắng, trời thì râm, làm sao chúng ta có thể an vui với cuộc sống. Hãy chấp nhận những gì không thể thay đổi như khí hậu thời tiết hay mưa nắng.

Chúa giáng trần để giao hòa giữa đất trời và con người. Chúa đã đến và hiện diện đó nhưng nhiều người giả điếc làm ngơ và có khi còn chối từ sự hiện hữu của Chúa. Truyện kể: Một giáo sư tâm lý làm một cuộc trắc nghiệm với 40 sinh viên. Ông trao cho mỗi người một mảnh giấy và bảo viết chữ Noel và hãy giải thích ý nghĩa đầu tiên đến trong trí họ. Khi mở giấy bài kiểm, ông thấy các sinh viên đã diễn tả: Ý tưởng đầu tiên là cây thông, là ông già Noel, là ngôi sao, là tuyết trắng, là qùa tặng, tiệc mừng, ngày nghỉ, thánh ca … nhưng tuyệt đối không ai nhắc đến sinh nhật của Chúa Giêsu.

Ý nghĩa về biến cố Chúa giáng trần đã mất dần trong tâm hồn con người. Nhiều người mừng Giáng Sinh chỉ là kỷ niệm sinh nhật của Chúa trên 2000 năm qua. Chúng ta biết rằn mừng Sinh Nhật Chúa không chỉ là kỷ niệm sinh nhật mà là một biến cố có một không hai. Biến cố Thiên Chúa giáng sinh làm người. Ngài mặc lấy thân phận khó nghèo và hèn hạ như chúng ta. Ngài chính là Ngôi Lời của Thiên Chúa. Ngôi Lời đã có từ đời đời. Chính Ngài là món qùa qúi báu nhất mà Thiên Chúa Cha đã trao ban cho nhân loại.

Đi tìm ý nghĩa lễ Giáng Sinh. Truyện kể: Vào thời thế chiến thứ hai, một người lính phải trực vào lễ Giáng Sinh. Cùng với vài người bạn đến thăm một trại mồ côi. Nơi đây có nhiều em bị mất cha và mất mẹ vì chiến tranh. Trong nhà không có bóng dáng của ngày lễ, không có đèn, không cây noel và không qùa cáp gì cả. Các anh lính đi vòng quanh chúc mừng Giáng Sinh các em. Họ chú ý một em ngồi trong góc nhà buồn rầu. Một người lính đến bên em và gạ hỏi: Em muốn gì trong ngày lễ Chúa Giáng Sinh. Em chỉ trả lời rằng:“Em muốn được ôm ẵm”. Người lính cảm động và ôm em vào lòng.

Đó là ý nghĩa của lễ Chúa Giáng Sinh. Tìm một chút hơi ấm của tình người. Trong anh em chung quanh đây, chúng ta có nhiều người đang cần lời an ủi, sự nâng đỡ và chút tình sưởi ấm tâm hồn. Hãy đến với Chúa. Chúa đang hiện diện bên cạnh để đón mời chúng ta vào vòng tay yêu thương của Chúa.

Lm. Giuse Trần Việt Hùng
Bronx, New York.