Gioan Tẩy Giả thiếu kiên nhẫn
(Mt 11,2-11)
Sứ vụ Gioan Tẩy Giả kết thúc trong nỗi đớn đau khốc liệt. Gioan chẳng có thói quen gia giảm chân lý cho vừa ý người khác, cũng không thể nào thấy điều gian ác mà không quở trách. Gioan đã rất thẳng thắn đến nỗi phải mang lụy vào thân.
Trong chuyến du lịch từ Galilê đến Rôma thăm anh trai, vua Hêrôđê Antipa đã quyến rũ vợ của anh mình. Khi trở về xứ, ông bỏ vợ chính thức để cưới chị dâu mà ông đã dụ dỗ. Gioan công khai và nghiêm khắc quở trách Hêrôđê. Dám chỉ trích một vị vua Phương Đông thì không bao giờ được yên thân. Hêrôđê đã trả thù: Gioan bị quăng vào ngục Macheron, trong vùng núi gần Biển Chết.
Đối với người bình thường số phận đó là rất khủng khiếp; đối với Gioan thì càng kinh khủng hơn bội phần. Ông là đứa con của hoang địa, cả đời sống ngoài trời bao la, với gió thoảng mây ngàn, thế mà bây giờ phải chôn chân trong bốn bức tường chật hẹp dưới mặt đất. Với Gioan, một người có lẽ chưa hề sống tù túng dưới một mái nhà nào, điều này quả là một nỗi thống khổ không lường được.
Trong lâu đài Carlisle có một phòng giam nhỏ. Ngày xưa có lần người ta tống giam một sĩ quan biên phòng vào đó trong mấy năm liền. Phòng giam đó có một cửa sổ nhỏ trên cao, người đứng dưới đất không thể nhìn ra ngoài được. Sau này người ta thấy trên vách đá bên mép cửa sổ có hai dấu lõm vào. Đó là dấu tay của người sĩ quan biên phòng ngày ngày đu mình lên đó để được nhìn ra giải thung lũng xanh rờn, nơi ông ta không bao giờ còn hy vọng trở lại nữa.
Chắc Gioan cũng mang một tâm trạng như thế cho nên không có gì đáng ngạc nhiên hoặc đáng chỉ trích khi ta thấy những thắc mắc bắt đầu hình thành trong trí ông. Ông đã tin Chúa Giêsu là Đấng phải đến, là Đấng Mêsia mà dân Do Thái nóng lòng mong đợi (Mc 11,9; Lc 13,35; Dt 10,37; Tv 118,26). Một người sắp chết thì không thể nào để cho lòng mình vương vấn chút ngờ vực nào. Ông cần phải biết thật chắc chắn nên ông sai môn đệ đến hỏi Chúa Giêsu “Thầy có phải là Đấng phải đến chăng? Hay chúng tôi còn phải đợi Đấng khác?”.
Câu hỏi đó có thể có nhiều lý do, nhưng ở đây có thể là Gioan đã thiếu kiên nhẫn. Sứ điệp của Gioan là sứ điệp về phán xét (Mt 3,7-12). Cái búa đã để kề gốc cây, việc sàng sảy đã khởi sự, lửa phán xét thanh tẩy của Chúa đã bắt đầu. Có thể lúc đó Gioan nghĩ rằng: “Khi nào Chúa Giêsu mới bắt đầu hành động? Khi nào Ngài mới bắt đầu tiêu diệt kẻ thù, thiêu huỷ cái ác?
Có thể Gioan đã mất kiên nhẫn vì Chúa Giêsu đã không hành động như ông mong đợi. Chính vì thế Chúa phải cảnh cáo: “Phúc thay người nào không vấp ngã vì Ta”. Chúa phán điều này với Gioan vì Gioan chỉ nắm có phân nửa chân lý. Gioan rao giảng Tin Mừng về sự thánh thiện, với sự huỷ diệt từ trời, còn Chúa Giêsu rao giảng Tin Mừng về sự thánh thiện, với tình yêu từ trời. Vì vậy Chúa Giêsu nói với Gioan rằng: “Có thể Ta không làm điều ngươi trông đợi Ta, nhưng những quyền lực gian ác đang bị đánh bại, bị đánh bại không phải bởi sức mạnh vô địch mà bởi tình yêu vô hạn”.
Sau đó Chúa lại khen Gioan:”Thật Ta bảo các ngươi, trong các con cái người nữ sinh ra, chưa từng có ai cao trọng hơn Gioan Tẩy Giả”, nhưng tiếp đó là một câu thật bất ngờ “tuy nhiên kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông”.
Đây là một chân lý chung cho mọi đời. Sự xuất hiện của Chúa Giêsu đem đến cho thế gian này một cái gì mới mẻ. Các ngôn sứ là những người vĩ đại và sứ điệp của họ rất quý báu, nhưng sự xuất hiện của Chúa Giêsu làm nổi bật lên một cái gì vĩ đại hơn, một sứ điệp tuyệt diệu hơn. Ông C.G. Monterfiore, một người Do Thái không tin Chúa, viết: “Kitô Giáo đánh dấu cho một kỷ nguyên mới trong lịch sử tôn giáo và văn minh nhân loại. Những điều thế giới nhận được từ Chúa Giêsu và Phaolô thật lớn lao. Sự vật và tư tưởng con người không thể nào giữ y nguyên như trước khi hai vĩ nhân này xuất hiện”. Ngay cả một người không tin Chúa cũng phải vô tư thừa nhận rằng mọi việc bây giờ không thể nào giống như trước khi Chúa Giêsu đến.
Như vậy “kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông Gioan” ở chỗ nào?
Câu trả lời rất đơn giản: Gioan chưa hề thấy Thập Giá. Vì thế Gioan không thể nào biết được sự mạc khải trọn vẹn về tình yêu của Thiên Chúa. Ông có thể biết về sự thánh thiện của Chúa, có thể nói về sự công chính của Ngài, nhưng ông không bao giờ có thể biết về tình yêu đầy tràn của Thiên Chúa.
Nghe sứ điệp của Gioan và đối chiếu với sứ điệp của Chúa Giêsu, không ai có thể gọi sứ điệp của Gioan là Phúc Âm, là Tin Mừng. Ta thấy cái ý trong sứ điệp của Gioan là đe doạ, huỷ diệt; còn Chúa Giêsu thì Thập Giá của Ngài bày tỏ cho người ta thấy chiều dài, chiều cao và chiều sâu của tình yêu Thiên Chúa. Điều ngạc nhiên là một Kitô hữu bình thường cũng có thể biết về Chúa nhiều hơn Đấng ngôn sứ thời Cựu Ước. Người nào thấy được Thập Giá là thấy được cả tấm lòng của Chúa, theo một cách mà không ai sống trước Thập Giá lại có thể thấy được. Chỉ trong Thập Giá của Chúa Giêsu, chúng ta mới thấy được mạc khải trọn vẹn về tình yêu của Thiên Chúa. Như thế, quả thật kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời thì lớn hơn bất cứ người nào trước đó, kể cả Gioan Tẩy Giả. Amen.