Đức Giê-su nói với mọi người rằng: “Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai liều mất mạng sống mình vì Tôi thì sẽ cứu được mạng sống ấy.” (Lc 9,24)
Suy niệm: Hình ảnh chàng trai trẻ trong “Chinh phụ ngâm” thật hào hùng:
“Chí làm trai dặm nghìn da ngựa
Gieo Thái sơn nhẹ tựa hồng mao”
Thân nam nhi dám vì đại nghĩa là bảo vệ quê hương giống nòi, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng, sẵn sàng xông pha trận mạc nơi biên thuỳ, chết lấy da ngựa bọc thây, thế mới là người có chí khí, đáng mặt anh hùng hào kiệt. Thế thì các vị tử đạo, những người vì cái nghĩa lớn hơn, đó là làm chứng cho Đức Ki-tô, mà dám liều mạng sống mình, những người đó chẳng những đáng được tôn vinh mà còn được tưởng thưởng bội hậu: họ sẽ cứu được mạng sống mình và được sống hạnh phúc đời đời ở bên Thiên Chúa.
Mời Bạn: Trước khi dám chết vì Đức Ki-tô, các vị tử đạo đã phải dám sống vì Ngài. Chết vì Đức Ki-tô thì chỉ có một lần. Nhưng sống vì Đức Ki-tô, bạn có thể thể hiện mỗi ngày, bao lâu bạn còn sống trên đời này, mỗi lần một mới mẻ hơn và sâu sắc hơn. Cụ thể là hôm nay, ngay bây giờ, bạn làm gì để sống cho Đức Ki-tô, để làm chứng nhân cho Ngài?
Chia sẻ: Thế nào là một hành vi làm chứng cho Đức Ki-tô?
Sống Lời Chúa: Làm thật tốt công việc bổn phận của bạn ngày hôm nay để làm chứng cho Đức Ki-tô.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho chúng con biết tiếp tục công cuộc rao giảng Tin Mừng của các bậc tiền nhân, biết làm chứng cho Chúa Giê-su Ki-tô bằng đời sống tin yêu và phó thác, biết nói về Chúa cho đồng bào lương dân, biết cầu nguyện và hy sinh cho việc truyền giáo. Amen.
THÁNH ALBERTÔ CẢ
GIÁM MỤC TIẾN SĨ
GIÁM MỤC TIẾN SĨ
Đang khi Giáo hội phải đương đầu với những lý thuyết sai lầm, thì thánh Albertô đã xuất hiện như linh hồn của phong trào cải cách triết học và thần học công giáo. Thật vậy, thánh Albertô là một học giả uyên bác đã suốt đời dùng tài đức của mình để tô điểm cho học thuyết của Giáo hội thêm đẹp đẽ lộng lẫy…
Người ta biết rất ít về những quãng đời thơ ấu của thánh nhân, thậm chí đến ngày sinh cũng không được xác định rõ ràng. Chỉ biết thánh nhân sinh ra tại Laningen, thuộc địa phận Augsbourg, trong xứ Bavière quãng năm 1206. Thân phụ là công chức cao cấp trong hoàng triều. Vì thế Albertô có thừa phương tiện để trở thành một anh tài lỗi lạc. Thiên tài của thánh Albertô đã xuất hiện ngay từ những ngày còn nhỏ. Sống giữa cảnh cỏ cây mây nước hay bất cứ hiện tượng thiên nhiên nào, thánh nhân cũng tìm thấy ở đấy một ý nghĩa cao cả. Thánh nhân coi vũ trụ thiên nhiên như một quyển sách khổng lồ ca tụng vinh quang và quyền phép Thiên Chúa. Vì thế thánh nhân thường lắng nghe thiên nhiên để học biết và yêu mến Người nhiều hơn.
Lớn lên, Albertô được một người cậu đưa sang Bôlônia theo học. Ở đây có lẽ thánh nhân đã cảm phục tài đức của chân phước Giorđanô de Saxe, lúc ấy đang làm giảng sư tại đại học đường Bôlônia. Chân phước Giorđanô tìm hết cách thuyết phục Albertô nhập dòng thánh Đaminh. Năm 1223, Albertô di chuyển sang Pađôva với một vài sinh viên khác.
Cha Giorđanô cũng đi theo và tháng 7 năm 1223, ngài đã chinh phục được Albertô nhập dòng.
Bẵng đi một thời gian khá dài trong dòng Đaminh để trau dồi kiến thức sửa soạn cho một sự nghiệp vĩ đại sau này. Ngày đêm thánh Albertô chuyên chú vào việc học biết yêu mến và làm nhiều người yêu mến Chúa Kitô. Lòng nhiệt thành lúc nào cũng như trào lên một tình mến dạt dào: "Lạy Chúa Giêsu Kitô, xin lắng nhe tiếng khóc than, trong bãi sa mạc đau thương con kêu xin Chúa, xin Chúa cho con khỏi bị những cám dỗ huyền hoặc về những vinh hoa phú quý của gia đình và những lôi cuốn của khoa học". Thánh nhân luôn lo mình không làm tôi Chúa cho đủ, sợ không trung thành đến cùng. Vì thế trong các bài giảng, ngài thường nói với Chúa hay với Đức Mẹ bằng một tâm tình đầy trìu mến.
Những dòng sau đây là một trong rất nhiều bằng chứng chúng ta có thể nêu lên. Lần giảng về Đức Mẹ nhân lành, thánh nhân kết thúc: "Bao giờ chúng con mới thấy gương mặt hiền từ mà chúng con ao ước bấy lâu nay? Bao giờ chúng con mới được ở gần Mẹ, một người Mẹ mà chúng con nhiều lần bất hiếu? Bao giờ chúng con mới được thấy Mẹ! Chúng con lo sợ không biết có đủ kiên nhẫn mà đợi chờ. Và ước chi trong khi chờ đợi ngày đêm, chúng con biết khóc than tội lỗi chúng con, cho tới khi nào chúng con được nghe tiếng êm ái dịu dàng của Chúa: "Hỡi con, đây là Mẹ con".
Thời kỳ chuẩn bị đã xong, năm 1228, sau khi chịu chức linh mục, thánh Albertô được cử làm giáo sư đại học đường Cologne. Đây là cơ hội thuận tiện để thánh nhân đón nhận và rửa tội cho những triết thuyết sai lầm của ngoại giáo và mặc cho chúng một bộ áo Kitô giáo. Tiếp đó ngài lần lượt dạy học ở Fribourg, Ratisbona và Strasbourg. Qua năm 1245, cha Albertô lại được cử giữ chức giảng sư tại đại học đường Paris. Các môn sinh của ngài có nhiều người rất xuất sắc. Trong đó thánh Tôma Aquinô là một nhân tài lỗi lạc mà thánh nhân đã nhận thấy ngay từ lúc Tôma mới bắt đầu thụ giáo. Lần đầu tiên khi Tôma đến trường để nghe cha Albertô dạy học, chúng bạn thấy Tôma lầm lì ít nói thì cho ngài là bò câm. Nhưng thánh Albertô nhận thấy nơi Tôma có một sứ mệnh cao cả, ngài đã quay xuống nói với các sinh viên: "Phải, các bạn gọi Tôma là bò câm, nhưng con bò câm này sẽ rống vang khắp thiên hạ". Quả như lời thánh Albertô tiên đoán, thánh Tôma đã trở thành tiến sĩ của Giáo hội, một trong những học giả uyên thâm nhất của nhân loại.
Ở Paris, thánh Albertô thu hút được nhiều sinh viên đến nỗi có lần ngài phải đứng ngoài phố mà dạy vì trong trường không đủ chỗ dung nạp sinh viên. Tiếp xúc với ngài, sinh viên thích thú không phải chỉ vì được hấp thụ những tư tưởng cao siêu, mà còn vì nơi ngài chiếu sáng nhiều nhân đức, nhất là tình thương của một người cha nhân hậu. Ngài sống với sinh viên bằng tình cha con, thầy trò, và bằng hữu chí thân. Thánh Albertô cũng là trung gian uy tín dàn xếp những xích mích giữa chính quyền và giáo quyền.
Năm 1254, thánh Albertô được cử giữ chức bề trên phụ tỉnh Đaminh tại Teutonica. Trong nhiệm vụ mới, ngài cố gắng canh tân lại một ít tập tục đã bị đời sống vật chất làm suy giảm. Ngài cũng đứng ra dàn xếp cuộc tranh luận giữa các linh mục triều và các cha dòng về vấn đề cạnh tranh ghế giáo sư nơi đại học.
Khi mãn nhiệm kỳ bề trên, thánh Albertô được Đức Giáo Hoàng chọn làm Giám mục địa phận Ratibona. Bản tính thích thầm lặng trong chiêm niệm và nghiên cứu thần học, nên khi nghe tin được bổ làm Giám mục, ngài hết sức buồn rầu.
Nhưng vì tinh thần vâng phục và yêu mến các linh hồn, năm 1260, thánh nhân lĩnh nhận chức Giám mục. Vừa về địa phận, thánh Albertô đã gặp phải nhiều khó khăn. Trước hết ngài phải trang trải công nợ do các Giám mục trước còn để lại. Thứ đến thánh nhân phải đau khổ khi nhìn thấy giáo dân sống xa hoa trái đức công bằng bác ái. Nhân tâm bạc bẽo, ngày về nhận địa phận, Đức Giám mục không được mấy người tiếp đón và thực lòng cộng tác, chỉ vì ngài không thể chiều theo nếp sống xa hoa của họ. Tuy nhiên, chỉ trong vòng mấy năm, thánh Albertô đã biến đổi được bộ mặt sống của địa phận: Ngài thiết lập và trùng tu nhiều nhà dòng, nhiều cơ sở từ thiện và giáo dục, tổ chức nhiều phong trào và đoàn thể mộ đạo, ngài tận tụy làm việc cho địa phận, tới khi cảm thấy tuổi già sức yếu ngài mới tìm người kế vị và sang Rôma xin Đức Giáo Hoàng cho từ chức để trở về nhà dòng. Hiểu hoàn cảnh và nỗi lòng của người con thân yêu, Đức Giáo Hoàng Ubanô IV đã cho ngài được như ý nguyện.
Nhưng năm 1263, Đức Thánh Cha lại yêu cầu thánh Albertô đi chiêu mộ nghĩa quân thánh giá trong những miền nói tiếng Đức. Công việc không kết quả bao nhiêu, mặc dầu Đức Giáo Hoàng đã ban nhiều sắc chỉ kêu gọi nhân tâm. Sau đó thánh Albertô lại tiếp tục công việc sách vở. Thánh nhân chỉ nghỉ làm việc trước khi chết mấy ngày. Cuối đời, ngài còn viết bộ Tổng luận thần học để bênh vực một số tư tưởng của thánh Tôma đang bị chỉ trích. Thế rồi một hôm đang đứng giảng trước công chúng, tự nhiên thánh nhân mất hết trí nhớ, và ngã bệnh nặng cho tới ngày 15 tháng 11 năm 1280 thì qua đời êm ái, Đức Giáo Hoàng Piô XI đã phong thánh và đặt thánh Albertô làm tiến sĩ Giáo hội năm 1931.