Phút suy niệm ngày 6/9/2018
“Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới.” (Lc 5,5).
Vâng lời trọng hơn của lễ bởi vì của lễ chỉ là những đồ vật bên ngoài còn vâng lời là cho đi những ý riêng .
Phêrô và các bạn suốt ngày bận rộn với công việc đánh bắt cá ở bờ biển, nên chưa biết nhiều về Đức Giêsu, nhưng tin vào lời giảng dạy và các việc Đức Giêsu làm, các ông đã vâng nghe và đã thả lưới, mặc dù trước đó các ông đã nhọc công hết sức nhưng không đem lại kết quả nào.
Sự vâng phục của Phê-rô và các bạn đã thu được một mẻ cá chưa từng có.
Chúng con đã nhiều lần cãi lại ý muốn của Chúa, không đi lễ, không cầu nguyện tạ ơn, không tham gia vào các công tác hội đoàn, không chia sẻ niềm vui, nỗi buồn với người chung quanh...
Nay chúng con đã thấu hiểu Lời Chúa qua Kinh thánh và các điều Giáo hội dạy bảo, chúng con xin vâng theo ý Chúa mọi đàng.
Lạy Chúa. Xin cho chúng con biết noi gương Mẹ maria, là biết vâng nghe, tín thác vào Chúa mãi mãi muôn đời. Amen.
Chân Phước Claudio Granzotto
(1900-1947)
(1900-1947)
Tinh ở Santa Lucia del Piave gần Venice, nước Ý, Claudio là con út trong gia đình chín người con và họ quen với công việc đồng áng thật vất vả. Năm lên chín anh mồ côi cha. Sáu năm sau, anh bị động viên vào quân đội Ý, là nơi anh phục vụ trong ba năm.
Vì có tài trong lãnh vực nghệ thuật, nhất là điêu khắc, nên anh theo học tại Viện Nghệ Thuật Venice và tốt nghiệp năm 1929 với điểm cao nhất lớp. Sau đó, anh đặc biệt lưu ý đến nghệ thuật tôn giáo. Khi Claudio gia nhập dòng Anh Em Hèn Mọn vào bốn năm sau đó, cha sở của anh viết thư giới thiệu, "Nhà dòng không chỉ tiếp nhận một nghệ nhân mà còn là một vị thánh." Sự cầu nguyện, yêu thương người nghèo cũng như say mê nghệ thuật là đặc điểm cuộc đời Claudio, nhưng tiếc thay cuộc đời ấy không kéo dài được lâu vì bệnh ung thư não. Ngài từ trần vào ngày lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời và được phong chân phước năm 1994.
Lời Bàn
Claudio đã phát triển được tài điêu khắc tuyệt vời đến độ các tác phẩm của ngài vẫn còn giúp con người trở về với Thiên Chúa. Không xa lạ gì với các nghịch cảnh, ngài đã can đảm đối phó mọi trở ngại, phản ánh sự độ lượng, đức tin và niềm vui mà ngài học được từ Thánh Phanxicô Assisi.
Lời Trích
Trong bài giảng lễ phong chân phước, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói rằng Claudio đã dùng tài điêu khắc "như một khí cụ đặc biệt" trong đời sống tông đồ và để phúc âm hóa. "Sự thánh thiện của ngài đặc biệt toả sáng khi chấp nhận đau khổ và cái chết để hiệp thông với Thập Giá Đức Kitô. Do đó, bởi hiến thân hoàn toàn cho tình yêu Thiên Chúa, ngài trở nên gương mẫu cho các tu sĩ, nghệ sĩ trong việc tìm kiếm sự mỹ miều của Thiên Chúa, và gương mẫu cho người đau yếu qua lòng sùng kính Thánh Giá của ngài" (L'Observatore Romano, Tập 47, Số 1, 1994)