Chủ Nhật, 6 tháng 12, 2015

5 Phút cho Lời Chúa 6/12/2015

Filled under:

DỌN ĐƯỜNG CỨU ĐỘ
“Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa... Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa.” (Lc 3,4-6)
Suy niệm: Đức Giê-su Ki-tô hoàn tất chương trình cứu độ của Thiên Chúa cách đây đã hơn 2.000 năm, thế nhưng không vì thế mà chúng ta đương nhiên được giải cứu, nói như thánh Âu-tinh: “Khi tạo dựng nên con Chúa không cần có con, nhưng khi cứu độ con, Chúa cần con cộng tác.” Vì thế mà mùa Vọng là thời gian thuận tiện để chúng ta nhìn lại sự cộng tác của mình trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Để có thể đón nhận ơn cứu độ, mỗi người chúng ta phải điều chỉnh lại cách ăn nết ở của mình. Con đường cứu độ cứu độ là chính Đức Giê-su Ki-tô. Nhưng nếu chúng ta không mở cửa tâm hồn mình, uốn nắn lại con đường là lối sống của mình để “nối mạng liên thông” với Đức Ki-tô thì ơn cứu độ không thể nào đến với chúng ta được.
Mời Bạn: Lắm khi chúng ta bị mê hoặc lạc lối trong “mê cung” của tiền bạc, thú vui, quyền lực, danh vọng. Để thoát ra khỏi “khu rừng rậm” cám dỗ ấy, phải biết loại bỏ lòng đam mê, ham muốn chúng và chỉ nhắm tới Chúa là lẽ sống duy nhất và vĩnh cửu của mình mà thôi.
Chia sẻ: Không thể theo Chúa nửa vời mà mong đạt tới sự sống đời đời được. Bạn có cảm nghiệm gì về tính triệt để này của Tin Mừng Chúa Ki-tô?
Sống Lời Chúa: Sống tinh thần mùa vọng bằng cách sống giản dị, không xa xỉ hoang phí, tự nguyện giảm bớt những chi tiêu không thật sự cần thiết để dành cho hoạt động bác ái.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã cho chúng con có dịp nhìn lại cuộc sống của mình. Xin cho chúng con luôn kiên vững trên con đường mang tên Giê-su, để chúng con hiểu biết chân lý và đạt được sự sống đời đời. Amen.
                                                                   THÁNH NICÔLAÔ 

GIÁM MỤC THÀNH MYRA
Các giáo hữu xưa có lòng sùng kính thánh Nicôlaô cách lạ lùng: Ở Rôma có tới 85 thánh đường, nguyện đường, dòng tu, bệnh viện mang tên ngài. Ở Đan Mạch hơn 100 nơi thánh dâng kính ngài. Đặc biệt hơn cả là miền Hy lạp, tính tới năm 1910, có tất cả 359 thánh đường đặt dưới quyền bảo trợ của thánh Nicôlaô.
Tuy nhiên lòng tôn kính đó ở mỗi nước mỗi khác và đượm những sắc thái riêng của dân tộc: Ở Hy lạp và ở Đức, ngài là bổn mạng của các nhà hàng hải, những người đi biển thường cầu chúc nhau: "Xin thánh Nicôlaô chèo lái, đưa các bạn tới bến yên hàn". Ở Pháp, đời các vua giòng Capétiens, ngài là quan thầy của vua, của các vị thẩm phán. Các nghị viên trước mỗi khóa họp đầu niên đều tới dự thánh lễ cử hành tại bàn thờ dâng kính thánh nhân. Ở Bỉ, Hòa lan, Thụy sĩ, Anh, Hoa kỳ... Ngài được coi là đấng bảo trợ cho khách du lịch và các trẻ em.
Những cách sùng kính đượm tính dân tộc ấy dựa vào vài biến cố đã xảy ra thực, hay những câu truyện thêu dệt chung quanh cuộc đời thánh nhân, tất cả kết lại thành một trang tiểu sử đầy mầu sắc đẹp đẽ.
Thánh Nicôlaô sinh khoảng năm 270 tại Patare, một hải cảng trù phú và là kinh đô của xứ Lycia, Tiểu Á. Không may cha mẹ mất sớm và để lại cho Nicôlaô một gia tài lớn, nhưng gia tài ấy lại chính là của những người nghèo khổ. Người được hưởng đầu tiên là một ông già hàng xóm: Ông là một thương gia giầu có, nhưng vì hoạn nạn nên gia sản khánh kiệt đến nỗi không có thể gả chồng cho ba con gái, khiến ông còn có ý định tội lỗi cho ba con làm nghề buôn phấn bán son. Biết tình cảnh bi thương ấy, Nicôlaô ngầm đem tiền của giúp đỡ khiến ông có thể hằng ngày dùng đủ, và nhất là có thể xây dựng gia đình cho các con đã khôn lớn.
Hành động của Nicôlaô tuy rất kín đáo nhưng một lần kia cũng đã bị ông hàng xóm dò biết. Cảm động trước nghĩa cử cao đẹp của Nicôlaô, ông hàng xóm nói:
- Bạn là vị cứu tinh của tôi và của cả các con tôi. Nhờ bạn mà chúng tôi thoát khỏi cảnh cùng quẫn... Vì lòng hào hiệp và lời cầu nguyện của bạn mà Chúa nhân từ đã thương đoái đến tôi. Tôi đoan hứa sẽ ca tụng lòng lành của Chúa và của bạn suốt đời tôi.
Nicôlaô xin giữ bí mật, nhưng làm sao có thể nín lặng được trước một tấm lòng bác ái như thế! Vì khiêm tốn không muốn được khen lao và cũng muốn được thêm lòng sốt sắng, nên Nicôlaô bỏ quê hương vượt biển sang viếng đất thánh.
Một ngày kia khi con tầu đang yên hàn rẽ nước, bỗng giông tố nổi lên dữ dội, mọi người đều nôn nao sợ hãi, chỉ riêng có Nicôlaô vẫn giữ được nét mặt bình tĩnh. Sóng càng ngày càng to và tầu như sắp chìm, Nicôlaô xin mọi người quỳ xuống cầu nguyện. Cầu nguyện xong Nicôlaô tới mũi thuyền, dõng dạc truyền lệnh:
- Biển hãy im đi.
Lập tức gió tắt, sóng lặng, con tầu lại từ từ tiến về hướng đất thánh.
Tới thánh địa, Nicôlaô âm thầm đi viếng và cầu nguyện nơi những di tích vui buồn, đau thương, và vinh hiển của Chúa Giêsu trong những ngày còn ở dương thế. Nhưng phép lạ ở trên tầu loan đi rất nhanh, cho đến cả Myra. Nơi đây các giáo hữu đang chịu tang Đức Giám mục vừa qua đời. Hàng giáo sĩ địa phận và các Giám mục xung quanh cũng đang hội họp cầu nguyện xin Chúa soi sáng hầu chọn được người xứng đáng lên thế vị Đức Giám mục vừa tạ thế.
Nghe câu truyện Nicôlaô đã làm ở trên tầu, tất cả hôïi nghị đều mong được thấy mặt con người thánh thiện ấy. Sau thời gian kính viếng đất thánh, Nicôlaô đã lại xuống tầu trở về, lòng triền miên suy niệm về cuộc đời ẩn dật của Chúa Kitô, đồng thời muốn noi gương Thầy Chí Thánh hầu sống mai danh ẩn tích. Nicôlaô không muốn trở về quê hương nên khi tầu vừa cập bến Myra, ngài liền lên bờ kiếm căn nhà thanh bạch xin trú nhờ.
Sáng hôm sau, như được Chúa soi sáng, mọi người dự lễ trong thánh đường đều chú ý đến Nicôlaô, một khách lạ đang sốt sắng cầu nguyện. Đức Tổng Giám mục bước tới và hỏi:
- Hỡi con, con tên gì?
- Con là kẻ tội lỗi, là đầy tớ vô ích tên là Nicôlaô. Biết đó là Nicôlaô, Đức Tổng Giám mục liền dẫn ngài đến hội đồng và giới thiệu với tất cả giáo dân xin mọi người bầu ngài làm Giám mục. Nicôlaô hết sức từ chối, viện ra nhiều lẽ chứng minh mình bất xứng. Nhưng vô hiệu, mọi người cương quyết yêu cầu ngài lên giữ chức cao trọng đó. Biết đó là ý Chúa, ngài đành khiêm tốn vâng lời.
Từ ngày nhận trách nhiệm chăn dắt đoàn chiên Chúa, Đức Giám mục Nicôlaô càng sống khắc khổ hơn nữa. Mỗi ngày ngài chỉ ăn một bữa và kiêng thịt hoàn toàn. Bữa nào ngài cũng chăm chú nghe đọc vài trang Thánh kinh. Ban đêm ngài thức rất khuya cầu nguyện, sau đó ngả lưng trên một mảnh gỗ cứng nháp. Ngài dậy rất sớm và đánh thức các thầy phó tế để hát ca vãn, chúc tụng Chúa. Khi mặt trời vừa mọc thì đến nhà thờ dâng lễ. Quãng thời gian còn lại ngài dành để lo việc điều khiển địa phận và phục vụ giáo dân.
Chính ngài sống rất nghèo khó, nhưng lại đặc biệt để tâm săn sóc những người nghèo khó. Người ta kể rằng dụng cụ ngài dùng đều là đồ đi mượn, bởi vì có gì quý báu thì ngài đều bán đi để giúp đỡ người nghèo khổ. Ngài tìm mọi cách khiến họ xúc động trước lòng nhân lành, và tình yêu vô cùng của Chúa mà ăn năn trở lại cùng Người.
Năm 304, Điôclêtianô ra sắc chỉ cấm đạo, truyền phá nhà thờ, đốt sách thánh, cấm giáo hữu hội họp, truất các vị công chức, các tướng tá có đạo công giáo và, sau cùng, bắt giam các Giám mục và linh mục. Điôclêtianô bừng bừng nộ khí sẵn sàng đánh gục bất cứ ai trái lệnh. Mặc dầu thế, Đức Giám mục Nicôlaô vẫn can đảm và càng hăng hái mở nước Chúa hơn nữa. Ngài gây được nhiều tín nhiệm và có ảnh hưởng rất lớn tại Myra. Mặc cho sắc chỉ tàn bạo đã ban bố, ngài vẫn bình tĩnh và can đảm rao giảng chân lý đức tin. Vì thế ngài bị bắt, bị gông cùm xiềng xích và bị hành hình rất ác nghiệt, sau đó bị giam tù khổ sở. Mãi tới khi Constantinô vị Hoàng đế khôn ngoan và sáng suốt lên cai trị đế quốc, ngài mới được giải phóng và lại trở về Myra.
Sở dĩ ngài chưa được phúc tử đạo là vì Chúa còn muốn dùng ngài chiến đấu bênh đỡ Hội thánh chống lại tà thuyết Ariô. Tại công đồng Nicêa, tài hùng biện, đức can đảm, giáo thuyết sáng sủa và nhất là gương thánh thiện của ngài đã làm mọi người phải thán phục.
Sau khi hội công đồng về, ngài lại tiếp tục lo lắng điều khiển địa phận. Lòng sốt sắng nhiệt thành của ngài đã kích thích tâm hồn một số giáo hữu tân tòng, đến nỗi họ cùng nhau đi phá hủy ngôi chùa mà trước đó chính họ đã xây cất để thờ thần Diana.
Vì công nghiệp đầy tràn của ngài, Chúa đã cho ngài làm nhiều phép lạ để cứu giúp những người hoạn nạn. Có lần Lycia mất mùa, dân chúng đói khổ, lòng thương xót đã khiến Giám mục Nicôlaô lo tìm mọi phương thế cứu trợ nạn đói.
Ngày kia nghe tin có một đoàn tầu chở đầy thóc gạo từ Alexanđria đang đi qua cửa biển gần đấy, ngài vội vã đến xin mỗi tầu nhường cho dân thành Lycia 100 tạ gạo và bảo đảm với họ rằng Thiên Chúa sẽ bù chỗ hụt ấy và khi về tới nhà mỗi tầu sẽ đầy lại như cũ. Gương mặt thánh thiện và lời nói đầy mãnh lực của ngài đã làm cho họ phải mến phục và bằng lòng nhường cho số gạo ngài xin. Khi về đến nhà họ đem cân lại thì quả nhiên số gạo của mỗi tầu vẫn y nguyên như cũ không hao hụt chút nào.
Không phải chỉ giới hạn trong địa phận của ngài, trái lại lòng bác ái ấy còn phổ quát và bao gồm hết mọi người. Bất kỳ ai lâm hoạn nạn kêu cầu đến ngài đều được Chúa thương giúp vì lời ngài cầu khẩn. Thế nên, khi còn sống nhiều người đã coi ngài như một vị thánh bảo trợ, đặc biệt là những người làm nghề hàng hải. Lần kia một số các thủy thủ đang lênh đênh trên một chiếc tầu giữa biển khơi, bỗng một cơn giông tố nổi lên, chiếc tầu lảo đảo sắp chìm. Các thủy thủ sợ hãi, nhưng may mắn trong cơn túng cực họ đã nhớ đến Đức Giám mục Nicôlaô và cùng nhau quỳ xuống sốt sắng xin Chúa vì công nghiệp Đức Giám mục Nicôlaô cứ  họ thoát khỏi cơn nguy hiểm. Lập tức ngài xuất hiện trên tầu và nói với họ: "Ta đây, ta là đầy tớ Chúa sai đến để cứu các con, hãy trông cậy vào Chúa". Ngài đến sau tầu cầm lái và con tầu lại bắt đầu tiến vững chãi, vài phút sau biển cũng phẳng lặng như tờ. Không những là đấng phù trợ các người vượt biển, thánh Nicôlaô còn là quan thầy của các vị thẩm phán, luật sư và của cả những kẻ bị cáo gian. Sách "Niên lịch tử đạo Rôma" đã kể lại một phép lạ ngài cứu ba người vô tội sắp phải tử hình dưới đời Hoàng đế Constantinô. Câu truyện đó như sau: Đêm cuối cùng trước khi đem đi xử cả ba buồn sầu vì sắp phải đón nhận một cái chết oan uổng. Trong lúc tuyệt vọng không còn trông cậy gì ở phương thế trần gian, cả ba lặng lẽ quỳ xuống cầu nguyện: "Lạy Thiên Chúa là Chúa của Đức Giám mục thánh thiện Nicôlaô, xưa Chúa đã cứu ba trẻ Do thái cho khỏi chết oan trong lò lửa. Chúa thấu biết chúng con đây cũng hoàn toàn vô tội như ba trẻ xưa. Giờ đây chúng con không còn biết trông cậy vào ai ngoài Chúa. Vậy xin Chúa hãy bênh đỡ chúng con".
Trong khi đó Hoàng đế Constantinô đang ngủ say. Bỗng một ông già dáng điệu oai phong hiện ra với vua trong giấc mộng và nói:
- Hãy dậy và lập tức ra lệnh tha bổng ngay cho ba người ngài vừa kết án và sắp bị đem đi xử tử cách bất công.
- Ngài là ai mà lại nói những lời lẽ ấy ?
_ Ta là Nicôlaô Giám mục thành Myra.
Constantinô liền cho gọi viên quan toà Ablavios. Trong khi tên hầu cận còn đang đi đến với Ablavios thì chính ông này cũng thấy ông già ấy hiện ra truyền lệnh như vậy.
Constantinô cho gọi ba người tử tù lên:
- Các ngươi dùng phù phép gì làm mất cả giấc ngủ của ta ?
Nghe hỏi, cả ba cùng bỡ ngỡ không hiểu gì. Nhưng khi vừa tả lại giấc mộng thì Nêpôtianô, một trong ba người, quỳ sụp xuống dâng lời tạ ơn Chúa với giọng run run cảm động:
- Lạy Chúa toàn năng. Chúa đã đoái nghe tiếng chúng con cầu khẩn, sai Đức Giám mục Nicôlaô đến làm chứng cho sự oan uổng của chúng con"
Và Nêpôtianô tả lại cho vua nghe cảnh cả ba vừa thiết tha cầu nguyện trong gian nhà tù. Hoàng đế Constantianô cảm động và cho phép ba người tù trình bày nỗi oan uổng. Cử chỉ và giọng nói chân thành của cả ba khiến nhà vua xúc động, đồng thời nhận rõ được sự thật về họ: cả ba đều được nhà vua tha bổng.
Một câu truyện khác nữa cũng không kém phần ly kỳ để chứng minh cho việc tôn thánh nhân làm bổn mạng các trẻ em và học sinh. Tương truyền cũng trong khoảng thời gian này có ba em nhỏ đến trọ tại một quán. Bà chủ quán thấy ba em mang trong mình nhiều đồ quý giá, máu tham nổi lên, đêm đến bà liều lĩnh chẹn cổ cả ba em, lột hết vàng bạc rồi ném vào thùng muối thịt, yên trí là cả ba đã chết. Nhưng thánh Nicôlaô đã hiện đến quở trách bà chủ ác nhiệt và cứu sống cả ba em. Chính các em đó sau này là những người đầu tiên khởi sự phong trào nhận thánh Nicôlaô làm quan thầy cho các nhi đồng khi ngài vừa qua đời được ít lâu.
Cái chết của thánh Nicôlaô là một cuộc khải hoàn. Theo như người ta kể thì tới giờ lâm chung của ngài, các thiên thần từ trời xuống hợp cùng ngài hát các ca vịnh. Ngài từ trần ngày 06 tháng 12 năm 341 (?) sau khi sốt sắng kêu lời: "Lạy Chúa, con xin phó thác linh hồn con trong tay Chúa". Vị Giáo chủ Hy lạp Michel, một trong những người đầu tiên chép sử về ngài, đã viết: "Ngài từ bỏ sự sống ngắn ngủi này, bay thẳng về nơi vĩnh phúc hợp cùng ca đội các thiên thần, các thánh tổ phụ ca ngợi Chúa và cầu bầu cho những kẻ có lòng tin cậy, cầu xin ngài".
Ngay từ khi ngài mới qua đời, giáo hữu đã đặc biệt sùng kính ngài. Lòng sùng kính ấy phát triển đến cùng độ ở khắp Đông phương và lan mạnh sang Tây phương từ khi xác ngài được chuyển sang địa phận Bari nước Ý. Sinh thời ngài rất yêu trẻ em, nên truyền thuyết bình dân, từ rất lâu, đã tặng ngài danh hiệu Ông già Noel (Derê Noel), ở các nước Bắc Âu và Anh, Mỹ gọi ngài là Sancta Claus, đêm áp lễ Giáng sinh đeo gùi đi tặng quà cho các em bé ngoan, và đem roi cho những đứa khó nết.
Ngày 06 tháng 12 năm 1670, Đức Giáo Hoàng Clêmentê X đã nâng lễ kinh ngài lên bậc nhì để muôn đời ca tụng sự nghiệp và gương nhân đức thánh thiện của ngài. Hiện nay, sau Công đồng Vaticanô II, lễ ngài mừng vào bậc lễ nhớ tùy ý.