Thứ Ba, 4 tháng 9, 2018

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - NGÀY 04/09/2018

Filled under:

Lời của Người có uy quyền(Lc 4, 31-37)
31 Người xuống Ca-phác-na-um, một thành miền Ga-li-lê, và ngày sa-bát, Người giảng dạy dân chúng.32 Họ sửng sốt về cách Người giảng dạy, vì lời của Người có uy quyền.
33 Trong hội đường, có một người bị quỷ thần ô uế nhập, la to lên rằng:34 “Ông Giê-su Na-da-rét, chuyện chúng tôi can gì đến ông, mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa! “35 Nhưng Đức Giê-su quát mắng nó: “Câm đi, hãy xuất khỏi người này! ” Quỷ vật người ấy ngã xuống giữa hội đường, rồi xuất khỏi anh ta, nhưng không làm hại gì anh.
36 Mọi người rất đỗi kinh ngạc và nói với nhau: “Lời ấy là thế nào? Ông ấy lấy uy quyền và thế lực mà ra lệnh cho các thần ô uế, và chúng phải xuất! “37 Và tiếng đồn về Người lan ra khắp nơi trong vùng.
(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch CGKPV)
  1. Lời của Người có uy quyền
Bài Tin Mừng mở đầu và kết thúc với kinh nghiệm « sửng sốt » và « kinh ngạc », khi nghe lời của Đức Giê-su và chứng kiến sức mạnh xuất phát từ lời của Người :
Họ sửng sốt về cách Người giảng dạy, vì lời của Người có uy quyền (c. 31)
Mọi người rất đỗi kinh ngạc và nói với nhau: « Lời ấy là thế nào? Ông ấy lấy uy quyền và thế lực mà ra lệnh cho các thần ô uế, và chúng phải xuất! » (c. 36)
Đức Giê-su vẫn tiếp tục giảng dạy trong Giáo Hội, trong bầu khí cầu nguyện của những kì tĩnh tâm với Lời Chúa, và nhất là trong Thánh Lễ. Xin cho chúng ta cũng có cùng một kinh nghiệm : « Lời của Người có uy quyền! » đối với nội tâm và cuộc đời của chúng ta.

  1. Sự Dữ mạnh hơn con người
Chúng ta hãy hình dung ra người bị quỉ thần ô uế nhập trong hội đường. Ngày nay, hiện tượng này hầu như không còn nữa ; nhưng không vì thế mà các quỉ thần ô uế không có mặt và hoạt động mạnh mẽ. Bằng chứng là đời sống của chúng ta hiện này bị chi phối nặng nề bởi những năng động xấu, đến từ ma quỉ : ghen tị, ghen ghét, nghi ngờ, nóng giận, gian dối, lừa đảo, không tôn trọng người khác, bạo lực, ham muốn vô độ, sợ chân lí, mưu đồ, bạo lực, phi nhân, thú tính… Trong những năng động xấu này, một đàng con người có trách nhiệm tạo ra và nuôi dưỡng ; nhưng đàng khác, những năng động chết chóc này lại mạnh hơn con người. như thánh Phao-lô nói : « vậy, tôi làm gì tôi cũng chẳng hiểu: vì điều tôi muốn, thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét, thì tôi lại cứ làm… Nếu tôi cứ làm điều tôi không muốn, thì không còn phải là chính tôi làm điều đó, nhưng là Tội vẫn ở trong tôi » (Rm 7, 15.20)
Theo cách này, ma quỉ đã biến người ta thành tay sai của chúng để gây ra bầu khí chết chóc và đi làm hại người khác. Cách ma quỉ ám người ta như thế còn nghiêm trọng hơn là dằn vặt thân xác ở bên ngoài, như trường hợp người bị quỉ thần ô uế nhập được kể lại trong bài Tin Mừng và như chúng ta thỉnh thoảng vẫn nghe nói có người này người kia bị quỉ ám.
Như thế, luôn luôn có Tội cư ngụ ở trong chúng ta và ám chúng ta. Đó không phải là những tội chúng ta đã phạm, nhưng là Tội (viết hoa), mà thánh Phao-lô mô tả như là một nhân vật, như là Ma Quỉ hay Sự Dữ. Và ai trong chúng ta cũng có sứ mạng « trừ quỉ » ở bình diện này, sau khi đã được chính sức mạnh của Lời Chúa giải thoát.

  1. Lời của Đức Giê-su mạnh hơn Sự Dữ
Tội hay Sự Dữ và tất cả những gì thuộc về Sự Dữ thì mạnh hơn chúng ta (x. St 3, 1-7) ; và chính bản thân mỗi người chúng ta có kinh nghiệm này. Chính vì thế, trong bài Tin Mừng, chính ma quỉ lên tiếng chứ không phải người bị quỉ ám ; người này không làm chủ được mình nũa. Chưa hết, dường như nó còn muốn thỏa hiệp với Đức Giê-su : « Ông Giê-su Nazareth, chuyện chúng tôi can gì ông, mà ông đến tiêu diệt chúng tôi ? » Nói cách khác, ma quỉ muốn sống theo nguyên tắc: nước giếng không phạm nước sông ; đôi bên thỏa hiệp, không cần giao chiến với nhau làm gì cho đôi bên đều bị tổn thất !
Nhưng Đức Giê-su là Sự Thiện, là Ánh Sáng, là Chân Lý, là Sự Sống tuyệt đối, vì thế Sự Dữ, Bóng Tối, Gian Dối và Sự Chết tất yếu phải bị tiêu tan. Bạo lực của Sự Dữ tất yếu bị tiêu tan không phải vì một bạo lực khác lớn hơn, như cách hành động của con người : để trấn áp một hỏa lực (nghĩa là bạo lực), con người phải dùng một hỏa lực lớn hơn. Bởi lẽ Thiên Chúa không thể là bạo lực, cho dù là bạo lực để bảo vệ sự thiện. Nói cách khác, Thiên Chúa không thể dùng phương tiện của Sự Dữ để chống lại Sự Dữ. Nhưng Sự Dữ bị tiêu tan là do bản chất. Hình ảnh áng sáng đẩy lùi một cách tự nhiên bóng tối minh họa rất đúng cách Thiên Chúa chiến thắng Sự Dữ, Thiên Chúa chiến thắng Sự Dữ không phải bằng bạo lực, nhưng bằng sự hiền lành, được tỏ hiện cách tuyệt đối nơi mầu nhiệm Thập Giá của Đức Ki-tô.
Sự Dữ mạnh hơn con người, nhưng lời của Đức Giê-su, Đấng Thánh của Thiên Chúa, mạnh hơn Sự Dữ. Sức mạnh của Lời Chúa không phải là sức mạnh của bạo lực, nhưng là sức mạnh của ánh sáng. Thực vậy, trong bài Đức Giê-su, Đức Giê-su quát mắng nó : « câm đi hãy xuất ra khỏi người này ». Lời của Đức Giê-su vẫn được ban cho chúng ta mỗi ngày, để giải thoát chúng ta khỏi quỉ thần ô uế, khỏi Sự Dữ, để làm cho chúng ta trở nên tự do, hiền lành, an vui và tin tưởng. Chúng ta hãy học đón nhận lời của Đức Giê-su vào trong lòng của chúng ta, vào trong gia đình, trong nhóm, trong cộng đoàn, trong xã hội của chúng ta, để cùng với các chứng nhân khác của Giáo Hội, chúng ta công bố :
Lời ấy là thế nào ? Ngài lấy uy quyền và thế lực mà ra lệnh cho các thần ô uế, và chúng phải xuất !
Nhìn lại đời mình, chúng ta thấy mình không nghe và không sống Lời Chúa được bao nhiêu ; chính khi đó, tất yếu chúng ta sẽ bị cho Sự dữ và những năng động của Sự Dữ ám chúng ta, nhập vào người chúng ta và thúc đẩy chúng ta hành động. Nhưng Lời Chúa hôm nay giúp chúng ta bình an và tin tưởng, bởi vì, nếu chúng ta yếu đuối và bất lực, thì Lời Chúa có sức mạnh đẩy lùi sự dữ ra khỏi nội tâm và cuộc sống của chúng ta và làm cho chúng ta được tái sinh trong tương quan mới với Chúa và với nhau.
Tương tự như trong mầu nhiệm Sáng Tạo, nhờ Lời Chúa mà cõi hỗn mang đã trở thành môi trường sống hài hòa, trật tự và đẹp đẽ, từ đó phát sinh sự sống và nơi đó sự sống được duy trì (x. St 1, 1-2, 4a). Sự sống của loài người và của từng người chúng ta sẽ tất yếu trở thành hỗn mang, nếu không được nuôi dưỡng bởi Lời Chúa. Như Đức Giê-su nói trong Bài Giảng Trên Núi :
Ai nghe những lời Thầy nói đây, mà chẳng đem ra thực hành, thì ví được như người ngu dại xây nhà trên cát. Gặp mưa sa, nước cuốn hay bão táp ập vào, nhà ấy sẽ sụp đổ, sụp đổ tan tành.
(Mt 7, 26-27)
* * *
Dưới ánh sánh của Lời Chúa trong Thánh Lễ này, chúng ta được mời gọi đọc lại đời mình, và nhận ra những thiếu sót trong việc nghe và sống Lời Chúa. Đó chính là nguyên nhân sâu xa gây ra nhiều khó khăn, bất ổn và xung khắc trong đời sống chung của chúng ta. Xin Chúa thương xót tha thứ cho chúng ta và giải thoát chúng ta khỏi những năng động xấu, những quỉ thần ô uế bằng Lời của Ngài.


Giuse. Nguyễn Văn Lộc, S.J.
Suy niệm 2

Có nhiều cách để bạn gây ấn tượng với người khác. Nhất là trong hình thức xã hội ngày nay, hình thái để gây ấn tượng với người khác cũng có thể rất dễ dàng và nhanh chóng. Mạng xã hội, phương tiện internet sẽ giúp ta truyền tải những thông tin ấn tượng về chính ta đi nhanh nhất có thể. Kết nối nhanh hơn, tốt hơn, sẽ giúp cho ta nắm bắt nhanh hơn và phản hồi cũng nhanh hơn. Bạn có thể gây ấn tượng với người khác bằng tài năng của chính bạn. Và qua truyền thông, bạn chinh phục được hằng triệu người xem thích bạn. Thế nhưng ngày hôm nay cũng không thiếu những người muốn nổi tiếng, muốn gây ấn tượng với người khác bằng những hành động hay lời nói phản cảm. Trên mạng xã hội mỗi ngày chúng ta thấy nhan nhản những cách muốn nổi tiếng bằng hình thức ấy. Hình như với truyền thông ngày nay, cái gì càng shock, càng dị, lạ thường, bất chấp bị phản đối, thì càng làm cho nhiều người biết đến. Điều này dẫn đến một kết luận căn bản: bạn thực sự hiện diện trong cuộc đời này như thế nào? Phẩm cách của bạn thực sự quan trọng hay là bạn chọn cách tồn tại hoặc hiện diện là quan trọng hơn? 

Những điều trên đây gợi ý cho chúng ta suy niệm một chút về Tin Mừng hôm nay. Rằng khi Chúa Giêsu đến Capharnaum, Người giảng dạy. Và dân chúng “sửng sốt” về cách người giảng dạy. Đồng thời, họ cũng kinh ngạc về giáo lý của Người, Người giảng dạy như Đấng có uy quyền. Tin Mừng còn đi xa hơn những nhận xét và cảm thức của dân chúng, khi nói về việc Chúa Giêsu đối diện với ma quỷ, thần ô uế, chúng đã phải thốt lên: “ông đến để tiêu diệt chúng tôi sao?”. Quả thực, Chúa Giêsu không chọn cách hiện diện ấn tượng, Người cũng không tự tạo ấn tượng qua lời nói cách phô trương hay dùng truyền thông như đòn bẩy càng làm cho danh tiếng của mình vang xa. Thực sự cái gì làm cho dân chúng sửng sốt kinh ngạc? Họ không kinh ngạc và sửng sốt vì con người Giêsu, giống như một rabbi. Người cũng giảng dạy giống như các rabbi Do Thái, bằng cách đứng lên giảng ở hội đường. Nhưng như một Đấng có uy quyền, năng lực của lời nói, phẩm cách của con người mang nội lực bên trong và nhất là quyền năng đích thực của Người đã làm họ bị ấn tượng mạng mẽ, bị lôi cuốn quá sức và từ đó họ nể phục Người, không chỉ là lời giảng mà còn là quyền năng xua trừ ma quỷ. 

Nhìn vào Chúa Giêsu, chúng ta suy nghĩ về chính chúng ta, suy nghĩ về cách thế hiện diện của chúng ta, và từ đó gợi ý cho chúng ta cách định vị chính chúng ta trong xã hội truyền thông đa chiều và đầy những cạm bẫy ngày hôm nay. 

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã đến và mang Tin Mừng của Chúa cho chúng con. Xin cho chúng con cũng biết sống và rao giảng Tin Mừng ấy trong thế giới truyền thông hôm nay. Amen. 
   


GKGĐ Giáo Phận Phú Cường