Thứ Tư, 5 tháng 9, 2018

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - NGÀY 05/09/2018

Filled under:

Chữa lành và phục vụ(Lc 4, 38-44)
38 Đức Giê-su rời khỏi hội đường, đi vào nhà ông Si-môn. Lúc ấy, bà mẹ vợ ông Si-môn đang bị sốt nặng. Họ xin Người chữa bà.39 Đức Giê-su cúi xuống gần bà, ra lệnh cho cơn sốt, và cơn sốt biến mất: tức khắc bà trỗi dậy phục vụ các ngài.
40 Lúc mặt trời lặn, tất cả những ai có người đau yếu mắc đủ thứ bệnh hoạn, đều đưa tới Người. Người đặt tay trên từng bệnh nhân và chữa họ.41 Quỷ cũng xuất khỏi nhiều người, và la lên rằng: “Ông là Con Thiên Chúa! ” Người quát mắng, không cho phép chúng nói, vì chúng biết Người là Đấng Ki-tô.
42 Sáng ngày, Người đi ra một nơi hoang vắng. Đám đông tìm Người, đến tận nơi Người đã đến, và muốn giữ Người lại, kẻo Người bỏ họ mà đi.43 Nhưng Người nói với họ: “Tôi còn phải loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho các thành khác nữa, vì tôi được sai đi cốt để làm việc đó.”44 Và Người rao giảng trong các hội đường miền Giu-đê.
(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch CGKPV)
  1. Từ “Hội Đường” đến “Nhà ông Phêrô”
“Đức Giê-su rời khỏi hội đường, đi vào nhà ông Simon”; ông Simon là người mà sau này Đức Giêsu đặt thêm một tên mới: Phêrô, nghĩa là đá, để nói lên sứ mạng của ông. Trong viễn tượng này, hành trình của Đức Giêsu từ hội đường đến nhà ông Simon Phêrô mang đầy ý nghĩa:
  • Từ Cựu Ước sang Tân Ước; từ Israel sang Dân Mới của Thiên Chúa, là Giáo Hội.
  • Từ nơi phượng tự sang ngôi nhà của đời sống bình thường.
Cũng như mỗi khi chúng ta, sau Thánh Lễ, sau giờ chầu và giờ kinh, chúng ta rời khỏi Nhà Nguyện để đến nơi chúng ta sống và làm việc. Và chính ở nơi chúng ta sống và làm việc mà ở đó diễn ra mọi vấn đề của cuộc sống (vấn đề tương quan, vấn đề công việc, chuyện vui chuyện buồn, những lo lắng…) và mọi vấn đề của thân phận con người (sinh, lão, bệnh, tử). Nhưng cũng chính tại nơi chúng ta sống và làm việc mà niềm tin của chúng ta nơi Chúa, kinh nghiệm ơn cứu độ và đời sống ơn gọi, Ki-tô hữu hay tu trì, được thử thách và qua đó trở nên đích thực.
Vì thế, chúng ta được mời gọi chiêm ngắm những gì diễn ra trong nhà ông Simon Phêrô, vì tuy những gì diễn ra ở đây thật đơn sơ, nhỏ bé và giới hạn, nhưng lại nói cho chúng ta cách thức để cho Chúa đi vào trong đời thường của chúng ta.

  1. Ơn chữa lành và phục vụ
Lúc ấy, trong nhà, bà mẹ vợ ông Simon đang bị sốt nặng; Tin Mừng theo thánh Mác-cô và thánh Mát-thêu thêm chi tiết này: bà nằm liệt trên giường. Họ xin Người chữa bà. Tin Mừng theo thánh Mác-cô kể tinh tế hơn: “lập tức họ nói cho Người biết tình trạng của bà” (Mc 1, 30).
Chúng ta có thể dừng lại ở đây để cảm nếm sự hiệp thông của nhiều người được dệt nên chung quanh người bệnh, nhờ sự hiện diện của Đức Giêsu: mọi người trong nhà và cả những người có mặt ở đó quan tâm đến người mẹ. Thánh Mác-cô xác định, đó là các môn đệ. Điều này có nghĩa là, người thân của một người trong nhóm, đã trở thành người thân của tất cả nhóm. Chúng ta đã có kinh nghiệm này trong đời sống đức tin và nhất là trong đời sống dâng hiến. Sự quan tâm dành cho nhau trong thực tế và trong lời nguyện, chính là nét thiết yếu làm nên Cộng Đoàn, và làm nên Dân Mới do Đức Giêsu qui tụ.
Đức Giêsu cúi xuống gần bà, ra lệnh cho cơn sốt, và cơn sốt biến mất. Thánh Mác-cô mô tả chi tiết hơn: “Người lại gần, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy”. Như thế ơn chữa lành đến từ cuộc gặp gỡ trực tiếp giữa Đức Giêsu và người bệnh; một cuộc gặp gỡ thật gần gũi và trìu mến. Đức Giêsu cũng đón nhận người thân của các môn đệ như là người thân của chính mình. Và đây là mẹ vợ chứ không phải mẹ ruột!
Cơn sốt biến mất và bà mẹ bắt đầu phục vụ họ, nghĩa là Đức Giêsu và cả nhà. Bà khỏi bệnh và lấy lại sức sống, không chỉ là sức sống thể lý, nhưng là sức sống mới phát xuất từ lòng biết ơn, vì thế, hành động đầu tiên bà thực hiện đó là phục vụ. Cũng giống như chúng ta, chúng ta được Đức Giêsu chữa lành, phục hồi, giải thoát, tha thứ, chúng ta dâng hiến cuộc đời trong ơn gọi gia đình, và nhất là ơn gọi dâng hiến ngang qua ba lời khấn, để diễn tà lòng cảm mến và để phục vụ.
  1. Ơn chữa lành hôm nay
Trong cuộc sống, chúng ta cũng nhiều khi mang bệnh, không phải là bị sốt, vì bệnh sốt đã có nhiều loại thuốc tây paracetamol, aspirine, chữa rất hiệu quả. Nhưng đó là những bệnh nội tâm vô hình, những bệnh này cũng làm cho chúng ta “liệt giường”, “liệt giường” trong tương quan với Chúa, trong tương quan với anh em hay chị em trong cộng đoàn hay gia đình và những người thân yêu, và có thể nói, “liệt giường” cả trong xác tín về ơn gọi và sứ vụ.
* * *
Chúng ta được mời gọi quan tâm đến nhau và cầu nguyện cho nhau như các môn đệ xưa, để Đức Giêsu đến gần, đụng vào từng người chúng ta và ra lệnh cho “mọi bệnh hoạn tật nguyền” của chúng ta biến đi, để ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm được Đức Giê-su chữa lành, nhờ lòng tin và sự liên đới của nhiều người.
Và chỉ với kinh nghiệm chữa lành này, chúng ta mới có thể sống với nhau thực sự, phục vụ nhau và phục vụ người khác cách thực sự, ngang qua ơn gọi mà Chúa ban cho mỗi người chúng ta. “Một cách thực sự”, có nghĩa là chúng ta sống và phục vụ trong tâm tình biết ơn và lòng mến đối với Đấng ban ơn, là Đức Ki-tô.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc, S.J.

Suy niệm 2

Thời nào thì con người cũng phải đối diện với bệnh tật. Lịch sử nhân loại từng chứng kiến nhiều cuộc dịch bệnh gây chết người hàng loạt. Từ ngày khoa học tìm ra được kháng sinh, xem như thần dược, thì nhiều bệnh tật cũng bị đẩy lùi nhờ công hiệu của loại thuốc này. Tuy nhiên, lịch sử nhân loại như một mũi tên, lao về phía trước, và trên đường đi của nó, cũng phát sinh ra thêm nhiều bệnh tật khác. 

Đọc và suy niệm Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy tình trạng bệnh tật của con người dường như cũng là một vấn đề cấp thiết mà Chúa Giêsu phải ra tay. Tin Mừng nói cách nhẹ nhàng và khái quát về các bệnh và nhiều người mắc phải. Và Chúa dùng chính quyền năng của Người mà cứu chữa cho nhiều người. 

Bệnh tật là một vấn đề lớn của xã hội ngày hôm nay. Ở những quốc gia tiên tiến, thì việc kiểm soát bệnh tật được quan tâm hơn. Điều này cũng liên quan đến môi trường sống của con người chúng ta. Môi trường trong sạch thì sức khoẻ của chúng ta được bảo vệ tốt hơn. Trong các nước nghèo hay các nước đang phát triển, tình trang bệnh tật trở nên bi đát, khó kiểm soát và con người phải đối diện với nhiều bệnh tật hơn. Sức khoẻ liên quan đến môi trường. Nhưng vì trong các nước nghèo và kém phát triển thì môi trường ô nhiễm là một vấn đề nan giải. Có khi do phải trả giá cho sự phát triển công nghiệp, có khi do ý thức bảo vệ môi trường kém cỏi do nền giáo dục và văn hoá gây ra. Như Việt Nam chúng ta chẳng hạn. Mỗi năm có khoảng 75.000 người chết vì căn bệnh ung thư, tương đương mỗi ngày có khoảng 200 người chết vì căn bệnh ấy. Đây là thông tin gây sửng sốt và đáng báo động, thực tế còn cao hơn con số ấy nhiều. Điều này gợi lên cho chúng ta ý thức về bảo vệ sức khoẻ, bảo vệ môi trường. Ý thức cộng đồng và trách nhiệm của mỗi cá nhân chúng ta với chính môi trường và cộng đồng sống có ý nghĩa sống còn đối với chính sự tồn tại của chúng ta. 
Chúa Giêsu chữa lành bệnh tật cho những ai cần Người. Nhưng Người cũng muốn mỗi người chúng ta ý thức tự bảo vệ mình. Và chúng ta cần đến Chúa ban ơn để cho chúng ta biết sống có ý thức và trách nhiệm đối với sức khoẻ, môi sinh và cộng đồng. 

Lạy Chúa Giêsu, xin cho mỗi người chúng con biết bảo vệ môi trường sống, biết bảo vệ sức khoẻ của chính mình mỗi ngày. Amen.   
 


GKGĐ Giáo Phận Phú Cường