Thứ Tư, 12 tháng 9, 2018

Phút suy niệm ngày 12/9/2018

Filled under:

Phút suy niệm ngày 12/9/2018
Phúc cho các ngươi là những kẻ bây giờ phải khóc lóc, vì các ngươi sẽ được vui cười (Lc 6 20-26).
Đức Giêsu dạy bảo những lời phúc, họa trên là do bối cảnh xã hội Do Thái thời bấy giờ. Trước mắt họ đang có người nghèo khó, họ trông mong từng ngày được Thiên Chúa ghé thăm. Lại có những người giàu có ít quan tâm đến người chung quanh.
Chắc chắn Ngài không chủ trương nghèo khó và cũng không chê ghét người giàu có, Ngài chỉ muốn mọi người thương yêu nhau, chia sẻ cho nhau vật chất cũng như tinh thần để cùng vượt qua những ngày gian khổ bởi ách thống trị của Hoàng đế Roma.
Ngày nay ách thống trị vẫn còn nguyên, vẫn còn những hoàn cảnh thiếu may mắn, những thiên tai,nhân tai, những tai nạn không lường trước được, đưa nhiều người đến cảnh túng thiếu cùng cực.
Lạy Chúa, chúng con không giàu, cũng chẳng nghèo, nhưng chúng con biết chắc rất nghèo về tình yêu thương. Xin giúp chúng con biết sống yêu thương, quan tâm và chia sẻ với anh chị em, để cuộc sống của chúng con luôn là bài ca tôn vinh Thiên Chúa. Amen.



THÁNH MAURILLÔ, GIÁM MỤC HIỂN TU
Thánh Maurillô được dân chúng miền Anjou tôn sùng đặc biệt đến nỗi theo dòng thời gian, người ta đã thêu dệt vào đời sống thánh nhân nhiều mẩu truyện biến ngôn rất kỳ lạ. Dầu vậy, chúng ta vẫn còn may mắn giữ lại một tài liệu xác thực về đời sống thánh Giám mục, do chính thánh Mainbeuf ghi chép.
Theo thánh Mainbeuf, thì thánh Maurillô sinh vào quãng năm 364, dưới triều Hoàng đế Julianô. Ngài là trưởng nam của một gia đình giầu có nhất thành Milanộ Ở nhà cha mẹ cho đến khi mãn học ngài mới từ giã gia đình đến thọ giáo với thánh Martinô, lúc ấy đang làm Giám mục thành Turônê. Sau một năm luyện tập đường thiêng liêng, thánh Maurillô được lãnh các chức thánh và thụ phong linh mục, năm ấy cha vừa đúng 23 tuổi. Thánh Martinô muốn giữ cha Maurillô lại làm việc tại toà Giám mục, nhưng cha từ chối, lấy lý do vốn ước ao sống một đời vừa chiêm niệm vừa hoạt động mục vụ tại miền quê. Vì thế, cha được Đức giám mục cho phép đến truyền đạo tại Layon, nơi có rất nhiều dân ngoại giáo. Ở đây, ngài đã cầu nguyện xin Thiên Chúa lấy lửa trên trời xuống thiêu huỷ một đền thờ của dân ngoại, có tiếng là linh thiêng nhất trong nước. Trước phép lạ huy hoàng ấy, dân chúng khiếp sợ và hết lòng kính phục nhân đức của cha. Họ bảo cha là "một sứ giả của Thiên Chúa, lời cầu nguyện của cha thần thế không kém lời xin của tiên tri Êlia xưa". Vì thế họ bằng lòng để cha xây cất một tu viện và một nhà nguyện nhỏ trên chính khu đất của đền thờ đã bị phá hủy. Ngày nay ở đó, người ta còn giữ một hòn đá to, đặt tên là "hòn đá thánh Maurillô", vì họ nghĩ ngày xưa thánh nhân thường đứng trên hòn đá ấy để rao giảng cho dân chúng. Cha sống ở đây dòng dã hai mươi năm, làm nhiều phép lạ và đưa số đông dân chúng trở về với Giáo hội.
Năm 40 tuổi, cha Maurillô đã được kén chọn làm Giám mục trong một trường hợp đặc biệt. Lúc ấy, địa phận Angers đã mấy tháng trống ngôi Giám mục, hàng giáo sĩ cũng như giáo dân đang bận tìm người kế vị. Họ tổ chức nhiều tuần cầu nguyện sốt sắng để xin Chúa thương ban cho một vị Giám mục. Một hôm, như có sức gì thôi thúc, cha Maurillô nhất định đến nhà thờ chính toà dự lễ với giáo dân, và hôm ấy, Chúa nhận lời. Trong lúc nhà thờ chật ních giáo dân, mọi người sốt sắng tham dự thánh lễ, thì từ bên ngoài cha Maurillô khiêm tốn bước vào. Khi cha lên đến gần cung thánh, nhiều người bỗng thấy một chim bồ câu xuất hiện đỗ trên đầu ngài, và có ánh sáng toả quanh mình. Không còn nghi nan gì nữa, người ta kêu to: "Hoan hô đấng nhân danh Thiên Chúa hôm nay đến với chúng tôi". Vì thế, sau thánh lễ, giáo dân suy tôn cha Maurillô lên làm Giám mục. Biết không thể từ chối, cha phải nhận lời, và chịu chức có lẽ do tay thánh Giám mục Martinô năm 423.
Suốt 30 năm trên ngai Giám mục, thánh Maurillô đã làm nhiều việc đáng kể, mở rộng việc truyền giáo địa phận Angers. Việc làm của ngài thường được Chúa hướng dẫn và giúp đỡ bằng nhiều phép lạ. Người ta bảo: "Đời sống thánh Giám mục là một chuỗi nối kết những phép lạ". Thực vậy, theo những tài liệu còn lại, thì Đức giám mục Maurillô phục sinh nhiều người, chữa bệnh cho người ta và nói tiên tri không ít về số phận từng người, về tình trạng xã hội và về những thảm họa chiến tranh. Nhưng còn truyền tụng hơn cả là phép lạ thánh Giám mục khiến lửa đốt cháy khu rừng của dân ngoại, sát gần bờ sông Loire. Thay vào đó ngài cho xây một thánh đường nguy nga dâng kính Đức Mẹ. Vì thế, hết mọi cấp bậc đạo đời đều kính nể thánh Giám mục. Ngài thường được Hoàng đế và các lãnh chúa đến hội kiến về việc cai dân trị nước và kiến thiết xã hội. Nhiều vị thánh đồng thời như thánh Martinô, thánh Briciô thường đến thăm và đàm đạo với ngài về các vấn đề thiêng liêng.
Nói về tình hình địa phận Angers, với những công việc hoạt động truyền giáo của Đức giám mục Maurillô, cha Justô đã viết: "Thời thánh Maurillô là một hoàng kim thời đại. Vì suốt đời Giám mục của ngài, hàng giáo sĩ tiến bộ rất nhiều về nhân đức cũng như học thức, trong tinh thần hy sinh và hiệp nhất. Tất cả giáo dân đều thương yêu, giúp đỡ nhau thi hành bổn phận người công giáo. Nhân dân vui cảnh thái bình, không còn phải nơm nớp sợ chiến tranh tai biến". Thánh Mainbeuf đã muốn làm nổi bật sự nghiệp của thánh Maurillô trong khi so sánh ngài với nhiều nhân vật thời danh trong Cựu ước. Ngài gọi thánh Giám mục là tân Maisen, tân Giacóp, là Êlia thứ hai, là Gioan Tẩy Giả hiện hình… Quả không còn lời lẽ nào có thể tán dương nhân đức của vị Giám mục lão thành Maurillô hơn nữa.
Nhưng đối với thánh nhân, lời ca tụng cao đẹp hơn cả phải là chính lời Chúa đã thốt ra: "Phúc cho người đói khát sự công chính, vì sẽ được no đủ. Phúc cho người hay thương xót, vì sẽ được xót thương. Phúc cho người có lòng trong sạch, vì sẽ thấy Đức Chúa Trời".
Quả thế, sau hơn 50 năm lăn lộn với các linh hồn trong tình thương mến và dâng cả cuộc đời trong sạch cho Thiên Chúa, thánh Maurillô đã được Chúa gọi về trời hưởng dung nhan cực thánh. Hôm ấy là ngày 13 tháng 9 năm 453. Xác ngài được mai táng trong nhà thờ Angers, đến sau người ta lại đem đến nhà thờ Đức Mẹ do chính thánh nhân xây cất. Từ đó thánh đường này mang tên là nhà thờ thánh Maurillô. Suốt mấy thế kỷ sau, thánh đường này đã trở nên một nơi hành hương danh tiếng của khách thập phương.
Đời sống của thánh Maurillô nhắc chúng ta nhớ lại lời Chúa trong thánh vịnh: "Ta sẽ trung thành và từ bi cùng ngươi và, nhờ danh Ta, quyền thế ngươi sẽ lớn lên". (Tv 88,25).