Thứ Bảy, 3 tháng 12, 2016

SUY NIỆM HẰNG NGÀY LỄ THÁNH PHANXICÔ XAVIÊ

Filled under:

Tin Mừng Chúa Giê-su Kitô theo Thánh Marco (Mc 16: 15-20)

15 Người nói với các ông: "Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.16 Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án.17 Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ.18 Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khoẻ."19 Nói xong, Chúa Giê-su được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa.20 Còn các Tông Đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng.

SUY NIỆM 1

Trong cuốn Bạn Đường Chúa Giêsu, cha Hoàng Sóc Sơn viết về thánh Phanxicô Xaviê như sau:

“Trong 10 năm truyền giáo, ngài đã vượt gần 100 ngàn cây số đường biển, trên những con tàu buồm mong manh, để đến Ấn Độ, Malaixia, Inđônêxia, Nhật Bản và qua đời trên đảo Thượng Xuyên, đang khi mơ ước vào Trung Hoa […].

Ai cũng phải công nhận ngài táo bạo đến mức liều lĩnh. Đường biển thời ấy luôn bị đe dọa vì bệnh dịch, bão tố và hải tặc, nhưng ngài tin tưởng nếu Chúa không cho phép, không có gì làm hại được ngài”.

Với những lao nhọc và thành quả truyền giáo phi thường, thánh Phanxicô được coi là một trong những nhà truyền giáo vĩ đại nhất trong lịch sử Hội Thánh, chỉ sau thánh Phaolô. Đối với Dòng Tên, ngài là nhà truyền giáo đầu tiên và số một; ngài được tuyên thánh năm 1622, và được Hội Thánh đặt làm bổn mạng các xứ truyền giáo.

Thánh Phanxicô đã sống chính Lời Chúa dạy: Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo”.

Trước khi Chúa Kitô phục sinh sai các tông đồ đi loan báo Tin Mừng bằng những lời như trên, Chúa đã khiển trách các tông đồ đã không tin và cứng lòng đối với lời chứng của các chứng nhân: “Người tỏ mình ra cho chính Nhóm Mười Một đang khi các ông dùng bữa. Người khiển trách các ông không tin và cứng lòng, bởi lẽ các ông không chịu tin những kẻ đã được thấy Người sau khi Người trỗi dậy” (Mc 16, 14).

Như thế, Chúa rất coi trọng việc chúng ta làm chứng cho nhau, lời của người khác nói về Chúa cho chúng ta, lời chứng của chúng ta nói về Chúa cho người khác đều cần thiết để mang lại đức tin cho mỗi người.

Trước khi trở thành chứng nhân, chúng ta được mời gọi mở lòng ra để lắng nghe các chứng nhân. Trường hợp các tông đồ cũng thế, trước khi các ngài trở thành chứng nhân của Chúa phục sinh, chính các ngài cũng phải lắng nghe bà Maria Magdala, khi bà thuật lại việc bà nhìn thấy Chúa phục sinh.

Noi gương thánh Phanxicô, chúng ta hãy trở thành những chứng nhân của Chúa. Chúng ta đã được nghe nhiều từ biết bao nhiêu lời giảng dạy của Hội Thánh. Đến lược mình, chúng ta không có quyền thụ động, nhưng phải chủ động lên đường, sẵn sàng nói về Chúa mọi nơi, mọi lúc, suốt đời mình như thánh Phanxicô vậy.

Lạy Chúa, nhờ lời chuyển cầu của thánh Phanxicô Saviê, xin cho chúng con biết sống đời sống chứng nhân bằng tất cả mọi lời nói, mọi hành vi, mọi biểu hiện công chính của chúng con. Xin cho chúng con luôn mang trong tâm tư mình ý thức truyền giáo, để luôn trở thành nhà truyền giáo bất cứ nơi nào chúng con hiện diện. Amen.

GKGĐ Giáo Phận Phú Cường

SUY NIỆM 2
I. “Cháy, cháy… trong tim
Trong cuốn Bạn Đường Chúa Giêsu, cha Hoàng Sóc Sơn viết về thánh Phanxicô Xaviê như sau:
Trong 10 năm truyền giáo, ngài đã vượt gần 100 ngàn cây số đường biển, trên những con tàu buồm mong manh, để đến Ấn Độ, Malaixia, Inđônêxia, Nhật Bản và qua đời trên đảo Thượng Xuyên, đang khi mơ ước vào Trung Hoa […].
Ai cũng phải công nhận ngài táo bạo đến mức liều lĩnh. Đường biển thời ấy luôn bị đe dọa vì bệnh dịch, bão tố và hải tặc, nhưng ngài tin tưởng nếu Chúa không cho phép, không có gì làm hại được ngài .
Với những lao nhọc và thành quả truyền giáo phi thường như thế, thánh Phanxicô được coi là, theo như phần giới thiệu về thánh Phanxicô trong Sách Lễ Phụng Vụ Dòng Tên, một trong những nhà truyền giáo vĩ đại nhất trong lịch sử Hội Thánh, chỉ sau thánh Phaolô. Đối với Dòng Tên, ngài là nhà truyền giáo đầu tiên và số một; ngài được tuyên thánh năm 1622, và được Hội Thánh đặt làm bổn mạng các xứ truyền giáo.
* * *
Đó chính là khuôn mặt của thánh Phanxicô Xaviê mà mọi người thường nói và viết. Tuy nhiên, chúng ta cũng nên tự hỏi: những biến cố nào đã dẫn ngài đến với Phương Đông? Đâu là những kinh nghiệm đem lại cho ngài sức mạnh như vô tận để thực hiện được những điều phi thường như thế? Chắc chắn chúng ta chỉ có thể khám phá ra câu trả lời, khi trở lại với thời gian ngài học ở Paris.
Trước hết, đó là kinh nghiệm ở cùng phòng với thánh I-nhã Loyola . Kinh nghiệm này như các thư của ngài chứng tỏ, sẽ mãi mãi ghi dấu trong tim của thánh Phanxicô. Nhưng làm thế nào I-nhã đã chinh phục được Phanxicô? Điều này mãi vẫn là một bí ẩn giữa hai người, và ở đàng sau, đó là điều bí ẩn của chính Thiên Chúa. Chúng ta có thể so sánh bí ẩn này với bí ẩn của thánh Phaolô. Có người nói rằng, đó là nhờ vào sự kiên trì của I-nhã rỉ vào tai Phanxicô một câu nói của Đức Giêsu: “Được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì người ta nào có lợi gì?” (Mc 8, 36) Điều này có lẽ là không đủ và chỉ có ý nghĩa tượng trưng mà thôi, bởi lẽ Lời Chúa không thể thấm vào lòng người bằng con đường áp đặt. Điều chúng ta có thể biết chắc chắn, đó là ngài được ví như “nắm bột thô nhất” trong số các bạn của I-nhã.
Tiếp đến, đó là kinh nghiệm tình bạn trong Chúa, một tình bạn được thôi thúc bởi lòng ước ao trở thành những người phục vụ cho sứ mạng của Đức Kitô trong thời đại của các ngài. Tình bạn này được khởi sự và triển nở ngay trong những sinh hoạt rất bình thường của đời sinh viên, như học tập, trao đổi, giải trí, những việc làm thường ngày; tuy nhiên, tình bạn này chỉ trở nên “tình bạn trong Chúa” khi được nuôi dưỡng và trở nên sâu đậm bởi một đời sống thiêng liêng sâu xa của từng người và ngang qua những lúc họp mặt cầu nguyện và chia sẻ. Tình bạn của thánh Phanxicô và các bạn đạt tới đỉnh cao nơi lời khấn Montmartre, vào ngày 15/08/1534: cùng nhau sống khó nghèo, khiết tịnh và đi hành hương Giêrusalem; sau đó trở về làm việc cho phần rỗi tha nhân, những người tin cũng như chưa tin, rao giảng Lời Chúa và cử hành cách nhưng không các bí tích.
Và sau cùng, phải kể đến kinh nghiệm Linh Thao. Chính thánh I-nhã đã hướng dẫn Linh Thao cho thánh Phanxicô vào cuối tháng 9 năm 1534, nghĩa là ngay sau lời khấn ở Montmartre. Chắc chắn, thánh Phanxicô đã học được rất nhiều điều trong suốt hơn mười năm ở Paris; tuy nhiên, khi đọc các thư của ngài, chúng ta có cảm tưởng rằng nội dung giảng dạy và cách thức ngài hướng dẫn người khác sống đức tin chủ yếu đến từ nội dung và phương pháp của Linh Thao!
* * *
Bạn “cùng phòng” với thánh Inhã, tình bạn trong Chúa và tháng Linh Thao, theo một cách thức thích ứng với từng người, cũng chính là những kinh nghiệm mà mỗi người chúng ta đều đã và đang thực sự trải qua. Đối với chúng ta, kinh nghiệm bạn “cùng phòng” với thánh I-nhã phát xuất cách nào đó từ việc đọc và học Trình Thuật của thánh Inhã; kinh nghiệm này cần được nuôi dưỡng để không bị nhạt nhòa, ngang qua việc đọc đi đọc lại Trình Thuật và đọc thêm các bản văn khác của ngài, và đặc biệt ngang qua những hoạt động mừng kính ngài hằng năm (chẳng hạn như viết bài chia sẻ, sáng tác nhạc, ngâm thơ, hát vọng cổ, đóng kịch về thánh nhân). Kinh nghiệm cho thấy rằng, chúng ta càng hiểu và yêu mến thánh I-nhã, như thánh Phanxicô đã hiểu và yêu mến, chúng ta càng sẵn sàng để cho Chúa biến đổi và lòng chúng ta càng “bùng cháy” với niềm khát khao phụng sự Đức Kitô, Chúa chúng ta, như bài hát về thánh Inhã của cha Hữu Thu diễn tả: “Cháy, cháy… trong tim”. Thánh I-nhã có tài thông truyền “ngọn lửa” này cho những ai chịu “nói chuyện” với ngài và thực sự chịu để cho ngài hướng dẫn.
Những kinh nghiệm này là ân sủng, đúng hơn là “đặc sủng”, vì Chúa ban một cách thật đặc biệt và với nhiều ưu ái cho thánh Phanxicô và tiếp tục ban cho mỗi người chúng ta theo cùng một cách thức. Ước gì “đặc sủng” này cũng làm cho con tim chúng ta bùng cháy để trở thành những người phục vụ “phi thường” cho sứ mạng của Đức Ki-tô hôm nay.
II. « Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ »
1. Lắng nghe lời chứng (c. 14)
Trước khi Đức Ki-tô phục sinh sai các tông đồ đi loan báo Tin Mừng : « Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ… », Ngài đã khiển trách các ông đã không tin và cứng lòng đối với lời chứng của các chứng nhân : « Người tỏ mình ra cho chính Nhóm Mười Một đang khi các ông dùng bữa. Người khiển trách các ông không tin và cứng lòng, bởi lẽ các ông không chịu tin những kẻ đã được thấy Người sau khi Người trỗi dậy » (c. 14).
Như thế, Đức Ki-tô phục sinh rất coi trọng việc chúng ta làm chứng cho nhau, lời của của người khác dành cho chúng ta, lời chứng của chúng ta dành cho người khác. Trước khi trở thành chứng nhân, chúng ta được mời gọi mở lòng ra để lắng nghe các chứng nhân. Và điều này phải làm chúng ta ngặc nhiên : kinh nghiệm này cũng phải có, ngay cả đối với các tông đồ, vốn là các chứng nhân ưu tuyển ! Thật vậy, trước khi trở thành chứng nhân, chính các tông đồ cũng đã phải trải qua kinh nghiệm lắng nghe các chứng nhân khác, vốn đã được ban ơn nhận ra Đức Ki-tô phục sinh trước. Đó là chứng từ của bà Maria Magdala và chứng từ của hai môn đệ từ Emmau trở về (c. 9-13). Bởi vì chính Đức Ki-tô phục sinh hiện diện nơi lời chứng mà chúng ta chia sẻ cho nhau.
2. Ra đi làm chứng (c. 15-18)
Tuy vậy, một đàng Người khiển trách các môn đệ, đàng khác Đức Ki-tô phục sinh vẫn tin tưởng trao sứ mạng cho ông. Chúng ta hãy dừng lại suy gẫm từng lời của Đức Ki-tô :
– Người mời gọi các môn đệ đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Đó là chiều kích phổ quát của việc loan báo Tin Mừng, bởi vì Tin Mừng của Đức Ki-tô và Tin Mừng của thế giới sáng tạo là một (x. Rm 10, 18 trích Tv 19, 5).
– « Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ ; còn ai không tin, sẽ bị kết án ». Nhưng kinh nghiệm sống cho chúng ta nhận ra rằng, người ta đã « tự kết án » mình rồi, khi không tin, bởi vì không tin vào sự sống người ta tất yếu sẽ hành động cho sự chết, sẽ chứng minh sự chết mạnh nhất, do đó, sẽ trở thành nô lệ của thần chết.
– Ngoài ra, Đức Ki-tô còn ban những dấu lạ, đi theo những ai có lòng tin : nhân danh Đức Ki-tô, các chứng nhân trừ quỉ, nói tiếng lạ, cầm được rắn, uống thuốc độc cũng không sao và chữa bệnh bằng cách đặt tay.
Thế hệ đầu tiên đã được ban những ơn đặc biệt như thế. Còn chúng ta, những ơn này bây giờ vẫn được ban, nhưng dưới những hình thức khác, tuy không ngoạn mục, nhưng sâu xa và bền vững hơn :
– Ơn nhận định thần loại, nghĩa là phân biệt và nhận ra sự hiện diện và cách hành động của Chúa, đồng thời cũng nhận ra sự có mặt và các hành động « mưu mô » của Sự Dữ.
– Ơn thông truyền đức tin và kinh nghiệm thiêng liêng gặp gỡ Chúa, cho dù có rất nhiều khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa…
– Con rắn và thuốc độc là những biểu tượng của sự dữ và bạo lực. Chúng ta có thể chiến thắng nhờ Thập Giá Đức Ki-tô, như lời Tv 8 : « Chúa cho miệng con thơ trẻ nhỏ, cất tiếng ngợi khen đối lại địch thù, khiến kẻ thù quân nghịch phải tiêu tan ».
– Chúng ta được mời gọi quan tâm chăm sóc bệnh nhân ; bởi vì, bệnh nhân còn sống và được chữa lành bởi sự hiện diện cảm thông và yêu thương nữa, nhất là những trường hợp hiểm nghèo hay nan y.
Nhưng trên hết là, chúng ta được mời gọi thi hành sứ mạng « nhân danh Đức Ki-tô », chúng ta chỉ là tôi tớ, là nữ tì ; và vì thế, phải để cho Chúa hành động.
3. Đức Ki-tô phục sinh lên trời (c. 19-20)
« Nói xong, Chúa Giê-su được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa. Còn các Tông Đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng ». Như thế, « lên trời » có nghĩa là « ngự bên hữu Thiên Chúa »; Đức Ki-tô đến từ Thiên Chúa và trở về với Thiên Chúa, ngang qua thân phận con người. Chúng ta cũng chia sẻ niềm vui với Đức Ki-tô ; đồng thời đây cũng là niềm hi vọng lớn lao cho chúng ta :
– Thân phận con người là đường đi, và thiết yếu là ơn huệ, và ơn huệ lớn nhất và căn bản nhất là ơn huệ sự sống, chứ không phải ngỏ cụt, hình phạt hay nơi chốn của thử thách, theo nghĩa người được thách vẫn chưa đáng tin, cần phải kiểm tra hay kiểm nghiệm. Bởi lẽ, Chúa đã đến phục vụ cho sự sống của chúng ta và Người đã « phục vụ đến cùng ».
– Và nơi đến là chính Thiên Chúa ; vì Ngài đã nói : « Thầy đi để dọn chỗ, trong Nhà Cha có nhiều chỗ ; để thầy ở đâu, anh em cũng ở đó với Thầy » ; « Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em ; Cha của Thầy cũng là Cha của anh em. »
Ngoài ra, theo thánh Mác-cô, chính khi Đức Ki-tô « lên trời », Ngài đi vào cách hiện hữu mới, để có thể hoạt động cùng với các chứng nhân, là các Tông Đồ, là Giáo Hội, là mỗi người chúng ta.
* * *
Xin cho chúng ta nhận ra sự đồng hành rất âm thầm và kín đáo, nhưng cũng rất sống động của Đức Ki-tô phục sinh trong sứ vụ, trong ơn gọi gia đình hay dâng hiến và trong đời sống hàng ngày, ngang qua các dấu chỉ và ơn huệ, nhất là Lời Chúa và các Bí Tích.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
[1] Hoàng Sóc Sơn, Bạn Đường Chúa Giêsu, 1997, trang 15-16.

[1] Thánh I-nhã (1491-1556), Đấng sáng lập Dòng Tên (Dòng Chúa Giê-su; lễ nhớ ngày 31/07