Thứ Bảy, 7 tháng 11, 2015

5 Phút cho Lời Chúa 7/11/2015

Filled under:

LỖ HỔNG LƯƠNG TÂM
“Ai trung tín trong việc rất nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn; ai bất lương trong việc rất nhỏ, thì cũng bất lương trong việc lớn.” (Lc 16,10)
Suy niệm: Nguyên nhân của những vụ sụp đổ nhà cửa, cầu cống, hay các công trình mau chóng xuống cấp lắm khi không vì khả năng giới hạn của các kỹ sư, đội ngũ thi công mà nguyên nhân sâu xa lại là do “công trình bị rút ruột” từ những “lỗ hổng lương tâm.” Nếu “lỗ nhỏ làm đắm thuyền,” thì “lỗ hổng lương tâm” còn gây nên những hậu quả khôn lường: không chỉ là vài cây cầu, dăm ba công trình với một số nhân mạng, mà còn cả một truyền thống giá trị của dân tộc. Đối với Chúa Giê-su, lương tâm là tiêu chuẩn trước hết để thẩm định một con người. Nếu một người trong việc nhỏ, đã gian dối, bất trung, thì thật khó tin nổi người ấy sẽ ngay thật trong việc lớn hơn; nếu trong việc nhỏ, họ trung tín, ngay thẳng, ấy là dấu chỉ họ có thể trung thực trong việc lớn hơn. Hơn thế nữa, họ đáng được tin tưởng khi họ làm việc như đang ở trước mặt Thiên Chúa.
Mời Bạn: Ai cũng có một số công việc bổn phận, một số trách nhiệm. Có những việc cá nhân, có những việc liên quan đến người khác. Nếu bạn thiếu lương tâm, hậu quả gì sẽ xảy ra?
Chia sẻ: Trước thông tin về những tai nạn ra do tắc trách, bạn nghĩ gì về lương tâm công giáo trong nghề nghiệp của bạn?
Sống Lời Chúa: Xét mình về những sai sót trong việc bổn phận của bạn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin thương thứ tha những lầm lỗi của các linh hồn trong luyện ngục và những lỗi lầm của con trong việc bổn phận. Xin cho con biết thi hành bổn phận con với tinh thần trách nhiệm để làm vinh danh Chúa và cứu rỗi các linh hồn.

THÁNH LAZARÔ GALIZIÔ HIỂN TU
Một môn đệ của thánh Lazarô Galiziô đã viết lại cuộc đời của ngài và để lại cho ta tài liệu chắc chắn về cuộc đời thánh nhân. Cuốn tài liệu đó đã xuất bản lần đầu tiên vào năm 1910. Căn cứ vào tài liệu đó, người ta được biết: Thánh Lazarô Galiziô sinh năm 960 tại một làng gần Magnêsia. Khi lên sáu tuổi, Lazarô được một linh mục coi sóc, và ba năm sau lại được gửi đi thụ huấn với một viên chưởng khế. Đến tuổi thanh niên, vì ham muốn được đi viếng đất thánh, Lazarô đã bỏ nhà trốn đi. Chẳng bao lâu ngài bị ông chú bắt về và giữ lại ở nhà hai năm, rồi sau đem gửi vào một nhà dòng. Vẫn nuôi lòng ham muốn đi viếng đất thánh, nên sau ba năm, ngài lại trốn đi một lần nữa, nhưng rồi cũng bị bắt trở về. Mười tháng sau, ngài lại tìm cách trốn đi, và lần này thì thoát thân được. Trước khi đi Giêrusalem, Lazarô đến tu tại một nhà dòng gần Attalia và ở đây ngài được mặc áo dòng. Sau khi ở đó bảy năm để tập sống hãm mình, thánh nhân lên đường đi Giêrusalem, và khi đến nơi ngài xin tu tại nhà dòng thánh Sabas, kế đến dòng thánh Êlimô rồi trở lại dòng thánh Sabas và được thụ phong linh mục. Khi quân Sarasinô tràn đến đất thánh, ngài trốn về quê hương. Từ đây Lazarô bắt chước thánh Simong, sống khổ hạnh trên một cây cột. Ngài ăn uống rất kham khổ, thường mỗi bữa chỉ ăn bánh khô, rau và nước lã. Đêm đến ngài ngủ rất ít và luôn mang dây xích sắt trong mình. Chẳng bao lâu, nhiều người biết tiếng và tìm đến viếng ngài. Nhiều thanh niên đến xin làm môn đệ tập sống theo lối khổ hạnh của ngài.
Đường lối tu đức và nếp sống khổ hạnh của ngài có thể được tóm tắt bằng những nét sau đây: ngài tránh đi lại với nhiều người, nhất là những người còn trẻ, đôi mắt ngài bao giờ cũng nhìn xuống. Giây phút ban mai ngài dâng mình cho Chúa một cách sốt sắng. Chiều đến xét mình kỹ càng về những việc trong ngày. Y phục phải hết sức tầm thường. Ngày kia, một người đến thăm ngài nói: "Leo được lên đến đây thật khó khăn!". Ngài trả lời: "Đường dẫn đến đời sống trường sinh tất nhiên phải khó khăn, hiểm trở và lao nhọc". Nhân dịp mừng lễ một vị thánh, người ta xin ngài giảm bớt kỷ luật thường ngày để mừng lễ, ngài trả lời: "Thánh nhân đã nên thánh không phải nhờ một đời sống dễ dãi, nhưng nhờ chay tịnh và canh thức, ta phải bắt chước đời sống của ngài".
Lần khác, ngài nói để khuyến khích môn đệ: "Thiên Chúa không đòi hỏi các con gì hơn là biết cảm tạ Chúa, biết sống kiên nhẫn, không thối chí lùi bước chốn đã bỏ ra đi. Hãy kiên tâm sống ở nơi mà ơn thánh đã dẫn các con tới và hằng ngày chờ giờ chết đến. Nếu thần chết đến trong khi các con đang suy nguyện như vậy, thì các con không còn sợ hãi gì". Ngài lợi dụng mọi hoàn cảnh để dạy cho người ta những bài học đạo đức thích hợp. Lần kia, một phụ nữ ở Constantinôpôli, vì quá ham mê đi viếng thánh địa nên cải trang làm một thầy dòng. Trên đường đến đất thánh "thầy dòng" giả trang ấy đến thăm thánh Lazarô. Nhận ra sự giả dạng bề ngoài của phụ nữ ấy, thánh Lazarô nói: "Này con, con hãy trở về, đừng đi nữa. Sự giả dối bề ngoài của con, sẽ kéo theo nhiều tội lỗi. Hãy nhớ rằng: ở đâu người ta ăn ở xứng đáng thì đó là Giêrusalem!". Dạy về tính quá tự phụ hão huyền về các nhân đức của ta, ngài nói: "Chúng ta như chì mà những lời tâng bốc, khen ngợi sẽ làm chúng ta chảy ra". Thánh nhân còn có tài chinh phục những kẻ hà tiện, trộm cắp, tội lỗi. Ngài khéo dùng lời khuyên nhủ những người đau ốm, bệnh tật và cả những người có lòng đạo đức sốt sắng. Đối với anh em tu sĩ còn trẻ tuổi, ngài rất có lòng khoan dung. Là bạn của người nghèo khó, ngài dễ tha thứ cho những người "vì túng thiếu mà phải làm liều". Thực vậy, một hôm có người giúp việc lấy trộm của nhà dòng rồi trốn đi. Ngài nói với thầy quản lý: "Thôi, anh ta cũng nghèo túng ấy mà, đừng đuổi bắt anh ta làm gì!".
Để lời nói đi đôi với việc làm, chính ngài cũng sống một cuộc đời rất khắc khổ, dãi dầu mưa nắng. Ngài mặc áo bằng da loài vật, đầu để trần và đi chân không. Ngài ăn chay nhiều ngày trong tuần; đêm đến lại thức cầu nguyện lâu giờ. Những hãm mình phạt xác đó, ngài còn chưa lấy làm đủ, nên còn mang trong mình một xích sắt nặng, như để nhắc nhở mình phải luôn kiềm chế xác thịt. Ngoài ra ngài còn nghĩ ra nhiều thứ hãm mình phạt xác khác nhau nữa. Suốt đời ngài đã sống một đời sống khổ hạnh gương mẫu. Tám ngày trước khi chết, ngài cho gọi thầy Nicolas thư ký của dòng đến bảo chép lại luật dòng và ghi chép những lời giải thích xác đáng rõ rệt hữu ích. Lúc ngài gần sinh thì, các tu sĩ tụ tập chung quanh ngài và nói: "Xin cha tha những lầm lỗi cho chúng con". Ngài cố gắng nâng cánh tay phải lên, môi run run đọc lời tha tội; rồi một tu sĩ đỡ tay ngài để ký vào bản luật dòng. Ngài qua đời ngày Chúa nhật mồng 07 tháng 11 năm 1051.
Giáo hội mừng lễ thánh nhân vào ngày 07 tháng 11 hằng năm.