Thứ Sáu, 11 tháng 12, 2015

5 Phút cho Lời Chúa 11/12/2015

Filled under:


LOẠI LÒNG THƯƠNG XÓT NÀO?
“Tôi phải ví thế hệ này với ai? Họ giống như lũ trẻ ngồi ngoài chợ gọi lũ trẻ khác và nói: ‘Tụi tôi thổi sáo cho các anh mà các anh không nhảy múa’.” (Mt 11,16-17)
Suy niệm: Trong một tác phẩm đề cập đến lòng thương xót, đức hồng y Sarah đã nêu câu hỏi: Lòng thương xót mà Giáo Hội phải loan báo và sống theo là loại lòng thương xót nào? Đặt câu hỏi như thế để đánh thức mọi người đừng ảo tưởng tìm kiếm nơi Giáo Hội một loại lòng thương xót nhằm thỏa mãn thị hiếu của con người thời đại, chẳng khác gì phải nhảy múa theo tiếng sáo của lũ trẻ nơi phố chợ; trái lại, Giáo Hội nhận thức rằng, nhiệm vụ của Giáo Hội là loan báo lòng thương xót của Chúa, một lòng thương xót đưa con người ra khỏi vòng nô lệ tội lỗi để cứu độ con người, chứ không phải thương xót để mặc con người lún sâu hơn trong tội lỗi. Như Chúa Giê-su, Đấng đến để làm theo thánh ý Chúa Cha, thì Giáo Hội phải khước từ tiếng khen “có lòng thương xót” của truyền thông hay tiếng vỗ tay của đám đông; thay vào đó, diễn tả lòng Chúa thương xót cụ thể và đích thực trước tội lỗi của con người, một lòng thương xót đòi hỏi con người cải hối: “Về đi và từ nay đừng phạm tội nữa.”
Mời Bạn: Là Ki-tô hữu, chúng ta thuộc về Chúa Giê-su, vì thế, những lời của Chúa không thể bị bóp méo hay bỏ qua. Bóp méo hoặc bỏ qua lời Chúa chẳng giúp chúng ta đạt tới Ngài đâu. Chúng ta chỉ có Chúa khi chúng ta tuân theo lời Chúa hoàn toàn.
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày có một thực hành theo lời Chúa được nghe.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã xót thương và cứu độ chúng con. Xin cho chúng con đón nhận và thực hành lời Chúa dạy vì đó là lời hằng sống, có sức cứu độ chúng con.

THÁNH ĐAMASÔ GIÁO HOÀNG
Thời đại nào cũng thế, Giáo hội Chúa luôn luôn phải trải qua những cơn giông tố bách hại có khi gay gắt, có khi nhẹ nhàng. Nhưng Giáo hội Chúa vẫn không hề rung chuyển, cứ vững như đá, chắc như đồng từ thế hệ này qua thế hệ khác như lời Chúa đã nói với thánh Phêrô, vị Giáo Hoàng tiên khởi: "Hỡi Phêrô, con là đá, trên viên đá này, Thầy xây Giáo hội và mọi quỉ hỏa ngục cũng không làm gì nổi" (Mt 16, 18). Lời Chúa đã ứng nghiệm cho muôn thế hệ. Thánh Đamasô mà chúng ta ôn lại lịch sử của ngài hôm nay cũng là một bằng chứng cụ thể minh chứng lời Chúa đã hứa: Người luôn luôn gìn giữ Giáo hội. Đó cũng là lời yên ủi chúng ta, người công giáo hăng hái chiến đấu với địch thù để cùng nhau xây dựng Giáo hội Chúa.
Thánh Đamasô sinh tại Rôma vào quãng đầu thế kỷ IV (305). Song thân ngài thuộc gia đình quý phái, dòng dõi Tây Ban Nha. Dưới triều Đức Giáo Hoàng Libêriô, ngài giữ chức phó tế giúp việc Đức Giáo Hoàng. Ngày 24 tháng 9 năm 366, Đức Libêriô băng hà; cùng lúc đó đế quốc Rôma bị chia đôi: Valens thống trị Tây phương còn Valentinianô chiếm giữ Đông phương. Lợi dụng lúc tình hình tôn giáo và chính trị rối ren, một người tên là Phêlicê, tự xưng là giáo hoàng. Thời kỳ này Giáo hội trải qua một cơn khủng hoảng, giáo hữu hoang mang vì giáo hoàng giả hiệu Phêlicê. Nhưng chẳng bao lâu toàn thể hàng giáo sĩ và giáo dân đã phế bỏ giáo hoàng giả hiệu kia và bầu thầy phó tế Đamasô làm Giáo Hoàng kế vị Đức Libêriô.
Lên cầm quyền Giáo hội nhằm lúc tình hình chính trị và tôn giáo chưa được ổn định, Đức Đamasô đã đem hết tài lực để săn sóc và gìn giữ Giáo hội Chúa được an toàn. Và quả thực ngài đã tỏ ra là một người không hổ thẹn với chức vụ của mình.
Công việc chính yếu và thứ nhất của ngài là làm phát triển đời sống công giáo và chấn hưng phụng vụ. Để thực hiện mục đích đó, ngài lo cổ vũ cho giáo dân một phong trào học hỏi Kinh thánh, vì ngài thừa biết rằng đời sống công giáo làm sao có thể phát triển được, nếu không có sự đọc và suy niệm lời Chúa. Chính nhờ ngài mà chúng ta mới có bản dịch Thánh kinh bằng tiếng La tinh, quen gọi là bản phổ thông; công việc khó khăn đó Đức Thánh Cha Đamasô đã ủy thác cho thánh Giêrônimô khảo cứu và phiên dịch.
Lịch sử còn gọi ngài là vị Giáo hoàng của khoa phụng vụ vì ngài đã cổ vũ việc hát Thánh vịnh hai bè đối đáp nhau trong thánh đường và truyền thêm kinh sáng danh sau mỗi Thánh vịnh. Ngài cũng khởi xướng thói quen hát kinh Alleluia trong lễ Chúa nhật như đã có ở Giêrusalem.
Một hoạt động khác cũng không ngoài mục đích nâng cao đời sống đạo đức của giáo dân, đó là việc ngài khảo cứu và đề cao lòng sùng mộ các thánh tử đạo, những "người anh cả trong đức tin" của các giáo hữu. Hồi đó xác các thánh tử đạo thường được giấu giếm trong các hầm mộ và nhiều khi trên mộ đó lại không có ghi dấu tích gì để phân biệt là xác các thánh, hoặc có ghi thì cũng đã bị thời gian làm phai mờ. Nhờ công cuộc sưu tầm của Đức Đamasô, người ta đã tìm ra được nhiều phần mộ của các thánh tử đạo. Ngài cho lệnh sửa sang các phần mộ đó và chính ngài còn viết những bi-văn bằng thơ nơi hầu hết các phần mộ ấy. Ngoài việc cho tu bổ lại các đường hầm và các gian phòng trong hang toại đạo, Đức Đamasô còn xây cất hai thánh đường để giữ hài cốt các thánh tử đạo.
Tất cả những việc trên đây có thể coi như là những hoạt động đối nội của Đức Giáo Hoàng. Đối ngoại, ngài còn phải đương đầu với bao nhiêu trở ngại, hoặc đối phương muốn xâm phạm đến quyền bính và đức tin ngàn đời của Giáo hội. Đó là công việc chống đối với bè rối và thu phục nhân tâm hầu mang lại một nền thống nhất cho quyền bính của Giáo hội.
Phêlicê, giáo hoàng giả hiệu, sau khi bị truất phế đã hoạt động để gieo chia rẽ và bất phục quyền đối với Giáo Hoàng Rôma. Ông đã thành công được ở một vài địa điểm xa xôi. Nhưng rồi nhờ những hành động khôn ngoan và tài đức của Đức Đamasô, người ta đã dần dần khám phá ra bộ mặt giả dối của Phêlicê và quay về tòng phục Đức Đamasô, vị kế quyền thánh Phêrô. Vì thế tình trạng Giáo hội cũng đã thêm phần khả quan. Trong lúc chiến đấu với đối phương như thế, Đức Giáo Hoàng luôn tỏ ra là một người quảng đại và giầu lòng tha thứ; ngài có một tâm hồn từ bi tột bực và ánh hào quang nhân từ tự tâm hồn ngài luôn giãi sáng ra tứ bề.
Việc Phêlicê gây chia rẽ và bất phục quyền đối với Đức Đamasô cũng là nguyên nhân và là cơ hội cho những người lạc giáo vùng dậy. Dưới thời Đức Giáo Hoàng Đamasô, bè rối Ariô ở Tây phương hầu như không còn hoạt động mạnh mẽ.
Nhưng ở Đông phương cũng còn một số người nặng tình với Ariô đã nhân cơ hội này nổi lên chống Giáo hội bằng cách phá rối sự bình an và tung ra những ý tưởng lầm lạc mới. Để đối phó với những người này, Đức Giáo Hoàng một mặt ra các thông tư dựa vào các tôn chỉ của công đồng Nicêa để giải thích tín lý và vạch rõ những sai lầm của tà thuyết; một mặt ngài nhờ chính quyền can thiệp để trục xuất những người ngoan cố đó khỏi Milanộ Đồng thời ngài còn vận động với vua thượng vị Têôđôsiô để tổ chức một công đồng chung tại Constantinôpôli. Tại công đồng này ngài đã phê nhận những quyết nghị của công đồng và công khai lên án phe lạc giáo Apôlina và Maxêđôniô. Tại đây uy danh của Đức Đamasô càng được hiển hách và người ta đã gọi ngài là chiến lũy của đức tin vì thái độ cương quyết và lập trường chống đối của ngài đối với phe rối.
Sau 18 năm trên ngai Giáo hoàng và đã làm cho Giáo hội biết bao công việc, Thiên Chúa đã cất ngài về ngày 11 tháng chạp năm 384. ngài hưởng thọ 80 tuổi. Người ta an táng thánh nhân trong đền thờ chính ngài đã xây cất ở đường Ardeatina cùng với mẹ và chị ngài; sau lại cải sang đền thánh Laurensô in Đamasô.
Thánh Đamasô quả là một vị Giáo hoàng nhân từ, thông thái và khôn ngoan.