Tin Mừng Chúa Giê-su Kitô theo Thánh Mat-thêu (Mt 3: 1-12)
1 Hồi ấy, ông Gio-an Tẩy Giả đến rao giảng trong hoang địa miền Giu-đê rằng:2 "Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần."3 Ông chính là người đã được ngôn sứ I-sai-a nói tới: Có tiếng người hô trong hoang địa: Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi.4 Ông Gio-an mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, lấy châu chấu và mật ong rừng làm thức ăn.5 Bấy giờ, người ta từ Giê-ru-sa-lem và khắp miền Giu-đê, cùng khắp vùng ven sông Gio-đan, kéo đến với ông.6 Họ thú tội, và ông làm phép rửa cho họ trong sông Gio-đan.7 Thấy nhiều người thuộc phái Pha-ri-sêu và phái Xa-đốc đến chịu phép rửa, ông nói với họ rằng: "Nòi rắn độc kia, ai đã chỉ cho các anh cách trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống vậy?8 Các anh hãy sinh hoa quả để chứng tỏ lòng sám hối.9 Đừng tưởng có thể bảo mình rằng: "Chúng ta đã có tổ phụ Áp-ra-ham." Vì, tôi nói cho các anh hay, Thiên Chúa có thể làm cho những hòn đá này trở nên con cháu ông Áp-ra-ham.10 Cái rìu đã đặt sát gốc cây: bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa.11 Tôi, tôi làm phép rửa cho các anh trong nước để giục lòng các anh sám hối. Còn Đấng đến sau tôi thì quyền thế hơn tôi, tôi không đáng xách dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho các anh trong Thánh Thần và lửa.12 Tay Người cầm nia, Người sẽ rê sạch lúa trong sân: thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi."
SUY NIỆM 1
Nước Mỹ vừa trải qua cuộc bầu cử với nhiều nước mắt và nụ cười. Trước bầu cử mọi cuộc thăm dò đêu mang lại cho bà Hilary Clinton nhiều hy vọng, và hầu như nhiều vị lãnh đạo trên thế giới cũng chờ đến ngày bà Hilary bước vào Nhà Trắng, trở thành nữ tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ. Thế nhưng “đời không như là mơ”, sau cuộc bầu cử là nỗi thất vọng ê chề cho bà Clinton và là cú “sốc” cực lơn cho nhiều người trên thế giới. Trong khi đó rất nhiều người không hy vọng và cũng không cầu mong cho ông Trump trở thành tổng thống Hoa kỳ, thế mà ông đã hiên ngang bước vào Nhà Trắng trở thanh vị tổng thống thứ 45 của nước Mỹ.
Nói về chuyện thê gian để chúng ta suy gẫm về Lời Chúa hôm nay. Gioan xuất hiện và kêu gọi người Do Thái sám hối vì Nước trời đã đến gần. Một thông điệp nghe lạ tai với dân chúng thời Gioan, bởi họ đang chờ đợi một vương quốc hưng thịnh mà Davit đã gầy dựng xuất hiện. Trong khi tâm trí dân đang hoài tưởng về một đất nước hùng mạnh, thống trị chư dân, và họ đang khao khát môt anh hùng xuất chúng để giải thoát họ khỏi cảnh nô lệ dưới ách thống trị của Đế quóc Roma, thì tại sao Gioan lai đưa ra một thông điệp lạ lùng như thế?
Bởi Gioan đã nhận ra rằng, Thiên Chúa sẽ thực hiện điều Ngài đã hứa là sẽ giải phóng Dân Ngài và sẽ làm cho đất nước của Dân Ngài nên hùng mạnh trong viễn tượng cánh chúng, tức là ơn cứu độ không chỉ nhằm đến phục hồi tình trạng hay chết của con người, nhưng là dẫn đưa con người tới một cuộc sống đích thực. Gioan muốn cho Dân Do Thái nhận ra rằng, một đất nước hùng mạnh trong thế giới bị chi phối bởi tội thì có nghĩa gì, nó cũng sẽ qua đi và chẳng tồn tại. Điều mà Dân cần chính alf sự giải thjoast khỏi caarnh hư vong để được sống mãi. Điều đó đang xuất hiện nơi con người Đức Kito, mà Gioan không ngần ngại giới thiệu: Đây là chiên Thiên Chúa.
Quả thật Gioan đã nói về sự xuất hiện của Đấng cứu tinh không ai hơn điều mà Cựu Ước đã nói đến, Ngài là Đấng tràn đầy Thần Khí khôn ngoan và minh mẫn, mưu lược và dũng mãnh, Người bênh vực kẻ thấp cổ bé miệng, và đứng lên bảo vệ kẻ nghèo khó. Ngài thiết lập một nền hoà bình vĩnh cửu, và vương quóc Ngài tồn tại đến muôn đời. Vì thế, Gioan đã không ngần ngại kêu gọi: thay vì cứ ngong ngóng chờ đợi sự hưng thịnh của một vương quốc trần gian đầy tham vọng, chiến tranh, hãy mở lòng hướng tới Đấng mang lại bình an, niềm vui và hòa bình.
Việc mở lòng đó không gì hơn là một hành vi sám hối, loại trừ sự bất công, bênh vực kẻ cô thân cô thế, hãy mở rộng tấm lòng để biết xót thương mọi người, và hãy làm cho mọi dân nước biết cất tiếng ngợi ca tình thương Thiên Chúa.
Lạy Chúa, có lẽ nhiều lúc chúng con cũng đang tục hóa đức tin khi chúng con chỉ cậy trông vào Chúa vì những lợi lộc chóng qua, chúng con theo Chúa vì hy vọng vào sự phàm tục hơn là sự sống vĩnh cửu. Xin cho chúng con hoán cải trở về đúng với đức tin mà Chúa đã tặng ban, xin cho chúng con biết xót thương và biết làm cho mọi người nhận biết Thánh Danh Chúa mà cất tiếng ngợi ca. Amen
GKGĐ Giáo Phận Phú Cường
SUY NIỆM 2
Hôm nay, đã là Chúa Nhật II Mùa Vọng, xin cho chúng ta để mình được Lời Chúa đánh động và biến đổi để đón Chúa chắn chắn sẽ đến và đang đến với chúng ta mỗi ngày.
Và nhất là xin cho chúng ta thực hiện điều mà ngôn sứ Isaia báo trước về sứ điệp của thánh Gioan Tẩy Giả : « Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. » Con đường và lối đi của Chúa, chính là cách sống của chúng ta, là cuộc đời của chúng ta.
- Chân dung thánh Gioan Tẩy Giả
Như chúng ta đều biết, trong Mùa Vọng, có tất cả bốn Chúa Nhật ; và trong bốn Chúa Nhật này, có hai Chúa Nhật, tức là Chúa Nhật II hôm nay và Chúa Nhật III tuần tới, Giáo Hội mời gọi chúng ta lắng nghe sứ điệp, chiêm ngắm chân dung và cuộc đời của thánh Gioan Tẩy Giả.
Hình ảnh của thánh Gioan xuất hiện trong Tin Mừng của hai Chúa Nhật Mùa Vọng liên tiếp, đủ để nói cho chúng ta biết rằng sứ điệp và cuộc đời của thánh Gioan có tầm quan trọng đặc biệt cho cách chúng ta đón nhận Đức Ki-tô, sống gắn bó với Đức Ki-tô và loan báo Đức Ki-tô. Ngoài ra, tầm quan trọng của thánh Gioan còn được nhấn mạnh bởi sự kiện, chính ngài, vốn là một ngôn sứ cũng được loan báo bởi một ngôn sứ khác đi trước, đó là ngôn sứ Isaia ; như chúng ta vừa nghe trong bài Tin Mừng : « ông chính là người đã được ngôn sứ Isaia nói tới » (c. 3).
Có thế nói, cùng với Đức Ki-tô, thánh Gioan cũng được Kinh Thánh loan báo. Chính vì thế mà, sự sinh ra, sự sống và sự chết của thánh Gioan đều loan báo Đức Ki-tô, đều trở nên một với Đức Ki-tô. Chúng ta, với tư cách là Ki-tô hữu nhờ phép Thanh Tẩy, trong ơn gọi gia đình hay tu trì, cũng được mời gọi trở nên một Gioan khác, nghĩa là sự sinh ra, sự sống và sự chết của chúng ta cũng phải loan báo Đức Ki-tô và trở nên một với Đức Ki-tô. Nhưng thực ra, Đức Ki-tô đã trở nên một với chúng ta trước rồi, qua sự sinh ra, sự sống và sự chết của Ngài ; và mỗi ngày, Ngài tiếp tục trở nên một với chúng ta ngang qua Lời của Ngài, ngang qua Mình và Máu Thánh của Ngài. Chúng ta chỉ cần đáp lại thôi, là ở lại và trở nên một với Đức Ki-tô.
Như thế, trước khi lắng nghe sứ điệp của thánh Gioan, thì chính cuộc đời của ngài đã là một sứ điệp mạnh mẽ và cuốn hút chúng ta rồi.
- Hoang địa
Chúng ta hãy trở lại với bài Tin Mừng để lắng nghe lời rao giảng của thánh Gioan. Trước hết, đó là một lời rao giảng được công bố trong hoang địa : ngôn sứ Isaia báo trước sẽ có tiếng người hô trong hoang địa ; và thực sự đã xẩy ra như vậy, vì Tin Mừng kể lại : « Hồi ấy, ông Gioan Tẩy Giả đến rao giảng trong hoang địa miền Giu-đê ». Chúng ta có lẽ đã quá quen thuộc với chi tiết này, nên không còn thấy ngạc nhiên ; nhưng đó thực sự là một điều đáng cho chúng ta ngạc nhiên : Tại sao lại rao giảng trong hoang địa, là nơi không có người hoặc có rất ít, chứ không rao giảng ở trong làng mạc, thành phố hay đền thờ, như Đức Giê-su sau này sẽ làm ?
Đúng là trong hoang địa thì không có ai, hay có rất ít, nhưng thánh Gioan cứ rao giảng ở đó ; và vì hoang địa thì vắng vẻ, nên ngài phải hô to lên, giống như lời loan báo của ngôn sứ Isaia : « có tiếng người hô trong hoang địa ». Đó là vì, trong bối cảnh lịch sử cứu độ và nhất là khởi đi từ kinh nghiệm Xuất Hành và hành trình tiến về Đất Hứa của Israel :
- Hoang địa là nơi Thiên Chúa dẫn con người vào để gặp gỡ Ngài, là nơi con người phải bỏ lại tất cả phương tiện, công việc, những lo lắng, những ràng buộc, những ngẫu tượng hay thần tượng như tiền bạc, danh vọng, lạc thú, để được tự do và bình tâm.
- Hoang địa là nơi không nhiều lương thực hay nước uống, để con người chỉ sống bằng của ăn, của uống, như là ơn Chúa ban từng ngày, giống như em bé được mẹ nuôi nấng từng ngày.
- Và hoang địa là nơi không có đường đi, để chỉ nhận Lời Chúa là « ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường cho con đi », như lời Tv 119 diễn tả.
Vì thế, để nghe được lời thánh Gioan rao giảng người ta phải bỏ lại đàng sau tất cả, để vào hoang địa, như bài Tin Mừng thuật lại : « người ta từ Giê-ru-sa-lem và khắp miền Giu-đê, cùng khắp vùng ven sông Gio-đan, kéo đến với ông ». Nhưng điều quan trọng là phải tạo ra một hoang địa ngay trong nội tâm của mình, ngay trong con tim của mình, thì mới lắng nghe, hiều và sống thực sự.
Và chúng ta phải bỏ lại tất cả, cho dù chỉ là một thời gian ngắn, nhưng rất cần thiết và quan trọng, ,mỗi khi đến Nhà Thờ hay một tu viện để nghe giảng hay tĩnh tâm. Còn nếu cứ ở nhà, thì sẽ khó nghe, hay không thể nghe Lời Chúa. Nhưng điều đó vẫn chưa đủ, tâm trí chúng ta cũng phải tạm rời bỏ tất cả, để tạo ra hoang địa ngay trong lòng của chúng ta.
- Sứ điệp của thánh Gioan Tẩy Giả
Trong bài Tin Mừng theo thánh Mát-thêu của Thánh Lễ hôm nay, sứ điệp của thánh Gio-an là mời gọi mọi người sám hối :
Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần.
(c. 2)
Đặc biệt, với những nhân vật đặc biệt như những người thuộc phái Pha-ri-sêu và phái Xa-đốc, mà thánh Gio-an gọi là « Nòi rắn độc », ngài cũng nhắc lại cùng một lời mời gọi :
Các anh hãy sinh hoa kết quả để chứng tỏ lòng sám hối.
(c. 8)
Về những lời nói mạnh mẽ, vừa khiển trách và vừa đe dọa đối với những nhóm người này, thì « ai có tật thì sẽ giật mình », khi cảm thấy mình giống như « rắn độc », chuyên đi hại người, gieo rắc nghi ngờ, gây chia rẽ, dụ dỗ người ta và làm cho người ta xa Chúa, như con rắn trong Vườn Địa Đàng.
Nhưng thế nào là sám hối ? Có lẽ hình ảnh « dọn đường, sửa lối » sẽ giúp chúng ta hiểu và sống tâm tình sám hối một cách sâu sa, tận căn và bền vững, chứ không chỉ dừng lại ở một vài nghi thức, cử chỉ hay hành động bên ngoài mà thôi, rồi sau đó, đâu lại vào đó như cũ. Sám hối mà thánh Gioan mời gọi, thì liên quan đến cách sống của chúng ta, liên quan đến cuộc đời của chúng ta ; nhưng ngôn sứ Isaia lại so sánh cách sống của chúng ta, so sánh cuộc đời của chúng ta với con đường mà Chúa sẽ đi : « Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi ».
Như thế, cách sống và cả cuộc đời của chúng ta chính là lối đi, là đường đi của Chúa. Thực vậy, ngang qua Lời của Ngài, Mình và Máu Thánh của Ngài, Ngài muốn đi ngang qua thân xác chúng ta, ngang qua tâm hồn và con tim chúng ta, ngang cách sống và cả cuộc đời của chúng ta.
Nhưng Lời báo trước của thánh Gio-an có thể làm chúng ta lo sợ :
- Rìu đã đặt sát gốc cây: bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa.
- Người cầm nia, Người sẽ rê sạch lúa trong sân: thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi.
Nhưng khi Đức Ki-tô đến, Ngài đã không thực hiện điều thánh Gioan loan báo (giống như trường hợp ngôn sứ Giona), nhưng Ngài đã sống và ứng xử khác hẳn, nhất là đối với những người tội lỗi. Ngài khác đến độ, thánh Gioan không chắc đó có phải là Đức Ki-tô mà mình loan báo hay không, như bài Tin Mừng của Chúa Nhật tuần tới tường thuật lại cho chúng ta.
Bởi vì, đúng như thánh Gioan loan báo, Đức Ki-tô đến để ban phép rửa bằng Thánh Thần, nhưng không phải là Thánh Thần thiêu hủy, lên án và giết chết, nhưng là Thánh Thần bao dung, thương xót, tha thứ, phục hồi, tái tạo, để làm tái sinh loài người chúng ta, mỗi người chúng ta cho sự sống mới (x. Ga 3, 8). Thánh Thần là lửa, nhưng không phải là lửa hủy diệt, nhưng là lửa yêu mến, làm con tim chúng ta bừng cháy nhưng không thiêu hủy, như hình ảnh bụi gai bừng cháy, mà ông Mô-sê chứng kiến.
* * *
Hình ảnh Đức Ki-tô chịu đóng đinh trao ban thần khí nói cho chúng ta điều này (Ga 19, 30). Bởi vì Thánh Thần là Thánh Thần ban sự sống, và Đức Giê-su đến là để làm cho chúng ta được sống và sống dồi dào ngay hôm nay (x. Ga 10, 10).
Giuse Nguyễn Văn Lộc