Triều Đại Thiên Chúa
(Lc 17, 20-25)
20 Người Pha-ri-sêu hỏi Đức Giê-su bao giờ Triều Đại Thiên Chúa đến. Người trả lời: “Triều Đại Thiên Chúa không đến như một điều có thể quan sát được.21 Và người ta sẽ không nói: “Ở đây này! hay “Ở kia kìa! , vì này Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông.”
22 Rồi Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Sẽ đến thời anh em mong ước được thấy một trong những ngày của Con Người thôi, mà cũng không được thấy.23 Người ta sẽ bảo anh em: “Người ở kia kìa! hay “Người ở đây này! Anh em đừng đi, đừng chạy theo.24 Vì ánh chớp chói loà chiếu sáng từ phương trời này đến phương trời kia thế nào, thì Con Người cũng sẽ như vậy trong ngày của Người.
25 Nhưng trước đó, Người phải chịu đau khổ nhiều và bị thế hệ này loại bỏ.
(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch CGKPV)
- Lòng tin và dấu lạ
Trong lịch sử cứu độ, và tiêu biểu nhất là trong hành trình đi trong sa mạc, cũng như vào thời của Đức Giê-su, người Do Thái luôn đòi hỏi dấu lạ. Đức Giê-su cũng đã làm nhiều dấu lạ, giống như Đức Chúa trong biến cố xuất hành và trong sa mạc, nhưng họ vẫn cứ đòi hỏi dấu lạ. Dưới chân Thập Giá, họ vẫn cứ đòi hỏi Đức Giê-su: “Xuống khỏi Thập Giá đi, để chúng tôi thấy, chúng tôi tin” (Mt 27, 42).
Vấn đề của người Do Thái cũng là vấn đề của con người thuộc mọi thời: người ta luôn bị lôi cuốn bởi các dấu lạ, và dấu lạ có nguy cơ trở thành đối tượng của lòng ham muốn, vì thế sẽ không bao giờ là đủ, thay vì dấu lạ là dấu chỉ dẫn đến việc trao ban lòng tin. Bởi vì, dấu lạ xẩy ra một lần và một nơi, nhưng lòng tin được trao ban ở mọi lúc mọi nơi, vào những ngày có dấu lạ cũng như những ngày bình thường và cà những ngày đầy thách đố nữa. Và như kinh nghiệm cho thấy, những ngày bình thường và những ngày sóng gió mới là nhiều. Như chính lịch sử Dân Chúa cho thấy:
Tôi tự bảo: điều làm tôi đau đớn
là Đấng Tối Cao chẳng còn ra tay nữa.
là Đấng Tối Cao chẳng còn ra tay nữa.
(Tv 77, 11)
Và đó chính là hình ảnh nói lên lịch sử của mọi dân tộc và của từng người trong chúng ta. Nhưng khi tin, chúng sẽ thấy mọi sự đều lạ, như chính Đức Giê-su đã nói: “Lòng tin của con đã cứu con” (Lc 7, 50), và “Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì dù anh em có bảo cây dâu này: ‘Hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc’, nó cũng sẽ vâng lời anh em” (Lc 17, 6).
- Triều Đại Thiên Chúa
Về mầu nhiệm Triều Đại Thiên Chúa, người ta cũng cho rằng, đó phải là những gì cả thể và phi thường. Nhưng, Đức Giê-su nói rằng thực tại thần linh này không đến một cách hiển nhiên có thể quan sát được. Thế mà, không hiển nhiên và không quan sát được, thì không thể ngoại thường hay lạ lùng xét theo bề ngoài được! Thực vậy, Đức Giê-su nói, một đàng, Triều Đại Thiên Chúa không đến một cách hiển nhiên để có thể quan sát được:
Triều Đại Thiên Chúa không đến như một điều có thể quan sát được. Và người ta sẽ không nói: “Ở đây này!” Hay “Ở kia kìa!”
(c. 20-21)
Nhưng đàng khác, Đức Giê-su nói: “Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông”; và quả thực, Người đang hiện diện ở giữa họ, và Người là Đấng làm cho Nước Thiên Chúa đến và đồng thời, Người là hiện thân của Nước Thiên Chúa. Thực vậy, sự hiện diện, lời nói và hành động của Người, một khi được đón nhận, sẽ có sức mạnh tái sinh chúng ta trở thành những người con đích thật của Thiên Chúa, và trở thành anh chị em đích thật của nhau. Và đó chính là Triều Đại Thiên Chúa.
Như thế, Triều Đại Thiên Chúa cũng đang ở giữa chúng ta, ở đây và lúc này, vì Đức Ki-tô cũng đang hiện diện, ban lời hằng sống nuôi dưỡng và tái sinh chúng ta.
- Ngày của Con Người
Tuy nhiên, về Ngày của Con Người, theo Đức Giê-su, đó sẽ là biến cố cả thể:
Vì ánh chớp chói lòa chiếu sáng từ phương trời này đế phương trời kia thế nào, thì Con Người cũng sẽ như vậy trong ngày của Người.
(c. 24)
Như thế, Ngày của Con Người có tầm mức sáng tạo, và sẽ là sáng tạo mới. Tuy nhiên, con đường dẫn đến sáng tạo mới, lại là con đường của Thập Giá, nghĩa là con đường của thân phận con người, một thân phận bi đát nhất, như chính Đức Giê-su loan báo:
Nhưng trước đó, Người phải chịu đau khổ nhiều và bị thế hệ này loại bỏ.
(c. 25)
Có thể nói, cách đến của Triều Đại Thiên Chúa và của Con Người, là cách của các “dụ ngôn”; vì:
- Đó là con đường của những thực tại sáng tạo: của hại lúa mì, của hạt cải, của nắm men…
- Đó là con đường của sự sống: phải cho đi sự sống của mình, để sự sống mới phát sinh, như thánh Giuse, như Đức Maria và như mọi người mẹ; để phục vụ sự sống, phải cho đi sự sống.
- Và đó là con đường của chính thân phận phải chết của con người.
Nhưng chính ngang qua con đường của các dụ ngôn mà những điều lạ lùng và kì diệu sẽ diễn ra, và những điều lạ lùng và kì diệu đã loan báo mầu nhiệm Vượt Qua rồi: Thiên Chúa có thể làm phát sinh sự sống từ sự chết, từ nơi ngõ cụt, bế tắc, từ những điều không thể; như lời Thánh Vịnh đã nói:
Đường của Chúa băng qua biển rộng,
mà chẳng ai nhận thấy vết chân Ngài.
mà chẳng ai nhận thấy vết chân Ngài.
(Tv 77, 20)
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc