Tin Mừng Chúa Giê-su Kitô theo Thánh Mat-thêu (Mt 17: 10-30)
10 Các môn đệ hỏi Người rằng: "Vậy sao các kinh sư lại nói Ê-li-a phải đến trước? "11 Người đáp: "Ông Ê-li-a phải đến để chỉnh đốn mọi sự.12 Nhưng Thầy nói cho anh em biết: ông Ê-li-a đã đến rồi mà họ không nhận ra, lại còn xử với ông theo ý họ muốn. Con Người cũng sẽ phải đau khổ vì họ như thế."13 Bấy giờ các môn đệ hiểu Người có ý nói về ông Gio-an Tẩy Giả.14 Khi thầy trò đến với đám đông, thì có một người tới quỳ xuống trước mặt Đức Giê-su15 và nói: "Thưa Ngài, xin thương xót con trai tôi, vì cháu bị kinh phong và bệnh tình nặng lắm: nhiều lần ngã vào lửa, và cũng nhiều lần ngã xuống nước.16 Tôi đã đem cháu đến cho các môn đệ Ngài chữa, nhưng các ông không chữa được."17 Đức Giê-su đáp: "Ôi thế hệ cứng lòng không chịu tin và gian tà! Tôi còn phải ở với các người cho đến bao giờ, còn phải chịu đựng các người cho đến bao giờ nữa? Đem cháu lại đây cho tôi."18 Đức Giê-su quát mắng tên quỷ, quỷ liền xuất, và đứa bé được khỏi ngay từ giờ đó.19 Bấy giờ các môn đệ đến gần hỏi riêng Đức Giê-su rằng: "Tại sao chúng con đây lại không trừ nổi tên quỷ ấy? "20 Người nói với các ông: "Tại anh em kém tin! Thầy bảo thật anh em: nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải thôi, thì dù anh em có bảo núi này: "rời khỏi đây, qua bên kia! " nó cũng sẽ qua, và sẽ chẳng có gì mà anh em không làm được. (21 Giống quỷ này không chịu ra, nếu người ta không ăn chay cầu nguyện)."22 Khi thầy trò tụ họp ở miền Ga-li-lê, Đức Giê-su nói với các ông: "Con Người sắp bị nộp vào tay người đời,23 họ sẽ giết chết Người, và ngày thứ ba Người sẽ trỗi dậy." Các môn đệ buồn phiền lắm.24 Khi thầy trò tới Ca-phác-na-um, thì những người thu thuế cho đền thờ đến hỏi ông Phê-rô: "Thầy các ông không nộp thuế sao? "25Ông đáp: "Có chứ! " Ông về tới nhà, Đức Giê-su hỏi đón ông: "Anh Si-môn, anh nghĩ sao? Vua chúa trần gian bắt ai đóng sưu nộp thuế? Con cái mình hay người ngoài? "26 Ông Phê-rô đáp: "Thưa, người ngoài." Đức Giê-su liền bảo: "Vậy thì con cái được miễn.27 Nhưng để khỏi làm gai mắt họ, anh ra biển thả câu; con cá nào câu được trước hết, thì bắt lấy, mở miệng nó ra: anh sẽ thấy một đồng tiền bốn quan; anh lấy đồng tiền ấy, nộp thuế cho họ, phần của Thầy và phần của anh."
SUY NIỆM 1
Vào thời Chúa Giêsu, dân chúng cứ mong đợi ông Elia đến, vì họ cho rằng ông là vị tiền hô cho Đấng Cứu Thế. Thế nên, trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã cho các môn đệ biết, Gioan Tiền Hô chính là hiện thân của Êlia, đã đến trước chuẩn bị cho sứ vụ của Người, và khi Chúa Giêsu giới thiệu Gioan Tiền Hô như là Êlia thì cũng có nghĩa là Người muốn nói cho người Do Thái biết rằng, lời tiên tri Malaki mà họ trông đợi đã ứng nghiệm, Đấng Cứu Thế là chính Người đã đến.
Chúa Giêsu cũng xác nhận với các môn đệ: "Thật, Elia phải đến để chấn hưng mọi sự". Elia ấy chính là Gioan Tẩy Giả đã rao giảng sự ăn năn thống hối, hãy sửa đường đi cho ngay thẳng, lối đi quanh queo hãy san cho bằng. Những nơi gồ ghề, hố sâu hãy lấp cho bằng thì mọi người sẽ thấy ơn cứu độ. Gioan tiền hô đã đi trước để dọn đường cho Chúa Kitô sẽ đến sau, Ngài đến để mang ơn cứu độ xuống cho trần gian và một số môn đệ Gioan đi theo Chúa Giêsu để xem Ngài, đồng thời Gioan cũng đã xác định vị thế của mình trong chương trình cứu chuộc của Thiên Chúa: "Ngài phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ đi".
Gioan Tẩy Giả dọn đường cho Chúa bằng chính đời sống khắc khổ để khơi dậy lòng sám hối cho dân chúng. Ông làm chứng cho Chúa bằng chính cái chết của ông: Chúng ta muốn làm chứng cho Chúa cần phải chết đi cho tội lỗi, khuyết điểm, yếu đuối của mình, và chết đi vì những nỗ lực, cố gắng, kiên trì thực thi giáo huấn của Chúa để sống hoàn thiện hơn.
Con người của Gioan Tẩy Giả thật là khiêm nhường trong vị thế của ông: "Còn tôi, tôi không xứng đáng cởi dây giầy cho Người". Gioan Tẩy Giả mang sứ mệnh như tiên tri Elia trong Cựu Ước nhưng cũng là một con người ăn chay hãm mình trong rừng vắng, khiêm nhường, đơn sơ trong công việc dọn đường cho Ðấng Cứu Thế sẽ đến. Chúng ta, người tông đồ của Chúa trong tinh thần Mùa Vọng, cũng phải làm chứng bằng đời sống khó nghèo, bác ái, yêu người và khổ chế để nêu gương cho người khác biết ăn năn sám hối, để chuẩn bị Chúa đến bằng ơn thánh trong cuộc sống hằng ngày.
Gioan Tẩy Giả không cao trọng nhờ sự lạ lúc sinh ra nhưng cao trọng do sứ mệnh dọn đường cho Ðấng Cứu Thế đến mà ông đã làm. Trong ngục tối, ông dám nói thẳng sự thật, dám làm chứng nhân cho Thiên Chúa ở giữa trần gian. Thật là một tấm gương cao quí đáng cho chúng ta bắt chước noi theo.
Mùa Vọng dọn lòng đón Chúa đến, chúng ta dọn lòng bằng những việc thanh tẩy đời sống: chừa cải những tính hư nết xấu, và bằng việc thánh hóa tha nhân: sống tốt với mọi người, làm việc tốt cho tha nhân và chu toàn tốt bổn phận đối với bản thân, đối với tha nhân và nhất là đối với Chúa. Phải nỗ lực để chấn chỉnh lại lối sống đạo của mỗi người, bằng cách biết nhận ra những sai trái trong tư tưởng, lời nói và việc làm của mình. Đồng thời còn phải góp phần chấn hưng, đẩy lùi sự ác, sự dữ ra khỏi trần gian, khi dám bảo vệ sự thật, loại trừ điều xấu.
Lạy Chúa, Gioan Tẩy Giả đến để chuẩn bị cho Chúa mang ơn cứu độ đến. Xin cho mỗi người trong chúng con chuẩn bị tâm hồn trong sáng hân hoan để đón Chúa đến trong chúng con và trong gia đình thân yêu của chúng con. Xin Chúa cho mỗi người trong chúng con biết yêu thương nhau, chia sẻ cho nhau tất cả tinh thần và vật chất để trọn niềm vui mừng đón chờ Chúa đến. Amen.
GKGĐ Giáo Phận Phú Cường
SUY NIỆM 2
Cả bài đọc I và bài Tin Mừng theo thánh Mát-thêu trong Thánh Lễ hôm nay đều nói về ngôn sứ Elia. Điều này nhắc nhở chúng ta rằng hình ảnh ngôn sứ Elia có một vị trí đặc biệt trong tương quan giữa Cựu Ước và Tân Ước, và vì thế, sẽ soi sáng, làm rạng rỡ cuộc đời và căn tính của Đức Giê-su.
Thực vậy, trong cuộc đối thoại giữa Đức Giê-su và các môn đệ của Ngài, Gio-an Tẩy Giả được coi là Elia, vị ngôn sứ phải đến và chính Đức Giê-su đã so sánh số phận của mình với cả Gioan lẫn Elia : « Con Người cũng sẽ phải đau khổ vì họ như thế ».
1. Ngôn sứ Elia
Bài đọc I, trích sách Huấn Ca, kể lại những kì công mà ngôn sứ Elia đã thực hiện :
Thưa ông Ê-li-a, ông đã làm bao việc lạ lùng,
ông thật là vinh quang hiển hách!
Ai có thể tự hào được nên giống như ông? (Hc 48, 4)
ông thật là vinh quang hiển hách!
Ai có thể tự hào được nên giống như ông? (Hc 48, 4)
Nhưng, như chúng ta đều biết, ngôn sứ Elia cũng đã từng trải qua những giai đoạn rất khó khăn, thậm chí bi đát. Thực vậy, theo sách Các Vua quyển thứ nhất, vì bị đuổi giết, vị ngôn sứ đã phải chạy trốn vào sa mạc, và chính trong nỗi tuyệt vọng mà ông thưa với Đức Chúa những lời này : « Lạy ĐỨC CHÚA, đủ rồi! Bây giờ xin Chúa lấy mạng sống con đi, vì con chẳng hơn gì cha ông của con. » (1V 19, 4) Và chính bởi những thử thách tận căn này của đời mình, mà ngôn sứ Elia loan báo và soi sáng cuộc đời của Gioan Tầy Giả và Đức Giê-su.
Tuy nhiên, chính khi chạy trốn và lưu lại trong sa mạc, mà ngôn sứ Elia có một kinh nghiệm hoàn toàn khác và mới mẻ về Thiên Chúa : Thiên Chúa không hiện diện ở trong lửa ; lửa bừng cháy mạnh mẽ mà bài đọc I nhiều lần nói tới ; nhưng Thiên Chúa hiện diện ở trong « tiếng gió hiu hiu ». Tiếng gió dịu êm nhắc nhớ chúng ta sự dịu êm thần linh của mầu nhiệm Giáng Sinh và cả mầu nhiệm Thập Giá nữa (x. 1V 19, 9-14).
Tuy nhiên, chính khi chạy trốn và lưu lại trong sa mạc, mà ngôn sứ Elia có một kinh nghiệm hoàn toàn khác và mới mẻ về Thiên Chúa : Thiên Chúa không hiện diện ở trong lửa ; lửa bừng cháy mạnh mẽ mà bài đọc I nhiều lần nói tới ; nhưng Thiên Chúa hiện diện ở trong « tiếng gió hiu hiu ». Tiếng gió dịu êm nhắc nhớ chúng ta sự dịu êm thần linh của mầu nhiệm Giáng Sinh và cả mầu nhiệm Thập Giá nữa (x. 1V 19, 9-14).
2. Ngôn sứ Elia và Đức Giê-su
Như thế, mầu nhiệm Vượt Qua đã được ghi khắc trong cuộc đời của ngôn sứ Elia rồi, vì chính khi ông gặp thử thách khó khăn, đi đến đường cùng, bị mọi người ruồng bỏ, và dường như kể cả Thiên Chúa nữa, thì ông lại kinh nghiệm được sự hiện diện của Người một cách hoàn toàn mới.
Nhưng vào lúc cuối đời, ngôn sứ Elia vẫn chưa biết đến cái chết, như bài đọc I tưởng nhớ : « Ông đã được cất lên giữa đám lửa xoáy như cơn lốc, trên chiếc xe do ngựa đỏ như lửa kéo đi. » Chính vì thế mà vị ngôn sứ như vẫn còn mắc nợ với cuộc đời này và cũng chính vì thế mà những thế hệ sau này chờ đợi ông trở lại : « Các môn đệ hỏi Đức Giê-su rằng : Sao các kinh sư nói rằng ông Elia phải đến trước ? »
Thực vậy, trên đồi sọ, khi nghe tiếng kêu của Đức Giê-su, những kẻ nhạo báng nói đùa với nhau: “Khoan đã, để xem ông Ê-li-a có đến cứu hắn không!” Lúc ấy, ngôn sứ Elia đã không đến can thiệp để cứu Đức Giê-su, và như thế, ông đã nói lên sứ điệp cuối cùng của mình ngang qua lời đáp là thinh lặng và không làm gì hết. Như thế Ngôn sứ Elia và Đức Giê-su đã trở nên một, vì Đức Giê-su cũng sẽ “thing lặng không làm gì hết” cho đến đến cùng.
3. Đức Ki-tô chịu đóng đinh, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa
Đức Ki-tô chịu đóng đinh trên Thập Giá, thing lặng và không làm gì hết, nhưng lại nói cho chúng ta nhiều nhất, làm cho chúng ta nhiều nhất. Vì như thánh Phao nói, đối với con người là điên rồ và sỉ nhục, nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, Đấng ấy là Đức Ki-tô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa.
* * *
Như các ngôn sứ Elia và Gioan, trong những thử thách tận căn của cuộc đời, chúng ta được mời gọi trở nên một với Đức Ki-tô chịu đóng chịu đinh, để « sức mạnh và sự khôn ngoan » của Thiên Chúa được tỏ hiện rạng ngời.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc