"Tại sao chúng em phải học tất cả những điều ngu ngốc này?" - trong tất cả những câu hỏi và phản đối mà tôi đã nghe từ học trò của mình suốt bao nhiêu năm dạy học, đây là câu thường xuyên nhất. Tôi trả lời học trò của mình bằng một câu chuyện sau:
"Một đêm, một đám người du mục chuẩn bị nghỉ đêm giữa đồng thì bất ngờ họ thấy mình bị bao quanh bởi một luồng sáng. Họ tin là thiên thần đang đến với họ. Họ chờ đợi với niềm tin rằng thiên thần sẽ nói cho họ những điều quan trọng chỉ dành riêng cho họ thôi.
Một giọng nói vang lên: 'Hãy nhặt tất cả những viên sỏi xung quanh. Bỏ chúng vào trong túi mang theo bên mình. Hãy đi một ngày và đêm mai các anh sẽ thấy niềm vui và cả nỗi buồn'.
Sau khi thiên thần biến mất, những người du mục ngạc nhiên và thất vọng. Họ chờ đợi một sự khám phá lớn, những bí mật giúp họ trở nên giàu có, mạnh khỏe và làm bá chủ thế giới. Nhưng thay vào đó họ chỉ phải làm một việc cỏn con không có ý nghĩa gì cả. Dẫu sao, nghĩ đến lời nói của thiên thần, mỗi người cũng nhặt vài viên sỏi rồi bỏ vào túi dù không hài lòng chút nào.
Đi suốt một ngày, khi đêm đến họ dừng chân cắm trại. Mở túi ra họ thấy những viên sỏi đã trở thành những viên kim cương. Họ vui mừng vì có kim cương, nhưng cũng buồn tiếc đã không lấy thêm vài viên sỏi nữa".
Tôi có một học trò, tên Alan, từ thời kỳ đầu tiên đi dạy học đã chứng minh câu chuyện trên là có thật. Khi Alan học lớp 8, cậu bé này rất giỏi "gây chuyện" và hay bị đuổi học. Cậu ta đã trở thành một tên "anh chị" trong trường và trở thành bậc thầy về "chôm chỉa".
Mỗi ngày tôi cho học trò học thuộc lòng những câu danh ngôn. Khi điểm danh, tôi đọc đoạn đầu của một câu danh ngôn. Để được điểm danh, học trò phải đọc nốt phần cuối của câu danh ngôn.
- Alice Adams - Không có thất bại ngoại trừ...
- ... không tiếp tục cố gắng , em có mặt thưa thầy Schlatter.
Như vậy đến cuối năm, những học trò của tôi nhớ được khoảng 150 câu danh ngôn. Ví như:
- Nghĩ bạn có thể, nghĩ bạn không thể - cách nào cũng đúng!
- Nếu bạn thấy chướng ngại, bạn đã rời mắt khỏi đích đến.
- Người cay độc là người biết giá cả mọi thứ nhưng chẳng biết giá trị của cái gì cả.
Và tất nhiên câu danh ngôn của Napoleon Hill: "Nếu bạn nghĩ ra nó, và tin vào nó, bạn có thể đạt được nó".
Alan là người phản đối nhiều nhất về cách học này - một ngày kia cậu bị đuổi khỏi trường và biến mất suốt 5 năm. Một ngày nọ, cậu ta gọi điện thoại cho tôi. Cậu vừa được bảo lãnh ra khỏi trại cải tạo.
Sau khi cậu ấy bị ra tòa và cuối cùng bị chuyển đến trại cải tạo trẻ vị thành niên vì những điều mình đã làm, cậu chán ghét chính bản thân mình và cậu đã lấy dao cạo cắt cổ tay mình.
Cậu kể: "Thầy có biết không, em nằm đó khi mà sự sống đang chảy ra khỏi thân thể em, em chợt nhớ đến một câu danh ngôn thầy đã bắt em chép đi chép lại 20 lần một ngày: "Không có sự thất bại trừ việc không tiếp tục cố gắng". Và đột nhiên em thấy nó có ý nghĩa. Nếu em còn sống, em không thất bại, nhưng nếu em để cho mình chết, em sẽ thất bại hoàn toàn. Vì thế với sức lực còn lại em gọi người tới cứu và bắt đầu một cuộc sống mới."
- Bạn thân mến, khi bạn nghe câu nói ý nghĩa nào đó đó, nó là viên sỏi. Khi bạn cần một chỉ dẫn vào thời điểm quan trọng của cuộc đời, nó trở thành viên kim cương. Và như tôi nói với bạn, hãy tìm cho mình thật nhiều viên sỏi, và bạn sẽ nhận được những viên kim cương.
Trích trong Hạt Giống Tâm Hồn
xem xiếc cùng cha
Lúc còn là một thiếu niên, một lần, tôi được cha dẫn đi xem xiếc. Khi nhập vào hàng người đang xếp dài trước quầy vé, tôi chú ý đến một gia đình đứng ngay trước chúng tôi. Họ có đến những 8 đứa trẻ mà đứa lớn nhất có lẽ chưa đến 12 tuổi. Nhìn dáng vẻ những đứa bé ấy có thể đoán được gia đình chúng không giàu có.
Quần áo chúng không phải loại đắt tiền nhưng sạch sẽ và tươm tất. Và đó là những đứa trẻ biết cách cư xử. Cứ nhìn cái cách từng 2 đứa một nắm tay nhau xếp hàng sau bố mẹ chúng thì rõ. Chúng nói huyên thuyên một cách đầy phấn khích về những chú hề, những con voi và những trò xiếc khác mà chúng sẽ được xem tối nay. Rõ ràng chúng chưa từng đến rạp xiếc bao giờ. Buổi tối ngày hôm nay thật sự rất đặc biệt với cả 8 đứa trẻ ấy.
Cha mẹ chúng đang đứng ở đầu hàng với vẻ mặt hãnh diện nhất mà họ có thể. Người phụ nữ nắm lấy tay chồng, nhìn ông một cách dịu dàng. Ngay lúc ấy, người bán vé ngẩng lên và hỏi người đàn ông số vé ông ta cần. Người đàn ông trả lời đầy hứng khởi: “Cho tôi 8 vé trẻ con, 2 vé người lớn để tôi có thể dẫn cả nhà mình vào xem xiếc.”
Nhưng, khi người bán vé báo giá của 10 chiếc vé, bàn tay người vợ đột ngột rời khỏi tay chồng, đầu bà ta gục xuống. Mặt người đàn ông hơi tái đi. Ông ta tiến lại quầy vé gần hơn và hỏi : “Anh nói giá bao nhiêu?”
Người bán vé bình thản lập lại giá của 10 chiếc vé, nhưng người đàn ông không có đủ tiền. Làm sao ông ta có thể quay lại và bảo với 8 đứa con của mình rằng ông ấy không đủ tiền để dẫn chúng vào xem xiếc?
Chứng kiến tất cả những gì xảy ra, cha tôi lặng lẽ lấy từ trong túi ra tờ 20 đô và thả xuống đất. Sau đó, ông cuối xuống nhặt lên và vỗ vai người đàn ông, nói rất tự nhiên: “Xin lỗi, thưa ông, cái này vừa rơi ra từ túi ông”.
Người đàn ông hiểu những gì đang diễn ra. Ông không cầu xin của bố thí nhưng rõ ràng ông có thể đoán đây là sự giúp đỡ trong một tình huống ngặt nghèo. Bối rối trong giây lát rồi ông ấy nhìn thẳng vào mắt cha tôi, chụp lấy tay cha bằng cả hai bàn tay như muốn vắt kiệt tờ 20 đô, một giọt nước mắt rơi lặng lẽ xuống má, đôi môi mấp máy một cách khó khăn: “Cảm ơn, cảm ơn ông rất nhiều. Điều này thật sự ý nghĩa với gia đình tôi lúc này”.
Sau khi nhìn cả gia đình người đàn ông khuất sau cánh cổng rạp xiếc, tôi và cha đón xe buýt về nhà, đơn giản bởi vì số tiền còn lại trong túi cha không đủ để mua vé cho hai cha con. Thật sự thì chúng tôi cũng chẳng dư dả gì! Nhưng tôi không hề giận cha. Những gì cha đã làm lúc đó đáng giá hơn cả ngàn buổi xem xiếc.