Thứ Sáu, 9 tháng 12, 2016

Vì sao Giáo Hội Việt Nam mất dần danh hiệu "Trưởng Nữ"?

Filled under:


“ Giáo Hội tại Việt Nam đang mất dần danh hiệu “Trưởng nữ của Giáo Hội tại Á Châu” và đã tụt xuống thứ 5 sau các quốc gia: Philippines, Nam Hàn, Đông Timor và Lebanon”.
truongnu.jpg
Đó là kết quả theo các bản thống kê về việc loan báo Tin Mừng trong xã hội Việt Nam được Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh, nguyên giám mục Giáo phận Kon Tum trình bày trong một cuộc phỏng vấn với Hãng tin AsiaNews của Học viện Giáo hoàng về Truyền giáo Hải ngoại  vào ngày 03-12 vừa qua.

Đã chín năm qua và cho đến bây giờ, là người phụ trách mục tin Giáo Hội Việt Nam Tuần Qua cho ban Việt Ngữ Đài Phát Thanh Chân Lý Á Châu, tôi thừa nhận rằng nếu căn cứ vào những tin tức đọc được trên các trang mạng Công Giáo tôi cảm thấy Giáo Hội Việt Nam không hề là một Giáo Hội đau khổ. Ngược lại, đó là một Giáo Hội an bình với những cuộc lễ lạc, rước xách, hành hương. Một Giáo Hội thịnh vượng vì gần như tuần nào cũng xuất hiện những bản tin về lễ đặt viên đá xây dựng nhà thờ hoặc lễ cung hiến đền thờ. Một Giáo Hội phát triển với những lễ phong chức, lễ khấn dòng nở rộ vào mỗi tháng Sáu hàng năm…

Vậy thì tại sao Giáo Hội Việt Nam đang mất dần danh hiệu “Trưởng Nữ”, nghĩa là “việc loan báo Tin Mừng trong xã hội Việt Nam đã đi xuống dốc” ? 

Theo Đức Cha Micae, “ Một Giáo Hội được nhận định là không loan báo Tin Mừng hoặc bỏ quên việc truyền giáo là khi Giáo Hội đó không quan tâm đến, cũng như không đứng về phía người nghèo. Đặc biệt, khi Giáo Hội đó bỏ qua những người nghèo, người bị áp bức, người dân bé mọn…”

Nhưng mà trong thực tế Giáo Hội Việt Nam cũng đã có rất nhiều hoạt động bác ái, từ thiện và những tin tức về các hoạt động này vẫn xuất hiện đều đặn trên các trang mạng Công Giáo. Vậy tại sao ???

Trong thư của thánh Phaolô gửi tín hữu Êphêsô, trong đó vị tông đồ nói về hành động theo sự thật trong tình bác ái: “Khi sống theo sự thật và trong tình bác ái, chúng ta sẽ lớn lên về mọi mặt, vươn tới Đức Kitô vì Người là Đầu” (4,15). Vâng ! Đây cũng chính là gợi hứng để Đức Thánh Cha Benedicto XVI viết nên thông điệp “Caritas in Veritate” (Bác Ái trong Chân Lý). Không thể có bác ái thực sự nếu thiếu sự hiện diện đầy thiết yếu của công bình và sự thật.

Trong năm vừa qua, một sự kiện rất nghiêm trọng đã xảy ra trên quê hương Việt Nam đó là thảm họa Fomosa. Hậu quả của việc ô nhiễm môi trường biển do tập đoàn Fomosa gây ra trên đời sống người dân đã được Linh Mục Nguyễn Đình Thục của Giáo Phận Vinh trình bày tại quốc hội Đài Loan vào ngày 05-12 vừa qua. Thế nhưng từ khi thảm họa kinh hoàng xảy ra cho đến nay, dường như chỉ có  Đức Cha Phaolo Nguyễn Thái Hợp, Đức Cha Giuse Ngô Quang Kiệt, Đức Cha Micae Hoàng Dức Oanh … cùng vài linh mục của giáo phận Vinh, nơi trực tiếp hứng chịu thảm họa là những vị mục tử đã giúp người dân nói lên tiếng nói của mình trước sự chậm trễ trong việc truy cứu trách nhiệm cũng như việc đền bù không thỏa đáng của nhà cầm quyền đối với những khốn khó, đau thương của nạn nhân.

Trong số những nhà hoạt động cho nhân quyền bị cầm tù cũng có cả những người Công Giáo, thế nhưng chưa hề có một tiếng nói nào từ phía Giáo Hội Công Giáo Việt Nam phản đối những giam giữ trái phép của nhà cầm quyền. Bởi lẽ CAN ĐẢM THỰC HIỆN QUYỀN CÔNG DÂN không hề là một cái tội.

Về vấn đề đấu tranh cho chủ quyền trên các quần đảo ở Biển Đông lâu nay mọi người chỉ biết đến Đức Cha Phaolo Nguyễn Thái Hợp với những buổi tọa đàm, với những bài phỏng vấn về vấn đề biển Đông … Kết quả là vị giám mục này trở thành cái gai thật to đối với nhà cầm quyền đương thời và là cái bia hứng chịu những vu cáo, lăng nhục của truyền thông lề Đảng.

Một Giáo Hội mà số những vị mục tử thực sự dấn thân vì đàn chiên còn ít hơn số ngón tay trên một bàn tay. Như vậy, Giáo Hội đó có còn là Giáo Hội của người nghèo như mong ước của Đức Thánh Cha Phanxicô hay không ?

Khi người dân nghèo còn chịu quá nhiều áp bức, bất công, mạng người bị coi rẻ hơn một con chó,  thì chắc chắn lễ lạc, rước xách, hội hè sẽ làm Thiên Chúa “chán ghét khinh thường, chẳng hề thích thú”. Bởi lẽ Chúa “ chỉ muốn cho lẽ phải như nước tuôn trào, cho công lý như giòng suối không bao giờ cạn” ( Amốt 5, 21-24)

Khi  “Tài sản của Giáo hội không phải nơi các thánh đường, nhưng nơi người nghèo” như lời tuyên bố của Đức Phanxicô thì cho dù xây dựng được nhiều ngôi thánh đường nguy nga Giáo Hội vẫn nghèo nàn tự trong bản chất.

Khi linh mục “phải là những mục tử gần dân chúng, yêu mến sự khó nghèo, không mang não trạng ông hoàng” thì việc có nhiều lễ phong chức chỉ thực sự mang lại lợi ích cho Giáo Hội khi và chỉ khi người mục tử biết “đồng hành với con chiên bất cứ nơi nào họ hiện diện”. Quý hồ tinh bất quý hồ đa !

Nguyện xin Thiên Chúa là Đấng luôn yêu thương người bé mọn và nghèo hèn hãy nâng đỡ, thánh hóa Giáo Hội Việt Nam của chúng con, giúp chúng con trở thành “một Giáo hội nghèo cho người nghèo” như ý Đức Thánh Cha Phanxicô và quan trọng hơn là như ý Chúa Giêsu. Amen .

Điền Phương Thảo


Nữ tu học nghề kỹ sư không gian để làm gì?

Một 'bà Sơ kín' và một 'Tiến sĩ về không gian' thì có gì khác nhau?
nutu.jpg
Xin thưa ngay, cá hai là một, và một điều thú vị nữa là cả hai công việc đều nhắm vào trời cao, nghĩa đen và nghĩa bóng!

Theo tin CNA ngày 07 Tháng 12 năm 2016, thì Sơ Benedicta cuả hội ḍòng Holy Face (Thánh Nhan) vừa được xuất viện, tức là rời khu ḍòng kín, vì một lý do bất thường: để tham dự buổi lễ tốt nghiệp và nhận lãnh văn bằng tiến sĩ tại trường Hindustan Aerospace And Engineering, Ấn Độ.

"Tôi vào nhà dòng sau khi thi xong phần vấn đáp cuối cùng hồi năm ngoái, và đây là lần đầu tiên tôi đi ra ngoài. Quy tắc cuả nhà ḍòng cấm chúng tôi đi ra khỏi tu viện, nhưng tôi đã được cho phép đặc biệt để tham dự lễ mãn khoá, "Sơ Benedicta nói cho tờ báo Matters India biết như vậy.

Người nữ tu 32 tuổi này hiện sống trong dòng kín của các nữ tu Biển Đức, hội ḍòng Thánh Nhan.

Sinh trưởng ở Kuwait trước khi có Chiến tranh vựng Vịnh, Sơ Benedicta tốt nghệp trường Cao đẳng St Xavier ở Mumbai và sau đó lấy bằng thạc sĩ về khoa học không gian ở Đại học Pune, bang Maharashtra, cách Mumbai 90 dặm.

Sơ lấy Tiến Sĩ từ Viện Công Nghệ Quốc Phòng Tiền Tiến ở thành phố Pune. Theo báo Matters India, thì luận án tiến sĩ của Sơ liên hệ đến lĩnh vực kỹ thuật hàng không vũ trụ, liên quan đến động cơ phản lực scramjet, chủ yếu sử dụng cho các động cơ siêu thanh và phi thuyền không gian.

Sơ Benedicta đã từng cảm thấy ơn gọi về đời sống thánh hiến, nhưng việc quyết định trở thành một nữ tu xảy ra sau khi tham dự một khóa tĩnh tâm ở Pune. Sơ đã kết thúc cuộc nghiên cứu tiến sĩ của mình trước khi nói với gia đình rằng sơ muốn gia nhập một dòng tu kín.

Cộng đoàn các nữ tu dòng Biển Đức đền tạ Nhan Thánh Chúa được thành lập vào năm 1950 bởi đan viện trưởng Hildebrand Gregory. Năm 1977, đó trở thành một cộng đoàn thuộc toà thánh và đã có nhiều tu viện trên nhiều châu lục.

(Trần Mạnh Trác, VCN 07.12.2016)