Trưa Chúa Nhật III Mùa Vọng ngày 11.12.2016, Đức Thánh Cha đã ngỏ lời với hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương hiện diện tại Quảng trường thánh Phêrô. Ngài mời gọi mọi người hãy vui lên trong Chúa.
Mở đầu bài huấn dụ trước khi đọc Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:
Cha chào tất cả anh chị em! Chúc mọi người một ngày tốt lành!
Hôm nay chúng ta cử hành lễ Chúa Nhật III mùa Vọng, được ghi dấu bằng lời mời gọi của thánh Phaolô: “Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: vui lên anh em! Chúa đã gần đến!” (Pl 4:4-5). Đây không phải là kiểu niềm vui hời hợt, cũng không phải là loại niềm vui nhất thời chỉ mang tính cảm xúc, không phải niềm vui trong việc mua bán tiêu dùng. Không. Đây là niềm vui đích thực, và chúng ta được mời gọi để tái khám phá hương vị của loại niềm vui này, thứ hương vị của niềm vui chân thực. Đó là loại niềm vui chạm đến tâm hồn sâu thẳm của chúng ta. Nơi đó, chúng ta đang đợi chờ Chúa Kitô, Đấng mang lại ơn cứu độ cho thế giới, Đấng mà Thiên Chúa sai đến, Đấng đã được Đức Trinh Nữ Maria sinh ra tại Bêlem.
Phụng vụ Lời Chúa hôm nay giúp chúng ta hiểu và nghiệm được loại niềm vui này. Ngôn sứ Isaia nói về cảnh hoang mạc khô cằn, bàn tay rời rã, đầu gối mỏi mòn, người bị mù bị điếc bị câm (Is 35:1-6a.10). Bức tranh buồn thảm này nói về một định mệnh vắng bóng Thiên Chúa.
Nhưng cuối cùng, sự cứu rỗi đã được công bố. Ngôn sứ Isaia nói: “Hãy can đảm lên, đừng sợ hãi! Kìa Thiên Chúa đến… Ngài đến để cứu độ anh em”. Từ đó, ngay lập tức, mọi sự biến đổi: hoa nở trên sa mạc, niềm vui tràn ngập tâm hồn. Những dấu chỉ mà Isaia công bố, đã trở nên hiện thực nơi Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã trả lời cho những người được Gioan Tẩy Giả sai đến. Chúa Giêsu nói: “Hãy về thuật lại cho Gioan những gì các ông nghe và thấy: người mù được thấy, người què đi được, người phong được sạch, kẻ điếc được nghe, kẻ chết sống lại” (Mt 11:5). Những lời ấy, những việc làm ấy minh chứng cho ơn cứu độ mà Chúa Giêsu mang đến. Thiên Chúa đã đi vào lịch sử để giải phóng chúng ta khỏi ách tội lỗi. Ngài ở giữa chúng ta, chia sẻ cuộc sống của chúng ta, chữa lành những thương tích của chúng ta, băng bó vết thương và ban cho chúng ta sự sống mới. Niềm vui là kết quả của hành vi cứu độ và tình yêu của Thiên Chúa.
Chúng ta được mời gọi để tham dự vào niềm vui này, niềm vui hân hoan này… Nhưng nếu một Kitô hữu mà không vui, thì có gì đó không còn là Kitô hữu nữa! Niềm vui này sâu xa trong tâm hồn và đem lại cho ta sự can đảm tiến về phía trước. Chúa đến, Chúa đi vào cuộc sống của chúng ta, để giải thoát chúng ta khỏi những trói buộc cả trong lẫn ngoài. Ngài đã cho chúng ta thấy con đường của trung tín, kiên nhẫn và bền lòng, vì khi Ngài trở lại, niềm vui của chúng ta sẽ thành toàn.
Giáng Sinh đang đến gần, các dấu chỉ của Giáng Sinh hiển hiện trên các con phố và ngay tại quảng trường này. Những dấu hiệu bên ngoài mời gọi chúng ta mở lòng đón Chúa, Đấng luôn đến và gõ cửa nhà chúng ta, gõ cửa tâm hồn chúng ta. Chúng ta được mời gọi để nhận ra những bước chân của Ngài nơi những anh chị em xung quanh, đặc biệt là những người yếu đuối và thiếu thốn.
Hôm nay chúng ta được mời gọi để vui mừng vì Đấng Cứu Độ chúng ta ngự đến, và chúng ta chia sẻ niềm vui này với tha nhân, trao tặng niềm vui hy vọng cho người nghèo khổ, người ốm đau và những ai bất hạnh. Lạy Đức Nữ Trinh Maria, nữ tỳ của Chúa, xin giúp chúng con biết lắng nghe lời mời gọi của Thiên Chúa trong cầu nguyện, và với đầy lòng cảm thông, biết phục vụ Ngài nơi những chị em chúng con, xin cho con biết sẵn sàng đón mừng Giáng Sinh và chuẩn bị tâm hồn để đón Chúa Giêsu.
Tiếp đến, Đức Thánh Cha đã đọc Kinh Truyền Tin và ban phép lành Tòa Thánh cho mọi người.
Đức Thánh Cha mời gọi mọi người cùng hiệp thông cầu nguyện
Anh chị em thân mến!
Hằng ngày, Cha đặc biệt gần gũi với người dân thành Aleppo trong lời cầu nguyện. Chúng ta đừng quên rằng, Aleppo là thành phố với những con người, đó là những gia đình, những trẻ em, người cao tuổi, người bệnh… Thật đáng tiếc là chúng ta đã trở nên quá quen với chiến tranh, với sự tàn phá, nhưng chúng ta không được quên rằng, Syria là một quốc gia theo đúng nghĩa với lịch sử, văn hóa và đức tin. Chúng ta không thể chấp nhận rằng, chiến tranh tàn phá tất cả những điều ấy. Cha kêu mời sự dấn thân của mọi người, để có thể chọn lựa nói không với hủy diệt, để tiến tới hòa bình cho người dân Aleppo và Syria.
Chúng ta cũng cầu nguyện cho các nạn nhân trong một số vụ tấn công khủng bố tàn bạo vài giờ gần đây tại một số quốc gia. Tại một số nơi, bạo lực gây ra chết chóc phá hủy, và chỉ có một câu trả lời là: đức tin nơi Thiên Chúa và sự hiệp nhất trong các giá trị nhân văn. Tôi muốn bày tỏ sự gần gũi đặc biệt với người anh em thân mến là Đức Thượng Phụ Tawadros II của Giáo Hội Chính Thống Coptic và cộng đoàn dân Chúa của Ngài, để cầu nguyện cho những người bị chết và bị thương.
Hôm nay, tại Vientiane Lào, có lễ phong chân phước cho cha Mario Borzaga, linh mục truyền giáo dòng Tận Hiến Đức Mẹ Vô Nhiễm, cho người giáo lý viên Paul Thoj Xyooj, và 14 bạn tử đạo. Các ngài đã trung thành với Chúa Kitô một cách anh hùng. Tấm gương của các ngài khích lệ chúng ta trên đường truyền giáo, đặc biệt là những người giáo lý viên với sứ mệnh tông đồ không thể thay thế. Giáo Hội biết ơn tất cả những con người ấy. Chúng ta thấy rằng: các giáo lý viên đã làm rất nhiều, và những việc làm ấy thật đẹp! Là một giáo lý viên, đó là một điều thật đẹp. Cha mời mọi người vỗ tràng pháo tay dành tặng cho các giáo lý viên!
Đức Thánh Cha chào thăm mọi người hiện diện
Cha gửi lời chào thăm với đầy lòng mến, tới tất cả anh chị em, là những người hành hương đến từ các quốc gia khác nhau. Đầu tiên, Cha chào thăm các con là những em bé và người trẻ của Roma. Các con thân mến, khi các con cầu nguyện trước hang đá, hãy cầu xin Hài Nhi Giêsu giúp mọi người có được lòng mến Chúa và yêu người. Hãy nhớ cầu nguyện cho Cha nữa. Cha cũng nhớ cầu nguyện cho các con. Cha cám ơn các con.
Cha chào thăm các giáo sư của Đại học Công giáo Sydney, mọi người trong dàn hợp xướng Mosteiro de Grijó ở Bồ Đào Nha, các anh chị em đến từ Barbianello và Campobasso.
Cha cầu chúc mọi người ngày Chúa Nhật tốt lành và đừng quên cầu nguyện cho Cha.
(Tứ Quyết SJ, RadioVaticana 11.12.2016)
Niềm vui lớn cho Giáo Hội Lào bé nhỏ: 17 vị tử đạo được tuyên chân phước
Trong Năm Thánh Lòng Thương Xót, Giáo Hội Lào đón nhận 2 niềm vui lớn: lễ truyền chức linh mục cho 3 phó tế người Lào và quyết định tuyên chân phước cho 17 vị tử đạo gồm linh mục, tu sĩ và giáo dân đã hiến dâng mạng sống để làm chứng cho đức tin tại Lào. Đức Thánh Cha Phanxicô đã cho phép cử hành Thánh lễ tuyên chân phước vào ngày 11 tháng 12, Chúa Nhật thứ III mùa Vọng tại thủ đô Vientiane, Lào và bổ nhiệm Đức hồng y Orlando Quevedo, OMI Tổng giám mục Tổng giáo phận Cotabato (Philippines), làm Đặc sứ chủ tọa lễ tôn phong chân phước.
Nghĩa cử này của Đức Thánh Cha thể hiện sự quan tâm đặc biệt của ngài đối với những giáo hội bé nhỏ, những vùng đất ngoại biên thuộc diện “vùng sâu vùng xa” trong Giáo Hội. Giáo Hội Lào hiện có khoảng 45.000 người Công giáo Lào, chưa được 1% dân số (6 triệu người đa số theo Phật Giáo). Giáo hội Lào hiện có 4 Hạt Đại diện Tông toà, trong đó Luang Prabang đang trống toà, với 14 linh mục. Thế nên, với biến cố 17 vị tử đạo được tuyên chân phước, Giáo Hội Công Giáo Lào bé nhỏ sẽ bước vào một chặng đường lịch sử mới, tràn đầy niềm vui và hy vọng.
Trước hồng ân lớn lao này, Đức cha Louis-Marie Ling Mangkhanekhoun, Đại diện tông tòa Paksè, đã chia sẻ với hãng tin Fides rằng: “Đây là một thời điểm lịch sử đối với Giáo hội chúng tôi, thực sự là một năm hồng ân […] Đối với chúng tôi, đây là một sự kiện hiêp thông trọng vẹn với Tòa Thánh và Giáo hội hoàn vũ. Chúng tôi cám ơn Đức Thánh cha Phanxicô đã cho phép lễ phong chân phước cho các vị tử đạo được tổ chức tại Lào. Nó là một quà tặng lớn lao cho chúng tôi.”
Tiến trình phong chân phước của 17 vị tử đạo tại Lào đã được Đức Thánh Cha Phanxicô công nhận hồi năm ngoái trong khuôn khổ hai vụ án phong thánh riêng biệt. Tiến trình thứ nhất liên quan đến cha Mario Borzaga OMI, thừa sai Ý, và Paul Thoj Xyooj, giáo lý viên người bản xứ đầu tiên. Hai vị bị sát hại vì đức tin năm 1960. Tiến trình thứ hai liên quan đến cha Giuse Thao Tien và 14 bạn tử đạo, trong đó có 10 vị thừa sai thuộc Hội Thừa Sai Paris (MEP) và Dòng Hiến sĩ Đức Mẹ Vô Nhiễm (OMI) và 4 giáo lý viên bản xứ. 15 vị này đã bị du kích quân Pathet Lào sát hại trong thời gian từ năm 1954 đến năm 1970.
Ngày đại lễ 11 tháng 12 đã đến, anh chị em giáo dân Lào trong trang phục truyền thống nô nức tiến về nhà thờ chính toà Thánh Tâm Chúa Giêsu tại Vientiane, Lào để tham dự Thánh Lễ có lẽ là lớn nhất từ trước đến nay tại Giáo Hội truyền giáo non trẻ này. Thánh lễ tuyên chân phước đã được Đức Hồng y đặc sứ cử hành trọng thể cùng với phái đoàn các giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân từ Việt Nam, Thái Lan và Cambodia.
Đức Thánh Cha Phanxicô nói tới vị tử đạo của Lào quốc trong lúc đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 11.12.2016 như sau: “Gương Trung thành anh dũng của các ngài với Chúa Kitô là một sự khích lệ và mẫu gương cho các công cuộc truyền giáo, đặc biệt cho các giáo lý viên, những người nắm giữ một vai trò tông đồ có giá trị và không thể thay thế, mà Giáo Hội rất biết ơn.”
Hình ảnh các vị tử đạo được đặt trang trọng trong nhà thờ chính toà. Các sách hát dùng trong phụng vụ được in bằng tiếng Lào, tiếng Việt và tiếng Anh. Có lẽ đây là lần đầu tiên trong lịch sử Giáo hội Lào được chính quyền cho phép tổ chức một Thánh lễ trọng thể với nhiều giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân như thế. Với Thánh Lễ tuyên chân phước hôm nay, Giáo Hội Lào đã Sự kiện trọng đại này đánh dấu một bước ngoặt lịch sử đối với công cuộc loan báo Tin Mừng của Giáo Hội tại “đất nước triệu voi” này.
Chỉnh Trần, SJ tổng hợp
Hình ảnh: facebook của 1 thầy OMI
(dongten.net 12.12.2016)