Thứ Bảy, 8 tháng 9, 2018

Chúa nhật là ngày nghỉ để chiêm niệm, tạ ơn Chúa

Filled under:

Chúa nhật là ngày nghỉ
để chiêm niệm, tạ ơn Chúa

Ðức Thánh Cha Phanxicô: Chúa nhật là ngày nghỉ để chiêm niệm, tạ ơn Chúa.
Linh Tiến Khải
Vatican (Vat. 5-09-2018) - Ðối với các Ki tô hữu, ngày Chúa Nhật, ngày lễ nghỉ, là thời điểm để chiêm ngưỡng và chúc tụng, là ngày để cảm tạ Thiên Chúa vì sự sống, vì lòng thương xót, vì tất cả các ơn Chúa ban. Trung tâm ngày của Chúa là Thánh Thể có nghĩa là "tạ ơn".
Trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 05 tháng 09 năm 2018, Ðức Thánh Cha Phanxicô tiếp tục loạt bài giáo lý về Mười Ðiều Răn. Ngài đã quảng diễn ý nghĩa giới răn về ngày nghỉ ngơi,như viết trong chương 20 sách Xuất Hành: "Ngươi hãy nhớ ngày sa-bát, mà coi đó là ngày thánh. Trong sáu ngày, ngươi sẽ lao động và làm mọi công việc của ngươi. Còn ngày thứ bảy là ngày sa-bát kính Giavê, Thiên Chúa của ngươi. Ngày đó, ngươi không được làm công việc nào, cả ngươi cũng như con trai con gái, tôi tớ nam nữ, gia súc và ngoại kiều ở trong thành của ngươi. Vì trong sáu ngày, Giavê đã dựng nên trời đất, biển khơi, và muôn loài trong đó, nhưng Người đã nghỉ ngày thứ bảy. Bởi vậy, Giavê đã chúc phúc cho ngày sa-bát và coi đó là ngày thánh ." (Xh 20,8-11).
Kỹ nghệ giải trí không tạo nên sự nghỉ ngơi thật sự
Ðức Thánh Cha nói: cuộc du hành qua Mười Lời hôm nay đưa chúng ta tới điều răn về ngày nghỉ. Xem ra là một điều răn dễ thực hành, nhưng đó là một cảm tưởng sai lầm. Thật thế, nghỉ ngơi không đơn sơ, bởi vì có sự nghỉ ngơi giả tạo và sự nghỉ ngơi đích thật. Ðức Thánh Cha giải thích: Xã hội ngày nay khát khao giải trí và nghỉ hè. Kỹ nghệ giải trí rất phát triển, và quảng cáo vẽ ra thế giới lý tưởng như một công viên giải trí, nơi mọi người vui chơi. Ý niệm cuộc sống thống trị ngày nay không có trọng tâm nơi sinh hoạt và dấn thân, nhưng trong việc trốn thoát. Kiếm tiền để vui chơi, để thỏa mãn. Hình ảnh kiểu mẫu là hình ảnh của một người thành công, có thể cho phép mình có các khoảng không vui thú rộng rãi khác nhau. Nhưng tâm thức này làm cho người ta trượt vào tình trạng không thỏa mãn về một cuộc sống bị giải trí đánh thuốc mê, không phải là nghỉ ngơi, nhưng là tha hóa và trốn chạy thực tại. Con người chưa bao giờ nghỉ ngơi nhiều như ngày nay, nhưng nó đã không bao giờ sống kinh nghiệm sự trống rỗng quá chừng như ngày nay. Các phương tiện giải trí, đi ra ngoài, các du thuyền, các chuyến du lịch, biết bao nhiêu điều không trao ban cho bạn sự tràn đầy của con tim. Trái lại, chúng không cho bạn sự nghỉ ngơi.
Ngày Chúa nhật là ngày của việc chiêm ngưỡng và chúc lành, sống trong an bình với cuộc sống
Các lời của Mười Ðiều Răn kiếm tìm ra trọng tâm của vấn đề, bằng cách rọi một ánh sáng khác cho biết sự nghỉ ngơi là gì. Giới răn có một yếu tố đặc thù: nó cung cấp một lý do. Nghỉ ngơi nhân danh Chúa có một lý do chính xác: "Vì trong sáu ngày, Giavê đã dựng nên trời đất, biển khơi, và muôn loài trong đó, nhưng Người đã nghỉ ngày thứ bảy. Bởi vậy, Giavê đã chúc phúc cho ngày sa-bát và coi đó là ngày thánh ." (Xh 20,11). Ðiều này quy chiếu sự kết thúc việc tạo dựng, khi Thiên Chúa nói: "Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp!" (St 1,31). Và khi đó bắt đầu ngày nghỉ, là niềm vui của Thiên Chúa đối với những gì Ngài đã tạo dựng. Ðó là ngày của việc chiêm ngưỡng và chúc lành.
Như vậy, nghỉ ngơi theo điều răn này là gì? Nó là lúc của việc chiêm niệm, là lúc của việc chúc tụng, chứ không phải của việc trốn thoát. Ðó là thời gian để nhìn thực tại và nói: cuộc sống đẹp biết bao!. Chống lại sự nghỉ ngơi như là trốn chạy thực tại, Mười Ðiều Răn đưa ra sự nghỉ ngơi như là việc chúc lành cho thực tại. Ðối với chúng ta là các ki tô hữu, trung tâm ngày của Chúa, ngày Chúa Nhật, là Thánh Thể, Eucaristia có nghĩa là "tạ ơn". Ðó là ngày để nói lên với Thiên Chúa: con cảm tạ Chúa vì sự sống, vì lòng thương xót, vì tất cả mọi ơn Chúa ban cho con. Chúa Nhật không phải là ngày để xóa bỏ các ngày khác, nhưng là để nhớ đến chúng, chúc lành cho chúng và làm hòa với sự sống. Có biết bao người có điều kiện giải trí, nhưng không sống trong an bình với cuộc sống! Ngày Chúa Nhật là ngày để làm hòa với cuộc sống bằng cách nói: cuộc sống quý báu; nó không dễ dàng, đôi khi nó đau đớn, nhưng nó quý báu.
Bình an không phải là điều được áp đặt nhưng là một chọn lựa
Ðược dẫn đưa vào sự nghỉ ngơi đích thật là một công trình của Thiên Chúa nơi chúng ta, nhưng nó đòi hỏi tránh xa sự chúc dữ và sức hấp dẫn của nó (x. EG, 83). Thật ra, bắt buộc con tim chịu sự bất hạnh, bằng cách nhấn mạnh các lý do của sự không hài lòng, thì rất dễ. Việc chúc phúc và niềm vui bao gồm một cởi mở cho sự thiện, là một chuyển động của con tim. Sự thiện thì dễ thương và không bao giờ áp đặt. Nó được lựa chọn.
Hòa bình được lựa chọn, chứ không thể áp đặt và không được tìm thấy một cách tình cờ. Khi rời xa các nếp gấp cay đắng của con tim mình, con người cần làm hòa với điều nó chạy trốn. Cần hòa giải với lịch sử của chính mình, với các sự kiện mà chúng ta không chấp nhận, với các phần khó khăn của cuộc sống. Tôi xin hỏi anh chị em: mỗi người đã hòa giải với lịch sử của riêng mình hay chưa? Ðây là một câu hỏi giúp suy tư: Tôi đã hòa giải với lịch sử của tôi chưa?
Hòa bình đích thực, thật ra, không phải là thay đổi lịch sử của mình, nhưng là đón nhận nó và trao ban giá trị cho nó, như nó xảy ra.
Có biết bao nhiêu lần chúng ta đã gặp các kitô hữu đã an ủi chúng ta với một sự thanh thản không tìm thấy nơi những kẻ vui chơi và những người sống hưởng lạc. Và chúng ta đã thấy những người khiêm tốn nghèo nàn vui sướng vì các ơn bé nhỏ với một hạnh phúc vĩnh cửu.
"Chỉ trong Thiên Chúa linh hồn tôi mới an nghỉ"
Chúa phán trong sách Ðệ Nhị Luật: "Hôm nay, tôi lấy trời đất làm chứng cáo tội anh (em): tôi đã đưa ra cho anh (em) chọn được sống hay phải chết, được chúc phúc hay bị nguyền rủa. Anh (em) hãy chọn sống để anh (em) và dòng dõi anh (em) được sống" (Ðnl 30,19). Sự lựa chọn này là tiếng "fiat" xin vâng của Ðức Trinh Nữ Maria, là một rộng mở cho Chúa Thánh Thần, làm cho chúng ta bước theo dấu vết của Chúa Kitô, Ðấng đã phó mình cho Thiên Chúa Cha trong lúc thê thảm nhất, và như thế dẫn vào con đường đưa tới sự phục sinh.
Vậy khi nào cuộc sống trở thành xinh đẹp? Khi người ta bắt đầu nghĩ tốt về nó, dù cho lịch sử của chúng ta có là gì đi nữa. Khi ơn của một nghi ngờ mở đường: ơn biết rằng tất cả là ơn thánh, và tư tưởng thánh thiện đập bể bức tường nội tâm của sự không thỏa mãn, bằng cách khai mào sự nghỉ ngơi đích thực. Cuộc sống đẹp khi ta mở con tim cho Chúa Quan Phòng; và ta khám phá ra điều Thánh Vịnh nói là thật: "Chỉ trong Thiên Chúa linh hồn con mới nghỉ yên" (Tv 62,2). Câu này của thánh vịnh thật là đep: "Chỉ trong Thiên Chúa linh hồn tôi mới an nghỉ".


Ðức Thánh Cha Phanxicô tiếp 60 góa phụ thánh hiến.
G. Trần Ðức Anh OP
Vatican (Vat. 6-09-2018) - Ðức Thánh Cha Phanxicô khích lệ các góa phụ thánh hiến làm chứng về tình yêu của Thiên Chúa đối với mọi người và ngài mời gọi họ trở thành men và ánh sáng cho tha nhân trong thế giới ngày nay.
Ngài đưa ra lời nhắn nhủ trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 6 tháng 9 năm 2018 dành cho 60 góa phụ tham gia hội nghị quốc tế của các góa phụ thánh hiến, thuộc "Huynh đoàn Ðức Bà Phục Sinh" và "Cộng đồng Anna Ngôn Sứ" về Roma hành hương. Hai hội này hiện diện tại nhiều nước trên thế giới.
Góa phụ sống các lời khuyên Phúc Âm
Lên tiếng trong dịp này, Ðức Thánh Cha nói: "Qua sự thánh hiến, chị em làm chứng rằng nhờ ơn Chúa, với sự đồng hành và nâng đỡ của các thừa tác viên cũng như các thành phần khác trong Giáo Hội, chị em có thể sống những lời khuyên Phúc Âm, đồng thời thi hành các trách vụ gia đình, nghề nghiệp và xã hội. Sự thánh hiến của chị em trong cảnh góa bụa là một ơn Chúa ban cho Giáo Hội để nhắc nhở mọi tín hữu rằng sức mạnh lòng thương xót của Chúa là con đường sống và nên thánh, giúp chúng ta vượt thắng những thử thách và tái sinh để sống trong niềm hy vọng và vui tươi đến từ Tin Mừng của Chúa. Vì thế tôi mời gọi chị em hãy luôn nhìn lên Chúa Giêsu Kitô và vun trồng mối liên hệ chặt chẽ với Chúa".
Góa phụ thành men trong bột
Ðức Thánh Cha nói thêm rằng: "Ước gì, qua đời sống bí tích, chị em làm chứng về tình yêu thương xót của Thiên Chúa, đối với mọi người đó là một lời mời gọi nhìn nhận vẻ đẹp và hạnh phúc được Chúa thương yêu. Kết hiệp với Chúa Giêsu Kitô chị em hãy trở thành men trong bột của thế giới này, trở nên ánh sáng cho những người nam nữ đang bước đi trong tối tăm và bóng đêm của sự chết! Qua phẩm chất cuộc sống huynh đệ, giữa lòng các cộng đoàn của chị em, chị em hãy quan tâm trở nên những người gần gũi với người bé nhỏ và nghèo hèn, để biểu lộ cho họ sự dịu dàng của Thiện Chúa và sự gần gũi của Ngài trong tình thương".


Ðức Giáo Hoàng Phanxicô tiếp kiến
1 ngàn 400 thành viên Hiệp Hội Cha Mẹ Italia

                                                                                                               G. Trần Ðức Anh OP
Vatican (Vat. 7-09-2018) - Trong buổi tiếp kiến sáng ngày 7 tháng 9 năm 2018, dành cho 1,400 thành viên hiệp hội cha mẹ Italia, Ðức Thánh Cha Phanxicô cổ võ sự tín nhiệm và cộng tác giữa các cha mẹ và các thầy cô tại các trường học.
Buổi tiếp kiến được diễn ra nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập Hiệp Hội các cha mẹ Italia với mục đích cổ võ sự cộng tác và liên hệ giữa cha mẹ và học đường.
Hiện tượng thiếu tín nhiệm giữa gia đình và nhà giáo
Lên tiếng trong dịp này, Ðức Thánh Cha nhận xét rằng gần đây có hiện tượng gia đình không đánh giá cao công việc của các thầy cô như trước đây, và các giáo chức này cảm thấy sự hiện diện của cha mẹ một sự xen mình không thích hợp vào các trường học, nên muốn gạt họ ra ngoài lề hoặc coi các cha mẹ như đối thủ.
Vượt thắng chia rẽ và nghi kỵ giữa trường học và gia đình
Ðức Thánh Cha nói: "Trong bối cảnh đó, cần luôn luôn vun trồng sự tín nhiệm đối với các trường học và nhà giáo: nếu không có họ thì gia đình có nguy cơ bị lẻ loi trong hoạt động giáo dục của mình và ngày càng khó có thể đương đầu với những thách đố mới trong lãnh vực giáo dục, xuất phát từ nền văn hóa hiện nay, từ xã hội và các phương tiện truyền thông, các kỹ thuật mới. Các giáo chức như anh chị em hằng ngày gấn thân phục vụ giáo dục con cái của các gia đình ... Vì thế, cần làm hết sức để vượt thắng những chia rẽ và hiểu lầm trong lãnh vực này, làm sao để nhìn nhận các gia đình có vai trò đầu tiên trong việc giáo dục con cái.
Hai bên đều cần nhau
Ðức Thánh Cha cũng khẳng định rằng nếu anh chị em là các cha mẹ cần đến các nhà giáo, thì cả trường học cũng cần anh chị em và họ không thể đạt mục tiêu nếu không có một cuộc đối thoại xây dựng với những người đầu tiêu có trách nhiệm làm cho các học sinh được tăng trưởng".