* Dâng cúng những gì mình có thể sinh sống.
Kính chúc Quý Vị, Quý Bạn cùng Quý Quyến, luôn an mạnh; hôm nay chúng ta cùng nhau tìm hiểu để thêmtin lời Phúc Âm: Tự lòng mình muốn đẹp lòng Thiên Chúa và ích lợi cho người ta, dâng lên Thiên Chúa hay là giúp cho người ta, thứ gì hay của cải, không phải vì muốn cho người ta khen mình, hay là mình có ý mua chuộc người này kẻ khác, hoặc để thêm lời lãi vật chất.
Có một nguyên tắc lo liệu tính toán, là đừng để dưới phần tối thiểu hay là trên phần tối đa, có thể là của dư thừa. Đã dư thừa là của người khác, không còn là của mình. Đem của dư thừa hiến tặng người trên lại là vô phép. Vì thế phải khôn ngoan, cẩn thận, tự lòng và tùy sức, thấy ai cần gì, thiếu gì, mình có thể cho được thì cho một cách mau chóng, vui vẻ, quảng đại, vì lòng mình thương yêu./-
(Tháng Mười Một, Tháng cầu cho các linh hồn nơi luyện ngục, trong mầu nhiệm ‘Các Thánh Cùng Thông Công’)./-
Thân mến, vh.
Sunday, 8.Nov.2015
CN XXXII THƯỜNG NIÊN B (Mc 12,38-44)
1. Bài Đọc
“Chúa Giêsu lại nói với người ta (1) về đạo lý của mình: ‘Anh em hãy giữ cho khỏi những người Luật Sĩ. Họ thích đi ngoài đường với bộ áo dài (2), ưa được người ta chào kính giữa chốn công trường, muốn ngồi ghế nhất hạng trong các nhà hội, chỗ đầu trong các bữa tiệc. Họ nuốt tài sản của những người quả phụ và giả bộ cầu nguyện lâu dài. Họ sẽ bị xét xử nghiêm khắc hơn’.
“Chúa Giêsu ngồi đối diện với hòm tiền (3), nhìn xem dân chúng bỏ tiền vào hòm. Có lắm người giàu bỏ nhiều tiền. Vừa có một bà góa nghèo đến bỏ hai đồng xu (4) là một phần tư cắc bạc. Chúa Giêsu mới gọi các môn đệ lại và bảo: ‘Thầy nói thực với anh em, bà góa nghèo này bỏ nhiều hơn tất cả mọi người đã bỏ tiền vào hòm. Vì mọi người kia bỏ của mình dư thừa; còn bà này đang túng thiếu, lại bỏ tất cả những gì mình có thể sinh sống’.
2. Chú Thích
(1) Nói với người ta: Chúa Giêsu đương ở trong đền thờ, vừa nhắc đến thái độ những người Luật Sĩ đối với Chúa Cứu Thế, Thánh Kinh Do Thái gọi là con Đavít.
(2) Áo dài: Theo bản văn Hy Lạp và La Tinh, áo luật sư, giáo sư hay đạo sĩ.
(3) Hòm tiền: Đặt trong đền thờ để cho thiện nam tín nữ và khách thập phương bỏ tiền dâng cúng.
(4) Hai đồng xu: Tiền bằng giá trị một phần tư hào (cắc) bạc của người Do Thái thời ấy.
3. Suy Niệm
(1) Không biết Chúa Giêsu có ý trách chung các đạo sĩ trong tôn giáo này hay tôn giáo khác đã ăn ở như người Luật Sĩ Do Thái, hay Chúa Giêsu chỉ trách riêng những người này. Đây là những người giả nhân giả nghĩa, mặc áo dài đi ngoài đường, tỏ ra ta đây là hạng người thông thái, đạo đức, phải kính trọng ta. Trong các nhà hội hay trong các bữa tiệc, ai có quyền hay là đáng chủ tọa cho bằng ta. Dù ta không ngồi vào những chỗ đầu, thì người khác cũng phải mời ta vào những chỗ đó. Đã thế, lại còn giả cách, cố tỏ ra hình thức bề ngoài cầu nguyện lâu dài, để cho người ta tưởng mình là người nhiệt thành đạo đức, nhất là những người quả phụ, đương buồn sầu đau khổ, lại dễ tin và đương mong được ơn thiêng phù hộ. Xưa nay, ở nước nào, cũng có những bà quả phụ có tâm trạng như thế, tôn kính và tin cậy những đạo sĩ. Không ngờ trong hạng này, cũng có những người giả dối và tham tiền, chỉ muốn các bà hiến tặng tiền của cho mình, nhiều chừng nào hay chừng ấy. Các bà lại có lòng tin và dễ tin, nên sốt sắng dâng cúng cho các ông. Vì đó, các ông đã lợi dụng tôn giáo và cách thức đạo đức để lừa gạt người ta, nhất là những người đương nghèo nàn đau khổ, thì tội nặng đến thế nào. Hay là có những nguyên nhân ác độc, trước đối với Trời, sau đối với người ta, thì không sao tránh khỏi những hậu quả tai hại đau khổ.
(2) Nói đến những người quả phụ bị lừa gạt, hình như Chúa Giêsu muốn cho các môn đệ hiểu biết lòng đạo đức rộng rãi của những người này, và phải đối xử với họ thế nào. Phần nhiều dễ tin và có lòng tin rất mạnh. Vì họ đương đau khổ, nhớ tưởng lo lắng cho người bạn bên kia thế giới, hy vọng ơn Trời cứu giúp an ủi mình. Họ tin Trời mới có quyền ban ơn cho bạn mình được về thiên đàng, giúp mình bớt phần đau khổ vật chất và tinh thần trên mặt đất này. Mình chẳng làm gì được, kêu Trời không thấu, chỉ biết ăn chay, cầu nguyện và dâng tiền vào đền thờ, trước là dâng cho Trời, sau là dâng cho các đạo sĩ làm việc bác ái, cũng là một cách dâng lên Trời. Vì thế, có người dâng cúng hết tài sản, mặc dù nghèo nàn. Đối với những người như thế, phải làm sao cho họ biết Thiên Chúa nhân từ vô cùng, Thiên Chúa vẫn thương họ một cách riêng. Cha nào lại không thương con hay thương con dâu mất chồng. Cha dưới đất thương một, Cha trên trời thương bằng muôn bằng triệu lần. Chỉ cần có một điều, là họ cố gắng quên những nỗi âu sầu, giữ gìn cho khỏi bệnh tật, chăm lo làm đẹp lòng Thiên Chúa và thương yêu giúp đỡ người ta. Chính những việc này vẫn có hiệu quả giúp cho người bạn đã ra đi và giúp cho chính họ đương còn ở lại trần thế. Thiên Chúa không bao giờ muốn cho họ dâng hết tài sản. Thiên Chúa vẫn muốn cho họ phải khôn ngoan, dùng tiền bạc cho xứng đáng, trước là lo cho con cái trong gia đình, sau là giúp đỡ những người túng thiếu, bất cứ đạo sĩ hay là người đời.
(3) Dâng lên Thiên Chúa hay là giúp cho người ta, bao giờ cũng phải khôn ngoan, tự lòng mình và theo sức mình. Khôn ngoan là xem thử ai dùng đồng tiền có đẹp lòng Thiên Chúa, vào những việc có xứng đáng ích lợi chăng, có thiệt hại gì cho mình hay những người thân yêu không. Tự lòng mình muốn đẹp lòng Thiên Chúa và ích lợi cho người ta, tuyệt đối không phải vì muốn cho người ta khen mình, hay là mình có ý mua chuộc người này kẻ khác, hoặc để thêm lời lãi vật chất. Không nên cho ai thứ gì với tính cách buôn bán, một vốn một lời cũng không, huống nữa một vốn bốn lời. Tùy sức mình cho được chừng nào thì cho chừng ấy. Vẫn hay nhiều khi trong thực tế rất khó biết, vì ai cũng có bổn phận đối với hiện tại và tương lai, của mình và những người thân yêu, về vật chất và tinh thần, xứng đáng được chừng nào hay chừng ấy. Có một nguyên tắc lo liệu tính toán, là đừng để dưới phần tối thiểu hay là trên phần tối đa, có thể là của dư thừa. Đã dư thừa là của người khác, không còn là của mình. Phải trả cho người ta, không còn phải là cho. Ai nhận thứ gì dư thừa của mình là làm ơn cho mình, giải thoát mình khỏi phải phiền hà với phần dư thừa, mình không phải ân nhân cho họ. Đem của dư thừa hiến tặng người trên lại là vô phép. Trong thực tế, muốn giữ cho khỏi có lỗi với người khác, chính mình phải khôn ngoan, cẩn thận, tự lòng và tùy sức, thấy ai cần gì, thiếu gì, mình có thể cho được thì cho một cách mau chóng, vui vẻ, quảng đại vì lòng mình thương yêu, và không bao giờ vì mình kể là dư thừa./-